Những lưu ý khi thẩm định pháp lý trong lĩnh vực lao động để có giao dịch mua bán sáp nhập trong lĩnh vực năng lượng tái tạo thành công

PHẠM LINH CHI (Học viên cao học, Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung phân tích các lưu ý để bên mua thực hiện thẩm định pháp lý trong lĩnh vực lao động của các công ty năng lượng tái tạo (hay còn gọi là công ty mục tiêu trong bài viết), từ đó có được một giao dịch mua bán doanh nghiệp trong lĩnh vực này một cách thành công.

Từ khóa: năng lượng tái tạo, lao động, bảo hiểm, thẩm định pháp lý, M&A, giao dịch mua bán sáp nhập.

1. Đặt vấn đề

Thẩm định (due diligence) là thuật ngữ được sử dụng trong bối cảnh mô tả thực hiện việc điều tra hoặc đánh giá mô hình kinh doanh hoặc một số tài sản nhất định và có thể thực hiện trên một số hoặc toàn bộ lĩnh vực từ kế toán, pháp lý, kỹ thuật, môi trường và các phân tích khác nhằm định giá tài sản, các trách nhiệm hiện tại cũng như tiềm tàng của mô hình kinh doanh. Theo Sinickas (2004), định nghĩa thẩm định trong giao dịch mua bán sáp nhập doanh nghiệp (“M&A”) là “… nơi mỗi bên cố gắng tìm hiểu tất cả những gì có thể về bên kia để loại bỏ hiểu lầm và đảm bảo giá thích hợp”.  Việc thẩm định pháp lý giúp bên mua và các bên tư vấn của bên mua hiểu rõ công việc kinh doanh của công ty mục tiêu để định giá công ty mục tiêu, từ đó xác định được cấu trúc giao dịch, các nghĩa vụ/khoản nợ và phát hiện các nghĩa vụ/khoản nợ chưa được xác định, quyền sở hữu, các điều khoản liên quan đến hợp đồng mua bán và các chấp thuận cần thiết cho giao dịch. Với mục đích trên, việc thẩm định pháp lý thường được thực hiện trước khi bên mua quyết định có thực hiện giao dịch không và như một cuộc kiểm tra sức khỏe toàn diện đối với công ty mục tiêu và các dự án liên quan của công ty. Trong các lĩnh vực mà bên mua thực hiện thẩm định pháp lý thì lĩnh vực lao động là một lĩnh vực quan trọng mà bên mua cần thẩm định kỹ lưỡng. Thẩm định về lao động của công ty mục tiêu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ được chú trọng khi việc mua doanh nghiệp diễn ra, khi công ty mục tiêu đã bước vào giai đoạn vận hành thương mại tức là đã hoàn tất quá trình xây dựng và đang sản xuất điện để bán. Trong giai đoạn vận hành này, công ty mục tiêu phải thuê một số lượng lao động lớn để thực hiện các công việc điều hòa và vận hành nhà máy điện. Việc công ty mục tiêu có thực sự tuân thủ quy định của pháp luật lao động và bảo hiểm hay không cần được kiểm tra một cách kỹ càng từ quá trình tuyển dụng, sử dụng, quản lý người lao động đến chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong lĩnh vực bảo hiểm.

2. Một số lưu ý khi thực hiện thẩm định pháp lý trong lĩnh vực lao động trong giao dịch mua bán doanh nghiệp năng lượng tái tạo

Khi thực hiện một thẩm định pháp lý, bên mua và các bên tư vấn của bên mua sẽ nêu ra các vấn đề pháp lý, các hậu quả có thể áp dụng với công ty mục tiêu nếu vi phạm và phương thức giải quyết vấn đề đó để đảm bảo cho giao dịch mua bán được thuận lợi. Dưới đây là phân tích các vấn đề pháp lý có thể gặp phải khi thẩm định về lao động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và các đề xuất giúp bên mua giải quyết các vấn đề này.

Thứ nhất, liên quan đến hợp đồng lao động: Bên mua cần yêu cầu công ty mục tiêu cung cấp mẫu hợp đồng lao động (bao gồm hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động không xác định hạn và hợp đồng thử việc) mà công ty mục tiêu sử dụng để ký kết với tất cả người lao động của công ty trong trường hợp công ty mục tiêu có nhiều người lao động (từ khoảng 20 người lao động trở lên) hoặc tất cả hợp đồng lao động trong trường hợp công ty mục tiêu có ít người lao động (từ khoảng 20 người trở xuống).  Bên mua phải đánh giá được mẫu hợp đồng lao động này có đầy đủ các nội dung được liệt kê tại Điều 21 của Bộ luật Lao động 2019, như sau: tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động; họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động; công việc và địa điểm làm việc; thời hạn của hợp đồng lao động; mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; chế độ nâng bậc, nâng lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề. Ngoài ra, bên mua cần kiểm tra xem hợp đồng lao động có những điều khoản trái với pháp luật lao động cũng như nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể của công ty mục tiêu hay không.

