TÓM TẮT: Mỗi một quốc gia, một khu vực trên thế giới có sự không đồng nhất về các điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa; truyền thống, phong tục, tập quán,… Sự không đồng nhất này là một trong những yếu tố hình thành nên sự đa dạng của hệ thống pháp luật các nước. Bên cạnh những nét tương đồng, pháp luật các nước cũng có những khác biệt cơ bản phù hợp với điều kiện của từng quốc gia, trong đó có vấn đề về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin giới thiệu pháp luật của một số quốc gia về một số hình thức được xem là chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân. Qua đó có thể thấy được những ưu điểm của pháp luật các nước để vận dụng linh hoạt vào điều kiện tình hình của Việt Nam. Từ khóa: Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, Bộ luật Dân sự Pháp. |
1. Đặt vấn đề
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, việc chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại là một yêu cầu tất yếu, thể hiện quyền tự do của vợ chồng đối với tài sản chung, đồng thời tạo điều kiện cho vợ chồng có thể thực hiện được các yêu cầu về nghề nghiệp, đầu tư kinh doanh và các nghĩa vụ riêng của mình một cách độc lập mà không ảnh hưởng đến đời sống chung của gia đình. Từ thực tiễn cho thấy, khi hôn nhân còn tồn tại vợ chồng có thể xác lập rất nhiều giao dịch liên quan đến tài sản và sẽ không thể tránh khỏi những rủi ro như một bên kinh doanh thua lỗ, dẫn đến phá sản,… Việc giải quyết hậu quả của những rủi ro này trong nhiều trường hợp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của cả gia đình, ảnh hưởng đến các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, ảnh hưởng đến lợi ích của những người khác có liên quan đến tài sản chung của vợ chồng. Do vậy, quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ góp phần ổn định các quan hệ hôn nhân gia đình, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các quyền và nghĩa vụ tài sản của vợ chồng.
2. Pháp luật của một số nước về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hônnhân
2.1. Pháp luật Dân sự Pháp
Ngay sau khi cuộc cánh mạng Pháp thành công, BLDS Pháp đã được ban hành dưới sự chỉ đạo của Napoléon Bonaparte - một nhà quân sự và chính trị kiệt xuất trên thế giới vào năm 1804. BLDS Pháp hay còn gọi là Bộ luật Napoléon được nhiều học giả trong lĩnh vực lập pháp xem như là bản "Hiến pháp dân sự" hoặc được ví như "một đài kỷ niệm". Với nhận định này đã cho chúng ta thấy sự trường tồn cũng như tầm quan trọng của nó đối với pháp luật dân sự trên thế giới. Với hơn 200 năm tồn tại và áp dụng, qua nhiều lần bổ sung và sửa đổi, cho đến nay trong số 2.285 điều khoản hiện đang có hiệu lực có gần một nửa các điều luật vẫn giữ nguyên được cấu trúc và không làm thay đổi trật tự.
Từ khi có hiệu lực vào năm 1804 cho đến năm 2000, BLDS Pháp được chia thành ba quyển, trong đó dành riêng Thiên V quyển thứ ba để quy định về khế ước hôn nhân và các chế độ tài sản của vợ chồng trong hôn nhân. Với quy định này, chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm chế độ tài sản pháp định và chế độ tài sản ước định. Theo đó, vợ chồng có quyền lựa chọn một chế độ tài sản phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế gia đình. Chế độ tài sản pháp định là một giải pháp mang tích chất thay thế trong trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận bằng hôn ước, hoặc với mục đích để vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản áp dụng cho họ. Điều 1400 BLDS Pháp quy định: "Chế độ tài sản chung được xác lập khi không có khế ước hôn nhân hoặc khi vợ chồng lựa chọn kết hôn theo chế độ tài sản chung". Chế độ tài sản chung này bao gồm hai khối tài sản là khối tài sản có và khối tài sản nợ. Tài sản chung của vợ chồng được xác định như sau:
- Tài sản mà vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản mà vợ chồng có được từ công việc của họ;
- Tài sản là những khoản tiết kiệm có được do hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng của vợ, chồng;
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung, được tặng cho chung hoặc được di tặng chung;
- Tài sản không chứng minh được là tài sản riêng.
