Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam: Xuất hiện những mô hình, cách làm sáng tạo

Ngày 6/10/2023, tại Hậu Giang, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức “Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực Phía Nam lần thứ IX, năm 2023”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh chủ trì hội nghị.
thu truong phan thi thang
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết: Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực Phía Nam nhằm thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trọng công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.

Hội nghị là dịp cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại nhằm tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực.

hội nghị ngành công thương phía Nam
Toàn cảnh Hội nghị

Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tiếp xúc trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại; tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để định hướng liên kết vùng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, khu vực phía Nam là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đầu mối trong hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Trong đó Vùng Đông Nam Bộ (mà hạt nhân là TP. Hồ Chí Minh) là trung tâm lớn, năng động về kinh tế, khoa học công nghệ; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, trái cây, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước.

Hội nghị ngành Công Thương 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ IX, năm 2023, được tổ chức nhằm mục đích đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 4 tháng cuối 2 năm 2023.

hội nghị ngành công thương phía nam
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh và các đại biểu chủ trì hội nghị.

Theo Bộ Công Thương, năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, công tác quản lý nhà nước của các Sở Công Thương phía Nam ngày càng rõ nét và đi vào chiều sâu, giảm dần các hoạt động giải quyết các công việc mang tính sự vụ, sự việc. Công tác cải cách hành chính, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát huy hiệu quả. Cụ thể, về công nghiệp, dù tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn ổn định và phát triển sản xuất. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp toàn khu vực năm 2022 đạt khá; có 13/20 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 7,8% (cả nước).

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, đã có những điểm mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ngành công thương, những mô hình, cách làm hay, sáng tạo.

Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Hội ngành hàng sen và xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sen: Hội đã tổ chức kết nối thành công giữa Tổ hợp tác trồng sen xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười (18 hộ nông dân, diện tích khoảng 36,6ha) với Công ty CP thực phẩm Sen Đại Việt. Hai bên đã ký kết hợp đồng tiêu thụ 360 tấn gương sen/năm, với giá bình ổn khoảng 09 tỷ đồng/năm.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý mạng lưới bán buôn, bán lẻ tại tỉnh Đồng Tháp: xây dựng phần mềm quản lý thông tin trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng xăng dầu, doanh nghiệp, hợp tác xã,…; cho phép các đơn vị là thành viên của hệ thống cung cấp và cập nhật thường xuyên thông tin, đảm báo tính chính xác giúp người tiêu dùng, đối tác dễ dàng truy cập tìm kiếm thông tin; giúp cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm bắt các thông tin liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn, qua đó có những giải pháp quản lý hiệu quả.

Tại Thành phố Cần Thơ, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Cần Thơ và tỉnh Quảng Ninh, đồng thời với việc khai trương đường bay Cần Thơ - Vân Đồn; Tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối giao thương giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với tỉnh Quảng Ninh và Ngày hội kết nối giao thương giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Công ty cổ phần Y dược Sâm Ngọc Linh nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh trong việc kết nối liên vùng, mở ra cơ hội giao thương giữa các doanh nghiệp, đưa hàng hóa của thành phố Cần Thơ đến với người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh Đông Bắc Bộ, đồng thời mở ra cơ hội cho hàng hóa của thành phố Cần Thơ đi trực tiếp sang Trung Quốc thông qua các cửa khẩu tại tỉnh Quảng Ninh và du khách quốc tế đến tham quan, du lịch tại tỉnh Quảng Ninh.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp năm 2023 với chủ đề “Ngành ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển” nhằm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội nghị có sự tham gia của 16 ngân hàng thương mại đã ký kết với 64 doanh nghiệp, tổng gói tín dụng  khoảng 11.000 tỷ đồng.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất trước, triển khai các chương trình kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển xuất khẩu của Thành phố; tăng cường kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước và với thế giới, góp phần tăng trưởng xuất khẩu bền vững, theo hướng xanh, thân thiện với môi trường Sở Công Thương tổ chức nhiều sự kiện như: Hội chợ hàng Việt Nam Xuất khẩu, Diễn đàn Liên kết vùng hướng đến Xuất khẩu xanh, Hội nghị Kết nối thông tin thị trường xuất khẩu…

Sở Công Thương tổ chức Hội thảo quốc tế “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các hội ngành nghề, doanh nghiệp Thành phố về cách tiếp cận, định hướng các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới và đề xuất giải pháp, chính sách phát triển các ngành công nghiệp.

