Người Công giáo giúp nhau làm kinh tế

Tại các giáo phận, giáo xứ, nhiều hộ Công giáo đã mạnh dạn đầu tư vốn, tranh thủ các nguồn vốn vay nhà nước, vốn vay tương trợ và sự chia sẻ kỹ thuật trong cộng đồng để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước.

cong giao

Đối với người Công giáo, tiền bạc cũng rất cần như bao người khác, nhưng không tôn thờ tiền bạc và biết khôn ngoan trong sử dụng tiền bạc. Nhưng trong Kinh Thánh, có rất nhiều dụ ngôn răn dạy về sự nguy hiểm của tiền bạc, nếu không biết điều chỉnh thân tâm đoan chính. Cụ thể, tiền bạc nguy hiểm vì nó dễ làm cho con người trở nên cứng cỏi, thiếu bác ái với người nghèo, giống như người giàu có trong Phúc Âm đã xử tệ với người hành khất tên La-da-rô (trong x. Lc 16, 19-31).

Tiền bạc nguy hiểm vì nó dễ xúi con người phạm những tội bất công hại người, tương tự như trường hợp Giu-đa bán Chúa (trong x. Mt 26, 15); tiền bạc nguy hiểm vì nó dễ làm cho con người trở nên loại Pha-ri-sêu giả hình tỏ vẻ đạo đức, “kinh kệ dài dòng, nhưng lại nuốt trôi gia tài những bà góa” (trong x. Mt 23, 14); tiền bạc nguy hiểm vì nó cũng dễ đẩy ta vào số phận chết không kịp chuẩn bị, như người phú hộ trong Phúc Âm đang lúc mải miết tính toán tiền bạc, thì thần chết ập tới lôi đi (trong x. Lc 12, 16-21)…

Do đó, những giáo dân chân chính có nhiều tiền nhưng họ làm chủ nó và sử dụng nó vào những việc đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Họ đặc biệt cảnh giác về lòng tham của chính mình. Đức Giám mục GB Bùi Tuần đã chia sẻ về vấn đề này như sau: “Do lòng tham nên ta có thể kiếm tiền một cách bất chính. Vì tham nên ta có thể ăn gian, nói dối trong kinh doanh buôn bán. Vì tham nên ta có thể lường gạt bằng mọi thủ đoạn để cái túi của mình đầy tiền. Vì tham nên ta có thể vi phạm đức công bằng và bác ái một cách nặng nề. Vì tham nên ta có thể hy sinh tất cả để bảo toàn quyền lợi bất chính của mình”.

Đường nông thôn mới tại giáo xứ Kim Sơn, Ninh Bình
Đường nông thôn mới tại giáo xứ Kim Sơn, Ninh Bình

Bà con Công giáo thường khuyến khích và được khuyến khích học hỏi cách làm ăn hiệu quả, sống quảng đại, sẵn sàng chia sẻ tiền của vật chất và hướng dẫn cách làm ăn cho những người khó khăn, với tâm niệm rằng: “Cho thì có phúc hơn là nhận”.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, dưới sự tập hợp của Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh, thành phố, có rất nhiều chương trình phát triển được bà con giáo dân nhiệt tình hưởng ứng như phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến”; phong trào dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng vật nuôi có giá trị thu nhập cao…  Trong đó, tương trợ nhau làm kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại diện mạo ngày một khang trang hơn cho các xứ, họ đạo.

Huyện Kim Sơn với 80.000 giáo dân và 32 giáo xứ, chiếm 55% tổng số giáo dân của giáo phận và 46% tổng dân số toàn huyện. Huyện có gần 14 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó, diện tích đất trồng lúa trên 8.300 ha, đất nuôi trồng thủy sản 3.900 ha. Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Kim Sơn đã tập trung chỉ đạo các xã thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, nạo vét kênh mương, làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Tổng diện tích thực hiện dồn điền, đổi thửa là trên 7.200 ha, trong đó hơn 210 ha diện tích đất được đóng góp để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng. Tổng kinh phí thực hiện dồn điền, đổi thửa gần 45 tỷ đồng, trong đó phần lớn do nhân dân, trong đó có bà con giáo dân đóng góp với tổng giá trị xấp xỉ 35 tỷ đồng. Sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, đồng ruộng của Kim Sơn đã không còn nhỏ lẻ, manh mún như trước. Nếu như trước đây số thửa/hộ là 2,94 thì đến nay trung bình mỗi hộ chỉ phải canh tác trên 1,5 thửa ruộng.

Tại nhiều giáo xứ trong huyện, nhiều hộ Công giáo đã mạnh dạn đầu tư vốn, tranh thủ các nguồn vốn vay nhà nước, vốn vay và sự chia sẻ kỹ thuật trong cộng đồng để phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại vườn-ao-chuồng, thu nhập hàng năm từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Mô hình trồng quất cảnh bonsai
Mô hình trồng quất cảnh bonsai ở giáo xứ Phú Lễ, Thái Bình

 

Ở giáo xứ Phú Lễ, tỉnh Thái Bình có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nhờ vào sự giúp đỡ về vật chất và hướng dẫn kỹ năng nuôi trồng. Được sự hỗ trợ của cộng đồng, nhiều bà con giáo dân ở đây đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa sản phẩm gắn với thị trường, tạo nguồn thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu. Với mô hình trồng quất bonsai của gia đình ông Trần Văn Đỉnh, thay vì trồng quất cảnh theo phương thức truyền thống thâm canh trên ruộng, ông học hỏi đưa quất vào trồng trong các bình gốm, chum để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay. Nhờ đó mà giá trị mỗi cây quất cao hơn gấp từ 2-3 lần so với trước. Nhưng điều đáng quý hơn, gia đình ông không chỉ chủ động, sáng tạo học tiếp cận cách thức làm ăn trên internet, mà còn phát huy tinh thần đoàn kết của bà con giáo dân, thường xuyên chia sẻ về kinh nghiệm để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình.

Mực dù các giáo phận, giáo xứ có sự khác nhau về đường hướng hoạt động, cách làm nhưng đều có điểm chung ở một triết lý, đó là: Tích cực, năng động trong hoạt động phát triển kinh tế, đồng hành, phục vụ dân tộc, dấn thân phục vụ, vun đắp hạnh phúc của đồng bào.

Kỳ Anh và nhóm tác giả