Điều 1401 BLDS Pháp cũng quy định: Tài sản cộng đồng “gồm những thu nhập chung của hai vợ chồng hoặc thu nhập riêng của từng người trong thời kỳ hôn nhân và có nguồn gốc từ công việc làm ăn của họ, cũng như từ những khoản tiết kiệm có được do hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng của họ”. Trừ những tài sản riêng do bản chất của nó theo quy định của Điều 1404 BLDS Cộng hòa Pháp. Bên cạnh đó, Bộ luật này còn quy định trong trường hợp không chứng minh được đó là tài sản riêng của vợ hoặc chồng theo quy định của pháp luật thì mọi tài sản dù là động sản hay bất động sản đều được coi là thu nhập chung của hai vợ chồng.
Những tài sản chung của vợ chồng chỉ được chấm dứt khi có những căn cứ làm chấm dứt theo quy định của BLDS Pháp, trong đó có việc tách riêng tài sản chung giữa vợ và chồng. Điều 1443 BLDS Pháp quy định về việc tách riêng (chia) tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như sau:
Nếu do sự xáo trộn trong công việc làm ăn của vợ hoặc chồng, do vợ hoặc chồng quản lý kém hoặc thiếu đạo đức, mà việc duy trì chế độ tài sản chung gây phương hại đến lợi ích của người kia, thì người có lợi ích bị phương hại có thể yêu cầu Tòa án cho tách riêng tài sản. Mọi trường hợp tự tách riêng tài sản đều vô hiệu.
Với quy định này các nhà làm luật của Pháp đã dự liệu hai trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân:
Một là, trường hợp công việc làm ăn của vợ chồng có sự xáo trộn, có thể theo chiều hướng có lợi hoặc bất lợi trong công việc làm ăn. Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành ở nước ta cũng có quy định tương tự như trường hợp thứ nhất này là trường hợp chia tài sản chung để vợ chồng thực hiện việc đầu tư kinh doanh riêng.
Hai là, do vợ chồng quản lý kém hoặc thiếu đạo đức, chẳng hạn như vợ hoặc chồng có hành vi phá tán tài sản chung, hoặc tự mình thực hiện những giao dịch dân sự làm tổn thất khối tài sản chung, ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình và của bên kia. Cả hai trường hợp tách riêng tài sản chung này chỉ được ghi nhận thông qua tòa án. Mọi trường hợp vợ chồng tự tách riêng tài sản đều không có giá trị pháp lý. Hậu quả của việc chia tài sản chung đó sẽ làm chấm dứt chế độ tài sản chung của vợ chồng. Trong khi đó, Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành của nước ta quy định có sự khác biệt với BLDS Pháp khi cho phép thực hiện chia tài sản chung của vợ chồng thông qua việc tự thỏa thuận được thực hiện tại các văn phòng công chứng và thông qua con đường tòa án. Như vậy, chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật Việt Nam đã “cởi mở” hơn so với BLDS Pháp. Ngoài ra, Điều 1443 BLDS Pháp cho thấy, chỉ có vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu tách riêng tài sản chung, người thứ ba có liên quan không có quyền yêu cầu. Điều 1446 BLDS Pháp khẳng định: “Chủ nợ của riêng vợ hoặc chồng không có quyền yêu cầu tách riêng tài sản của vợ chồng người mắc nợ”. Người thứ ba có liên quan chỉ được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình và nếu việc tách riêng tài sản được Tòa án quyết định có hại cho quyền lợi của họ, họ có quyền kháng cáo với tư cách người thứ ba kháng án theo những điều kiện do Bộ luật tố tụng dân sự quy định.
