Điều kiện áp dụng tập quán trong giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình tại tòa án nhân dân

THS. NGUYỄN BÉ LÊ (Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị Thành phố Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu về điều kiện áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Trong đó, làm rõ 2 điều kiện cơ bản khi áp dụng tập quán tại TAND đó là áp dụng tập quán theo yêu cầu của đương sự hoặc do Tòa án với chức năng, thẩm quyền theo quy định sẽ áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Bài viết làm rõ các vấn đề pháp lý, hoạt động thực tiễn áp dụng tập quán thông qua các Bản án và đề xuất các kiến nghị hoàn thiện đối với vấn đề đặt ra.

Từ khóa: tập quán, hôn nhân và gia đình, áp dụng tập quán.

1. Đặt vấn đề

Trong quá trình quản lý xã hội, Nhà nước đã dùng công cụ rất sắc bén để quản lý đó là ban hành hệ thống các quy định để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh các quy định của pháp luật, Nhà nước còn thừa nhận các quy phạm về tập quán. Nhà nước tôn trọng nhiều tập quán tốt đẹp, trong nhiều trường hợp, các tập quán có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp xuất phát từ nội bộ cộng đồng. Bên cạnh sự tác động qua lại giữa pháp luật và tập quán, lợi ích của việc áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình được thể hiện ở 3 phương diện, như: tập quán có khả năng thay thế sự điều chỉnh của pháp luật trong một số quan hệ xã hội nhất định, mang tính linh hoạt và thích ứng cao; tập quán có vai trò bổ sung cho pháp luật trong những điều kiện nhất định; áp dụng tập quán phù hợp góp phần làm cho pháp luật được thực hiện một cách tự giác.

Từ những vấn đề nêu trên, việc nghiên cứu hoạt động áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình tại TAND là cần thiết và có ý nghĩa. Tuy nhiên, để áp dụng tập quán tại TAND cần đảm bảo các điều kiện nhất định, như: áp dụng tập quán khi đương sự yêu cầu hoặc Tòa án sẽ chủ động áp dụng khi tập quán đó phù hợp và đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật. 

2. Áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình theo yêu cầu của đương sự

Việc áp dụng tập quán để giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình quy định tại khoản 1 Điều 45 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Theo đó, khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng. Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.

Theo khoản 1, Điều 5 của Bộ Luật Dân sự 2015: Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Theo Điều 2 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về nguyên tắc áp dụng tập quán: Tập quán được áp dụng phải là quy tắc xử sự phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc áp dụng tập quán phải tuân theo các điều kiện được quy định tại Điều 7 của Luật Hôn nhân và Gia đình Tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về tập quán được áp dụng([1]).

Với quy định trên, các đương sự được viện dẫn tập quán và quyền được thỏa thuận lựa chọn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Do đó, khi Tòa án giải quyết các vụ tranh chấp về hôn nhân và gia đình không chỉ căn cứ vào quy định pháp luật mà còn áp dụng tập quán do đương sự viện dẫn hoặc thỏa thuận. Nếu sau khi xem xét, các tập quán không trái với các quy định pháp luật, đạo đức xã hội, được cộng đồng dân cư thừa nhận và tồn tại ở địa phương thì TAND sẽ áp dụng để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Đây là quy định phù hợp với thực tiễn quản lý xã hội.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, vấn đề pháp lý đặt ra, theo yêu cầu của đương sự về áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình có thể có các trường hợp như sau: hai bên đương sự cùng viện dẫn tập quán yêu cầu Tòa án làm căn cứ giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình nhưng các tập quán trái ngược nhau; một bên đương sự viện dẫn tập quán yêu cầu Tòa án làm căn cứ giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình nhưng bên kia không chấp nhận; mặc dù tập quán có tồn tại, không trái với quy định pháp luật, đạo đức xã hội hoặc chỉ một bên đương sự viện dẫn tập quán yêu cầu Tòa án làm căn cứ giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình và bên còn lại không có ý kiến. Từ các trường hợp nêu trên, vấn đề đặt ra là Tòa án sẽ chọn tập quán nào để giải quyết các tranh chấp.

Ví dụ: Bản án số 75/2018/DS-ST ngày 5/7/2018 của Tòa án Nhân dân huyện Cờ Đỏ thành phố Cần Thơ về “Tranh chấp đòi lại tài sản tặng cho”.

