Nghiên cứu và phát triển tới các doanh nghiệp thông qua sở hữu trí tuệ

Thời gian qua, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cũng đã tập trung đầu tư và phát triển về khoa học công nghệ, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, đã chủ trì 493 đề tài các cấp, công bố 1692 bài báo khoa học trong nước và quốc tế uy tín.

Ngày 15 tháng 9 năm 2022 Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Quyết định số 15824w/QĐ-SHTT cấp Bằng độc quyền Sáng chế số 33699, tên sáng chế “Quy trình tổng hợp trực tiếp vật liệu nanocompozit PANI/MWCNTs lên vi điện cực Pt để ứng dụng cho cảm biến khí hoạt động ở nhiệt độ phòng và cảm biến khí bao gồm vật liệu thu được này.

Với chủ đơn là Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên của nhóm nghiên cứu mạnh vật liệu nano và ứng dụng do PGS.TS. Chu Văn Tuấn làm trưởng nhóm.

Nhóm nghiên cứu mạnh vật liệu nano và ứng dụng (NMA Lab) liên ngành công nghệ vật liệu nano - hóa học - tự động hóa - cơ khí, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên sau một thời gian triển khai một số đề tài nghiên cứu đến nay đã có những sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực quan trắc môi trường.

Đây là bằng độc quyền sáng chế đầu tiên của trường. Với những bước đầu hy vọng trong thời gian tới trường sẽ công bố nhiều bằng độc quyền sáng chế để áp dụng vào thực tiễn theo đúng hướng đại học nghề nghiệp ứng dụng.

Đại Học Sư Phạm Hưng Yên

Kết quả của bằng độc quyền sáng chế này có thể thương mại hoá được sản phẩm nghiên cứu từ Trường Đại học đến các Doanh nghiệp Khoa học công nghệ để ứng dụng vào kiểm soát môi trường ở các Khu công nghiệp có xả thải ra môi trường.

Đi từ công nghệ lõi cho đến thành sản phẩm ứng dụng, hoàn thiện hệ thống đo lường tự động giám sát môi trường không khí với giá thành rẻ, đơn giản trong hiệu chỉnh, hoàn toàn thay thế thiết bị nhập ngoại. Bằng độc quyền sáng chế này, đề xuất quy trình chế tạo trực tiếp vật liệu nanocomposit lên vi điện cực Pt ứng dụng cảm biến khí (H2, COx, NOx… ) hoạt động ở nhiệt độ phòng. Trên thị trường hiện nay, cảm biến khí nhập khẩu, khó tinh chỉnh theo điều kiện của Việt Nam, giá thành đắt. Cảm biến khí hiện nay đều phải hoạt động ở nhiệt độ cao, tiêu tốn năng lượng.

Cảm biến khí sử dụng vật liệu nanocomposit ở bằng độc quyền sáng chế với chủ đơn là Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, có tính ứng dụng cao, hoạt động ở nhiệt độ phòng, giảm tiêu hao năng lượng. Giảm giá thành sản xuất, đơn giản trong quy trình phương pháp, có thể sản xuất hàng loạt cảm biến có sự đồng đều, bền với môi trường. Sử dụng cảm biến khí chế tạo được để dùng trong các thiết bị quan trắc môi trường không khí hoàn toàn tự động (phát hiện các khí độc hại COx, NOx, H2...).

Trong năm qua Nhà trường đã ban hành các Quy chế Hoạt động NCKH & khởi nghiệp cho sinh viên đã hỗ trợ kinh phí cho sinh viên có đề tài NCKH, dự án khởi nghiệp xuất sắc, cấp kinh phí đề tài cơ sở lên đến 100 triệu/1 đề tài cho giảng viên.

Quy chế thành lập Nhóm NC mạnh, cấp kinh phí lên đến 500 triệu/ 1 nhóm/ 3 năm. Năm 2022 rất khởi sắc cho hoạt động NCKH của giảng viên, đề tài cấp tỉnh khoảng 4 tỷ, đề tài & chương trình cấp Bộ hơn 8 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2021 tập thể giảng viên Nhà trường công bố gần 100 bài báo quốc tế (nhiều nhất trong các năm).

Trong 6 tháng đầu năm 2022 các giảng viên Nhà trường công bố hơn 80 bài báo quốc tế ISI có uy tín. Với những kết quả đó, rất nhiều giảng viên có thành tích suất sắc (công bố 7-8 bài ISI uy tín là tác giả chính, có giảng viên công bố trên tạp chí rất uy tín chỉ số IF >8 và là tác giả chính, có giảng viên đang học tập ở nước vẫn luôn hướng về trường, công bố bài nào cũng ghi địa chỉ của trường).

Sau một thời gian nghiên cứu khoa học thì ngoài những tiêu chí quan trọng là các công bố khoa học (các bài báo) thì các sáng chế (patent) là một trong những sản phẩm đặc biệt của quá trình nghiên cứu. Nếu những bài báo khoa học đóng vai trò khám phá những thông tin tri thức khoa học mới, những hướng nghiên cứu mới, thì sáng chế đại diện cho tính ứng dụng của những nghiên cứu đó.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đào tạo định hướng ứng dụng trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật công nghệ, một số chuyên ngành là thế mạnh: Ô tô, cơ khí, cơ điện tử, công nghệ thông tin, điện điện tử, kỹ thuật điều khiển tự động hoá, vật liệu mới - lĩnh vực ưu tiên và cũng là xu hướng chung của thế giới. Do vậy, việc kết hợp đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ trọng tâm của trường đại học.

Trong mấy năm qua, được sự quan tâm của Lãnh đạo trường, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cũng đã tập trung đầu tư và phát triển về khoa học công nghệ, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, đã chủ trì 493 đề tài các cấp, công bố 1692 bài báo khoa học trong nước và quốc tế uy tín.

Với những kết quả này, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã đóng góp vào hệ thống đổi mới sáng tạo, trực tiếp nghiên cứu và phát triển tới các doanh nghiệp thông qua sở hữu trí tuệ và trong thời gian tới thương mại hoá được sản phẩm từ kết quả của bằng độc quyền sáng chế vừa được công bố.

 

Huy Tưởng