Long An: Giảm chi phí sản xuất, tăng doanh thu nhờ kinh phí khuyến công

Nguồn kinh phí khuyến công địa phương được xem là “vốn mồi”, hỗ trợ một phần kinh phí để các cơ sở đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất.

Từ nguồn kinh phí này đã giúp các cơ sở tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất, tăng doanh thu và lợi nhuận, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn.

Được biết, năm 2023, UBND tỉnh Long An phê duyệt danh mục đề án khuyến công địa phương năm 2023 (đợt 1) gồm 6 đề án với kinh phí hỗ trợ là 1.042,5 triệu đồng. Theo đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Long An đã triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy rửa trái cây trong chế biến nông sản” từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 cho Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh tại 75, Ấp 5, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, có ngành, nghề sản xuất và tiêu thụ rau, củ, quả. Đề án được xây dựng với kinh phí 506 triệu đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 hỗ trợ 247 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh.

Những năm gần đây, doanh nghiệp chế biến nông sản chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Năng lực chế biến một số ngành hàng còn thấp, cơ sở chế biến phần lớn quy mô nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Chất lượng của nguyên liệu và sản phẩm chế biến không ổn định, còn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm nên giá bán nông sản Việt Nam thấp so với các nước khác. Sản phẩm chủ yếu còn thô (tính chung khoảng 70%), chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú nên việc nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam còn hạn chế.

Nhắc đến nông sản ở Long An, ngoài nhu cầu lao động cần thiết cho quá trình canh tác và thu hoạch, khâu rửa để định giá sản phẩm cần nhiều lao động thủ công. Tuy nhiên, nguồn lao động ở các vùng nông thôn hiện nay càng lúc càng khan hiếm nên việc huy động lao động cho khâu rửa trái cây, rau củ quả thường gặp nhiều trở ngại. Vào thời điểm thu hoạch tập trung, nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu lao động dẫn đến kéo dài thời gian tồn trữ, làm giảm giá trị sản phẩm.

khuyến công
Máy rửa trái cây được đầu tư mới đi vào hoạt động đã cho năng suất tăng cao 30%-50% so với rửa thủ công

Vì vây, thấy được nhu cầu trên, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ, Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh đã quyết định đầu tư 01 Máy rửa trái cây (Model: VW-F-300; Công suất rửa: 2-3 tấn/giờ; Xuất xứ: Việt Nam; Mới 100%; Năm sản xuất: 2023) trong chế biến nông sản, với mục đích rửa sơ chế nhằm góp phần khắc phục một phần trở ngại về nhu cầu lao động trong khâu rửa mà trước đây chủ yếu sử dụng nguồn lao động thủ công.

Trước đây, các công đoạn từ chọn lựa, rửa bằng thủ công nên chi phí nhân công cao, tốn nhiều thời gian và hiệu quả làm sạch thấp. Việc rửa trái cây, rau củ quả theo cách thông thường sẽ làm lãng phí rất nhiều nước. Tốn nhiều nhân công. Do rửa thủ công nên chất lượng không đồng đều, vi lượng bảo vệ thực vật chưa đảm bảo sạch. Năng suất thấp nên nguyên liệu sử dụng thấp.

Đến nay, máy móc đầu tư mới đi vào hoạt động đã cho năng suất tăng cao 30%-50% so với rửa thủ công, đạt 2-3 tấn/giờ. Ngoài ra, máy có thể điều chỉnh và kiểm soát được lượng nước cung cấp. Do đó, tiết kiệm đáng kể chi phí nước hàng tháng. Tiết kiệm 40% - 60% chi phí lao động. Sản phẩm sau khi sơ chế đồng đều, đạt đúng tiêu chuẩn đề ra. Đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng. Máy mới với công nghệ hiện đại tiết kiệm điện năng, giảm ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh cho biết về hiểu quả kinh tế của đề án: “Đề án đi vào hoạt động đã giúp Hợp tác xã giảm chi phí sản xuất, tăng doanh thu và lợi nhuận. Bảo đảm nguồn hàng cung cấp ổn định ra thị trường với chất lượng đồng đều; đảm bảo thời gian và tiến độ theo yêu cầu khách hàng ; tăng tính cạnh tranh và phù hợp với quá trình công nghiệp hóa. Góp phần đa dạng hóa sản phẩm giúp cho cơ sở, doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững. Tăng giá trị nông sản sau thu hoạch, đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc Tiến thương mại tỉnh Long An Phạm Văn Phong
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc Tiến thương mại tỉnh Long An Phạm Văn Phong chia sẻ

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc Tiến thương mại tỉnh Long An Phạm Văn Phong chia sẻ: “Về hiệu quả xã hội của đề án đã khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất nhằm cơ khí hóa, tự động hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; giải quyết được vấn đề khan hiếm lao động hiện nay. Khuyến khích phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh, tăng nguồn thu ngân sách qua nghĩa vụ nộp thuế; góp phần phát triển công nghiệp khu vực nông thôn”.

Hoàng Dương