Bộ Công Thương cho biết, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ nhằm mục đích: Khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác phát triển và quản lý chợ. Đồng thời, tận dụng mọi nguồn lực tạo điều kiện phát triển mạng lưới chợ theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm, là kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối sản xuất và tiêu dùng.
Dự kiến dự thảo Nghị định sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02/2003/NĐ-CP về: Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển chợ (từ ngân sách nhà nước); chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng chợ… cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Cụ thể, đối với chính sách: Quy định về đầu tư xây dựng chợ, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi chính sách này theo hướng:
Không quy định cụ thể loại chợ được đầu tư từ ngân sách địa phương, cho phép địa phương tự cân đối ngân sách đầu tư xét trên tính cấp thiết theo các quy định của pháp luật về đầu tư công.
Sửa đổi quy định về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển chợ của các thành phần kinh tế, không viện dẫn cụ thể, do đó, đầu tư phát triển chợ của các thành phần kinh tế được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và chính sách tín dụng, chính sách xã hội hóa đầu tư theo các quy định hiện hành.
Đồng thời, bổ sung quy định về việc huy động phải có phương án cụ thể, công khai, được UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt, xem xét đưa ra tỷ lệ phần trăm số vốn được huy động trước trong tổng vốn đầu tư xây dựng…
Đối với chính sách: Về dự án đầu tư xây dựng chợ và bố trí các công trình trong phạm vi chợ: Để bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ các thương nhân kinh doanh tại chợ bị ảnh hưởng do quá trình đầu tư xây dựng lại hoặc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa lớn, Bộ Công Thương đề xuất như sau:
Đối với các chợ đầu tư xây dựng lại hoặc cải tạo nâng cấp, sửa chữa lớn có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của thương nhân tại chợ, chủ đầu tư phải xây dựng phương án hỗ trợ di chuyển, bố trí chợ tạm và sắp xếp kinh doanh tại chợ tạm trong thời gian đầu tư xây dựng; phương án sắp xếp kinh doanh tại chợ sau khi xây dựng, cải tạo lại trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trước đó, chủ đầu tư phải công bố công khai cho thương nhân đang kinh doanh tại chợ biết để đóng góp ý kiến, tạo sự đồng thuận cao, giúp chủ đầu tư hoàn thiện phương án…
Phạm vi điều chỉnh
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP là loại chợ mang tính truyền thống, được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch, đáp ứng các nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của dân cư.
Dự kiến dự thảo Nghị định sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về: chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển chợ (từ ngân sách nhà nước); chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng chợ…cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Về cơ bản các nội dung chính của Nghị định số 02/2009/NĐ-CP vẫn được giữ nguyên.
Đối tượng áp dụng
Các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động về chợ, bao gồm các lĩnh vực: đầu tư, nâng cấp, cải tạo, kinh doanh, khai thác chợ.