Theo bản án này, nguyên đơn là bà Cao Thị Bạch H (nhà trai, mẹ của chú rể); Bị đơn là bà Hà Thị S (nhà gái, mẹ của cô dâu) và chị Lương Thị Thiên T (cô dâu, bị đơn). Bà H đã kiện đòi lại số tiền tổng cộng là 70.000.000 đồng với lý do chị T đã không làm tròn bổn phận con dâu. Trong đó, 50.000.000 đồng là tiền tổ chức lễ cưới và 20.000.000 đồng là tiền mà bà H đã đưa cho con trai là anh Lê Văn X (chú rể) để lo cho một số việc như: chụp hình, trang điểm cô dâu, quay phim.

Theo đương sự là chị Lương Thị Thiên T: Chị hoàn toàn không biết việc bà Cao Thị Bạch H đưa cho anh Lê Văn X số tiền 20.000.000 đồng để anh X đi chụp hình, quay phim, trang điểm cô dâu, mua mâm bàn cưới, vì khi tổ chức lễ cưới, việc quay phim, chụp ảnh của bên nào thì bên đó tự lo. Đối với trang điểm cô dâu thì chị tự trả, anh X không có trả. Còn mua mâm bàn thì anh X có mua, nhưng đó là lễ nhà trai tự đem qua theo phong tục thì buộc phải vậy. Cho nên, chị không đồng ý trả cho bà H số tiền 20.000.000 đồng theo yêu cầu khởi kiện của bà H.

Theo Tòa án: “Việc nhà trai giao tiền cho nhà gái chuẩn bị tiệc cưới là hoàn toàn tự nguyện, điều này phù hợp với truyền thống, phong tục, tập quán của Nhà nước về cưới hỏi. Pháp luật không quy định nhà trai phải đưa tiền cho nhà gái khi tổ chức lễ cưới, nên việc bà H giao tiền cho bà S để lo lễ cưới cho các con là do các bên tự thỏa thuận”. Trên thực tế, nhà gái đã tổ chức tiệc đón tiếp nhà trai khi rước dâu và lễ cưới cũng đã tổ chức xong, bà S cũng đã dùng tiền để chuẩn bị cho việc này. Còn đối với số tiền 20.000.000 đồng là chi phí bỏ ra vì mục đích phục vụ chuyện hôn nhân của hai anh chị. Với nhận định trên, Tòa án đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H.

Qua thực tiễn áp dụng, tác giả nhận thấy đối với bản án này, Tòa án đã áp dụng tập quán theo yêu cầu của đương sự Lương Thị Thiên T để giải quyết tranh chấp đòi lại tài sản tặng cho trong việc tổ chức lễ cưới. Tòa án nhận định việc nhà trai giao tiền cho nhà gái chuẩn bị tiệc cưới là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với truyền thống, phong tục, tập quán, thực tiễn giải quyết tranh chấp trên. Đối với các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Thành phố Hồ Chí Minh, việc nhà trai đưa tiền sang giúp nhà gái để tổ chức lễ cưới, gọi là “nạp tài”([2]). Đây là một trong những tập quán không thể thiếu khi tổ chức lễ cưới, là nghĩa vụ của nhà trai góp công trả ơn nuôi dưỡng, sinh thành của ba, mẹ cô dâu. 

Theo phong tục cưới hỏi của người Việt Nam, khi tổ chức đám cưới, nhà trai phải mang sính lễ, vàng, tiền nạp tài sang cho nhà gái. Đó là sự tự nguyện của nhà trai, nhà gái không ép buộc. Theo pháp luật, đó là hợp đồng tặng cho tự nguyện. Vì thế, khi hạnh phúc của đôi trẻ không trọn vẹn, mối quan hệ giữa hai bên thông gia bất đồng, nhà trai đi kiện đòi sính lễ nhưng thường rất khó khăn và bị Tòa án bác đơn([3]).

