Kịp thời thông tin biến động thị trường và kết nối cơ hội giao thương cho doanh nghiệp

Việc cập nhật nhanh nhất thông tin thị trường, các chính sách mới của các nước giúp các ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường.

giao ban xúc tiến thương mại

Ngày 30/8/2022, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 8/2022. Đây là sự kiện thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước” được thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Hội nghị được tổ chức theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của hơn 300 đại biểu là các cơ quan, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, trong đó có hơn 50 Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) đề nghị các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trao đổi các thông tin cập nhật hàng tháng về diễn biến thị trường, những quy định, chính sách điều chỉnh mới của thị trường sở tại có tác động tới thương mại với Việt Nam và các khuyến nghị về hoạt động XTTM phù hợp tại nước sở tại làm cơ sở cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

Mặt khác, "đề nghị các địa phương, Hiệp hội ngành hàng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xúc tiến xuất, nhập khẩu đối với các mặt hàng, ở các thị trường cụ thể, đồng thời đề xuất nhu cầu cần sự hỗ trợ, hướng dẫn tới đích danh từng cơ quan Thương vụ liên quan trong thời gian trước mắt sắp tới", ông Phú nhấn mạnh.

Thực hiện đúng tính chất kênh trao đổi thông tin trực tiếp, thống nhất và nhanh nhất giữa các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các đơn vị chức năng Bộ Công Thương, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cả nước, 2 phiên nội dung chính của Hội nghị giao ban tháng 8/2022 với hàng loạt ý kiến đã tập trung trao đổi, chia sẻ thông tin hai chiều rất hiệu quả, thiết thực.

Trong đó, đại diện các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã cập nhật những chính sách, yêu cầu mới và các cơ hội thị trường nước sở tại; còn đại diện các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cũng thông tin về những khó khăn, thuận lợi và nhu cầu thị trường.

thương vụ thị trường

Nhiều chính sách, diễn biến mới từ các thị trường 

Ông Vũ Chiến Thắng, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha thông tin, nửa đầu năm 2022 Việt Nam vẫn duy trì được thị phần xuất khẩu ổn định như trước đại dịch là 0,9% trong thị phần nhập khẩu chung của Tây Ban Nha với thế giới. Hiện tại Việt Nam đã vươn lên là một trong những nguồn xuất khẩu có thị phần và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của khu vực châu Á xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha, chỉ xếp sau Trung Quốc, đứng ngang hàng với Hong Kong và xếp trên cả Singapore, Nhật Bản, Đài Loan...

Tuy nhiên, ông Thắng khuyến cáo các doanh nghiệp cần chú trọng duy trì chất lượng và thương hiệu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Tây Ban Nha.

"Trong thời gian từ đầu năm 2022 đến nay, Thương vụ đã nhận được văn bản thông báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha về việc phát hiện ít nhất 8 trường hợp lô hàng nông sản của các doanh nghiệp Việt Nam có chất gây bệnh/chất cấm vượt quá mức cho phép hiện hành của EU, bao gồm: cà phê, nước sốt tiêu, khô soài, dừa quả, vải thiều, hạt điều, gạo và bột cà ri, do đó phía bạn đã áp dụng biện pháp tăng cường kiểm soát với các lô hàng tiếp theo ngay tại cảng đến sở tại", ông Thắng cho biết.

vũ chiến thắng
Ông Vũ Chiến Thắng, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha khuyến cáo các doanh nghiệp cần chú trọng duy trì chất lượng và thương hiệu hàng hóa xuất khẩu

 

Trong khi đó, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal, Butan) thông tin, Bộ Công Thương Ấn Độ dự kiến thành lập cơ quan xúc tiến thương mại trên cơ sở gộp các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương, ngành hàng cũ. Động thái này nhằm mục tiêu tăng mạnh xuất khẩu của Ấn Độ từ mức bình quân 300-400 tỷ USD/năm hiện nay lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi năm trong thời gian tới.

Về diễn biến thị trường, thời gian qua Chính phủ Ấn Độ đã có hành động nhằm hạ nhiệt lạm phát bằng cách đưa ra một số chính sách hạn chế nhập khẩu, trong đó có lúa mì - mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân nước này; sắp tới dự kiến sẽ hạn chế cả thực phẩm từ lúa mì như bột mỳ và các sản phẩm khác.

Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ động thái liệu Chính phủ Ấn Độ có thay đổi gì trong chính sách xuất nhập khẩu với mặt hàng gạo hay không để thông tin kịp thời về Bộ Công Thương, từ đó cập nhật kịp thời tới doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục theo dõi, cập nhật quy định mới về kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thú y đối với một số sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu”, ông Bùi Trung Thướng chia sẻ.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cũng cho biết, điểm sáng trong công tác XTTM giữa Việt Nam và Ấn Độ là tháng 8/2022 Thương vụ đã phối hợp tổ chức đoàn XTTM của 40 doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Ấn Độ sang Việt Nam sang tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác. Tháng 9/2022, Thương vụ sẽ phối hợp với Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ tổ chức đoàn cho các ông chủ doanh nghiệp Ấn Độ tham dự sự kiện lớn ở Bình Dương.

Ông Bùi Trung Thướng thông tin về các sự kiện hội chợ, XTTM sắp tới tại Ấn Độ liên quan tới nhiều lĩnh vực như: dệt may, da giày, thực phẩm... và cho biết sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp quan tâm, tham dự.

