Năm 2024: Công tác khuyến công và quản lý cụm công nghiệp đạt được những kết quả tích cực

Theo Cục Công Thương địa phương, dưới sự chỉ đạo của Đảng, sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, năm 2024 công tác khuyến công và quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã từng bước có bước chuyển mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật được triển khai tích cực và đạt kết quả. Trong năm 2024, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ký ban hành 02 Nghị định (Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 43/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ). Đồng thời, ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BCT 15/8/2024 quy định chế độ báo cáo định kỳ về cụm công nghiệp, cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước và một số mẫu văn bản về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Cụm công nghiệp

Bên cạnh đó, về công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công: Tiếp tục triển khai Chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thông qua nhiều nội dung hoạt động nhẳm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu; giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực là điểm nhấn của kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2024 với số lượng sản phẩm đăng ký và được bình chọn nhiều nhất từ trước đến nay. Hoạt động khuyến công ngày càng thực hiện có chất lượng, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu và phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2024 tại Quyết định số 3396/QĐ-BCT ngày 29/12/2023 với tổng kinh phí thực hiện là 130 tỷ đồng/106 đề án, nhiệm vụ; tuy nhiên tính đến ngày 04/12/2024 Bộ Tài chính thống nhất phân bổ kinh phí khuyến công quốc gia cho Bộ Công Thương là: 45,546 tỷ đồng/36 đề án, nhiệm vụ, chiếm 35,04% tổng kinh phí.

cụm công nghiệp

 

Đồng thời, về công tác quản lý cụm công nghiệp: Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, kết nối giao thương tại các địa phương được đẩy mạnh, góp phần phát triển công nghiệp và thương mại tại các địa phương. Theo Phương án phát triển cụm công nghiệp thời kỳ 2021-2030 thuộc Quy hoạch của các tỉnh/thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, trên địa bàn cả nước quy hoạch 2.148 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 94.600 ha. Ước thực hiện đến hết năm 2024, cả nước thành lập khoảng 1.070 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 40.400 ha; trong đó có khoảng 725 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 24.300 ha, thu hút hơn 14.000 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 690.000 lao động, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 67%; có trên 225 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động.

Minh Trí