Nhiều doanh nghiệp Algeria muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam

Doanh nghiệp Algeria mong muốn tìm hiểu thông tin để nhập khẩu các nguyên vật liệu sản xuất công nghiệp, sản phẩm nông thủy sản... của Việt Nam.

Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã phối hợp tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Algeria với sự tham gia của đại diện 60 cơ quan, doanh nghiệp hai nước.

Đây là hoạt động nằm trong Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022 nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường Algeria.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Algeria là một trong những thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản nước ngọt do nhu cầu và sức mua lớn tại thị trường này, một phần cũng vì đây là những sản phẩm nước này không sản xuất được.

Mặc dù thời gian gần đây Algeria chủ trương hạn chế nhập khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế nhưng Algeria vẫn đang phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng, trong đó có 50% lương thực, thực phẩm. Vì vậy, hàng hóa Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội tại thị trường này. 

Thực tế thời gian qua, thương mại song phương Việt Nam - Algeria vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và thế mạnh của hai bên. Năm 2021, do tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria chỉ đạt 153 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 71,16 triệu USD với các mặt hàng chủ yếu là thuỷ sản, cà phê, hạt tiêu, gạo, sản phẩm hoá chất, một số kim loại thường và sản phẩm từ kim loại…

"Với việc tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến lần này, chúng tôi hy vọng sẽ tạo cầu nối hiệu quả để doanh nghiệp hai nước có dịp chia sẻ thông tin thị trường, nhu cầu hợp tác kinh doanh để tìm ra những chiến lược tiếp cận thị trường của nhau một cách bài bản trên cơ sở tận dụng hiệu quả những năng lực cung ứng, sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam và Algeria", ông Chiến nhấn mạnh.

Từ đầu cầu Algeria, ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Algeria thông tin tới các doanh nghiệp Algeria tham dự Hội nghị về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, tình hình hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước cũng như triển vọng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương.

algeria
Ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Algeria tham dự Hội nghị trực tuyến. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Algeria

Sau phiên toàn thể, Ban tổ chức Hội nghị sắp xếp các phiên giao thương B2B trực tuyến để doanh nghiệp Việt Nam - Algeria giới thiệu về công ty, sản phẩm và nhu cầu hợp tác đầu tư, giao thương xuất nhập khẩu với nhau.

Tại các phiên giao thương, nhiều doanh nghiệp Algeria tham dự mong muốn nhập khẩu các mặt hàng từ Việt Nam như nông sản thực phẩm (gạo, cà phê, rau), thủy sản đông lạnh (cá tra, tôm), giấy và nguyên liệu thô cho ngành in ấn, hóa chất, nguyên liệu chất dẻo, gỗ ván ép MDF dạng thô, khoáng sản và phân bón, kinh kiện phụ tùng ô tô...

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Algeria tìm kiếm khách hàng Việt Nam mua xi măng, phốt phát, đá marble, mực in, dầu ôliu, quả ôliu, trái cây (chà là), rau, bánh bích quy, da và lông cừu, chân gà…

Ngoài ra, các công ty Algeria cũng mong muốn thiết lập quan hệ đối tác đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực trồng chuối, trồng nấm, xây dựng….

Doanh nghiệp Việt Nam và Algeria đánh giá cao việc Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức Hội nghị và hi vọng sự kiện này sẽ mở ra các cơ hội kinh doanh và đầu tư trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng công tác phát triển thị trường Algeria có một số khó khăn nhất định. Ngoài khoảng cách xa về mặt địa lý, rào cản về mặt ngôn ngữ giao tiếp (các doanh nghiệp Algeria chủ yếu sử dụng tiếng Pháp và tiếng Arab) hay những thói quen về phong tục tập quán, thị hiếu thị trường, văn hóa kinh doanh... cũng là những trở ngại cần phải vượt qua.

Bên cạnh đó, khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Algeria, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về thị trường, cũng như các chính sách về thuế quan, luật lao động, phương thức thanh toán, tranh chấp thương mại, không trả tiền và thu hồi nợ…

Để giải quyết những khó khăn này, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hợp tác song phương.

Ở góc độ chính sách, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, kiện toàn và nâng cao vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao, các bộ, ngành, các tổ chức xúc tiến thương mại và ủy ban hợp tác giữa hai nước để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức về tiềm năng, cơ hội hợp tác thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội chợ, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp 2 nước tìm kiếm cơ hội hợp tác và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong kinh doanh.

Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần tăng cường liên hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai nước và xúc tiến, thiết lập các quan hệ đối tác, giao thương với doanh nghiệp Algeria.

Việt Hằng