Theo Điều 9 của Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, việc giao kết hợp đồng lao động không có đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động có thể dẫn đến hậu quả khiến công ty mục tiêu bị phạt tiền đến 50 triệu đồng tùy theo số người lao động của công ty mục tiêu liên quan đến vi phạm nêu trên.

Trong trường hợp thẩm định pháp lý mà bên mua phát hiện ra được các hợp đồng lao động đã ký thiếu bất kỳ hoặc không phù hợp bất kỳ nội dung nào theo quy định của pháp luật thì bên mua nên yêu cầu công ty mục tiêu phải ký lại hợp đồng lao động với người lao động có liên quan trước khi thực hiện giải ngân khoản tiền thanh toán giá mua.

Thứ hai, liên quan đến nội quy lao động: Theo Điều 118 của Bộ luật Lao động, các công ty có từ 10 người lao động trở lên phải xây dựng nội quy lao động bằng văn bản bao gồm một số nội dung, như:thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động; trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động; các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động; trách nhiệm vật chất; và người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính. Nội quy lao động bằng văn bản có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhận được hồ sơ hợp lệ.

Theo Điều 19.2 của Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, việc không xây dựng nội quy lao động nếu pháp luật yêu cầu, đăng ký nội quy lao động với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc sử dụng nội quy lao động chưa có hiệu lực có thể bị người sử dụng lao động phạt hành chính lên tới 20 triệu đồng.

Trong trường hợp thẩm định pháp lý, nếu bên mua phát hiện ra được công ty mục tiêu không có nội quy lao động hoặc không nộp quy định cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong trường hợp luật bắt buộc phải thực hiện thì bên mua nên yêu cầu công ty mục tiêu phải thực hiện quy định về nội quy lao động trước khi thực hiện giải ngân khoản tiền thanh toán giá mua.

Thứ ba, về giấy phép lao động: Thông thường các doanh nghiệp năng lượng tái tạo thường thuê các kỹ sư nước ngoài tham gia vận hành và quản lý nhà máy điện hoặc tua bin điện gió. Theo Điều 151.1(d) của Bộ luật Lao động, điều kiện để người lao động nước ngoài được làm việc tại Việt Nam là, ngoài các điều kiện khác, phải có giấy phép lao động trừ một số trường hợp được miễn giấy phép lao động theo Điều 154 của Bộ luật Lao động và các nghị định hướng dẫn thi hành. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của giấy phép lao động.

Theo Điều 32.4 của Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, việc giao kết hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài trong trường hợp người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật có thể khiến người sử dụng lao động bị phạt đến 120 triệu đồng.

Trong trường hợp thẩm định pháp lý bên mua phát hiện ra được việc công ty mục tiêu sử dụng người lao động nước ngoài mà không có giấy phép lao động thì bên mua nên yêu cầu công ty mục tiêu phải có được giấy phép lao động cho những người lao động có liên quan trước khi thực hiện giải ngân khoản tiền thanh toán giá mua.

Thứ tư, thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc cho người lao động: Theo pháp luật Việt Nam hiện nay, chế độ bảo hiểm cho người lao động bao gồm:

(a) Theo Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, BHXH bắt buộc áp dụng đối với người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên. Kể từ ngày 01/01/2018, BHXH bắt buộc áp dụng đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo giấy phép lao động và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, trừ chế độ hưu trí và tử tuất sẽ được áp dụng đối với người lao động nước ngoài kể từ ngày 01/01/2022.

(b) Theo Điều 12.1 của Luật Bảo hiểm y tế 2008, bảo hiểm y tế bắt buộc áp dụng đối với người lao động Việt Nam và người nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên.

(c) Theo Điều 43 của Luật Việc làm2013, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc áp dụng đối với người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động theo mùa vụ từ 3 tháng trở lên.