Tại tỉnh Bình Dương, Sở Công Thương luôn theo dõi nắm bắt tình hình để hỗ trợ, vận động doanh nghiệp vượt qua khó khăn trở lại hoạt động SXKD. Sở đã ban hành Kế hoạch hoạt động của Tổ công tác nắm tình hình doanh nghiệp năm 2023 và tổ chức nắm tình hình doanh nghiệp trong Hiệp Hội ngành hàng, CCN và báo cáo tình hình trở lại sản xuất, kinh doanh sau Tết Nguyên đán Quý mão 2023. Tổ chức thành công Hội nghị tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước năm 2022 với tổng số đại biểu tham dự là 180 người.

Công tác xúc tiến thương mại được tăng cường với nhiều hoạt động nổi bật như: Năm 2022, tổ chức Bình Dương Expo với chuỗi sự kiện Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương & Triển lãm Trà & Cà phê, có sự tham gia của hơn 110 doanh nghiệp thuộc 05 tỉnh vùng Đông Nam Bộ với hơn 167 gian hàng, 03 hệ thống phân phối và 10 doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Kết quả doanh thu đạt 500 triệu đồng, 47 lượt doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ với 03 hệ thống siêu thị, hơn 20 doanh nghiệp chào hàng cho 04 tập đoàn nước ngoài (Marbuchi, Northern, Soa, Fujikura). Tham gia trưng bày tại Triển lãm máy chế biến gỗ và nguyên phụ liệu ngành gỗ - BIFA WOOD Việt Nam năm 2022 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC Expo Bình Dương. Kết quả: có 101 doanh nghiệp tham gia, 6.500 khách tham quan, 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó khách nước ngoài chiếm 40% và đối tác trong nước chiếm 60%.

Nhìn chung, khu vực các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam có quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp đã có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp thâm dụng lao động, các ngành gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá, tạo đòn bẩy kinh tế kích thích các ngành khác phát triển.

Đa số các doanh nghiệp hoạt động ổn định và hiệu quả, nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, hình thành nhiều chủng loại sản phẩm mới; doanh nghiệp chú trọng đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất, mở rộng nhà xưởng.

Hoạt động thương mại và dịch vụ trong khu vực trong năm 2022 và 8 tháng năm 2023 tiếp tục phát triển với tốc độ khá, có 15/20 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 trên 20%; thị trường sôi động, phát triển ổn định; hàng hóa phong phú, đa dạng, cung - cầu các hàng hóa thiết yếu được đảm bảo; quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng ngày được quan tâm. Hạ tầng thương mại được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực; đầu tư cho phát triển thương mại nông thôn chuyển biển tích cực, nhất là tiêu chí về chợ.

Đặc biệt, Chương trình bình ổn thị trường, gắn kết với các mục tiêu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng được nhân rộng, đã góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo đòn bẩy quan trọng cho phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực; đồng thời, củng cố thêm niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Mạng lưới điểm bán hàng bình ổn, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đã được nhân rộng đến vùng nông thôn, vùng dân cư và công nhân tập trung, góp phần đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý.

Hoạt động xuất khẩu của nhiều tỉnh, thành tiếp tục ổn định và phát triển. Mặc dù, vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng đa số các doanh nghiệp đã chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường, nên kim ngạch xuất khẩu của nhiều sản phẩm tăng lên.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang đạt 13,3%, đứng thứ nhất cả nước. Trong đó, ngành Công Thương đã đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội với giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 28.000 tỷ đồng, tăng 10,87% so với cùng kỳ và đạt 72,4% so với kế hoạch năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,22% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 584 triệu đô, tăng 12%, so với cùng kỳ, đạt 79,27%. so với kế hoạch. Doanh thu bán lẻ hàng hóa trên 30.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.

Theo Bộ Công Thương, năm 2023 ngành Công Thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp toàn khu vực đạt trên 9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3.232 nghìn tỷ đồng, tăng 10,85% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa toàn khu vực ước đạt 235,15 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu 130,05 tỷ USD, nhập khẩu 105,10 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu kế hoạch năm 2023, ngành Công Thương các địa phương cần tiếp tục chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ theo các Nghị quyết và văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương; tham mưu, đề xuất Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc triển khai và đưa cơ chế, chính sách vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Theo đó, về lĩnh vực công nghiệp: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất; tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam.

Về lĩnh vực thương mại: Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…

Về lĩnh vực năng lượng: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn từng tỉnh, thành phố Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2025, thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20/TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu, thực hiện các dự án về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) và dự án điện khí LNG…

Thăng Long - Mạnh Hùng