Một số vấn đề kết hôn được điều chỉnh bởi quy phạm xung đột theo pháp luật Việt Nam và trên thế giới

Bài viết "Một số vấn đề kết hôn được điều chỉnh bởi quy phạm xung đột theo pháp luật Việt Nam và trên thế giới" do nhóm tác giả ThS. Đinh Lê Oanh - ThS. Lê Hồ Trung Hiếu (Khoa Luật - Trường Đại học Văn Lang) thực hiện.

Tóm tắt:

Trước thời kỳ đổi mới, việc kết hôn với người nước ngoài chưa phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, việc thiết lập quan hệ hôn nhân xuyên quốc gia ngày càng phát triển và tăng nhanh về số lượng do yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa và di cư mạnh mẽ. Do đó, các thiết chế pháp lý điều chỉnh việc kết hôn có yếu tố nước ngoài đã trở thành một yêu cầu cần thiết trong hệ thống pháp luật Việt Nam, nhằm phát triển giao lưu dân sự quốc tế, bảo vệ các quyền cơ bản của con người theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bài viết này nghiên cứu về các quy phạm xung đột cần được hoàn thiện, trở thành công cụ hữu hiệu để đưa ra giải pháp cho công dân Việt Nam và người nước ngoài trong việc thiết lập quan hệ hôn nhân xuyên biên giới, đặc biệt là về điều kiện và nghi thức kết hôn.

Từ khóa: kết hôn, kết hôn có yếu tố nước ngoài, quy phạm xung đột, pháp luật Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Hôn nhân có yếu tố nước ngoài là một vấn đề phức tạp liên quan đến quyền con người và quyền dân sự trong các điều ước quốc tế pháp luật quốc gia. Bởi vì quá trình toàn cầu hóa và di cư, hôn nhân không chỉ giới hạn trong thẩm quyền của một quốc gia, mà còn liên quan đến các quốc gia khác, liên quan đến các yếu tố quốc tịch, nơi cư trú và nơi tiến hành kết hôn. Trong những năm gần đây, số lượng hôn nhân có yếu tố nước ngoài đã tăng dần. Vì thế, các quốc gia cần phải có cơ chế hoàn thiện các quy phạm xung đột trong pháp luật hôn nhân gia đình để giải quyết các vấn đề về điều kiện và nghi thức kết hôn có yếu tố nước ngoài[1].

Thông qua các nguyên tắc cơ bản trong tư pháp quốc tế, các vấn đề pháp lý trong hôn nhân có yếu tố nước ngoài này sẽ được xem xét dưới góc độ của pháp luật Việt Nam và thế giới.

2. Quy định trong nghi thức kết hôn

Việc kết hôn qua nghi thức là phương tiện để hợp pháp hóa quan hệ hôn nhân và bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của cả hai bên trong việc xây dựng gia đình. Tuy nhiên, tùy thuộc vào văn hóa, tôn giáo, pháp luật và đạo đức, nghi thức kết hôn của từng quốc gia có sự tương đồng và khác biệt. Khi bắt đầu xác lập quan hệ hôn nhân, các bên trong quan hệ đều phải chấp hành các quy định và thủ tục đăng ký kết hôn theo pháp luật của quốc gia có thẩm quyền điều chỉnh. Hầu hết các quốc gia điều chỉnh vấn đề này thông qua các quy phạm xung đột phù hợp để điều chỉnh vấn đề này và cho phép các bên lựa chọn luật áp dụng[2].

Đồng thời, các quy định này tôn trọng sự tự chủ và thỏa thuận giữa nam và nữ trong việc xác lập, thay đổi quyền và trách nhiệm trong quan hệ hôn nhân vượt qua biên giới quốc gia[3].

Nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia dẫn đến việc nhiều hệ thống pháp luật quốc tế điều chỉnh quan hệ kết hôn.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều quy định trong pháp luật của mình về nghi thức kết hôn, nhưng phải xem xét yếu tố Luật của nơi tiến hành kết hôn. Ví dụ, theo Luật Hôn nhân của Úc năm 1961, nếu một bên là công dân Úc kết hôn với người nước ngoài, hoặc cả hai đều là người nước ngoài và tổ chức hôn lễ tại Úc, thì luật của Úc sẽ là yếu tố ràng buộc duy nhất trong việc thực hiện nghi thức kết hôn giống như công dân Úc. Tuy nhiên, nếu cả hai chủ thể đều có thể là công dân Úc, hoặc chỉ một bên là công dân Úc kết hôn với người nước ngoài tại nơi khác ngoài lãnh thổ Úc, thì các thủ tục đăng ký theo luật nơi tiến hành kết hôn sẽ được áp dụng.[4]