Việc tách riêng tài sản chung giữa vợ và chồng được quy định khá đầy đủ, tuân theo những trình tự thủ tục chặt chẽ. Điều 1445 BLDS Pháp quy định như sau:
Yêu cầu tách riêng tài sản giữa vợ và chồng, bản án cho tách riêng tài sản giữa vợ và chồng phải được công bố theo những điều kiện và chế tài quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự, cũng như theo các quy định pháp luật về thương mại, nếu vợ hoặc chồng là thương nhân;
Bản án tuyên bố tách riêng tài sản giữa vợ và chồng có hiệu lực kể từ ngày nộp yêu cầu tách riêng tài sản;
Bản án tuyên bố tách riêng tài sản giữa vợ và chồng được ghi chú bên lề giấy đăng ký kết hôn và bản chính của khế ước hôn nhân.
Như vậy với nội dung của điều luật trên, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân phải được công bố công khai và chỉ hướng đến chủ thể vợ, chồng là thương nhân. Quy định này của BLDS Pháp nhằm mục đích loại bỏ hoặc hạn chế đến mức thấp nhất những tranh chấp có thể phát sinh trong tương lai. Trước tiên là để vợ chồng nâng cao trách nhiệm của mỗi bên vợ chồng, ngăn chặn việc tách riêng tài sản nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ của bản thân. Tiếp nữa là để người thứ ba có quyền và nghĩa liên quan đến tài sản chung của vợ chồng có thể biết được sự dịch chuyển tài sản chung của vợ chồng để có những định hướng kịp thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, chẳng hạn như yêu cầu thanh toán các khoản vay,…
Ngoài ra, pháp luật dân sự Pháp còn yêu cầu bản án tách riêng tài sản chung phải được ghi chú bên lề giấy đăng ký kết hôn hoặc bản chính của khế ước hôn nhân. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chứng minh rõ nguồn gốc tài sản trong trường hợp phát sinh những tranh chấp giữa vợ và chồng hoặc người thứ ba có liên quan đến tài sản chung của vợ chồng.
Để đảm bảo lợi ích của gia đình đặc biệt là con cái sau khi bản án tách riêng tài sản chung có hiệu lực pháp luật, BLDS Pháp còn quy định thêm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng sau khi chia tài sản chung. Điều 1448 BLDS Pháp quy định những nghĩa vụ mà vợ chồng phải thực hiện:
Vợ hoặc chồng đã được tách riêng tài sản có trách nhiệm đóng góp các chi phí cho gia đình và cho việc nuôi dạy con theo khả năng của mình và của người kia. Nếu một trong hai vợ chồng không còn tài sản sau khi tách riêng tài sản, thì người kia phải trả hết các chi phí nêu trên.
Như vậy, dù việc tách riêng tài sản chung được thực hiện với mục đích gì thì vợ chồng vẫn phải có nghĩa vụ đóng góp chăm lo cho đời sống chung của gia đình như chi phí sinh hoạt hàng ngày, mua sắm vật dụng gia đình, các chi phí khác, các nghĩa vụ đối với người thứ ba … Trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng không còn tài sản sau khi chia tài sản thì người vợ hoặc chồng còn lại phải thanh toán tất cả các chi phí liên quan đến đời sống chung của gia đình. Đặc biệt vợ chồng phải có nghĩa vụ nuôi dạy con cái trong điều kiện hoàn cảnh của bản thân. Ngoài việc phải chi trả cho những chi phí nuôi dạy con như chi phí học hành, ăn ở, đi lại,… vợ chồng phải có nghĩa vụ chăm lo cho sự phát triển của con. Bởi vì, chỉ có gia đình là nơi thích hợp nhất để nuôi dưỡng những mầm non thành những công dân tốt, trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển tương lai của đất nước.