Tương tự, ông Lưu Vạn Khang, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Panama cho biết, hiện có một số doanh nghiệp Panama và Mexico muốn tìm cơ hội chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, đồng thời tìm kiếm đối tác cung cấp hàng dệt may, giày dép; một số doanh nghiệp mong muốn tiếp xúc, tìm hiểu cơ hội để đầu tư tại địa phương phù hợp của Việt Nam.

"Thương vụ dự kiến tổ chức Đoàn doanh nghiệp, chuyên gia khoảng 50 – 60 người vào Việt Nam trao đổi về cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực dệt may, da giày vào khoảng trung tuần tháng 11/2022; đồng thời Thương vụ đang phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Chế biến lâm sản; Sở Công Thương TP.Hải Phòng để kết nối, xúc tiến với các doanh nghiệp Mexico", ông Khang cho hay.

Bà Nguyễn Thị Điệp Hà, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan chia sẻ thông tin về việc Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ ký Hiệp định ưu đãi thương mại khiến một số nhóm hàng hóa Việt Nam bị ảnh hưởng tại thị trường Pakistan do mức thuế suất kém cạnh tranh. Trong đó có những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam vào Pakistan là chè đen bị ảnh hưởng ngay bởi thuế nhập khẩu mặt hàng này từ Thổ Nhĩ Kỳ được giảm ngay về 0% trong khi chè đen của Việt Nam hiện chịu thuế 11%...

Các địa phương, doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được hỗ trợ

Đánh giá cao sáng kiến và sự triển khai của Bộ Công Thương trong việc tổ chức hội nghị giao ban với các thương vụ hàng tháng, đại diện một số Sở Công Thương địa phương, cùng đại diện cho một số hiệp hội, doanh nghiệp đã chia sẻ những khó khăn và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự tiếp tục hỗ trợ tích cực của các đơn vị Bộ Công Thương và hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Đại diện cho các doanh nghiệp dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam bày tỏ những lo lắng về nguy cơ thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu cho sản xuất do Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách Zero-Covid.

Trương Văn Cẩm
Ông Trương Văn Cẩm mong sự hỗ trợ từ các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin, dự báo xu hướng thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng của các nước sở tại sau dịch Covid-19

 

Theo ông Cẩm, khó khăn nhất là các đơn hàng suy giảm do tác động từ kinh tế thế giới suy giảm và lạm phát tại các thị trường lớn tăng cao dẫn tới giảm sức mua hàng tiêu dùng, gây thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may.

Bên cạnh đó là giá nguyên liệu chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Nhiều thị trường, đặc biệt là EU - thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam đưa ra chiến lược mới về dệt may với những quy định mới về xanh hoá sản phẩm, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững… Điều này gây khó khăn cho ngành và doanh nghiệp về yêu cầu chuyển đổi ngay từ khâu sản xuất để đáp ứng với các tiêu chí xanh, sạch, phát triển bền vững...

"Chúng tôi mong sự hỗ trợ từ các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin, dự báo xu hướng thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng của các nước sở tại sau dịch Covid-19 biến động ra sao; Khuyến cáo những rủi ro về địa bàn nên hay không nên xúc tiến xuất khẩu.... Với thị trường Trung Quốc, đề nghị Thương vụ tại nước sở tại có sự phối hợp hỗ trợ về đẩy nhanh việc vận chuyển các lô hàng nguyên phụ liệu đáp ứng kịp thời cho sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Thương vụ tại khu vực Châu Âu hỗ trợ cập nhật thông tin yêu cầu thị trường Châu Âu về những quy định mới đối với sản phẩm dệt may...", ông Cẩm đề xuất.

Chia sẻ về vụ việc mới đây tủ gỗ Việt Nam bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra áp thuế chống bán phá giá, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Cơ quan thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ trao đổi ý kiến, mời đại diện Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tới thị sát tại chỗ, xem xét thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này để thấy được sự minh bạch của doanh nghiệp, đồng thời đề nghị phía Hoa Kỳ gia hạn thời gian nộp bảng hỏi để doanh nghiệp trả lời đúng và chính xác.

Đại diện địa phương, bà Trương Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai đề nghị các thương vụ hỗ trợ tỉnh xúc tiến kết nối đối tác với những ngành hàng sản phẩm thế mạnh của tỉnh như đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ...;

Cùng ý kiến đó, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương đề nghị các thương vụ kịp thời cập nhật thông tin thị trường và các hoạt động xúc tiến giao thương để các địa phương, doanh nghiệp nắm bắt tham gia...

Trước những kiến nghị, đề xuất của đại diện các địa phương, hiệp hội ngành hàng, tại Hội nghị, đại diện Thương vụ Việt Nam tại một số thị trường, đại diện Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đã giải đáp và hướng dẫn cụ thể.

Vũ Bá Phú
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ với báo chí về Hội nghị giao ban

Tám tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều biến động phức tạp, khó lường từ dịch bệnh đến những bất ổn địa chính trị; lạm phát gia tăng ở các quốc gia, đối tác kinh tế lớn… Nền kinh tế của nước ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, cùng với những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế – xã hội 8 tháng đầu năm 2022 của nước ta hồi phục nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa: tháng 8/2022 ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).

Trong kết quả xuất nhập khẩu có sự đóng góp của hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) với sự tích cực, nỗ lực của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc chủ động nghiên cứu, đánh giá thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay các nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng có thể ảnh hưởng sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Ở góc độ nhiệm vụ XTTM phát triển ngoại thương, thực trạng này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất để các bên có thể cập nhật nhanh nhất thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Chuỗi Hội nghị giao ban XTTM với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài là một trong những giải pháp để phát huy và khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tế trên.

Việt Hằng