Ngành Công Thương Đồng Tháp: Từng bước phục hồi, tăng trưởng công nghiệp thương mại

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, ngành Công Thương Đồng Tháp đã chủ động và tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực vào sự phục hồi kinh tế -xã hội của tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, Sở Công Thương Đồng Tháp đã bám sát chỉ đạo của các cấp lãnh đạo tỉnh và Bộ Công Thương, chủ động xây dựng các kế hoạch, tham mưu với UBND tỉnh, phối hợp cùng các ngành, địa phương triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN); Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường; tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp
Ông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp

 

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Sở Công Thương Đồng Tháp đã nghiên cứu xây dựng cũng như tham mưu UBND Tỉnh xây dựng nhiều đề án, kế hoạch để khôi phục kinh doanh và phát triển sản xuất sau đại dịch Covid-19. Đáng chú ý là: Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Kế hoạch tổ chức Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc giai đoạn sau Covid-19; Kế hoạch tổ chức Hội thảo “Ứng dụng Thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19”; kế hoạch hoạt động của Tổ thông tin và Phân tích thị trường nông sản năm 2022; Kế hoạch thăm và làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh;…

Đồng thời, Sở Công Thương đã tham mưu UBND Tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa 05 tỉnh ĐBSCL với thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức lễ công bố lô Xoài đầu tiên của Đồng Tháp xuất sang thị trường Châu Âu; tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ xoài năm 2022 với các thương nhân tại các chợ truyền thống lớn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tham mưu, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường; Tổ chức Tuần hàng sản phẩm OCOP Đồng Tháp trên sàn thương mại điện tử và tổ chức Chương trình Livestream quảng bá sản phẩm OCOP Đồng Tháp trên trang Fanpage truyền hình của Đài phát thanh truyền hình Đồng Tháp; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng cường chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh góp phần làm gia tăng.

Sở Công Thương đã thực hiện thẩm định các cơ sở đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Made in Dong Thap”; Xét hỗ trợ kinh phí TCCNN cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực công thương năm 2022; Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia đề án thuộc chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2022; tập huấn về phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm trong năm 2022; xét hồ sơ hỗ trợ các đơn vị sản xuất thực hiện mô hình trình diễn, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công…

Bằng những giải pháp trên, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trên địa bàn đã từng bước được phục hồi, nhiều DN đã ổn định và tái sản xuất hiệu quả, nhất là các DN trong lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp như chế biến thủy sản, thực phẩm, nông nghiệp...

Bách hóa xanh tại Đồng Tháp
Bách hóa xanh tại Đồng Tháp

Công nghiệp thương mại tăng trưởng mạnh mẽ

Với sự chủ động trong thực hiện các kế hoạch triển khai hoạt động ngay khi khống chế được dịch bệnh và sự nỗ lực vượt khó và chủ động thích nghi của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã phục hồi và có bước tăng trưởng mạnh mẽ, Tính đến tháng 9 năm 2022, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp là 627/632 doanh nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm đạt 53.032 tỷ đồng (giá 2010), tăng 20% so cùng kỳ năm 2021, và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt trong tăng trưởng giá trị SXCN và góp phần tăng trưởng GRDP chung của Tỉnh.

Hoạt động thương mại phục hồi khởi sắc, đến nay100% chợ, hệ thống siêu thị và mạng lưới bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã khôi phục hoạt động trở lại với công suất đạt 100%. Các hoạt động kinh doanh, mua bán trên địa bàn và sức tiêu thụ của người dân có xu hướng tăng trở lại, nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, thúc đẩy tăng trưởng. Hoạt động bán hàng online kết hợp với bán hàng tại chỗ phát triển. Giá các mặt hàng nông sản, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Tỉnh ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đạt 83.961 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021, và tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019.

Hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan với nhiều đơn đặt hàng mới. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Tỉnh như thủy sản, gạo, bánh phồng tôm, giày da… vẫn nắm giữ tốt các thị trường truyền thống. Các mặt hàng chủ lực của tỉnh đều giữ vững được thị trường truyền thống và có sự dịch chuyển nhẹ từ thị trường châu Á sang các nước châu Âu. Xuất khẩu nông sản cũng ghi nhận bước tiến mới với việc xuất khẩu thành công trái xoài Đồng Tháp sang EU. Ngành Công Thương Đồng Tháp tích cực phối hợp với các tỉnh tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc; thường xuyên thông tin các chủ trương, chính sách xuất khẩu đến doanh nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (không tính hàng hóa tạm nhập, tái xuất) 9 tháng đầu năm đạt 1.133 triệu USD, đạt 95,6% so với kế hoạch, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021, và tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi trên hầu hết tất cả các lĩnh vực, ngành Công Thương Đồng Tháp phấn đấu đạt vượt các chỉ tiêu được giao trong năm 2022. Để tạo đà tăng trưởng kinh tê-xã hội, ngành Công Thương Đồng Tháp sẽ tiếp tục xác định công nghiệp là động lực quan trọng để tăng trưởng và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Co.op Mart tại thành phố Cao Lãnh Đồng Tháp
Siêu thị Co.op Mart tại Đồng Tháp

Thời gian tới, ngành Công Thương sẽ đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Xác định phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo là khâu đột phá. Định hướng đến năm 2030, về quản lý nhà nước có 100% thủ tục hành chính của Sở Công Thương Đồng Tháp được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Bên cạnh đó, Ngành sẽ thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực công nghiệp thương mại; Tăng cường phối hợp các ban, ngành địa phương và các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh./.