Hoạt động khuyến công nào đang thu hút được vốn đối ứng từ doanh nghiệp nhiều nhất?

Năm 2022, cùng với cả hệ thống chính trị, Bộ Công Thương đã quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ khôi phục lại chuỗi cung ứng, kết nối giao thương hàng hóa; đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn quyết tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, thích ứng với bối cảnh hậu Covid-19.

Riêng đối với hoạt động khuyến công, ngày 15 tháng 6 năm 2022 Bộ Công Thương ban hành Văn bản số 3384/BCT-CTĐP về tăng cường chỉ đạo thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn cả nước.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện; kịp thời tham mưu đề xuất nhiều giải pháp cụ thể đối với các nội dung hoạt động khuyến công nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT); huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác khuyến công của 3 khu vực trên cả nước, công tác hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở CNNT có nguồn hỗ trợ nhiều hơn cả các nội dung khác.

Có thể nói rằng, đây là chương trình trọng tâm trong hoạt động khuyến công, được nhiều địa phương quan tâm tổ chức thực hiện, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các cơ sở CNNT. Đồng thời, chương trình thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong việc đầu tư xây dựng mô hình, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị vào sản xuất với số vốn đầu tư.

Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương, khu vực phía Bắc, kế hoạch năm 2022, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ xây dựng 12 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới; hỗ trợ 402 cơ sở chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 05 cơ sở CNNT; Hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 04 cơ sở CNNT. Tổng kinh phí hỗ trợ là 108,8 tỷ đồng, chiếm 62,4% kinh phí khuyến công toàn vùng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An thăm gian hàng tại Hội chợ triển lãm Hàng CNNTTB năm 2022 tại Thanh Hóa

Trong đó, nguồn KCQG hỗ trợ xây dựng 49 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới; hỗ trợ 126 cơ sở ứng dụng máy móc hiện đại vào dây chuyền sản xuất công nghiệp; với tổng kinh phí hỗ trợ là 52,6 tỷ đồng, chiếm 66,1% kinh phí KCQG vùng.

Nguồn KCĐP hỗ trợ xây dựng 03 mô hình; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại cho 276 cơ sở CNNT. Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 05 cơ sở CNNT. Hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 04 cơ sở CNNT với kinh phí hỗ trợ là 94,6 tỷ đồng, chiếm 59,4% kinh phí KCĐP vùng.

Song song với kinh phí hỗ trợ theo kế hoạch, các nội dung này đã thu hút vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong việc đầu tư xây dựng mô hình, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị vào sản xuất với số vốn đầu tư hơn 435 tỷ đồng.

Đối với khu vực miền Trung – Tây Nguyên, theo kế hoạch năm 2022, hỗ trợ xây dựng 6 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới; hỗ trợ xây dựng 01 mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 253 cơ sở chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; Hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 05 cơ sở CNNT. Tổng kinh phí hỗ trợ là 47,26 tỷ đồng, chiếm 64,92% kinh phí khuyến công toàn vùng.

Doanh nghiệp ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất 

Với kinh phí hỗ trợ theo kế hoạch thu hút vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong việc đầu tư xây dựng mô hình, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị vào sản xuất với số vốn đầu tư khoảng gần 180 tỷ đồng.

Khu vực phía Nam, theo kế hoạch năm 2022, hỗ trợ xây dựng 05 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới; hỗ trợ 223 cơ sở chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 04 cơ sở CNNT. Tổng kinh phí hỗ trợ là 65,1 tỷ đồng, chiếm 63,7% kinh phí khuyến công toàn vùng.

Trong đó, nguồn khuyến công quốc gia (KCQG) hỗ trợ xây dựng 03 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới; hỗ trợ 52 cơ sở ứng dụng máy móc hiện đại vào dây chuyền sản xuất công nghiệp; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 02 cơ sở CNNT; với tổng kinh phí hỗ trợ là 24,1 tỷ đồng, chiếm 66% kinh phí KCQG vùng.

Ngồn khuyến công địa phương (KCĐP) hỗ trợ xây dựng 02 mô hình; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại cho 167 cơ sở CNNT; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 02 cơ sở CNNT; với kinh phí hỗ trợ là 41,1 tỷ đồng, chiếm 62,5% kinh phí KCĐP vùng.

Có thể nói, các hoạt động khuyến công, nhất là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến... tiếp tục được các địa phương quan tâm, đẩy mạnh đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất CNNT; hỗ trợ khuyến khích các cơ sở CNNT thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm; khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tại địa phương. Nguồn đối ứng lớn từ các doanh nghiệp với nội dung này đã tạo cho các cơ sở CNNT, địa phương có sự nhìn nhận tích cực về hiệu quả hỗ trợ của Nhà nước.

Thăng Long