Hoàn thiện khung pháp lý về dịch vụ Mobile - Money ở Việt Nam hiện nay

ThS. NGUYỄN THỊ LIỆU (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Mobile - Money là một sản phẩm của công nghệ tài chính (Fintech) đã phát triển mạnh tại các nước châu Âu và ngày càng phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, việc sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán mới và đang được Chính phủ Việt Nam triển khai thí điểm đến hết ngày 18/11/2023. Bài viết phân tích, đánh giá một số quy định pháp luật về dịch vụ Mobile - Money (sau đây gọi tắt là MM), đồng thời đưa ra một số đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về dịch vụ MM tại Việt Nam hiện nay.

Từ khoá: Mobile - Money, thanh toán, quy định pháp luật, kinh nghiệm, đề xuất hoàn thiện.

1. Khái quát chung về dịch vụ Mobile - Money

MM là hình thức thanh toán trực tuyến thông qua tài khoản viễn thông, cho phép mọi người thực hiện thanh toán khi mua bán hàng hóa, dịch vụ mà không cần dùng tiền mặt hoặc tài khoản ngân hàng (theo mục V Điều 1 Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.). MM còn có tên gọi khác là tiền điện tử trên thuê bao di động[1].

MM giúp thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt vẫn còn phổ biến tại Việt Nam, bù đắp khoảng trống trong thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi người dân còn xa lạ với tài khoản ngân hàng. MM không bị giới hạn về không gian và thời gian. Đây cũng là ưu điểm nổi trội nhất của dịch vụ này. Cụ thể, người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi,... sẽ dễ dàng thanh toán tiền điện, nước, thậm chí là cả mua ly cà phê, bó rau muống… ngoài chợ mọi lúc, mọi nơi.

Hơn nữa, trong tương lai không xa, MM còn có thể là phương tiện phù hợp để Chính phủ giải ngân trực tiếp các khoản trợ cấp, hỗ trợ an sinh xã hội đến từng người dân thuộc nhóm yếu thế, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Covid-19. Tại Việt Nam, 40% người dân chưa có tài khoản ngân hàng, nhưng mật độ thuê bao di động thì đạt trên 100%. Do đó, MM được kỳ vọng sẽ tạo nên “cú hích” quan trọng đối với tốc độ tăng trưởng của thanh toán điện tử tại Việt Nam.

MM khác với Ví điện tử như: Momo, Zalopay, Viettelpay... Điểm khác biệt lớn nhất là dịch vụ MM không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng mới được sử dụng và thanh toán được như ví điện tử.

MM cũng khác với Mobile Banking. Mobile Banking dùng smartphone để làm một kênh truy cập tài khoản ngân hàng, còn MM là gửi - nhận và thanh toán bằng điện thoại khi khách hàng chuyển tiền mặt vào tài khoản. Nhà cung cấp MM là doanh nghiệp viễn thông, còn nhà cung cấp Mobile - Banking là ngân hàng. Mobile Banking phổ biến ở các quốc gia phát triển. Ngược lại, MM hầu như không có ở các quốc gia phát triển, nhưng lại phổ biến hơn ở các quốc gia đang phát triển - những nơi mà tỷ lệ xâm nhập dịch vụ ngân hàng cũng như tài chính toàn diện thấp.

2. Thực trạng quy định pháp luật về dịch vụ Mobile - Money ở Việt Nam hiện nay

2.1. Quy định về doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ Mobile - Money

Căn cứ khoản 1, Mục II Điều 1 Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 thì doanh nghiệp được thí điểm cung ứng dịch vụ MM phải là doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất, sử dụng băng tần số vô tuyến điện hoặc là công ty con được công ty mẹ có Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông.

