Nguồn cung phân bón toàn cầu tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro

Mặc dù giá phân bón thế giới hiện đã giảm đáng kể so với mức đỉnh lịch sử tháng 5/2022 nhưng nguồn cung phân bón vẫn đối mặt nhiều rủi ro như giá khí khó giảm sâu hơn, Trung Quốc và Nga nhiều khả năng tiếp tục hạn chế xuất khẩu. Giá phân bón được dự báo có thể sẽ tiếp tục neo ở mức cao.

Trong những năm gần đây, thị trường phân bón thế giới liên tục đối mặt với những thách thức về nguồn cung. Khởi đầu với các đứt gãy nguồn cung do đại dịch COVID-19 và nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực trên toàn cầu tăng mạnh khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung diễn ra kéo dài. Kể từ nửa cuối năm 2021, nguồn cung phân bón Kali trên thị trường quốc tế suy giảm đáng kể sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Belarus. Đồng thời, Trung Quốc giới hạn việc xuất khẩu hàng loạt loại phân bón, đặc biệt là phân đạm và phân lân, nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa.

Giá phân bón thế giới
 Diễn biến giá các loại phân bón chủ chốt trên thị trường quốc tế từ năm 2016 đến cuối năm 2022 (Nguồn: Bloomberg, Ngân hàng Thế giới)

Đến cuối tháng 2/2022 khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng nổ, phương Tây tiếp tục áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, gây tác động tiêu cực đến nguồn cung nhiều loại phân bón, đặc biệt là phân đạm. Cùng với đó, giá khí thiên nhiên tăng vọt bất thường khiến hàng loạt nhà máy sản xuất phân bón tại châu Âu phải tạm ngưng hoạt động.

Tất cả những yếu tố này đã đẩy giá phân bón thế giới lập mức cao nhất 14 năm vào tháng 5/2022. Mặc dù giá phân bón bắt đầu hạ nhiệt trong những tháng gần đây khi giá cao khiến nhu cầu bị kìm hãm và sản lượng phân bón từ Nga tăng cao kỷ lục, nhưng giới phân tích nhận định nguồn cung phân bón thế giới chưa hoàn toàn ổn định. Dưới đây là các yếu tố chính sẽ chi phối nguồn cung phân bón toàn cầu trong thời gian tới.

Giá khí thiên nhiên khó giảm sâu hơn nữa

Giá khí thiên nhiên trên thế giới, đặc biệt tại châu Âu, đã tăng cao kỷ lục trong năm 2022 khi Nga cắt giảm nguồn cung khí cho châu Âu. Trong thời điểm căng thẳng nhất vào quý 3/2022, giá khí thiên nhiên tại châu Âu đã vượt mốc 100 USD/MMBTu. Tháng 8/2022, Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) ước tính khoảng 70% công suất sản xuất amoniac tại châu Âu phải tạm ngưng hoạt động vì giá năng lượng đầu vào quá cao. Đến tháng 10/2022, việc giá khí thiên nhiên giảm xuống dưới 30 USD/MMBtu đã giúp tình hình được cải thiện nhưng vẫn có khoảng 40% công suất sản xuất amoniac tại châu Âu chưa được khởi động lại.

Những dự báo từ các nguồn như Ngân hàng Thế giới nhận định giá khí thiên nhiên tại châu Âu sẽ tiếp tục giữ trên mốc 25 USD/MMBTu cho đến ít nhất năm 2024 và thị trường năng lượng châu Âu sau năm 2022 sẽ còn nhiều bất ổn.

Trong ngắn hạn, tập đoàn tài chính Morgan Stanley nhấn mạnh nguồn cung khí thiên nhiên từ Nga vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động kinh tế của châu Âu và với việc Nga sẽ tiếp tục giảm cung khí cho thị trường này thì giá khí sẽ khó giảm sâu hơn nữa.

Đồng quan điểm, tập đoàn tài chính Goldman Sachs nhận định việc giá khí hiện tại giảm đáng kể so với mức đỉnh lịch sử sẽ kích thích nhu cầu sử dụng trên toàn cầu tăng lên, đặc biệt là tại các quốc gia châu Á. Trong mùa hè tới đây, nhu cầu tiêu thụ khí cho hoạt động làm mát sẽ tăng mạnh, khiến giá khí thiên nhiên có thể tăng gấp đôi trong những tháng tới.   

Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất phân đạm tại châu Âu sẽ còn gặp nhiều rủi ro trong thời gian tới.

Các biện pháp trừng phạt

Thị phần thị trường phân bón
Cơ cấu nguồn cung các loại phân bón chủ chốt trên thế giới từ Nga, Ukraine và Belarus dựa trên dữ liệu năm 2020 (Nguồn: UNComtrade, Ngân hàng Thế giới)

Trong tháng 7/2022, một thoả thuận đặc biệt do Liên Hợp Quốc khởi xướng đã giúp khai thông hoạt động vận chuyển ngũ cốc và phân bón tại khu vực Biển Đen của Nga và Ukraine, giúp giảm bớt căng thẳng về nguồn cung phân bón trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón của Nga đã giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Đồng thời, căng thẳng giữa Nga và phương Tây tiếp tục leo thang trong thời gian gần đây và cuộc xung đột quân sự Nga -Ukraine khó sớm kết thúc. Nga cũng cáo buộc phương Tây không thực hiện đầy đủ các thoả thuận xác lập hồi tháng 7/2022 và nhấn mạnh nước này bảo lưu quyền rút khỏi thoả thuận trên.

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường phân bón thế giới theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, nguồn cung phân bón Kali chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi Nga và Belarus đang chịu nhiều biện pháp trừng phạt. Hai quốc gia này chiếm đến 40% tổng nguồn cung lượng phân bón Kali toàn cầu.

Các biện pháp hạn chế xuất khẩu

Trong thời gian qua, một số quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Điển hình, Trung Quốc áp dụng kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu 29 loại phân bón khác nhau. Điều này khiến lượng xuất khẩu phân bón DAP và phân bón ure của nước này trong 10 tháng đầu năm 2022 lần lượt giảm 50% và 60% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn cung phân bón DAP của Trung Quốc thường chiếm tới 30% tổng nguồn cung DAP toàn cầu. Ước tính cho thấy hoạt động xuất khẩu phân bón của Trung Quốc trong năm 2022 chỉ đạt 50% so với mức thông thường. Một số phân tích nhận định các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc sẽ không được hủy bỏ sớm nhất cho đến giữa năm 2023.

Bên cạnh đó, Nga vừa mới cho biết có thể gia hạn việc hạn chế xuất khẩu phân bón trong 6 tháng tới đây, kéo dài đến tháng 11/2023 nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường nội địa.

Một số nhà phân tích cảnh báo việc Nga tiếp tục hạn chế xuất khẩu trong thời gian tới sẽ khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung phân bón trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là đối với các dòng phân đạm, và có thể kích hoạt làn sóng tăng giá phân bón mới.

Duy Quang