Xét ở góc độ thực tế, phán quyết của Tòa án về đòi tiền nạp tài là phù hợp và đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật vì các lý do sau: Một là, việc người phụ nữ bị hủy hôn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự nhân phẩm của mình, cuộc sống hôn nhân sau này ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi số tiền nhà trai đưa cho nhà gái không chỉ để phục vụ riêng cô dâu mà còn phục vụ cho việc tổ chức lễ cưới. Do đó,  TAND áp dụng tập quán không chấp nhận đơn khởi kiện là hợp lý. Hai là, so với công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ cô dâu, tổn thất về uy tín, danh dự mà cô dâu phải gánh chịu sau khi bị hủy hôn là rất lớn. Ba là, tập quán được tồn tại phổ biến, lâu đời ở nhiều địa phương; đồng thời không trái với đạo đức xã hội, pháp luật, nên Tòa án xem xét làm căn cứ giải quyết tranh chấp là phù hợp. Như vậy, việc TAND huyện Cờ Đỏ Thành phố Cần Thơ quyết định không chấp nhận khởi kiện của bà Cao Thị Bạch H là đúng với ý chí của đương sự.

Trong vụ án trên, mặc dù Tòa án không viện dẫn được cụ thể nguồn của tập quán, nhưng nhận định việc nhà trai giao tiền cho nhà gái chuẩn bị tiệc cưới là hoàn toàn tự nguyện, điều này phù hợp với truyền thống, phong tục, tập quán ở địa phương nên được chấp nhận. Trước đây, theo Điều 100, Điều 101, Điều 102 Chương thứ nhất, sự đính hôn quy định tại Sắc luật số 028 TT/SLU, Bộ Dân luật ngày 20 tháng chạp năm 1972 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ban hành([4]). Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 không có quy định về đính hôn. Đính hôn chỉ là tập quán để hai bên nam nữ cũng như nhà trai và nhà gái có sự giao ước với nhau, tạo niềm tin để tiến tới hôn nhân. Việc tổ chức lễ đính hôn không đồng nghĩa với việc làm phát sinh quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng.

Qua thực tiễn áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình theo yêu cầu của đương sự, tác giả nhận thấy có những bất cập như sau:

Thứ nhất, pháp luật chưa có quy định danh mục tập quán về hôn nhân và gia đình để Tòa án áp dụng. Theo phụ lục Danh mục tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng, ban hành kèm theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình thì tập quán được chia thành hai loại: các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ và các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cấm áp dụng. Tuy nhiên, đây chỉ là một số ít các tập quán được quy định tại Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, trong khi đó, tập quán về việc tặng cho sính lễ không nằm trong phụ lục các tập quán mà pháp luật quy định.

Thứ hai, về thỏa thuận áp dụng tập quán của các đương sự. Theo quy định tại Điều 7, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng; Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này”. Hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 7 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tại Điều 3 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định về thỏa thuận về áp dụng tập quán như sau: Quy định các bên không có thỏa thuận tại Khoản 1 Điều 7 của Luật Hôn nhân và Gia đình được hiểu là các bên không có thỏa thuận về áp dụng tập quán và cũng không có thỏa thuận khác về vụ, việc cần được giải quyết. Trường hợp các bên có thỏa thuận về tập quán được áp dụng thì giải quyết theo thỏa thuận đó; nếu các bên không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này. Theo quy định trên, khi Tòa án giải quyết các vụ tranh chấp về hôn nhân và gia đình, đương sự có quyền thỏa thuận việc áp dụng tập quán. Tuy nhiên, nếu việc thỏa thuận về tập quán giữa các bên không thành thì áp dụng tập quán nào?

Thứ ba, trách nhiệm về xây dựng danh mục tập quán được áp dụng tại các địa phương. Theo Điều 6 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, trong thời hạn ba năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương. Căn cứ vào thực tiễn áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp sửa đổi, bổ sung danh mục tập quán đã ban hành. Tuy Nghị định số 126/2014/NĐ-CP đã quy định như trên, song cho đến nay, việc xây dựng tập quán để Tòa án giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 là không có([5]).

Thực tiễn này buộc Tòa án phải áp dụng khoản 2 Điều 45 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 để giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Theo đó, Tòa án áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật Dân sự và khoản 1 Điều này. Khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

Thứ tư, việc quy định trách nhiệm xây dựng các danh mục tập quán thuộc về thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là chưa phù hợp vì các lý do sau:

Một, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan hành pháp, việc xây dựng danh mục tập quán làm căn cứ áp dụng theo tác giả nên là công việc của cơ quan lập pháp.