Ngoài ra, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải thành lập một Đơn vị hoặc bộ phận riêng để vận hành, triển khai việc cung ứng dịch vụ MM và phải có phương án cụ thể để quản lý tách bạch tài khoản MM với tài khoản của SIM thuê bao di động của khách hàng (là tài khoản sử dụng cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ thông tin di động, dịch vụ viễn thông).[2]

Doanh nghiệp thí điểm cũng cần đảm bảo khả năng thanh toán với khách hàng của mình: Doanh nghiệp phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán tại ngân hàng thương mại và số dư trên các tài khoản đảm bảo thanh toán phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số dư tất cả các tài khoản MM của các khách hàng tại cùng một thời điểm. Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ MM phải được tách bạch, riêng biệt với các tài khoản thanh toán khác của Doanh nghiệp thực hiện thí điểm.[3]

2.2. Quy định về điều kiện đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile - Money

Căn cứ theo khoản 2 Mục II Điều 1 Quyết định số 316/QĐ-TTg, điều kiện để khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ MM gồm: 

Thứ nhất, cá nhân đăng ký và sử dụng dịch vụ MM cung cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng.

Thứ hai, số thuê bao phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ MM.

Nhấn mạnh là mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản MM tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm.

Doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải trang bị, triển khai áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) tại các điểm kinh doanh để nhận biết và xác thực chính xác khách hàng (nhận diện khuôn mặt, mống mắt,...) khi đăng ký và sử dụng dịch vụ MM. [4]

Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều vấn đề phát sinh, nhưng quy định pháp luật vẫn còn đang “bỏ ngỏ” như:

Một là, Quyết định số 316/QĐ-TTg của Chính phủ chỉ quy định thuê bao có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề, mà không đề cập đến vấn đề chủ thuê bao đó sử dụng có bắt buộc phải sử dụng liên tục trong 3 tháng hay không. Ví dụ như thuê bao đó (thường sim số đẹp) được chuyển nhượng cho chủ mới và chủ sở hữu mới có thời gian sử dụng chưa đến 3 tháng thì có được đăng ký sử dụng dịch vụ MM không? 

Hai là, sự chuyển đổi thông tin chứng minh thư nhân dân cũ sang căn cước công dân mới của chủ sở hữu: Thực tế, rất nhiều thuê bao điện thoại di động chủ yếu đăng ký theo số chứng minh nhân dân cũ trước đây, trong khi khách hàng đều đã chuyển sang căn cước công dân. Vì vậy, khách hàng muốn đăng ký sử dụng dịch vụ MM lúc này không thể sử dụng số chứng minh nhân dân cũ để đăng ký mà phải ra điểm kinh doanh của nhà mạng cập nhật lại số căn cước công dân thì mới có thể được sử dụng dịch vụ MM. Quy định này ít nhiều khiến người dùng ngại đi cập nhật thông tin, nên cũng chưa sẵn sàng sử dụng dịch vụ.

Ba là, việc xác thực, định danh khách hàng do các doanh nghiệp viễn thông tự thiết lập vẫn còn gặp một số khó khăn. Nguyên nhân là tình trạng SIM rác sử dụng thông tin không chính danh để đăng ký thông tin thuê bao[5], có đến 1,5 triệu SIM điện thoại nghi ngờ kích hoạt sẵn[6], mua bán SIM kích hoạt sẵn vẫn còn khá phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Từ đó, dẫn tới các hành vi mạo danh khách hàng trong việc mở và sử dụng MM, thực hiện các giao dịch giả mạo, gian lận, giao dịch bất hợp pháp bằng MM.

Trong giai đoạn đầu mới thí điểm MM tại Việt Nam, định danh, xác thực tài khoản người dùng chưa bao gồm định danh sinh trắc học hoặc sử dụng eKYC (định danh khách hàng điện tử)[7]. Tuy nhiên, hiện nay, khi mà căn cước công dân đã được gắn chip điện tử, với cơ sở dữ liệu quản lý dân cư của quốc gia đầy đủ, tiện lợi và đồng bộ, tác giả hy vọng đây cũng sẽ là nguồn hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp thí điểm có thêm dữ liệu xử lý với các vấn đề phát sinh.

