Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về quyền tự do khởi kiện vụ án dân sự

ThS. NCS. TRẦN CÔNG THỊNH (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Quyền khởi kiện là một trong những quyền con người cơ bản “Ai cũng có quyền yêu cầu tòa án quốc gia có thẩm quyền can thiệp chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản được hiến pháp và luật pháp thừa nhận”[1]. Như vậy, khi quyền và lợi ích hợp pháp của một chủ thể bị xâm phạm bởi một hành vi trái pháp luật, chủ thể đó có quyền khởi kiện, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình[2]. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung trình bày về quyền tự do khởi kiện của đương sự theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đánh giá các bất cập còn tồn tại, từ đó đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.

Từ khóa: quyền khởi kiện, người chưa thành niên, ủy quyền, năng lực hành vi tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

1. Nội dung quyền tự do khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự

Quyền tự do khởi kiện của đương sự được quy định rải rác tại các Điều 4, 5, 68, 69, 70, 71,… và tại Chương XII Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015. Ngoài ra, quyền tự do khởi kiện cũng phần nào được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước CHXHCN Việt Nam[3].

Điều 4 BLTTDS năm 2015 quy định: “1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác; 2. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.”[4]. Tiếp theo đó, quyền tự do khởi kiện được thể hiện rõ nét tại Điều 5 BLTTDS năm 2015: “1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó; 2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Như vậy, đương sự là nguyên đơn (trong vụ án dân sự) có toàn quyền trong việc có quyết định khởi kiện hay không khởi kiện, quyết định phạm vi khởi kiện đến mức độ nào. Nguyên đơn có quyền khởi kiện một hoặc nhiều bị đơn ra Tòa án về một mối quan hệ pháp luật hay nhiều mối quan hệ pháp luật có liên quan để giải quyết trong cùng một vụ án. Thông thường, nguyên đơn là người khởi kiện[5], tuy nhiên trong một số trường hợp khác, nguyên đơn không phải là người khởi kiện mà là người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do BLTTDS năm 2015 quy định khởi kiện thay (Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng được xem là nguyên đơn)[6] và Tòa án chỉ thụ lý giải quyết khi có đơn khởi kiện và cũng chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện của đương sự.

Có thể thấy rõ quyền tự do khởi kiện được quy định rất đầy đủ, rõ ràng trong BLTTDS năm 2015, tuy nhiên, qua hơn 05 năm thi hành, thực tiễn cho thấy nhiều quy định về quyền tự do khởi kiện đã bộc lộ những bất cập, cần sớm được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tốt hơn nữa quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể trong quá trình tham gia giải quyết các vụ việc dân sự.

2. Bất cập về quyền tự do khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự

2.1. Bất cập trong quy định về việc ký thay đơn khởi kiện của người được ủy quyền

 Chúng ta hãy bắt đầu với câu hỏi: người được ủy quyền có quyền ký đơn kiện thay cho người ủy quyền không? Câu hỏi tưởng như khá đơn giản và có thể trả lời ngay là được, vì tại Điều 186 BLTTDS năm 2015 đã quy định rõ là: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Tuy nhiên, tại Điều 189 cũng của BLTTDS năm 2015 (quy định về hình thức, nội dung đơn khởi kiện) lại có quy định khác, cụ thể:

  “1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện.

  1. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:
  2. a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ”.

Với quy định nêu trên, người khác chỉ có viết (soạn thảo) hộ đơn khởi kiện, còn người đi kiện phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn. Như vậy, theo quan điểm của tác giả, nội dung của Điều 186 và Điều 189 có sự mâu thuẫn với nhau, bởi chế định ủy quyền[7] thì cá nhân có thể ủy quyền cho người khác nhiều nội dung kể cả quyết định toàn quyền trong việc giải quyết nội dung vụ kiện, do đó không có lý do gì lại hạn chế người được ủy quyền không được ký vào đơn khởi kiện mà chỉ có người đi kiện ký vào đơn mới hợp lệ.

2.2. Bất cập về quyền tự do khởi kiện của người chưa thành niên

Điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015 quy định Tòa án trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp sau: “Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật này hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự”.