Ngoài ra, BLDS Pháp cũng quy định về hậu quả pháp lý của việc tách riêng tài sản này. Chế độ tài sản chung của vợ chồng sẽ chấm dứt khi quyết định của Tòa án có hiệu lực và được chuyển sang chế độ tách riêng tài sản, tài sản riêng của người nào sẽ thuộc sở hữu của người đó. Điều 1449 BLDS Pháp quy định: “Việc tách riêng tài sản do Tòa án quyết định có hiệu lực đặt vợ chồng dưới chế độ của các điều 1536 và tiếp theo”. Ngoài ra, BLDS Pháp còn quy định việc thanh toán các khoản nợ đối với người thứ ba có liên quan đến tài sản chung của vợ chồng khi việc chia tách tài sản riêng có hiệu lực pháp lý tại Điều 1449:
Khi tuyên bố tách riêng tài sản, Tòa án có thể quyết định một bên vợ hoặc chồng sẽ chuyển cho bên kia phần đóng góp của mình; người này sẽ một mình đảm nhận giải quyết mọi hậu quả trong hôn nhân đối với người thứ ba.
Với quy định trên cho thấy, khi tuyên bố tách riêng tài sản thì việc thanh toán các nghĩa vụ với bên thứ ba có thể được Tòa án quyết định giao cho một bên vợ chồng thanh toán sau khi nhận được phần đóng góp của bên còn lại. Quy định này sẽ đảm bảo được quyền lợi của người thứ ba.
Từ việc tìm hiểu một số quy định về chế độ tài sản của vợ chồng cũng như việc tách riêng tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đã cho chúng ta thấy rằng BLDS Pháp đã quy định khá đầy đủ, chi tiết những nội dung có liên quan đến việc chia tài sản chung của vợ chồng. Đối với Việt Nam, đây chính là những quy định có rất nhiều ưu điểm để những nhà lập pháp của chúng ta có thể học hỏi, tiếp thu nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về HN&GĐ, trong đó có vấn đề về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
2.2. Pháp luật dân sự và thương mại Thái Lan
Ở Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia duy nhất không phải trải qua chế độ thuộc địa. Tuy nhiên, trong suốt thế kỉ XIX, để duy trì chủ quyền lãnh thổ của mình, Thái Lan đã kí kết hàng loạt các hiệp định song phương với các quốc gia phương Tây nhằm phát triển quan hệ thương mại. Các hiệp định song phương này đã giúp cho Thái Lan mở cửa thị trường với các nước phương Tây. Sự thay đổi về thương mại đã kéo theo sự thay đổi về xã hội và pháp luật. Vì thế, hệ thống pháp luật Thái Lan bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi pháp luật các nước phương Tây, đặc biệt là pháp luật của Châu Âu lục địa. Đầu thế kỉ XX, Thái Lan tiến hành cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp. Người Thái đã tiếp nhận hệ thống triết lý pháp luật, tổ chức tòa án và tố tụng của pháp luật châu Âu và xem pháp luật của Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Anh, Ý và Nhật Bản là những mô hình cho việc xây dựng pháp luật của mình. Hàng loạt các bộ luật của Thái Lan đã được ban hành theo mô hình pháp luật của các nước này, trong đó có BLDS và thương mại năm 1925. Gần một thế kỷ có hiệu lực thi hành cho đến nay, những quy định của nó vẫn còn giá trị trong đời sống của người Thái. Những quy định về HNGĐ được ghi nhận tại Quyển 5 từ Điều 1435 đến Điều 1598 của Bộ luật.
Do chịu ảnh hưởng của pháp luật châu Âu lục địa nên quyền sở hữu của vợ chồng ở Thái Lan cũng được điều chỉnh bằng hai phương thức: theo hôn ước mà vợ chồng lập ra trước khi cưới và theo quy định của pháp luật khi vợ chồng không có hôn ước hoặc hôn ước đó vô hiệu. Tài sản của vợ chồng cũng bao gồm tài sản chung "Sin Somros" và tài sản riêng "Sin Suan Tua".