Theo Điều 39.6 và 39.10 của Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, nếu không thực hiện đúng quy định về việc đóng BHXH bắt buộc hoặc bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đầy đủ thì người sử dụng lao động có thể:

(i) bị phạt hành chính từ 18% đến 20% trên tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc và/hoặc bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng;

(ii) nghĩa vụ khắc phục là đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan BHXH;

(iii) bị đóng tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng. Việc không đóng bảo hiểm y tế có thể khiến người sử dụng lao động bị phạt hành chính đến 80 triệu đồng và buộc nộp số lợi bất hợp pháp có được vào tài khoản thu của quỹ bảo hiểm y tế.

Để kiểm tra việc công ty mục tiêu có hoàn thành việc nộp các loại bảo hiểm bắt buộc cho người lao động của mình không, bên mua cần yêu cầu cung cấp thông báo kết quả đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để kiểm tra tình hình để kiểm tra. Trong trường hợp thẩm định pháp lý mà bên mua phát hiện ra được việc công ty mục tiêu chưa hoàn thành nghĩa vụ về bảo hiểm thì bên mua nên yêu cầu công ty mục tiêu phải thực hiện xong các khoản tiền đóng bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm và cung cấp bằng chứng về việc đã hoàn thành nghĩa vụ trên trước khi thực hiện giải ngân khoản tiền thanh toán giá mua.

Thứ năm, về sổ quản lý lao động: Theo Điều 12 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải lập sổ quản lý lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động. Sổ quản lý lao động có thể ở dạng văn bản hoặc dạng điện tử và phải có các thông tin cơ bản về từng người lao động. Người sử dụng lao động phải cập nhật thông tin của người lao động trong trường hợp có sự thay đổi. 

Theo Điều 8.2 của Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, việc không lập sổ quản lý lao động hoặc lập sổ quản lý lao động không đúng thời hạn hoặc không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật có thể khiến người sử dụng lao động bị phạt đến 20 triệu đồng. 

Trong trường hợp thẩm định pháp lý, bên mua phát hiện ra được việc công ty mục tiêu chưa lập sổ quản lý lao động thì bên mua nên yêu cầu công ty mục tiêu phải có sổ quản lý lao động trước khi thực hiện giải ngân khoản tiền thanh toán giá mua.

3. Kết luận

Như đã phân tích ở trên, bên mua và các bên tư vấn (đặc biệt là tư vấn về lao động hoặc tư vấn về pháp lý) phải rà soát tài liệu thật kỹ và tìm ra những vấn đề pháp lý về lao động hoặc bảo hiểm khi thẩm định công ty mục tiêu. Để giảm thiểu rủi ro khi thực hiện mua doanh nghiệp này, bên mua cần yêu cầu công ty mục tiêu sửa chữa các vấn đề trước khi bên mua chính thức trở thành cổ đông hoặc thành viên trong công ty mục tiêu. Ngoài ra, trong hợp đồng mua bán, bên mua cũng cần đặt ra các điều khoản về cam đoan và bảo đảm về việc công ty mục tiêu đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật lao động nói chung và sẽ phải bồi thường cho bên mua bất kỳ vi phạm nào nếu có của công ty mục tiêu liên quan đến lĩnh vực lao động này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Sinickas, A. (2004). How to do due diligence research. Strategic Communication and Management, 8(4), 2.
  2. Trương Hữu Ngữ (2021). Pháp lý M&A căn bản. Hà Nội: NXB Công Thương.
  3. Quốc hội (2019). Luật số 45/2019/QH14: Bộ luật Lao động, ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2019.
  4. Quốc hội (2014). Luật số 58/2014/QH13: Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014.
  5. Quốc hội (2008). Luật số 25/2008/QH12: Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, ban hành ngày 14 tháng 11 năm 2008.
  6. Quốc hội (2013). Luật số 38/2013/QH13: Luật Việc làm, ban hành ngày16 tháng11năm 2013.
  7. Chính phủ (2022). Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2022 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

SOEME NOTES ABOUT THE LEGAL DUE DILIGENCE

IN THE LABOR FIELD TO SUCCESSFULLY MAKE

A MERGERS AND ACQUISITIONS (M&A)

DEAL IN THE RENEWABLE ENERGY INDUSTRY

Master’s student PHAM LINH CHI

Hanoi Law University

ABSTRACT:

This paper analyzes the notes for the buyer to conduct legal due diligence in the labor field of renewable energy companies (also known as the target company in this paper) in order to successfully make a Mergers and Acquisitions (M&A) deal.

Keywords: renewable energy, labor, insurance, legal due diligence, M&A, mergers and acquisitions.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]