Hai, Thẩm phán tại các Tòa án khi ban hành Bản án thông thường sẽ căn cứ vào các quy định cụ thể tại các khoản, Điều, Luật, Nghị quyết chứ không căn cứ vào Quyết định của Ủy ban nhân dân hoặc Quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Ba, khi giao trách nhiệm xây dựng các danh mục tập quán thuộc về thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì cơ chế thực hiện như thế nào, bộ phận nào tham mưu ban hành chưa quy định cụ thể. Theo tác giả, đó cũng chính là một trong những lý do cho đến nay, không có địa phương nào tiến hành xây dựng danh mục tập quán theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP.

Từ những bất cập trên, tác giả kiến nghị như sau: 

Một, khi các bên đương sự cùng viện dẫn tập quán, nhưng các tập quán trái ngược nhau hoặc một bên đương sự viện dẫn tập quán nhưng bên kia không chấp nhận hoặc chỉ một bên đương sự viện dẫn tập quán và bên còn lại không có ý kiến thì Tòa án có thẩm quyền xem xét các tập quán phù hợp để làm căn cứ áp dụng.

Hai, trong trường hợp đương sự không viện dẫn tập quán, nhưng tại địa phương có những tập quán tốt đẹp có lợi cho đương sự thì Tòa án có trách nhiệm hướng dẫn để đương sự hiểu rõ về việc áp dụng tập quán và có thể thỏa thuận yêu cầu Tòa án áp dụng.

3. Tòa án áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình

Theo Khoản 1, Điều 14, Hiến pháp năm 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật([6]). Theo khoản 1, Điều 45, Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án áp dụng tập quán khi: các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định. Tập quán không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự. Tòa án có trách nhiệm xác định giá trị áp dụng của tập quán bảo đảm đúng quy định tại Điều 5 của Bộ luật Dân sự.

Từ quy định trên, Tòa án áp dụng tập quán trong giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình khi: đương sự viện dẫn và yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng tập quán tồn tại lâu đời ở địa phương và được cộng đồng thừa nhận, không trái với đạo đức xã hội và quy định pháp luật; các bên đương sự thỏa thuận, lựa chọn tập quán và yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng; các tập quán tốt đẹp được quy định tại trong các văn bản pháp luật; đương sự không đề xuất tập quán để áp dụng; Tòa án kết hợp áp dụng tập quán và các quy định pháp luật đồng thời để giải quyết tranh chấp của các đương sự.

Ví dụ: Bản án số 42/2010/DS-ST ngày 15/6/2010 của Tòa án Nhân dân huyện Châu Thành tỉnh Long An.

Ông Thát và bà Thoa đã tổ chức lễ đính hôn vào ngày 25 tháng 9 (Âm lịch) năm 2009. Tại lễ đính hôn, gia đình ông Thát đã trao cho bà Thoa các tài sản: một dây chuyền 5 chỉ vàng 24K, một vòng đeo tay (lắc) 5 chỉ vàng 24K, một đôi bông tai 01 chỉ vàng 24K và 2.000.000 đồng, tiền “nạp tài”, đồng thời, ấn định ngày tổ chức lễ cưới cho ông Thát và bà Thoa, ngày 25 và 26 tháng 01 (Âm lịch) năm 2010. Sau đó hai bên phát sinh mâu thuẫn nên hôn lễ không diễn ra như kế hoạch. Ông Thát đã khởi kiện đòi lại số tài sản đã cho bà Thoa.

Tòa án Nhân dân huyện Châu Thành tỉnh Long An đã viện dẫn tập quán: “Theo tập quán địa phương, hoa tai và tiền cho cô dâu may trang phục cưới là bắt buộc nên bà Thoa được quyền giữ lại và không chấp nhận một phần khởi kiện của đương sự. Các tài sản khác mà bà Thoa đang quản lý là một dây chuyền 5 chỉ vàng 24K, một vòng đeo tay (lắc) 5 chỉ vàng 24K, bà Thoa phải hoàn trả lại cho ông Thát”. Bà Thoa phải trả lại số tài sản đã nhận của ông Thát theo tính chất Hợp đồng tặng cho có điều kiện. Như vậy, Tòa án đã giải quyết tranh chấp cho các đương sự bằng việc kết hợp tập quán và quy định pháp luật trong cùng một bản án. Điều này là cần thiết vì đảm bảo uy tín, danh dự cho bà Thoa.