Phần tài sản chung "Sin Somros" của vợ chồng theo quy định tại Điều 1474 BLDS và Thương mại Thái Lan được xác định bao gồm những tài sản sau:
- Tài sản mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân thông qua một di chúc hoặc tặng cho được làm bằng văn bản nếu trong di chúc hay văn bản này tuyên bố rõ tài sản đó là tài sản chung;
- Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng;
- Ngoài ra trong trường hợp tài sản có nguồn gốc hợp pháp khác nhưng không chứng minh được là tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Căn cứ quy định tại các Điều 1488, Điều 1484, Điều 1491, Điều 1598.17 BLDS và Thương mại Thái Lan thì tài sản chung vợ chồng chỉ có thể được chia trong thời kỳ hôn nhân trong bốn trường hợp cụ thể sau:
- Thứ nhất, một bên vợ chồng có nghĩa vụ tài sản riêng nhưng không có hoặc không đủ tài sản riêng để thực hiện, phải thực hiện bằng phần tài sản của mình trong khối tài sản chung;
- Thứ hai, vợ hoặc chồng là người quản lý tài sản chung "Sin Somros" mà có những hành vi vi phạm như: gây mất mát tài sản chung mà không có lý do chính đáng; không giúp đỡ người kia; lâm vào tình trạng nợ nần hoặc chịu những món nợ vượt quá một nữa giá trị tài sản chung; cản trở vợ hoặc chồng mình trong việc quản lý tài sản chung mà không có lý do chính đáng;
- Thứ ba, người vợ hoặc người chồng bị tuyên bố phá sản;
- Thứ tư, một bên vợ hoặc chồng bị tuyên mất năng lực hành vi và người kia bị coi là không thích hợp để làm người giám hộ và do đó cha hoặc mẹ của người đó hoặc một người được chỉ định làm người giám hộ thì người giám hộ đó sẽ trở thành người đồng quản lý tài sản chung với người kia. Trong trường hợp này vợ hoặc chồng của người bị mất năng lực hành vi có quyền yêu cầu Tòa án chia tài sản chung nếu có tình huống quan trọng gây ra nguy hại cho họ.
So với BLDS Pháp, BLDS và Thương mại Thái Lan đã mở rộng thêm hai trường hợp được chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Trong đó có trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn khi một bên vợ hoặc chồng bị tuyên mất năng lực hành vi và người kia bị coi là không thích hợp để làm người giám hộ. Pháp luật HN&GĐ nước ta cũng chưa quy định trường hợp này. Vì vậy, trong thời gian tới cần thiết phải bổ sung lý do này trong hướng dẫn xác định “lý do chính đáng khác” để làm căn cứ chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như BLDS và Thương mại Thái Lan đã quy định.
Bên cạnh đó, BLDS và Thương mại Thái Lan còn quy định thêm hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung. Điều 1492 BLDS và Thương mại Thái Lan quy định rõ sau khi đã chia tài sản chung căn cứ vào những trường hợp nêu trên, tài sản của vợ chồng sẽ có sự thay đổi như sau:
- Phần tài sản được chia cho mỗi bên vợ hoặc chồng trở thành tài sản riêng của mỗi người;
- Bất cứ tài sản nào mà người vợ hoặc người chồng có được sau khi chia tài sản chung sẽ là tài sản riêng của người đó và không được coi là tài sản chung;
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung, tặng cho chung sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân trở thành tài sản riêng và chia đều cho cả vơ va chông;
- Hoa lợi thu được từ tài sản riêng sau khi chia tài sản chung sẽ là tài sản riêng của mỗi người.
