Nhiều doanh nghiệp, ngành hàng khai thác hiệu quả lợi thế CPTPP

Sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu thích ứng và tận dụng khá tốt những cơ hội từ Hiệp định để khai thác hiệu quả thị trường các nước thành viên, đặc biệt những thị trường các nước châu Mỹ lần đầu có FTA với Việt Nam.

toàn cảnh hội nghị

Sáng ngày 26/2/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP với chủ đề Tận dụng ưu thế của người đi đầu theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Hội nghị do Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương phối hợp tổ chức.

Tới dự có đại diện các Bộ, Ban ngành; đại diện các tỉnh, thành phố; đại diện các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; phòng Thương mại và Công nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; đại diện các Hiệp hội ngành hàng; doanh nghiệp.

Bước ngoặt trong hội nhập kinh tế quốc tế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: Đây là hiệp định có ý nghĩa quan trọng, có thể nói là một trong những hiệp định thương mại tự do đánh dấu bước ngoặt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Qua quá trình ba năm nhìn lại có thể thấy mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả ban đầu tương đối khích lệ. Ngay trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định, chúng ta đã xuất siêu sang thị trường CPTPP trên 01 tỷ USD, là tiền đề để chúng ta đảm bảo những cân đối lớn vĩ mô của nền kinh tế.

Đặc biệt, đối với hai thị trường lần đầu chúng ta có quan hệ thương mại tự do mới là Canada và Mexico đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta đạt gần 30% ngay trong năm đầu tiên. 

Thái - Đa biên
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương: CPTPP là một trong những hiệp định thương mại tự do đánh dấu bước ngoặt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

"Sau ba năm thực hiện, kết quả còn đáng khích lệ hơn. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi điểm lại việc thực thi Hiệp định CPTPP, những con số Chính phủ báo cáo ra Quốc hội được đánh giá rất cao, đặc biệt những thị trường chúng ta mới mở, tăng trưởng tiếp tục duy trì ở tốc độ cao và tổng kim ngạch xuất siêu của chúng ta trong những tháng đầu năm của năm 2022 sang khối thị trường này đạt được mức lúc đó khoảng 6 tỷ USD, đóng góp rất đáng kể cho những nỗ lực chung, những thành tích chung về xuất khẩu của chúng ta", ông Lương Hoàng Thái cho biết.

Bên cạnh những thành tích ban đầu về xuất nhập khẩu thì đây là một hiệp định lần đầu tiên đưa chúng ta đến vị thế mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc thực thi CPTPP cũng là một bước đệm để chúng ta có được cơ sở để thiết lập quan hệ vững mạnh với những đối tác khác. Chẳng hạn EU khi đàm phán những hiệp định thương mại tự do và đưa vào thực thi thì tất cả những nước ở trong khu vực châu Á Thái Bình Dương mà EU đặt mối quan hệ đều là thành viên của CPTPP. Nhật Bản, Singapore, Việt Nam là ba nước ở khu vực phê chuẩn Hiệp định CPTPP đầu tiên đều có quan hệ thương mại tự do với EU. 

Trên phương diện tổ chức triển khai thực thi Hiệp định, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp bao gồm: (i) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định CPTPP; (ii) Tăng cường phổ biến, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; (iii) Tích cực trao đổi với các nước thành viên CPTPP để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và với các nước thành viên trong trao đổi về việc mở rộng Hiệp định CPTPP khi thời gian gần đây, một số nền kinh tế đã chính thức nộp đơn xin gia nhập bao gồm: Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan....

Trong những năm qua, các Bộ, ngành đã tập trung xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tập trung vào các biện pháp như khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng; xây dựng và thực thi kế hoạch phát triển thương mại điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư trực tuyến; tăng cường tổ chức rộng rãi các hoạt động hội chợ giới thiệu hàng Việt Nam; đẩy mạnh chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng để ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích tham gia các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn;…

Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường CPTPP

Theo thống kê, sau 3 năm thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6 % so với năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước Thành viên CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước Thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước Thành viên CPTPP đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ.

Trong đó, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico đạt kim ngạch tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.

doanh nghiệp thảo luận
Đại diện cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp thảo luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị đã diễn ra 2 phiên Tọa đàm và đối thoại trực tiếp với sự tham gia thảo luận của đại diện Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Trong đó, tại Phiên thảo luận 1: Chinh phục thị trường, các diễn giả đã đánh giá những tác động tích cực của CPTPP đối với tăng trưởng kinh tế - thương mại Việt Nam trong 3 năm qua; những thuận lợi, khó khăn và giải pháp của Việt Nam trong quá trình tận dụng cơ hội từ Hiệp định, đặc biệt là khai thác hiệu quả thị trường mới của khu vực châu Mỹ. Bên cạnh đó là những câu chuyện kinh nghiệm của doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường các nước trong CPTPP; sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, kết nối của cơ quan Thương vụ và vai trò chủ động của doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng. 

Tại Phiên thứ hai với chủ đề “Tăng tốc trên xa lộ”, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng cùng thảo luận, trao đổi về những cơ hội, thách thức từ thị trường và những điểm mới cần lưu ý trong việc thực thi CPTPP thời gian tới; đề xuất về chính sách và khuyến nghị cho doanh nghiệp để khai thác tối đa các thị trường đối tác trong CPTPP cũng như các giải pháp để nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP thời gian tới.

[Quảng cáo]

Hoàng Phương