2.3. Quy định về các hoạt động thanh toán trong dịch vụ Mobile - Money

Căn cứ vào khoản 1, mục III Điều 1 Quyết định số 316/QĐ-TTg thì quy định về các hoạt động thanh toán trong dịch vụ MM khá cụ thể. Doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ MM để sử dụng cho các nghiệp vụ sau:

Thứ nhất, nạp tiền mặt vào tài khoản MM tại các điểm kinh doanh[8]; nạp tiền vào tài khoản MM từ tài khoản thanh toán của khách hàng (chủ tài khoản MM) tại ngân hàng hoặc từ Ví điện tử của khách hàng (chủ tài khoản MM) tại chính Doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ MM.

Thứ hai, rút tiền mặt từ tài khoản MM tại các điểm kinh doanh; rút tiền từ tài khoản MM về tài khoản thanh toán của khách hàng (chủ tài khoản MM) tại ngân hàng hoặc rút về ví điện tử của khách hàng (chủ tài khoản MM) tại chính Doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ MM.

Thứ ba, thanh toán việc mua hàng hóa, dịch vụ cho Đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản MM.

Thứ tư, chuyển tiền giữa các tài khoản MM của khách hàng trong cùng hệ thống của doanh nghiệp thực hiện thí điểm, giữa tài khoản MM của khách hàng với tài khoản thanh toán tại ngân hàng, giữa tài khoản MM với ví điện tử do chính doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng.

Nói cách khác, sau khi mở tài khoản MM, khách hàng có thể nạp tiền, rút tiền, thanh toán việc mua hàng hóa, dịch vụ, chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc các tài khoản MM khác.

Tuy nhiên, thực tế trong các giao dịch thanh toán khi sử dụng dịch vụ MM có thể gặp nhiều rủi ro như:

Một là, giao dịch thanh toán bị lặp lại nhiều lần: Các nhà mạng viễn thông cung cấp dịch vụ MM nhiều khi nhận được nhiều bản sao của cùng một SMS cho một giao dịch yêu cầu thanh toán.

Hai là, giao dịch thanh toán bất hợp pháp: Khi khách hàng thay thẻ SIM hoặc bị mất trộm điện thoại, kẻ trộm sẽ chiếm đoạt số thuê bao di động của khách hàng sau đó thực hiện các giao dịch bất hợp pháp với tài khoản MM gắn với số điện thoại đi động này. Trường hợp này rất dễ xảy ra trên thực tế.

Ba là, giao dịch thanh toán giả mạo: Kẻ giả mạo sẽ sử dụng thiết bị mạo danh nhà mạng gửi tin nhắn SMS giả thông báo giao dịch đã thành công. Các giao dịch giả mạo thường được sử dụng để thực hiện rút tiền mặt từ đại lý hoặc thanh toán mua hàng.

2.4. Quy định về bảo mật thông tin trong dịch vụ Mobile - Money

Có thể thấy, với việc triển khai thí điểm MM, điều quan trọng nhất cần phải chú trọng là khả năng bảo mật hệ thống, đảm bảo dữ liệu được kiểm soát giữa các bên.

Căn cứ mục V, Điều 1, Quyết định số 316/QĐ-TTg, doanh nghiệp thí điểm có trách nhiệm bảo mật thông tin của khách hàng khi sử dụng dịch vụ MM qua một số điểm như sau:

Doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải xây dựng quy định về việc mã hóa và kiểm soát truy cập thông tin khách hàng, thông tin giao dịch để đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu khách hàng do Doanh nghiệp thực hiện thí điểm thu thập; lưu trữ trên hệ thống dữ liệu về các thông tin liên quan đến tài khoản, số dư tài khoản MM của khách hàng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải có hệ thống lưu trữ lịch sử giao dịch MM phát sinh; hệ thống lưu trữ thông tin định danh khách hàng, thông tin định danh thiết bị, địa chỉ IP (trừ giao dịch USSD), địa chỉ kiểm soát truy cập phương tiện truyền thông - Media Access Control - MAC (trừ giao dịch USSD), Mã số nhận dạng thiết bị di động quốc tế (International Mobile Equipment Identity - IMEI), thời gian giao dịch, nội dung giao dịch, tài khoản gửi, tài khoản nhận, số dư, vị trí giao dịch,... từ khi khách hàng mở đến khi đóng tài khoản?

Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề bảo mật thông tin khách hàng khi sử dụng dịch vụ MM cũng phụ thuộc vào một số yếu tố khách quan khác. Ví dụ như khách hàng bị mất sim hoặc khách hàng nhận được tin nhắn, đường link lạ kèm theo nguy cơ bị tấn công Phising[9] - kẻ tấn công sẽ chiếm đoạt quyền điều khiển điện thoại để chuyển tiền, đồng thời lấy cắp thông tin cá nhân chủ tài khoản MM. [10]

2.5. Quy định về hạn mức sử dụng dịch vụ và phạm vi thực hiện giao dịch hàng hóa, dịch vụ

Căn cứ khoản 2 mục III Điều 1 Quyết định số 316/QĐ-TTg về hạn mức sử dụng dịch vụ MM được quy định như sau: Hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản MM cho tổng các giao dịch: rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.

Căn cứ vào khoản 3, khoản 5 mục II Điều 1 Quyết định số 316/QĐ-TTg,  phạm vi áp dụng thí điểm dịch vụ MM là được dụng trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam. Và thời gian thí điểm là 2 năm - kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ MM.

Ngoài ra, doanh nghiệp thực hiện thí điểm chỉ được phép cung ứng dịch vụ MM để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành phục vụ cho nhu cầu cuộc sống người dân; việc triển khai thí điểm dịch vụ MM chỉ áp dụng đối với giao dịch nội địa hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam bằng đồng Việt Nam, không được thực hiện thanh toán/chuyển tiền cho các hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.

2.6. Quy định về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố

Rửa tiền là hành vi chuyển tiền có được một cách bất hợp pháp thông qua người hoặc tài khoản hợp pháp để nguồn gốc của số tiền đó không bị phát hiện ra. Căn cứ vào mục V, Điều 1 Quyết định số 316/QĐ-TTg, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải xây dựng các nguyên tắc chung và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông) về các tài khoản MM có dấu hiệu liên quan đến hoạt động phạm tội, có hành vi vi phạm pháp luật, các giao dịch bất thường, đáng ngờ (thông tin cung cấp bao gồm toàn bộ thông tin lưu trữ về tài khoản MM); xây dựng cơ chế tạm khóa/đóng băng các tài khoản MM vi phạm ngay khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

3. Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới về quản lý dịch vụ Mobile - Money

Trước Việt Nam, thế giới đã có hơn 95 quốc gia sử dụng MM, điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể học hỏi nhiều điều từ những người đi trước.[11]

Kinh nghiệm tại châu Phi: Châu Phi là lục địa dẫn đầu thế giới về dịch vụ này đã cho thấy, sử dụng tài khoản viễn thông để làm tài khoản thanh toán sẽ giúp hàng triệu người, nhất là những cộng đồng nghèo nhất thế giới, sớm tiếp cận được phương thức thanh toán số hiện đại. Kenya - một trong những nước nghèo nhất thế giới - đã sử dụng MM cách đây 12 năm, do việc sử dụng tiền mặt tiềm ẩn nguy cơ mất mát rất lớn tại quốc gia này.[12]

Kinh nghiệm tại Trung Quốc: Trong khi tất cả các quốc gia đã chuyển từ tiền mặt sang thẻ tín dụng thì Trung Quốc lại chuyển sang sử dụng thanh toán tiền bằng hình thức MM. Theo một cuộc khảo sát vào năm 2018, 92% người dân ở các thành phố lớn nhất của Trung Quốc sử dụng Wechat Pay hoặc Alipay làm phương tiện thanh toán chính. Hiện tượng cũng tương tự ở các vùng nông thôn khi có tới 47% dân số nông thôn được cho là thường xuyên sử dụng cách thanh toán bằng hình thức MM. Thanh toán bằng hình thức MM đã rất thành công ở Trung Quốc vì sự nhanh chóng và đơn giản. Tốc độ này có thể thực hiện được nhờ mã QR.[13]

