Làm gì khi nhiều nước xoay trục hàng rào kỹ thuật với hàng xuất khẩu?

Những nỗ lực trong cảnh báo, siết chặt quản lý, giám sát được Chính phủ đánh giá là đã làm tốt vai trò tham mưu chính sách, nâng cao nhận thức của toàn hệ thống và tổ chức phối hợp chặt chẽ trong xử lý các vụ kiện, giúp các Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới trong PVTM.

xoay truc

Tăng tốc, chuyển làn, mở rộng khái niệm

Thời gian qua, nhiều mặt hàng xuất khẩu nước ta bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Tính đến hết tháng 7 năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 160 vụ việc, chiếm tỷ lệ 77%.

Việc tăng nhanh các biện PVTM nhằm vào hàng xuất khẩu nước ta không chỉ vì kinh tế thế giới bất ổn, nhiều nước quay lại xu hướng bảo hộ mà còn do đang dấy lên làn sóng “sáng tạo” đưa ra nhiều hình thức mới. Trước đây, hàng rào kỹ thuật trong thương mại thường được các nước sử dụng với 3 biện pháp: áp thuế chống bán phá giá; chống trợ cấp và tự vệ thương mại. Nay, nhiều nước chuyển sang hình thức mới là chống lẩn tránh PVTM.

Với hàng xuất khẩu nước ta, xu hướng bị áp dụng hình thức mới đang gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2021, có 10 mặt hàng được xác định có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm các mặt hàng: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đá nhân tạo, gạch men, xe đạp điện, ống đồng, vỏ bình ga, ghim đóng thùng, gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục.

Một sự chuyển hướng khác trong hàng rào kỹ thuật là mở rộng yêu cầu từ 1 mặt hàng sang nhiều mặt hàng khác nhau. Trước đây, một số đối tác FTA thế hệ mới trong đàm phán yêu cầu, để được hưởng thuế suất ưu đãi sản phẩm xuất khẩu phải có tỷ lệ xuất xứ nhất định “từ sợi trở đi” hoặc “từ vải trở đi” tđối với hàng dệt may, nay nhiều nước mở rộng yêu cầu này sang các sản phẩm khác như sắt thép, nhôm… Mỹ đã sử dụng cách làm này khi điều tra chống lẩn tránh thuế với thép chống ăn mòn và thép cán nguội Việt Nam, với lý do nguyên liệu nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc.

Săm lốp ô tô là một trong những mặt hàng xuất khẩu Việt Nam bị một số nước nhập khẩu áp dụng phòng vệ thương mại
Săm lốp ô tô là một trong những mặt hàng xuất khẩu Việt Nam bị một số nước nhập khẩu áp dụng phòng vệ thương mại

 “Nhìn đâu cũng thấy vi trùng!”

Việc nhiều nước tăng cường sử dụng biện pháp mới, chống lẩn tránh PVTM xuất phát từ thương chiến Mỹ-Trung, cuộc chiến nhôm thép giữa Mỹ và EU, giữa Mỹ với Canada và Mexico, cuộc chiến nông sản giữa EU và Mỹ…

Với nước ta, nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh PVTM chủ yếu từ thương chiến Mỹ-Trung và cuộc chiến nhôm thép, nông sản Mỹ-EU. Nguy cơ của biện pháp này rất lớn vì hai lý do. Thứ nhất, dễ áp dụng. Để khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ thương mại, phải hội tụ 4 điều kiện: Hàng hoá liên quan được nhập khẩu tăng đột biến; ngành sản xuất sản phẩm tương tự bị thiệt hại hoặc đe doạ bị thiệt hại nghiêm trọng; có mối quan hệ nhân quả giữa nhập khẩu tăng đột biến và thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại; đại diện nguyên đơn phải chiếm 25% sản lượng trên thị trường. Trong khi, chỉ cần xuất hiện điều kiện thứ nhất là có thể khởi xướng điều tra chống lẩn tránh PVTM.

Thứ hai, mang tâm lý “bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng”; các nước trong các cuộc thương chiến luôn lo sợ đối thủ của họ chuyển tải đầu tư sang nước thứ ba rồi tuồn hàng vào nước mình để né thuế. Hãy xem trường hợp sản phẩm gỗ dán xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung mới bùng phát năm 2018: 9 tháng đầu năm 2018 Việt Nam xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ 70 triệu USD, tháng 11/2018 Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM đối với các sản phẩm này.