Tuy nhiên, trong bản án này, có 3 vấn đề đặt ra:

Một là, việc viện dẫn tập quán trong bản án chưa cụ thể. Tòa án nhận định đây là tập quán của địa phương nhưng không có cơ sở để thừa nhận đây là tập quán, nên việc viện dẫn chưa thực sự thuyết phục.

Hai , trong vụ án này cô dâu phải trả lại rất nhiều sính lễ cho ông Thát, trong khi bên muốn hủy việc kết hôn là do nhà trai. Lý do không kết hôn là vì những tin nhắn không rõ ràng mà ông Thát “nghi ngờ bà Thoa có quan hệ không trong sáng với người khác” là lý do chủ quan không thuyết phục.

Ba là, trong hệ thống pháp luật cũng không có quy định cụ thể sính lễ là tài sản tặng cho có điều kiện, nên Tòa án yêu cầu nhà gái trả lại sính lễ cho nhà trai là không công bằng.

Trong vụ án trên, theo tác giả, Tòa án nên chia đôi số tài sản đã tặng cho nhà gái. Việc hủy kết hôn với lý do ông Thát đưa ra là chưa thật sự phù hợp.

Qua thực tiễn áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình, tác giả nhận thấy có những bất cập như sau:

Thứ nhất, pháp luật chưa quy định việc Tòa án đồng thời kết hợp các quy định của pháp luật với tập quán về hôn nhân gia đình để giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Quy định này là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho các đương sự. Vì trên thực tế, có rất nhiều bản án đã được TAND các địa phương vừa kết hợp các quy định của pháp luật vừa xem xét tập quán để giải quyết các tranh chấp về hôn nhân gia đình.

Ví dụ: Ngày 24/10/2017, TAND Thành phố Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp ly hôn giữa nguyên đơn là anh NAD và bị đơn là chị LKP([7]). Ngày 14/5/2020,  Tòa án Nhân dân Thành phố Cần Thơ xử phúc thẩm vụ kiện ly hôntranh chấp tài sản chung giữa nguyên đơn là chị NKN và bị đơn là anh ĐVĐ([8]).

Thứ hai, chưa có danh mục tập quán về hôn nhân và gia đình để Tòa án viện dẫn khi giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình. Trong các bản án, Tòa án chỉ nêu chung chung là “theo tập quán của địa phương”. Viện dẫn này là chưa thực sự thuyết phục. Cụ thể như: Bản án Dân sự sơ thẩm số 13/2018/DS-ST ngày 24/5/2018 của Tòa án Nhân dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp và Bản án số 42/2010/DS-ST ngày 15/6/2010 của Tòa án Nhân dân huyện Châu Thành tỉnh Long An.

Thứ ba, hiện nay, trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 chưa quy định cụ thể về hình thức áp dụng tập quán trong giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình. Do đó, các giá trị của các tập quán tốt đẹp chưa được áp dụng.

Từ những bất cập trên, tác giả kiến nghị như sau: 

Một, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng khoản 1 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng như sau: Khi giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình, Tòa án có quyền viện dẫn tập quán về hôn nhân và gia đình kết hợp với việc áp dụng quy định của pháp luật liên quan nhằm giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình.

Hai, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp cần ban hành Thông tư liên tịch quy định danh mục tập quán trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình để Tòa án áp dụng giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình.

4. Kết luận

Qua nghiên cứu về điều kiện áp dụng tập quán trong giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình tại TAND, tác giả rút ra các kết luận như sau:

Thứ nhất, vấn đề áp dụng tập quán do đương sự yêu cầu hoặc do Tòa án áp dụng cho thấy hoạt động này có xảy ra trong thực tiễn nhưng rất ít được thực hiện. Thực tiễn là đương sự có yêu cầu Tòa án áp dụng nhưng không phải lúc nào cũng được chấp thuận vì nhiều lý do khác nhau như: án dễ bị hủy, hoặc không được đánh giá cao vì cơ sở pháp lý không thuyết phục. Hoặc đương sự có yêu cầu, nhưng Tòa án không xem xét áp dụng, vì tập quán có thể có tồn tại, nhưng không phổ biến, hoặc không có văn bản thừa nhận.

Thứ hai, đối với việc áp dụng tập quán do Tòa án áp dụng cũng không thường xuyên xảy ra mặc dù thực tế có rất nhiều tập quán về hôn nhân và gia đình tồn tại. Những bản án viện dẫn trong nội dung trên là một trong những bản án vô cùng hiếm hoi mà Tòa án áp dụng tập quán để bảo vệ quyền lợi của đương sự.