Kinh nghiệm tại Hàn Quốc: Khi dịch bệnh Covid-19 phát triển mạnh, Hàn Quốc đã từng phải triển khai việc khử khuẩn và lưu kho những tờ tiền giấy đã sử dụng để phòng ngừa lây lan của đại dịch Covid-19. Chính vì thế, các hình thức thanh toán phi tiền mặt, bao gồm MM càng được nhiều nước khuyến khích sử dụng.

4. Một số đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về quản lý dịch vụ MM ở Việt Nam hiện nay

MM là dịch vụ mới. Những quy định pháp lý còn chưa đầy đủ và đồng bộ, có thể tiềm ẩn những rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện. Có rất nhiều hành lang pháp lý đan xen có liên quan đến dịch vụ MM, như: Luật Doanh nghiệp, Luật An ninh mạng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước, Luật Công nghệ thông tin,… Vì vậy, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành triển khai thí điểm dịch vụ MM theo cơ chế thí điểm Sandbox[14] từ đó mới tiến tới xây dựng Nghị định và hoàn thiện các Luật có liên quan. Theo quan điểm của tác giả, đây là một hướng đi rất đúng đắn, phù hợp tình hình Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh cơ chế Sandbox đang thí điểm, trong tương lai, thiết nghĩ, khi xây dựng khung pháp lý liên quan đến thanh toán di động nói chung và MM nói riêng, các nhà làm luật cần tập trung hơn nữa vào các nội dung chính về các vấn đề như: định danh khách hàng, bảo mật thông tin dữ liệu khách hàng, phát triển mạng lưới đại lý giao dịch được ủy quyền, phát triển công nghệ để đảm bảo an toàn trong thanh toán, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Tác giả đề xuất một số nội dung sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hơn nữa những quy định định danh khách hàng.

Để có được hiệu quả trong quy trình định danh khách hàng, trước tiên, các doanh nghiệp viễn thông cần phải xử lý vấn đề SIM rác và những SIM không xác minh thông tin; ngừng bán SIM hòa mạng tại các đại lý; thanh tra, rà soát và xử phạt tình trạng bán SIM rác đặc biệt là những cửa hàng ở vùng sâu, vùng xa. Thêm vào đó, pháp luật cần xây dựng một hệ thống định danh khách hàng chặt chẽ với nhiều yếu tố bắt buộc phải xác thực, như: chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, địa chỉ liên lạc, địa chỉ yêu email, chữ ký hoặc vân tay khách hàng. Nếu khách hàng không phải đăng ký trực tiếp tại các địa lý chính hãng của doanh nghiệp  viễn thông mà đăng ký qua ứng dụng hoặc qua website thì cần xác thực khuôn mặt so với giấy tờ tùy thân của khách hàng, xác thực chữ ký điện tử, nhận dạng dấu vân tay khách hàng bằng công nghệ phần mềm.

Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề định danh khách hàng bằng sinh trắc học không phải là một quy định bắt buộc nên vẫn chưa được các doanh nghiệp viễn thông chú ý. Từ đó, có thể có một số trường hợp phát sinh như sau: A và B là chị em sinh đôi, giống nhau y hệt. Vì biết chị có nhiều tiền trong tài khoản MM nên em gái đã trộm căn cước công dân và điện thoại của chị gái ra điểm thanh toán của nhà mạng để rút tiền. Nhà mạng sẽ khó phát hiện và xử lý vụ việc lừa đảo này nếu không xác nhận dấu vân tay để định danh chính xác khách hàng. Để giải quyết thực tế trên, việc định danh điện tử kết hợp với sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói, tĩnh mạch,…)  cần là những quy định bắt buộc trong tương lai để đảm bảo an toàn trong giao dịch thanh toán của dịch vụ MM. [15]

Thứ hai, cần hoàn thiện hơn nữa những quy định về bảo mật thông tin trong giao dịch thanh toán.

