Tăng giá điện ảnh hưởng thế nào tới sản xuất?

Từ 1/3, giá điện sẽ được điều chỉnh tăng bình quân 6,8% (tương ứng với 1.058 đồng/kWh), riêng điện cho sản xuất tăng 6,3%. Dù lộ trình tăng giá điện đã có từ lâu, song thời điểm tăng giá này vẫn khiến

Theo Bộ Công Thương, với mức tăng 6,3% các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.630 tỷ đồng tiền điện, bằng khoảng 0,36% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp năm 2010. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho hay, những ngành công nghiệp sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện cao (chiếm 30-40% giá thành sản xuất) như cấp nước, điện phân… giá thành sẽ tăng khoảng 2,83-3,15%, các ngành cán thép, xi măng giá thành sẽ tăng thêm khoảng 0,2-0,69%. Tuy nhiên, tính tổng chi phí tiền điện tăng thêm cho các ngành sản xuất phổ biến không dưới 1% giá thành. “Mức ảnh hưởng của tăng giá điện đến sản xuất là không lớn” – ông Hào khẳng định.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc tăng giá điện đã có lộ trình, song thời điểm tăng giá ngay đầu tháng 3 khi giá cả mọi mặt hàng đang rất nóng, cộng thêm tác động tăng giá xăng chưa thực sự hợp lý. Nhưng theo ông Trần Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tài chính, rút bài học kinh nghiệm của lần điều chỉnh giá điện năm ngoái, thời điểm đó ai cũng cho rằng kinh tế đang suy giảm, tăng giá điện sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thực tế đã cho thấy, sản xuất không những không bị ảnh hưởng mà rất tiết kiệm nhất là với các ngành sử dụng điện lớn, nhiều doanh nghiệp cũng tiến hành đổi mới công nghệ.

Song từng doanh nghiệp cụ thể đang lo lắng rất nhiều tới chi phí sản xuất kinh doanh của mình. Như chia sẻ của ông Trần Xuân Mai, Giám đốc công ty Gỗ mỹ nghệ cơ khí đúc Amiexco, xăng tăng giá sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đầu vào tăng thì đầu ra cũng phải tăng theo doanh nghiệp mới không lỗ, song nếu tăng giá sản phẩm sẽ rất khó cho xuất khẩu chỉ vừa hồi phục được thị trường. Doanh nghiệp của ông sẽ phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, nhưng không thể giảm lương của công nhân.

Nhiều doanh nghiệp thiên về xuất khẩu đều lo ngại phải tính toán chi phí sản xuất trên chi phí sản phẩm sao cho doanh nghiệp không lỗ mà bạn hàng không chê. Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN cho rằng, người dân và doanh nghiệp sẽ phải học cách làm quen dần với điều tiết giá điện, bởi theo lộ trình giá điện cạnh tranh, sau năm 2012 giá điện có thể sẽ được điều chỉnh 2 lần/năm vào hai mùa mưa, khô. Cũng theo tính toán của Bộ Công Thương, tổng số tiền chênh lệch do tăng giá điện trong năm 2010 bằng khoảng 0,3% GDP dự kiến của cả năm, ước tính sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP năm nay khoảng 0,34%, trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,16%. Cụ thể giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt sẽ làm tăng tiêu dùng cuối cùng của cá nhân năm 2010 khoảng 0,19-0,27%. Chính sách bù giá với 50 kWh đầu tiên cho hộ thu nhập thấp vẫn được duy trì, theo thống kê số hộ có mức sử dụng dưới 50kWh/tháng năm 2009 chiếm 23,8% tổng số hộ dân cả nước.

Đối với các mặt hàng thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, may mặc, nhiên liệu xăng dầu… thực tế tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành là rất nhỏ, do đó tỷ lệ tăng giá các mặt hàng do điều chỉnh giá điện là không đáng kể.

Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt trong công tác quản lý thị trường với các hiện tượng tăng giá tát nước theo mưa. Nhìn từ góc độ nhà quản lý giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, tác động đến CPI là 0,16% theo tính toán chỉ là tác động vòng 1 ban đầu của giá điện tham gia trực tiếp vào cấu thành của giá tiêu dùng. Nhưng nó còn tác động vòng 2 là làm tăng giá các sản phẩm dùng điện, điều tiết giá sản phẩm thế nào sẽ phụ thuộc từng doanh nghiệp.Chỉ trong 2 tháng đầu năm, chỉ số giá đã tăng 3,32%, bằng gần 50% mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2010 (7%). Bởi thế, nhiều quan ngại cho rằng giá điện tăng, xăng tăng, tỷ giá tăng có thể đẩy lạm phát lên cao quá con số 7%. Song theo ông Thỏa, Chính phủ và Quốc hội quyết định mức 7% đã tính toán nhiều yếu tố như nới lỏng từ năm trước, độ trễ sang năm nay, yếu tố tiền lương tăng vào 1/5, điều chỉnh giá điện, giá xăng. Quy luật thị trường 3 tháng đầu năm nếu tình hình diễn biến bình thường không có đột biến như 2007, 2008 thì tới quý II, quý III CPI sẽ giảm. “Với 2 tháng đầu năm tăng như vậy, tháng 3 tính giá điện vòng 1 tăng khoảng 0,16% cộng với vòng 2 tăng gấp đôi (sẽ vào khoảng 0,3%) thì giá tiêu dùng tháng 3 chỉ tăng khoảng 0,5%”, ông Thỏa nói. Tuy nhiên, với mức tăng hiện nay, có ghìm cương được lạm phát hay không còn phụ thuộc vào chính sách bình ổn giá và điều hành vĩ mô của Chính phủ.