Tuy nhiên, ở một số quốc gia, ngoài yếu tố nơi tiến hành kết hôn, quốc tịch hoặc nơi cư trú của các bên cũng có thể được xem xét để giải quyết xung đột pháp luật liên quan đến nghi thức kết hôn. Ví dụ, tại Thái Lan, quốc tịch được xác định là yếu tố quan trọng trong việc áp dụng pháp luật. Điều 1459 của Bộ Luật Dân sự và Thương mại về nghi thức kết hôn giữa người Thái và người nước ngoài hoặc giữa người Thái tổ chức hôn nhân ở nước ngoài, các bên phải tuân theo pháp luật Thái Lan.[5]

Ở Việt Nam, để tiến hành kết hôn, nam và nữ đều phải đăng ký kết hôn trước đại diện của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hạn chế của pháp luật hiện hành về hôn nhân và gia đình ở Việt Nam không có quy định về nghi thức kết hôn đối với trường hợp có yếu tố nước ngoài, pháp luật chỉ quy định về thẩm quyền áp dụng luật đối với các điều kiện kết hôn[6].

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài sẽ được thực hiện tại UBND cấp huyện đối với trường hợp trong nước và tại cơ quan đại diện, cơ quan lãnh sự đối với trường hợp ở nước ngoài. Ngoài ra, để đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, các đôi tình nhân cần chuẩn bị các giấy tờ bổ sung như hộ chiếu, các văn bản liên quan phải được dịch và giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân[7].

3. Điều kiện kết hôn

Các quốc gia đặt ra các điều kiện để đảm bảo mục đích hôn nhân của công dân. Tuy nhiên, các tiêu chí này có thể khác nhau tùy theo pháp luật, văn hóa, tập quán của từng quốc gia. Mặc dù vậy, việc áp dụng các điều kiện này lên quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài có thể gây xung đột pháp luật. Vì vậy, nhiều quốc gia đã xây dựng các quy phạm xung đột để cho phép các bên tham gia tự lựa chọn luật áp dụng trong việc kết hôn. Các tiêu chí kết hôn có thể gây ra xung đột pháp luật giữa các quốc gia như tình trạng hôn nhân, độ tuổi và giới tính của các chủ thể[8].

Theo tư tưởng tiến bộ của xã hội, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tôn trọng nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng. Điều này áp dụng cho cả công dân và người nước ngoài muốn kết hôn tại các quốc gia sở tại thừa nhận nguyên tắc này. Để kết hôn, họ phải chứng minh rằng họ độc thân trước khi tiến hành hôn nhân[9].

Chẳng hạn, để lấy giấy chứng nhận đăng ký kết hôn ở Mỹ, các cặp đôi có ít nhất một bên là người nước ngoài cần phải nộp bản tuyên thệ, trong đó bao gồm việc kê khai tình trạng hôn nhân hiện tại. Tương tự, ở Anh và Úc, trước khi kết hôn, pháp luật cũng yêu cầu các bên chứng minh tình trạng hôn nhân và nộp giấy chứng minh không bị ràng buộc.[10]

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng thừa nhận chế độ này trong quan hệ hôn nhân.  Hiện nay, trên thế giới, một số quốc gia, lãnh thỗ vẫn còn duy trì chế độ đa thê, đặc biệt là trong luật hôn nhân riêng cho những người theo đạo Hồi ở Indonesia, Brunei, Arab Saudi. Vậy, một câu hỏi đặt ra nếu một người theo đạo Hồi lấy một người nước ngoài có quốc tịch của một quốc gia thừa nhận nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng thì luật nào sẽ có khả năng điều chỉnh? Chính điều này đã tạo ra sự xung đột pháp luật giữa các quốc gia về tình trạng hôn nhân. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, Việt Nam không công nhận chế độ đa thê. Do đó, bất kỳ cuộc hôn nhân nào không tuân thủ theo chế độ hôn nhân một vợ một chồng theo pháp luật Việt Nam đều bị coi là không hợp lệ và phải chịu sự xử lý vi phạm của Nhà nước.

Về độ tuổi kết hôn, đây là căn cứ mà pháp luật của tất cả các quốc gia trên thế giới đều ưu tiên xem xét để thừa nhận một cuộc hôn nhân là phù hợp với quy định của pháp luật. Dựa trên tâm sinh lý và sức khỏe sinh sản của con người, mỗi quốc gia đều xác định riêng mức tuổi cho phép kết hôn. So với Việt Nam, độ tuổi kết hôn tại Nhật Bản thấp hơn, xác định nam giới khi chưa tròn 18 tuổi và nữ giới chưa tròn 16 tuổi thì không được kết hôn (Điều 731 BLDS Nhật Bản 1896)[11].