Hiện nay, tại Quyết định số 316, Chính phủ mới chỉ quy định gợi mở một số phương án công nghệ đảm bảo tính định danh và an toàn trong bảo mật thông tin như doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải trang bị, triển khai áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) tại các điểm kinh doanh để nhận biết và xác thực chính xác khách hàng (nhận diện khuôn mặt, mống mắt,...) khi đăng ký và sử dụng dịch vụ MM. Tuy nhiên, theo quan điểm tác giả, trong tương lai, pháp luật cần quy định bắt buộc, cụ thể hơn, đa dạng hơn các phương án công nghệ bảo mật tiên tiến được rất nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng như công nghệ eKYC (định danh điện tử) với độ chính xác cao; Machine Learning (phương pháp Máy học - tự xử lý thông tin không cần lập trình sẵn) [16]; giải pháp thanh toán không tiếp xúc: công nghệ NFC (kết nối trường gần)[17], quét mã QR Code[18], sinh trắc học... để giúp khách hàng yên tâm hơn về độ bảo mật thông tin trong các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền.

Thứ ba, cần có những quy định rõ ràng hơn chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong các giao dịch của dịch vụ MM

Pháp luật cần có những quy định cụ thể hơn ngăn chặn tình trạng lợi dụng MM để thực hiện các giao dịch phục vụ cho các mục đích xấu rửa tiền, đánh bạc, tài trợ khủng bố như định danh khách hàng, định mức giao dịch, kiểm soát giao dịch nghi ngờ. Ví dụ như hạn mức mỗi lần giao dịch hay mỗi tháng giao dịch, số dư tối đa trên tài khoản; có hệ thống giám sát các luồng giao dịch, có khả năng cảnh báo cho nhà cung cấp dịch vụ các giao dịch có dấu hiệu nghi ngờ.

5. Kết luận

      Một môi trường cởi mở, nhưng vẫn có độ chắc chắn cao đó chính là điều mà khung pháp lý về dịch vụ MM tại Việt Nam đang hướng tới hoàn thiện trong tương lai. Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đã trên 100%. MM được kỳ vọng sẽ là một trong những nền tảng thanh toán quan trọng cùng hệ thống ngân hàng và các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác cung ứng đầy đủ các phương tiện thanh toán cho người dân lựa chọn, qua đó góp phần thúc đẩy thương mại điện tử, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Những đề xuất của bài viết sẽ góp phần hoàn thiện hơn khung pháp lý về dịch vụ MM trong tương lai.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Khoản 13 Điều 3 Dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.

[2,3,4] Mục V, Điều 1 Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

[5] Minh Sơn (2021). Các nhà mạng Việt tiếp tục 'bắt tay' xử lý dứt điểm vấn nạn SIM rác. Truy cập tại: https://www.vietnamplus.vn/cac-nha-mang-viet-tiep-tuc-bat-tay-xu-ly-dut-diem-van-nan-sim-rac/709648.vnp.

[6] Vân Hằng (2021). Gần 1,5 triệu SIM điện thoại nghi ngờ kích hoạt sẵn. Truy cập tại: https://www.anninhthudo.vn/gan-1-5-trieu-sim-dien-thoai-nghi-ngo-kich-hoat-san-post490576.antd.

[7] Ngân hàng BIDV(2022). eKYC là gì? Sự phổ biến của eKYC trong lĩnh vực ngân hàng. Truy cập tại: https://www.bidv.com.vn/bidv/bidv-blog/bao-mat/ekyc-la-gi.

[8] Khoản 1 Mục V Điều 1 Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.

