Ngày 29/7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7/2022.
Đây là Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại (XTTM) với các thị trường ngoài nước hàng tháng đầu tiên được tổ chức, thực hiện chủ trương của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương về việc định kỳ giao ban XTTM giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan.
Mục đích của Hội nghị nhằm trao đổi, cập nhật thông tin về thị trường ngoài nước; thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để mở rộng, phát triển thị trường mới, thúc đẩy xuất khẩu, góp phần bảo đảm cán cân thương mại phát triển hài hòa, bền vững.
Đóng góp quan trọng, tích cực của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài
Báo cáo tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, lĩnh vực công nghiệp và thương mại 7 tháng đầu năm vẫn đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước 7 tháng ước tính 435,2 tỷ USD, riêng xuất khẩu đạt 217,7 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu tăng đều ở các nhóm hàng. Nhóm nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến chế tạo đều tăng cao ở mức khoảng 16%, trong đó tập trung ở các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: dệt may, da giày, thủy sản... và nhóm các mặt hàng tranh thủ được giá cao để đây mạnh xuất khẩu như: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón...
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 217,5 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt; nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm 88,8% tổng kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm.
"Trong các thành tích nổi bật nêu trên, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, như: chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để cung cấp thông tin tiếp cận thị trường, hướng dẫn hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu", ông Phú cho biết.
Cùng với báo cáo của Cục XTTM, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7/2022 đã nghe báo cáo của các Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại một số thị trường ngoài nước cập nhật thông tin về cơ chế chính sách mới và tình hình, xu hướng, cơ hội phát triển thị trường ở các nước sở tại; nghe đại diện các địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu và đề xuất nhu cầu hỗ trợ trong thời gian tới.
Hội nghị cũng đã thảo luận, khuyến nghị nhiều nhiệm vụ, giải pháp và các sáng kiến nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Kết nối hiệu quả cơ hội thị trường trong từng thời điểm, từng giai đoạn
Đối với định hướng công tác thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý: Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đứng trước nhiều sức ép, tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước, đòi hòi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất để các bên có thể cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến xuất khẩu, đồng hành, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, bên cạnh những kiến nghị với các Bộ, ngành liên quan; UBND các tỉnh, thành phố; các hiệp hội ngành hàng, DN, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm đối với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ Công Thương cần tập trung triển khai trong thời gian tới.
Cụ thể, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chủ động nắm bắt, đánh giá chính sách nước sở tại, kịp thời tham mưu, đề xuất những phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu thị trường, tham mưu về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương; khuyến cáo, định hướng giúp các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng sản xuất kinh doanh phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do.
Tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có sự biến động mạnh, Bộ trưởng lưu ý các Thương vụ cần chú trọng tìm kiếm, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự chủ trong sản xuất và xuất khẩu, chủ động tham gia và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tích cực kết nối, thu hút đầu tư trong các khâu sản xuất, cung ứng các vật tư, vật liệu, thiết bị phục vụ phát triển ngành năng lượng trong nước, đặc biệt là năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ về công nghệ sản xuất, thiết bị trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ và Bộ, ngành liên quan, các địa phương, hiệp hội ngành hàng để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường trong từng thời điểm, giai đoạn.
Bộ trưởng cũng giao Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục làm đầu mối, phối hợp với các Vụ thị trường ngoài nước, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin và dự báo xu hướng thị trường; đồng thời, tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp.
Tăng cường kết nối, XTTM phù hợp với từng đối tượng, từng thị trường và từng sản phẩm để khai thác có hiệu quả các cơ hội thị trường trong từng thời điểm, từng giai đoạn. Chủ trì tổ chức tốt các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, để đảm bảo sự kết nối ngày càng chặt chế giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và cơ quan tham mưu trong nước, Cục XTTM kiến nghị:
(i) Tổ chức Hội nghị Giao ban XTTM hàng tháng với Hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài vào ngày làm việc cuối cùng hàng tháng.
(ii) Các địa phương thống nhất cử đầu mối là Lãnh đạo Sở Công Thương tham dự Giao ban XTTM hàng tháng với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để nêu yêu cầu, trao đổi định hướng hỗ trợ XTTM đối với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
(iii) Để chuẩn bị tài liệu chu đáo cho Hội nghị giao hàng tháng, các Thương vụ, các Vụ thị trường ngoài nước, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại và các địa phương, hiệp hội ngành hàng gửi báo cáo Tháng về kết quả phối hợp trong hoạt động XTTM, phát triển ngoại thương cùng các đề xuất, kiến nghị, yêu cầu vào trước ngày 25 hàng tháng.