Ngoài mức tuổi xác định, một số quốc gia còn quy định kèm theo một số điều kiện ngoại lệ để dự liệu các vấn đề có thể phát sinh trong tương lai[12].

Quy định khác nhau về độ tuổi cho phép kết hôn ở các nước đã dẫn đến tình trang xung đột pháp luật giữa các quốc gia với nhau. Nhưng khác với tình trạng hôn và giới tính, độ tuổi là thứ có thể thay đổi theo thời gian và sự phát triển của con người. Vì thế, một số quốc gia đã đưa ra những ngoại lệ cho phép một số điều kiện có thể thay đổi, khắc phục được tại thời điểm công nhận, bao gồm độ tuổi kết hôn. Cụ thể theo pháp luật Việt Nam, khi có vi phạm về điều kiện kết hôn, nhưng vào thời điểm yêu cầu công nhận việc kết hôn, hậu quả của vi phạm đó đã được khắc phục thì việc kết hôn đó cũng được công nhận. Trong trường hợp, kết hôn giữa người Việt Nam và người nước ngoài được tiến hành ở một nước thừa nhận độ tuổi kết hôn thấp hơn ở Việt Nam, thì pháp luật Việt Nam có thể công nhận cuộc hôn nhân này nếu tại thời điểm công nhận. Độ tuổi của các bên đã thỏa mãn điều kiện kết hôn của pháp luật Việt Nam là nam từ đủ 20 tuổi và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.

Liên quan đến giới tính, mặc dù hầu hết các pháp luật quốc gia vẫn xác định hôn nhân là quan hệ giữa nam và nữ (hôn nhân dị tính), tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, thái độ của con người đã dần chấp nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính (hôn nhân đồng tính). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã loại bỏ việc xem đồng tính là một căn bệnh tâm thần và Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (UN HRC) cũng thừa nhận bình đẳng của con người ở bất kỳ hướng tình dục nào. Hiện nay, đã có 29 quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính trong pháp luật quốc gia, bao gồm cả những quốc gia phát triển như Úc và Mỹ[13].

Một số quốc gia khác đang trong lộ trình dần chấp nhận quan hệ kết hôn này và loại bỏ việc cấm đoán với hôn nhân đồng tính như Việt Nam (2014), Trung Quốc (1997), Ấn Độ (2009)[14].

Chính vì sự chấp nhận và không chấp nhận hôn nhân đồng tính trong pháp luật quốc gia đã dẫn đến các xung đột pháp luật trong kết hôn có yếu tố nước ngoài và thậm chí nó còn có thể dẫn đến các vi phạm hành chính, hay hình sự theo Luật của quốc gia có khả năng áp dụng. Trong khối Liên minh châu Âu (EU), một số quốc gia cho phép kết hôn giữa những người cùng giới tính, nhưng một số quốc gia không cho phép điều này. Tại Việt Nam, việc kết hôn đồng tính chưa được công nhận và nó là một trong những điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình 2014. Vì thế, khi một cuộc hôn nhân đồng tính tại một quốc gia đã thừa nhận nó là hợp pháp, thì nó vẫn không được công nhận ở Việt Nam để xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên theo pháp luật Việt Nam[15].

Trong tư pháp quốc tế liên quan đến quan hệ kết hôn, 3 căn cứ luôn được đặt ra để giải quyết xung đột pháp luật, đó là: luật áp dụng theo nơi cư trú, nơi tiến hành kết hôn và quốc tịch[16].

Vì thế, đối với điều kiện kết hôn có yếu tố nước ngoài, những khía cạnh này cũng sẽ được xem xét. Ở các quốc gia Latin như Mexico, Bra-xin thường sẽ áp dụng theo Luật nơi tiến hành kết hôn mà các bên lựa chọn để ràng buộc các điều kiện kết hôn[17]. Trong khi đó, các nước trong khối thịnh vượng chung của Anh, Luật nơi cư trú của các bên chủ thể tham gia quan hệ hôn nhân sẽ có thẩm quyền. Thông thường, ở các quốc gia này, pháp luật sẽ đưa ra quy định về số ngày mà người nước ngoài ở tại nước mà họ xác lập quan hệ hôn nhân là bao lâu để xác định chính xác nơi cư trú của họ[18]. Đối với hầu hết các quốc gia theo hệ thống pháp luật dân luật, điều kiện kết hôn có yếu tố nước ngoài luôn gắn liền với quốc tịch của các chủ thể. Ví dụ, tại Việt Nam, Điều 126 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn[19].

