Một số giải pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Hà Tĩnh

ThS. MAI NHƯ ÁNH (Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh)

TÓM TẮT:

Hà Tĩnh là một tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ có nhiều tiềm năng và lợi thế thu hút đầu tư. Trong thời gian qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế Hà Tĩnh và tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, kết quả thu hút FDI vào Hà Tĩnh hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và những cố gắng thu hút đầu tư của Tỉnh. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường thu hút vốn FDI vào Hà Tĩnh trong những năm tiếp theo.

Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Hà Tĩnh.

1. Thực trạng công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Tĩnh trong thời gian qua

1.1. Tình hình thu hút FDI vào Hà Tĩnh theo quy mô

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2016, Hà Tĩnh đã thu hút được 65 dự án đầu tư FDI với số vốn đăng ký đạt gần 11 tỷ USD, đứng vị trí thứ 8 trong danh sách các địa phương thu hút FDI lớn của cả nước.

Với kết quả đó, Hà Tĩnh đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên dòng vốn đầu tư vào Hà Tĩnh vẫn tăng nhanh, đặc biệt là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với các dự án đầu tư quy mô lớn.

1.2. Tình hình thu hút FDI vào Hà Tĩnh theo đối tác đầu tư

Hiện nay, Hà Tĩnh đã thu hút FDI của 13 quốc gia và vùng lãnh thổ (chủ yếu từ khu vực châu Á) với quy mô vốn đăng ký bình quân 1 dự án khoảng 165 triệu USD. Trong đó dẫn đầu là Đài Loan với 42 dự án với tổng vốn đăng ký là 10.257,5 triệu USD, chiếm 96% tổng vốn đầu tư đăng ký vào tỉnh. Đứng thứ 2 là Samoa với 2 dự án với số vốn đăng ký đạt 121,1 triệu USD chiếm 1,1% tổng vốn đăng ký. Singapore đứng thứ 3 với 2 dự án với tổng vốn đăng ký 98,9 triệu USD chiếm 0,9% về vốn đăng ký, còn lại là các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến làm việc và tìm kiếm cơ hội đầu tư như Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), Tập đoàn Formosa (Đài Loan), Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản)… Tuy nhiên, ngoài một số ít dự án có quy mô lớn, phần lớn các dự án FDI vào Hà Tĩnh có vốn đầu tư nhỏ, sử dụng lao động ít. Đặc biệt, FDI vào Hà Tĩnh chủ yếu từ đối tác Đài Loan, trong đó chỉ riêng dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh của Đài Loan đã thu hút 10 tỷ USD. Đây là dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Có thể nói rằng, kết quả thu hút FDI vào Hà Tĩnh hiện nay phụ thuộc chủ yếu từ dự án này. Nhưng sau khi sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung xảy ra vào tháng 4/2016 thì đến nay Nhà máy Thép Formosa chưa đi vào sản xuất như dự kiến, gây ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của Hà Tĩnh. Nguyên nhân chủ yếu làm tốc độ tăng trưởng năm 2016 giảm mạnh so với năm 2015 (giảm 17,06%) do tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm mạnh so với năm 2015 (giảm 54%) trong đó chủ yếu do FDI giảm 67,4% (UBND tỉnh Hà Tĩnh, 2016). Nguyên nhân chính FDI năm 2016 giảm là do dự án Formosa bước sang giai đoạn hoàn thiện nên vốn đầu tư giảm (giảm 68,5% so với năm 2015). Tóm lại, FDI vào Hà Tĩnh hiện nay mặc dù chiếm tỷ trọng lớn (chiếm 70% vốn đầu tư) nhưng không ổn định, số lượng dự án có quy mô lớn (quy mô vốn từ 1 tỷ USD trở lên) hạn chế. Ngoài ra, sự cố môi trường biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư tỉnh Hà Tĩnh và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

1.3. Tình hình thu hút FDI vào Hà Tĩnh theo hình thức đầu tư

Hiện nay, FDI vào Hà Tĩnh chủ yếu thông qua hình thức 100% vốn nước ngoài bao gồm 55 dự án, chiếm 99% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đây là hình thức chủ yếu mà các nhà đầu tư lựa chọn khi đầu tư vào Hà Tĩnh, bởi vì ưu điểm của hình thức này là tạo tâm lý thoải mái, tự chủ cho nhà đầu tư. Trong khi đó, trên địa bàn Hà Tĩnh, các hình thức đầu tư bằng liên doanh và công ty cổ phần rất hạn chế cả về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngoài ra, một số hình thức đầu tư khác như hợp đồng BOT, BT, BTO, hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) vẫn chưa được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tại Hà Tĩnh. Nguyên nhân đó là do cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn Hà Tĩnh chưa đồng bộ, thiếu sự liên doanh, thiếu sự liên kết giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh chưa đồng bộ, thiếu tính liên kết giữa các ngành, lĩnh vực và chưa tổ chức được các hoạt động xúc tiến đầu tư gây tiếng vang đối với các nhà đầu tư. Ngoài ra, sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung cũng gây ra tâm lý dè dặt, lo ngại khi lựa chọn đầu tư vào Hà Tĩnh.