Vấn đề đặt ra là người chưa thành niên có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự hay không? Nếu xác định mọi trường hợp người chưa thành niên đều không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có nghĩa trong mọi trường hợp người chưa thành niên đều không được tự mình đứng ra khởi kiện mà phải thông qua người đại diện hợp pháp. Do đó, việc xác định rõ trường hợp nào người chưa thành niên không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo quyền khởi kiện của người chưa thành niên.

Khoản 3 Điều 69 BLTTDS năm 2015 đã có quy định về năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự như sau: “3. Đương sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác”. Câu hỏi đặt ra là từ quy định trên liệu chúng ta có thể suy luận đương sự chưa đủ mười tám tuổi thì không có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự hay không? Đối chiếu với quy định tại khoản 4, 5 và 6 Điều 69 BLTTDS năm 2015 thì:

“4. Đương sự là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

  1. Đương sự là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện...
  2. Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mìnhđược tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Trong trường hợp này, Tòa án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Đối với những việc khác, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.”

Với cách quy định như trên, chúng ta thấy BLTTDS chỉ quy định người chưa đủ sáu tuổi thì không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự nhưng không quy định rõ người đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi và không quy định rõ người đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thì có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự hay không?[8]

Như vậy, có thể thấy, chỉ trong trường hợp đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình thì họ mới được được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Nói cách khác, chỉ trong trường hợp này họ mới được xem là có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, tức là có khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự. Điều này có nghĩa trong mọi trường hợp còn lại, người chưa thành niên đều không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Điều này cũng dẫn đến các cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng:

Cách hiểu thứ nhất: Trong mọi trường hợp, người chưa thành niên thì không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Do đó, trong mọi trường hợp, Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015. Nói cách khác, mọi trường hợp người chưa thành niên đều không được quyền khởi kiện. Điều này phù hợp với cách quy định về đơn khởi kiện của người chưa thành niên theo quy định tại Điều 189 BLTTDS hiện nay, nên nhà làm luật mới quy định mọi trường hợp người chưa thành niên đều không được quyền làm đơn khởi kiện nộp cho Tòa án.

Cách hiểu thứ hai (cũng là cách hiểu của tác giả): Người chưa thành niên thì không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình. Như vậy, Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015 nhưng trừ người đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình. Nói cách khác, vẫn có trường hợp người chưa thành niên được quyền khởi kiện.

Việc xác định rõ phạm vi người chưa thành niên có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, người chưa thành niên nào không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự sẽ góp phần đảm bảo quyền khởi kiện của người chưa thành niên.

3. Kiến nghị hoàn thiện các quy định về quyền tự do khởi kiện trong Bộ luật Tố tụng dân sự

3.1. Sửa đổi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 189 BLTTDS

Như tác giả đã phân tích ở trên, ủy quyền là việc cá nhân, pháp nhân cho phép cá nhân, pháp nhân khác thực hiện quyền của mình có được một cách hợp pháp để quyết định, thực hiện hành động pháp lý nào đó liên quan đến quyền lợi của các bên hoặc lợi ích của người đã ủy quyền trong phạm vi ủy quyền. Việc luật hiện hành không cho phép người được ủy quyền được quyền ký thay cho người ủy quyền là điều bất hợp lý. Do đó, cần phải sửa đổi lại điểm a khoản 2 Điều 189 BLTTDS năm 2015 theo hướng như sau:

“2. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:

a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó hoặc người được cá nhân đó uỷ quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ”.

3.2. Sửa đổi quy định về quyền tự do khởi kiện của người chưa thành niên

Từ các phân tích tại mục 2.2, tác giả kiến nghị nên sửa đổi khoản 5 và 6 Điều 69 BLTTDS năm 2015 như sau:

5. Đương sự là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của họ, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ được xác định theo quyết định của Tòa án.

  1. Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thì không cónăng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ trường hợpđã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Trong trường hợp này, Tòa án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Đối với những việc khác, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.”