Như vậy, sau khi chia tài sản chung sau thời kỳ hôn nhân thì toàn bộ tài sản được chia và tài sản có được sau khi chia đều là tài sản riêng của mỗi bên vợ chồng. Điều này đã làm chấm dứt hoàn toàn chế độ tài sản chung giữa vợ và chồng. Chế độ tài sản chung của vợ chồng sau khi chia đã thay bằng chế độ biệt sản của mỗi người. Ngoài ra, để đảm bảo đời sống chung của gia đình sau khi chia tài sản chung, BLDS và Thương mại Thái Lan quy định cả hai vợ chồng đều phải chịu trách nhiệm thanh toán những chi tiêu của gia đình theo tỷ lệ tương ứng với số tài sản riêng của mỗi người (Điều 1493). Quy định này cũng tương tự như quy định của BLDS Pháp về việc thực hiện nghĩa vụ của vợ chồng với gia đình và con cái.
Thêm vào đó, BLDS và Thương mại Thái Lan còn ghi nhận một điểm khác biệt so với BLDS Pháp là việc khôi phục chế độ tài sản chung sau khi đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Điêu 1492.1 BLDS và Thương mại Thái Lan có quy định như sau:
Trong trường hợp chia "Sin Somros" theo lệnh của Tòa án thì việc hủy bỏ sự phân chia đó sẽ được thực hiện theo yêu cầu của người vợ hoặc người chồng và Tòa án sẽ ra quyết định công nhận việc này. Nếu vợ hoặc chồng phản đối yêu cầu này thì Tòa án không được ra quyết định hủy bỏ việc chia "Sin Somros" trừ khi lý do chia "Sin Somros" đã chấm dứt..
Theo tinh thần của quy định này, chế độ tài sản chung của vợ chồng chỉ được Tòa án cho phục hồi khi có yêu cầu của vợ, chồng hoặc khi lý do chia “Sin Somros” đã chấm dứ. Sau khi việc chia tài sản chung đã được hủy bỏ hoặc đình hoãn do vợ hoăc chồng đã thoát khỏi việc phá sản thì tài sản là tài sản riêng vào ngày có quyết định của Tòa án hoặc vào ngày mà người vợ hoặc người chồng thoát khỏi việc phá sản vẫn giữ nguyên là tài sản riêng.
Với những nội dung vừa được giới thiệu trên cho thấy BLDS và Thương mại Thái Lan quy định về việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cũng có nhiều điểm hợp lý hơn so với pháp luật nước ta. Chẳng hạn như những trường hợp chia tài sản chung, hậu quả đối với gia đình và con cái hay như vấn đề khôi phục chế độ tài sản chung sau khi chia. Tuy nhiên, pháp luật Thái Lan vẫn còn một số điểm chưa phù hợp với điều kiện nước ta như quy định chế độ biệt sản sau khi chia tài sản chung. Vì vậy, để hoàn thiện pháp luật HN&GĐ, chúng ta cần có sự vận dụng một cách linh hoạt các quy định của pháp luật Thái Lan phù hợp với điều kiện đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Văn Cừ (2000), “Chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân đang tồn tại”, Tòa án nhân dân, (09), trang 18-21.
- Đoàn Thị Phương Diệp (2008), “Nguyên tắc suy đoán tài sản chung trong Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam và Luật Dân sự Pháp”, www.thongtinphapluatdansu.edu,vn, ngày 10/11.
- Nhà pháp luật Việt - Pháp (1998), Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa Pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan (1995), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
LEGISLATION OF SOME COUNTRIES ON DIVISION OF GENERAL ASSETS OF HUSBAND IN THE PEOPLE'S PERIOD TRAN THANH LUAN Class CH16LDS_TV5_2, Tra Vinh University ABSTRACT: Each country and region in the world has heterogeneity in political, economic - social and cultural conditions; traditions, customs, practices, etc. This heterogeneity is one of the factors that constitute the diversity of the legal system of countries. In addition to similarities, the laws of the countries also have fundamental differences in accordance with the conditions of each country, including the problem of dividing the common property of husband and wife during the marriage period. Within the scope of the article, I would like to introduce the laws of some countries on some forms that are considered to be shared assets during the marriage period. Thereby, it is possible to see the advantages of the laws of the countries to apply flexibly to the situation of Vietnam. Keywords: Divide common property during the marriage period, French Civil Code. |