1.4. Tình hình thu hút FDI vào Hà Tĩnh theo lĩnh vực đầu tư

FDI vào Hà Tĩnh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo gồm 34 dự án với tổng vốn đăng ký là 10.285,9 triệu USD, chiếm 60% về số dự án và 98,2% về vốn đăng ký. Một số dự án còn lại thuộc các lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, kinh doanh bất động sản, nông lâm nghiệp và thủy sản, bán buôn bán lẻ và sửa chữa...

Hiện nay, các dự án lớn trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đang tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và phần lớn nằm trong khu kinh tế Vũng Áng. Khu kinh tế Vũng Áng cũng chính là điểm thu hút FDI lớn nhất của Hà Tĩnh với nhiều dự án quy mô lớn. Điển hình là các dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư đăng ký 10 tỷ USD, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 với số vốn 2,5 tỷ USD… Sở dĩ lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút mạnh vốn FDI bởi vì đây là lĩnh vực Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng và lợi thế như lực lượng lao động dồi dào, nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú (đặc biệt Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng quặng 544 triệu tấn) và những chính sách ưu đãi của tỉnh Hà Tĩnh trong thu hút đầu tư là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư. Đồng thời, FDI thu hút vào khu vực này cũng phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh nhằm huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế hạ tầng, xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng sớm trở thành khu kinh tế động lực tầm cỡ quốc gia. Tuy nhiên, một số lĩnh vực đầu tư khác như nông nghiệp, thương mại, du lịch dịch vụ chưa có các dự án đầu tư nước ngoài tầm cỡ để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia. Một số khu kinh tế và khu công nghiệp quan trọng trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn chưa thu hút được FDI như Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, Khu công nghiệp Hạ Vàng (huyện Can Lộc), Khu công nghiệp Gia Lách (huyện Nghi Xuân). Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng của các khu kinh tế, khu công nghiệp này chưa đồng bộ, trình độ lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, thủ tục hành chính về đầu tư còn phức tạp, công tác quy hoạch vùng chưa sát thực tế và chưa thống nhất gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Như vậy, nhìn chung kết quả thu hút FDI vào Hà Tĩnh trong giai đoạn 2010-2016 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Động lực mới từ FDI đã giúp Hà Tĩnh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu trong cả nước về thu hút FDI, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Hà Tĩnh.

2. Những tồn tại hạn chế trong hoạt động thu hút FDI vào Hà Tĩnh

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Tĩnh còn tồn tại một số hạn chế như sau:

- Số lượng dự án FDI và số vốn đăng ký vào Hà Tĩnh hiện tại so với các địa phương khác còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Với lợi thế về tài nguyên, khoáng sản phong phú, giao thông thuận lợi, có quy hoạch vùng kinh tế rõ ràng nên tỉnh Hà Tĩnh có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút FDI. Đồng thời, Hà Tĩnh có hai khu kinh tế trọng điểm của cả nước được ưu tiên đầu tư là Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, nhưng đến nay, đa số dự án FDI tập trung ở Khu kinh tế Vũng Áng. Mặt khác, ngoài một số ít dự án có quy mô lớn, phần nhiều các dự án FDI có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít, hiệu quả về kinh tế và xã hội thấp. Một trong những nguyên nhân đó là thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Tĩnh trong những năm gần đây không được cải thiện đáng kể  dẫn tới việc khó thu hút FDI. Năm 2015, PCI của Hà Tĩnh xếp thứ 45 trong cả nước và xếp thứ 10 trong 12 tỉnh vùng duyên hải miền Trung. Nhiều chỉ số thành phần PCI năm 2015 đều giảm điểm so với năm 2014 cho thấy những hạn chế mà Hà Tĩnh cần tập trung ưu tiên cải cách, khắc phục đó là các chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động. Đây cũng chính là những trở ngại đối với các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào Hà Tĩnh. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh trong thời gian qua vẫn chưa thực sự gây ấn tượng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

- Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh tuy đã đạt được kết quả rõ nét nhưng FDI chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây cũng là lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh để phát huy những lợi thế như hệ thống cảng biển nước sâu, tài nguyên thép dồi dào… nhằm xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ hiện đại của tỉnh, khu vực và cả nước. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư trong khu kinh tế chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật về bảo vệ môi trường, gây thiệt hại về môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hút FDI vào Hà Tĩnh. Nguyên nhân là do ý thức của nhà đầu tư trong vấn đề bảo vệ môi trường chưa cao, vẫn đặt lợi ích kinh tế lên trên trách nhiệm bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, công tác phối hợp kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường trong các khu kinh tế của các cơ quan nhà nước tại Hà Tĩnh chưa chặt chẽ và thường xuyên. Bên cạnh đó, các dự án FDI ở các lĩnh vực khác tại Hà Tĩnh, nhất là công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, du lịch và lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Mặc dù, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào những lĩnh vực này nhưng kết quả thu hút FDI còn hạn chế. Việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và liên kết vùng và khu vực gặp khó khăn vì thiếu các dự án FDI.