Việc quy định cụ thể, rõ ràng như trên sẽ góp phần hạn chế được trường hợp áp dụng không thống nhất; đồng thời, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên (nhất là trong trường hợp người chưa thành niên là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình). Từ đó, góp phần khẳng định khả năng người chưa thành niên có thể tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án; khẳng định quyền tự quyết định của người chưa thành niên khi tham gia vào quá trình giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án trong khuôn khổ các nội dung được pháp luật quy định mà không phải thông qua người đại diện hợp pháp.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Điều 8 Tuyên ngôn toàn thế giới về Quyền con người năm 1948.

[2] Ngoài khời kiện tại TAND có thẩm quyền, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chủ thể còn có thể lựa chọn một trong các phương thức khác bảo vệ quyền dân sự được quy định tại Điều 11 BLDS năm 2015 (buộc chấm dứt hành vi vi phạm, buộc công khai xin lỗi, buộc thực hiện nghĩa vụ, buộc bồi thường thiệt hại…)

[3] Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”; khoản 7 Điều 103: “… quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm.”

[4] Để giải quyết các hạn chế của việc thiếu luật điều chỉnh, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận nguyên tắc tòa án không được từ chối thụ lý hay còn được gọi là nguyên tắc “bắt khẳng thụ lý” trong Hiến pháp và các bộ luật của mình. Nguyên tắc này đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để người dân bước đầu được tiếp cận công lý tại Tòa án và hạn chế được tình trạng Tòa án trả lại đơn khởi kiện thiếu căn cứ. Kế thừa sự phát triển của pháp luật tố tụng dân sự trên thế giới, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Nhà nước ta, quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có luật áp dụng đã được ghi nhận.

[5] Điểu 186 BLTTDS 2015.

[6] Điểu 187 BLTTDS 2015.

[7] Ủy quyền là việc cá nhân, pháp nhân cho phép cá nhân, pháp nhân khác thực hiện quyền của mình có được một cách hợp pháp để quyết định, thực hiện hành động pháp lý nào đó liên quan đến quyền lợi của các bên hoặc lợi ích của người đã ủy quyền trong phạm vi ủy quyền. Khoản 1 Điều 138, BLDS 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.

[8] Căn cứ vào từng độ tuổi cụ thể, nhà làm luật có sự phân chia: Người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự; Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiệnNhư vậy, có thể suy ra, họ cũng không có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Riêng người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, (2013), Hiến pháp năm 2013, Điều 14.
  2. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, (2013), Hiến pháp năm 2013, Điều 103.
  3. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, (2015), BLDS năm 2015, khoản 1 Điều 138
  4. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, (2015), BLTTDS năm 2015, Điều 4.
  5. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, (2015), BLTTDS năm 2015, Điều 5.
  6. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, (2015), BLTTDS năm 2015, Điều 69.
  7. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, (2015), BLTTDS năm 2015, Điều 186.
  8. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, (2015), BLTTDS năm 2015, Điều 187.
  9. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, (2015), BLTTDS năm 2015, Điều 189
  10. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, (2015), BLTTDS năm 2015, Điều 192
  11. Đại hội đồng Liên hiệp Quốc (1948), Tuyên ngôn toàn thế giới về Quyền con người năm 1948.

 

SOME RECOMMENDATIONS TO IMPROVE THE PROVISIONS OF THE CIVIL PROCEDURE CODE 2015 ON THE FREEDOM TO INITIATE CIVIL LAWSUITS

Ph.D Student Tran CONG THINH

Vietnam National University, Ha Noi - School of Law

ABSTRACT:

The right to sue is one of the fundamental human rights. "Everyone has the right to request a national court of competent jurisdiction to intervene against acts that violate the fundamental rights recognized by the constitution and by law." Thus, when an illegal act infringes a subject's lawful rights and interests, that subject has the right to initiate a lawsuit and request the Court to protect its legitimate rights and interests. In this article, the author focuses on presenting the litigants' freedom to initiate lawsuits under the Civil Procedure Code 2015 and assesses the existing shortcomings, thereby suggesting recommendations.

Keywords: right to sue, minors, authorization, civil procedural act capacity, Civil Procedure Code 2015.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 27, tháng 12 năm 2021]