Thứ ba, hệ thống pháp luật quy định về áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình chưa hoàn thiện, cần sớm ban hành các văn bản hoặc các hướng dẫn Tòa án các nơi cơ sở áp dụng đồng bộ và giải quyết được các vướng mắc về vấn đề pháp lý đối với nội dung này.

Như vậy, việc áp dụng tập quán trong giải quyết các tranh chấp về hôn nhân gia đình có rất nhiều vấn đề cần tiếp tục trao đổi rộng rãi để có được sự thống nhất quan niệm, giúp cho tập quán được sử dụng có hiệu quả với 2 tư cách vừa là công cụ bổ sung điều chỉnh một số quan hệ hôn nhân gia đình, vừa là yếu tố góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống, chuẩn mực đạo đức của gia đình Việt Nam.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

(1) Điều 2 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình.

(2) https://webdamcuoi.com/le-nap-tai-lagi/#:~:text=C%C3%B3%20th%E1%BB%83%20l%C3%A0%20t%E1%BB%AB%205,v%C3%A0%20c%C3%B4%20d%C3%A2u%20ch%C3%BA%20r%E1%BB%83.

 (3) https://laodong.vn/phap-luat/bi-hai-chuyen-thong-gia-kien-thong-gia-de-doi-sinh-le-545421.ldo

(4) Chương thứ nhất, Sự đính hôn:

Điều thứ 100 - Con trai chưa đủ 17, con gái chưa đủ 15 tuổi, không thể đính hôn.

Sự đính hôn chỉ có giá trị khi nào đã được làm một cách trọng thể với sự ưng thuận của hai người đính hôn và, nếu đương sự còn vị thành niên, của ông bà, cha mẹ hay giám hộ, và sau khi nhà gái đã nhận lễ vật của nhà trai.

Điều thứ 101 - Mỗi bên đều có thể từ hôn nhưng sẽ phải bồi thường nếu không có lý do chính đáng. Trong mọi trường hợp lễ vật có thể hoàn lại, trừ vật tiêu thụ.

Điều thứ 102 - Những tố quyền liên quan đến sự đính hôn sẽ tiêu diệt sau thời hạn một năm kể từ ngày bãi hôn.

(5) Theo Báo cáo số 195/BC-BTP ngày 22/6/2015 của Bộ Tư Pháp về dự kiến bước đầu tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân.

(6) Khoản 1, Điều 14, Hiến pháp năm 2013.

(7) https://plo.vn/phap-luat/vu-an-nang-dau-quyet-khong-chia-vang-dinh-hon-735704.html

(8) https://plo.vn/phap-luat/vua-mat-dau-vua-phai-tra-35-chi-vang-cuoi-912598.html

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đỗ Văn Đại (2016), Bình luận khoa học - Những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, NXB. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
  2. Nguyễn Thị Tuyết Mai (2014), “Áp dụng tập quán trong giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay”, Luận án Tiến sỹ Luật học.
  3. Nguyễn Năng Nam, “Kết hợp pháp luật và phong tục, tập quán trong việc quản lý xã hội ở nước ta hiện nay”, http://www.vanhoahoc.vn, truy cập: 22h30 ngày 18/5/2016.
  4. Phan Đăng Nhật, Tòa án phong tục: Một kiểu vận dụng luật tục có hiệu quả. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật”, Số 3/2007, tr19.
  5. Nguyễn Thị Minh Phương (2007), “Áp dụng phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Tòa án nhân dân tối cao - Báo Công lý (2013), Áp dụng tập quán trong công tác xét xử, tài liệu Hội thảo.

Conditions for applying customs to resolve marriage and family disputes at the People's Court

Master. Nguyen Be Le

Faculty of State and Law, Can Tho Political School

ABSTRACT:

This paper studies the conditions for applying customs to resolve marriage and family disputes. This paper clarifies two basic conditions for the People's Court to apply customs to resolve marriage and family disputes. The first condition is for the request of involved parties and the second condition is for the People’s Court with its functions and roles under current regulations. The paper clarifies related legal issues and practices, and proposes recommendations for this issue.

Keywords: customs, marriage and family, applying customs.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 2 năm 2021]