Tại hội nghị trực tuyến “Gặp gỡ tham tán Việt Nam tại Ấn Độ với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Nghệ An” do Sở Công Thương Nghệ An phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức mới đây, đại diện các Sở, ngành, các hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tập trung trao đổi về thuận lợi, khó khăn và cả thách thức nhằm tìm giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Nghệ An kết nối giao thương thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, tình hình Covid-19 diễn ra rất phức tạp. Tuy nhiên, với nỗ lực của hệ thống chính trị, sự chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, 10 tháng năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu Nghệ An ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 46%/cùng kỳ năm 2020, đạt và vượt 8,3% chỉ tiêu kế hoạch, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 58,5%, đạt và vượt 13,4% kế hoạch năm.
Về thị trường, trong số 120 thị trường xuất khẩu, Ấn Độ là thị trường quan trọng và tiềm năng đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Nghệ An. Trong hơn 200 doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã có gần 40 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.
Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2020 giữa Nghệ An và Ấn Độ đạt 84,3 triệu USD, tăng 23,2% so với năm 2010; trong đó, xuất khẩu từ Nghệ An sang Ấn Độ đạt 25,7 triệu USD và trong 9 tháng năm 2021 đạt 25,6 triệu USD, chiếm 3-4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.
Các mặt hàng xuất khẩu của Nghệ An sang Ấn Độ khá đa dạng, phong phú. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có tiềm năng là hàng bột đá vôi trắng siêu mịn, tinh dầu thông, hạt phụ gia nhựa… Trong khi đó, Nghệ An nhập khẩu các mặt hàng máy móc thiết bị, thép các loại, nguyên phụ liệu dệt may da giày.
Chia sẻ thông tin về thị trường Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ là một thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Nghệ An nói riêng khi dung lượng thị trường còn rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu nên xác định rõ phân khúc khách hàng muốn hướng tới, từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Thông tin cụ thể về đặc điểm, tập quán kinh doanh của người Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng lưu ý, khi đàm phán, ký kết hợp đồng, các điều khoản giao hàng, thanh toán phải đảm bảo lợi ích và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, hợp đồng phải được ký kết bằng văn bản với các điều khoản rõ ràng, sử dụng phương pháp thanh toán L/C trả ngay, không hủy ngang, sử dụng đơn vị giám định chất lượng (tại cảng đi hoặc tại cảng đến).
Khi ký kết hợp đồng hoặc trao đổi cần tìm hiểu rõ thông tin cá nhân và pháp nhân của đối tác như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận xuất nhập khẩu, họ tên, số điện thoại email, số tài khoản ngân hàng, số chứng minh người liên hệ, người ký hợp đồng….
“Ấn Độ áp dụng chính sách, nhất là chính sách đối với hàng nhập khẩu đôi khi rất bất ngờ, không báo trước như: hạn chế nhập khẩu hương nhang; giá nhập khẩu tối thiểu đối với mặt hàng tiêu…. Không chỉ vậy, đây còn là thị trường áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới, chủ yếu là các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp”, ông Bùi Trung Thướng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các doanh nghiệp đã giao lưu, trao đổi trực tiếp với Tham tán về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất nhập khẩu với đối tác Ấn Độ, như biện pháp để xác minh thông tin của đối tác Ấn Độ, biện pháp giải quyết tranh chấp với đối tác Ấn Độ.