70 triệu USD chiếm mấy phần trăm trong tổng số 3,6 tỷ USD Mỹ nhập khẩu gỗ dán năm 2018? Có vẻ như rất vô lý! Nhưng lại có lý ở chỗ, cái mà Mỹ nhằm vào là Trung Quốc. Gỗ dán Trung Quốc vốn bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp rất cao, 183% và 194%. Nay thấy cũng mặt hàng này của Việt Nam xuất sang Mỹ tăng mạnh, dù chỉ 70 triệu USD, nhưng xét về tỷ lệ đã tăng 516% so với cùng kỳ 2017.

phòng vệ thương mại

Trường hợp của gỗ dán Việt Nam cho thấy chuyện khởi xướng điều tra chống lẩn tránh PVTM dễ dàng đến mức nào! Không những không cần chứng minh có khả năng gây thiệt hại, cũng không cần phải có doanh nghiệp nước sở tại (Mỹ) làm nguyên đơn, chỉ cần cơ quan chức năng thấy có dấu hiệu nghi ngờ chuyển tải đầu tư là OK.

Định hình triết lý mới

Cơ quan quản lý nước ta đã phản ứng kịp thời với biện pháp hàng rào kỹ thuật mới. Bộ Công Thương đã xây dựng được một hệ thống công cụ phòng và chống, bao gồm: Xây dựng trình Thủ tướng ký ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Đề án 824); xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại; Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM; xây dựng danh mục cập nhật hàng hóa cảnh báo sớm; thành lập Tổ công tác liên ngành về phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM; yêu cầu các Cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM…

Hệ thống công cụ này đã phát huy tác dụng. Cụ thể là đã đưa ra được danh sách cảnh báo những mặt hàng có nguy cơ bị áp dụng biện pháp lẩn tránh PVTM ở 3 thị trường Mỹ, EU và Canada. Trong đó, phân loại theo 4 mức độ. Cảnh báo mức 4 và 3 là nhóm mặt hàng cần theo dõi chặt chẽ, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp liên quan, như gỗ dán, đá nhân tạo, giá để đồ bằng sắt, thép chống ăn mòn… Cảnh báo mức 2 và 1 là nhóm cần tiếp tục theo dõi, bao gồm vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng, sản phẩm đúc bằng gang, xơ sợi tổng hợp…

Hệ thống cảnh báo chỉ ra được những mặt hàng tăng cao đột biến về kim ngạch xuất khẩu. Hệ thống cảnh báo cũng chỉ ra được có hay không sự trùng khớp giữa các mặt hàng xuất khẩu nước ta tăng đột biến và các mặt hàng đang chịu áp thuế tại các nước; từ đó, có thể  chuyển từ cảnh báo sang các hành động để đảm bảo quyền lợi của sản xuất trong nước. Trên cơ sở cảnh báo này, doanh nghiệp sẽ chủ động điều chỉnh thị trường và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, sẵn sàng ứng phó khi “đáo tụng đình”.

Cùng với đó, Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa đối với các vụ việc lốp ô tô, thép cán mạ phủ sơn, tôm, pin mặt trời, nhôm, gỗ dán, thép cuộn cán nguội, thép chống ăn mòn, gạch men... Trong các vụ việc này, sau khi kiểm tra các trường hợp nghi vấn, làm rõ thông tin, Bộ đã đưa các kiến nghị và chuyển tới các đơn vị liên quan xử lý; đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ (DOC), EU (OLAF) trong tất cả các vụ việc điều tra.

Những nỗ lực trong cảnh báo, siết chặt quản lý, giám sát được Chính phủ đánh giá là đã làm tốt vai trò tham mưu chính sách, nâng cao nhận thức của toàn hệ thống và tổ chức phối hợp chặt chẽ trong xử lý các vụ kiện, giúp các Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới trong PVTM. Nhưng nguy cơ bị áp dụng các biện pháp lẩn tránh PVTM, gian lận xuất xứ vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao, nên Bộ trưởng Công Thương đã yêu cầu các cục vụ thuộc Bộ nghiên cứu sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với biện pháp chống lẩn tránh PVTM ở các nước nhập khẩu để đưa ra triết lý mới trong ứng phó.

Nhưng dù định hình được triết lý mới thế nào, thì trung tâm ứng phó vẫn phải từ doanh nghiệp. Do đó, các biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền đến hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức tọa đàm, đối thoại với doanh nghiệp; tăng cường tương tác giữa khối quản lý nhà nước và doanh nghiệp; đơn giản hóa các khái niệm, biến thông tin chuyên ngành thành thông tin phổ thông để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận trong chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh PVTM… đang được đặt ưu tiên hàng đầu.

Nhóm tác giả