4. Kết luận

Hiện nay, việc giải quyết xung đột pháp luật giữa các quốc gia liên quan đến vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực hài hòa hóa pháp luật liên quan đến kết hôn, giảm bớt sự khác biệt về điều kiện và nghi thức kết hôn có yếu tố nước ngoài, nhằm bảo vệ quyền cơ bản và nhu cầu hạnh phúc của con người. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian hơn để thực hiện, do sự khác nhau về lịch sử, tư tưởng và văn hóa của từng quốc gia. Ở Việt Nam, việc kết hôn cần đảm bảo cả về mặt nội dung và hình thức. Về mặt nội dung, Luật Quốc tịch của các bên tham gia quan hệ sẽ được áp dụng để xem xét điều kiện kết hôn. Tuy nhiên, về mặt hình thức, Việt Nam vẫn chưa có quy phạm xung đột để xác định luật áp dụng cho nghi thức kết hôn. Điều này đã được quy định từ lâu ở nhiều quốc gia khác. Việc không xác định Luật cho nghi thức kết hôn sẽ gây rắc rối, không nhất quán trong quá trình đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Vì vậy, Việt Nam cần sửa đổi và bổ sung quy định có liên quan trong tương lai.

 

Lời cảm ơn:

Nhóm tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn đến Trường Đại học Văn Lang, địa chỉ: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tài chính và có các hỗ trợ khác cho bài viết này.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Nguyễn Văn Dương, (2020). Giải quyết xung đột về kết hôn và ly hôn có yếu tố nước ngoài. Truy cập tại: https://luatduonggia.vn/giai-quyet-xung-dot-phap-luat-ve-viec-ket-hon-co-yeu-to-nuoc-ngoai/.

[2] Lê Hồ Trung Hiếu, Đinh Lê Oanh (2022). Các phương pháp giải quyết xung đột pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và một số quốc gia. Tạp chí Công Thương, số 18, tr.45-49.

[3] Ngô Thu Phương (2014). Pháp luật vê hôn nhân có yếu tố nước ngoài trong tương quan so sánh với các quốc gia trên thế giới. Luận án tốt nghiệp, Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia, tr.1- tr24.

[4] Luật Hôn nhân Úc năm 1961.

[5] Điều 1459 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan.

[6] Ngô Thu Phương (2014). tlđd, tr.50- tr.100.

[7] Nguyễn Huy (2019). Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Truy cập tại: https://luatminhgia.com.vn/kien-thuc-hon-nhan/quan-he-hon-nhan-va-gia-dinh-co-yeu-to-nuoc-ngoai.aspx.

[8] Lê Hồ Trung Hiếu, Đinh Lê Oanh (2022), tlđd.

[9] John. M. (2005). International Dimensions in Family Law, Manchester University Press, 34.

[10] Luật hôn nhân Úc năm 1961.

[11] Điều 731 Bộ luật Dân sự Nhật Bản năm 1896.

[12] Điều 12 và điều 13 Luật Hôn nhân Úc năm 1961.

[13] Marcén, M., Morales, M. (2019). The effect of same-sex marriage legalization on interstate migration in the United States. GLO Discussion Paper, No. 435, Global Labor Organization (GLO), Essen.

[14] Ngô Thu Phương (2014), tlđd, tr.34.

[15] Ngô Thu Phương (2014), tlđd, tr.38.

[16] John. M. (2005). International Dimensions in Family Law, Manchester University Press, 38.

[17] Tandon, Usha, “Validity of Marriage Under International Private Law with Special Reference to 1978 Hague Marriage Convention: Towards Harmonization and Unification of the Rules of International Private Law Relating to Marriage”, 40

[18] Tandon, Usha. (2013), tlđd, tr. 41

[19] Điều 126, Luật Hôn nhân Gia đình 2014.

 

Some marriage issues are regulated by conflicting regulations under Vietnam’s laws and international laws

Master. Dinh Le Oanh

Master. Le Ho Trung Hieu

Faculty of Law, Van Lang University

Abstract:

Before Đổi Mới, marrying a foreigner was not common in Vietnam. However, nowadays, the establishment of cross-border marital relationships is increasingly developing, and the number of marriage relations involving foreign elements is increasing due to the demands of globalization and strong migration. Therefore, legal frameworks regulating marriage relations involving foreign elements have become a necessary requirement in Vietnam's legal system to promote international civil exchange and protect fundamental human rights under international conventions. This study explores the conflicting regulations that need to be resolved to facilitate the establishment of cross-border marital relationships between Vietnamese citizens and foreigners.

Keywords: marriage, marriage relations involving foreign elements, conflicting regulations, Vietnamese law.