[9] Công ty Cổ phần An toàn thông tin MVS (2022). Phising là gì? Giải pháp chống Phising hiệu quả. Truy cập tại: https://securitybox.vn/1797/phishing-la-gi-giai-phap-chong-phishing/.

[10] Hà Tâm (2021). Mobile - Money sẽ trở thành miếng mồi ngon cho tội phạm mạng. Truy cập tại: https://baodautu.vn/mobile-money-se-tro-thanh-mieng-moi-ngon-cho-toi-pham-mang-d157347.html.

[11] Thế Hưng (2021). 95 quốc gia đã sử dụng MM, Việt Nam có thể học hỏi. Truy cập tại:  https://dantri.com.vn/kinh-doanh/95-quoc-gia-da-su-dung-mobile-money-viet-nam-co-the-hoc-hoi-20211125112740019.htm.

[12] Lê Phương Lan(2014). Giải pháp phát triển và quản lý dịch vụ trung gian thanh toán ở Việt Nam - Thành công của một mô hình trung gian thanh toán - Bài học từ M-PESA của Kenya. Tạp chính Ngân hàng nhà nước.

[13] Nguyễn Châu Giang (2019). Thanh toán bằng công nghệ ở Trung Quốc và những vấn đề đặt ra. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/thanh-toan-bang-cong-nghe-o-trung-quoc-va-nhung-van-de-dat-ra-306003.html.

[14] Chu Thị Hoa (2019). Sandbox - cơ chế thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế - kinh nghiệm quốc tế và một số gợi ý cho Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 15, 58.

[15] Lê Mỹ (2020). Thanh toán bằng xác thực sinh trắc học sẽ bùng nổ. Truy cập tại: https://thitruongtaichinhtiente.vn/thanh-toan-bang-xac-thuc-sinh-trac-hoc-se-bung-no-28860.html.

[16] Báo Công Luận (2019). Ứng dụng Machine Learning trong hoạt động ngân hàng. Truy cập tại: https://congluan.vn/ung-dung-machine-learning-trong-hoat-dong-ngan-hang-post65871.html.

[17] Nguyễn Xuân Tiến (2021). Công nghệ NFC cho thanh toán di động. Truy cập tại: https://nacis.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/-/view-content/254562/cong-nghe-nfc-cho-thanh-toan-di-ong.

[18] Hải Đăng (2022). Thanh toán QR Code tăng mạnh dịp cuối năm. Truy cập tại:  https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/thanh-toan-qr-code-tiep-tuc-duoc-ua-chuong-trong-dip-cuoi-nam-402047.html.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đều tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.
  3. (2019). State of the Inductry Report on Mobile - Money 2019. Retrieved from: https://www.gsma.com/sotir/wp-content/uploads/2020/03/GSMA-State-of-the-Industry-Report-on-MM-2019-Full-Report.pdf.
  4. Nguyễn Thế Bính (2021). Phát triển Mobile - Money tại Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng, số 22,
  5. Hoàng Công Gia Khánh, Trần Hùng Sơn, Hoàng Thị Ngọc Lý (2019). Mô hình nào cho Mobile - Money tại Việt Nam. Truy cập tại: https://ibt.uel.edu.vn/cac-bai-thao-luan-chinh-sach/mo-hinh-nao-cho-MM-tai-viet-nam-344.

 

IMPROVING THE LEGAL FRAMEWORK

FOR MOBILE MONEY SERVICE IN VIETNAM

Master. NGUYEN THI LIEU

Faculty of Economics, Da Nang Architecture University

ABSTRACT:

Mobile Money is a product of financial technology (Fintech). Mobile Money has strongly developed in European countries and it is increasingly used around the world. In Vietnam, the Government of Vietnam allowed to pilot the use of telecommunications accounts to pay for goods and services of small value (also known as Mobile Money) for November 18, 2023. This paper analyzes and evaluates some Vietnam’s legal provisions on Mobile Money service, and proposes some recommendations to improve the legal framework for Mobile Money service in Vietnam.

Keywords: Mobile - Money, payment, legal regulation, experience, proposals for completion.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]