- Các dự án FDI vào Hà Tĩnh thực hiện chủ yếu thông qua hình thức 100% vốn nước ngoài, trong khi đó các hình thức đầu tư khác như BOT, BT, BTO, PPP còn rất hạn chế. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư còn chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp, công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài. Mặc dù trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư trên địa bàn đã được cải thiện tuy nhiên vẫn còn chồng chéo gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh còn rời rạc, qui mô nhỏ lẻ, nguồn lực cho các hoạt động này còn hạn chế.

3. Một số giải pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Tĩnh

Trên cơ sở phân tích thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Tĩnh trong thời gian qua, tác giả bài viết đề xuất một số giải pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Tĩnh trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, từng bước hiện đại, nhất là cơ sở hạ tầng ở Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Tập trung đầu tư những điều kiện cơ sở hạ tầng quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài như các tuyến giao thông huyết mạch có vai trò quan trọng (Quốc lộ 8, đường cao tốc qua Hà Tĩnh, đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê…), hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, hệ thống cấp điện... đảm bảo cơ sở vững chắc trong triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật đồng thời thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội và thực hiện đầu tư theo quy hoạch.

Thứ hai, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Tĩnh, trong đó tập trung cải thiện các chỉ số còn yếu kém hiện nay như chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động. Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm túc Cơ chế một cửa liên thông về đăng ký đầu tư. Đồng thời, tập trung rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính, các giấy phép, các quy định về đầu tư không cần thiết, nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí không chính thức cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Tỉnh cần tích cực hỗ trợ, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi đầu tư vào Hà Tĩnh, nhất là về thủ tục thẩm định phê duyệt dự án, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng và cho thuê đất. Đặc biệt, Hà Tĩnh cần tăng cường công tác đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài, thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

Thứ ba, tăng cường quảng bá, tuyên truyền về môi trường đầu tư, chính sách, tiềm năng và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh. Tiếp tục tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm cung cấp thông tin về đầu tư vào Hà Tĩnh cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt cung cấp thông tin kịp thời về kết quả khắc phục sự cố môi trường biển nhằm tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư. Đồng thời, tỉnh cần thu hút đầu tư FDI theo hướng ưu tiên các dự án FDI sử dụng công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường, kiên quyết loại những dự án FDI có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Cam kết thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực đầu tư đang còn hạn chế như công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cần tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong công tác thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài, mở rộng các hình thức đầu tư như BOT, BT, BTO, PPP nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Thứ tư, tập trung đào tạo đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề cao nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư và tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp FDI hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn Hà Tĩnh nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các dự án đầu tư nước ngoài, đồng thời đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của Hà Tĩnh trong tương lai.

4. Kết luận

Có thể khẳng định rằng, kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Tĩnh giai đoạn vừa qua đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh. Tuy nhiên, quá trình thu hút FDI vào Hà Tĩnh chưa thực sự bền vững và còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, để tăng cường thu hút FDI vào Hà Tĩnh trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ những giải pháp quan trọng đó là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng cường quảng bá xúc tiến đầu tư và đào tạo lao động có trình độ cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hà Thanh Việt và Phạm Thị Bích Duyên (2012), “Giải pháp tăng cường thu hút FDI vào tỉnh Bình Định”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 178 (II), 15-19.

2. Huỳnh Thanh Nhã (2017), “Giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Bến Tre”, Tạp chí Công Thương, số 1, 34-39.

3. Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh 2015 (2016), Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.

4. Số liệu dự án đầu tư nước ngoài (FDI) (2017), truy cập từ http://dpihatinh.gov.vn/ 5. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định phê duyệt báo cáo về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội.

6. Tổng hợp các chỉ số của Hà Tĩnh qua các năm (2016), truy cập từ http://www.pcivietnam.org/ha-tinh.

7. UBND tỉnh Hà Tĩnh (2016), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Hà Tĩnh.

8. UBND tỉnh Hà Tĩnh (2016), Chương trình xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh năm 2017, Hà Tĩnh.

SOME SOLUTIONS TO ATTRACT MORE FDI INTO

HA TINH PROVINCE

Master. MAI NHU ANH

Faculty of Economics and Business Administration, Ha Tinh University

ABSTRACT:

Ha Tinh province is located in North Central Coast region of Vietnam with many potentials and advantages in attracting investment. Foregin investments have played a key role in the development of the province and have helped the province create an attractive business environment to investors in recent years. However, the amount of foregin direct investment (FDI) that is poured into Ha Tinh province has not met the provincial potentials. This study analyzes the situation and proposes solutions to attract more FDI into the province in the next years.

Keywords: Foreign direct investment, Ha Tinh province.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây