Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay - Thực trạng và giải pháp

ThS. NGUYỄN THỊ KIM NHUNG (Giảng viên, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị Thành phố Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Như vậy, khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo là một trong những “chìa khóa” quan trọng góp phần phát triển bền vững đất nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng nền kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng 4.0. Bài viết này tập trung phân tích tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, những vướng mắc về mặt pháp lý, về nhu cầu doanh nghiệp, về nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo,… trong thời gian qua và đề ra giải pháp trong thời gian tới.

Từ khóa: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

1. Đặt vấn đề

Sau đại dịch Covid-19, mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế và xã hội cả nước nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng bị tác động rất lớn, nhất là đối với lĩnh vực kinh tế; các doanh nghiệp có phương thức công nghệ sản xuất cũ, trang thiết bị chưa chuyển đổi kịp thời đã phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức, thậm chí đóng cửa hoặc phá sản. Do vậy, việc nhận thức tầm quan trọng, những thách thức, cũng như tìm giải pháp nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong nhiệm vụ trọng tâm đối với đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

2. Nội dung

2.1. Tầm quan trọng của việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 thì “Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy. Còn công nghệ là “giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”. Việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm mục tiêu phát hiện, tìm ra bản chất, quy luật các hiện tượng, sự vật, các quy luật tự nhiên và đề ra các giải pháp ứng dụng các sáng kiến vào đời sống xã hội thông qua những công nghệ mới, sản phẩm mới. Sự ra đời của công nghệ hiện đại sẽ kéo theo sự tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, giảm bớt sức lao động; từ đó phát triển kinh tế, chất lượng sống của người dân ngày càng tăng.

Thêm vào đó, theo quy định về tiêu chuẩn ISO 56002:2019; Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (Hướng dẫn Oslo 2018, OECD) và tại khoản 16 Điều 3 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 thì đổi mới sáng tạo (innovation) là “việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”. Năm 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 42 trên 131 quốc gia. Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á[1]. Đổi mới sáng tạo được xem là nhiệm vụ cấp thiết đối với hầu hết các doanh nghiệp hiện nay. Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng về KHCN và đổi mới sáng tạo để tạo ra lợi thế cạnh tranh tốt hơn và cho ra đời những sản phẩm mới, có thể đạt được lợi nhuận bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Như vậy, KHCN và đổi mới sáng tạo là một lĩnh vực quan trọng trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường, trong công cuộc tiếp tục thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. KHCN và đổi mới sáng tạo không chỉ là nền tảng, mà còn là kết quả, minh chứng hiện thân của một đất nước phát triển, của một đất nước công nghệ hiện đại, cụ thể như sau:

Thứ nhất, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo là giải pháp quan trọng nhất nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, thành phố trong cả nước ở giai đoạn mới. Qua hơn 35 năm đổi mới đất nước, chủ trương phát triển KHCN đổi mới sáng tạo ngày càng được khẳng định “Phát triển khoa học, công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”[2]. Đặc biệt, trong giai đoạn năm 2021 - 2030, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung thêm cụm từ “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao”, khẳng định vai trò của KHCN nhằm “tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”[3].

Thứ hai, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo là giải pháp tốt nhất để hòa nhập, thích ứng và cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, dưới tác động bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tất cả cơ quan nhà nước đến các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng tận dụng các thành tựu KHCN để chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, góp phần vực dậy nền kinh tế, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia và vùng lãnh thổ,… từ đó, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó tình hình dịch bệnh đang diễn ra và phát triển bền vững đất nước, thực hiện thành công chủ trương “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo” mà Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra[4].

Thứ ba, phát triển KHCN& đổi mới sáng tạo sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, mặc dù đang trong trạng thái bình thường mới, nhưng Việt Nam vẫn là nền kinh tế mở và nhỏ, phụ thuộc nhiều từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, công nghiệp hỗ trợ yếu, nông nghiệp gặp khó khăn do chịu tác động tiêu cực cả về tần suất và quy mô từ biến đổi khí hậu. Do vậy, Chính phủ với vai trò trung tâm trong tiến trình xây dựng khung thể chế hiện đại, đồng bộ nền tảng thông tin về chính sách, tiêu chí và thông lệ đánh giá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm mục tiêu không chỉ gắn kết giữa nhà nước, nhà giáo dục và doanh nghiệp trong nước, mà còn tạo vị thế trên trường quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao khoa học, công nghệ.

2.2. Nhận diện những khó khăn trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn hiện nay

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 12% diện tích, 19% dân số của cả nước, có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu[5]; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông. Mặc dù vậy, sau hơn 30 năm đổi mới, thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu vẫn là nông nghiệp và thủy sản, hoạt động công nghiệp chưa phát triển, du lịch chủ yếu phục vụ khách trong nước. Đặc biệt, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở đồng bằng sông Cửu Long sau đại dịch Covid-19 còn có những hạn chế không nhỏ, cụ thể như sau:

Một là, số lượng doanh nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long tương đối ít; chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp đầu tư có vốn nước ngoài thấp (từ giai đoạn 2010 - 2019, FDI của vùng chỉ chiếm 5,6% số dự án và 8,4% số vốn đăng ký của cả nước)[6]. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng doanh nghiệp có chiều hướng giảm. Tính đến tháng 9/2021, có 7.941 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh và đăng ký giải thể, trong khi có 6.109 doanh nghiệp mới được thành lập, số lượng dự án đầu tư nước ngoài có rất ít, thiếu lao động có tay nghề trình độ cao, năng suất lao động thấp[7]. Do vậy, việc đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phần nào không được chú trọng.

Hai là, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về KHCN và đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp hạn chế về số lượng và chất lượng, chủ yếu từ hệ thống nhà nước và các trường đại học, viện nghiên cứu. Năm 2020, số người thực hiện công tác quản lý nhà nước về phát triển thị trường KHCN tại các sở khoa học và công nghệ là 5,21 người, với độ tuổi trung bình là 41 tuổi (bao gồm cả lãnh đạo cấp sở, cấp phòng). Trong đó, nhân lực có trình độ thạc sĩ chiếm 52,52%; tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học chiếm 39,39% và tiến sĩ chiếm 8,09%[8]. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập và phát triển, nhất là trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0. Riêng đối với nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long rất ít, doanh nghiệp chưa chú trọng đến phát triển khoa học và công nghệ, khả năng về kinh tế dành cho đổi mới sáng tạo không nhiều (giai đoạn 2015 - 2020 toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ thành lập được 1 sàn giao dịch KHCN).

Ba là, các lĩnh vực nghiên cứu chưa đa dạng, chưa bao trùm hết các lĩnh vực vốn là thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long như nghiên cứu, phát triển các quy trình công nghệ sạch trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản để đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; nghiên cứu các loại hình công nghệ tự động hóa, công nghệ cơ khí - chế tạo phục vụ nâng cao hiệu quả sản xuất và hỗ trợ các công nghệ khác; nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phục vụ quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng, quản lý điều hành, phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch.

Bốn là, thể chế dành cho phát triển khoa học, công nghệ cơ bản đã hoàn thiện như Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017,… đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, những quy định pháp lý vẫn cần phải hoàn thiện trong thời gian tới, cụ thể như tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng vốn nhà nước quy định kết quả nghiên cứu được tạo ra từ ngân sách nhà nước thì thuộc sở hữu của Nhà nước. Ngoài ra, kinh phí thu được từ việc thương mại hóa phải nộp lại cho Nhà nước, do đó chưa khuyến khích được các nhà khoa học chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đồng thời, đổi mới sáng tạo hiện chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn, chưa tạo động lực cho cá nhân và tập thể đầu tư nghiên cứu.

Năm là, hoạt động liên kết trong phát triển khoa học và công nghệ vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được kết quả nhất định. Số lượng đề tài, dự án ngày càng đa dạng và phong phú ở tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược. Tuy nhiên, phần lớn kết quả nghiên cứu KHCN đã được chuyển giao ứng dụng nhưng vấn đề thương mại hóa chưa cao; khả năng nhân rộng của các đơn vị tiếp nhận kết quả nghiên cứu còn nhiều hạn chế,...[9]

2.3. Một số kiến nghị đối với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới

“Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học - công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[10] là chủ trương chung cần đạt được trong giai đoạn 2021 - 2030. Do vậy, một số giải pháp cần được thực hiện để thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể như sau:

Một là, hoàn thiện văn bản pháp luật lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Sớm triển khai có hiệu quả Luật Đầu tư năm 2020 về các cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo trong cả nước nói chung, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Thêm vào đó, cần sớm cụ thể hóa Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 theo hướng phù hợp từng lĩnh vực nhất là lĩnh vực nông nghiệp và du lịch tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, sớm triển khai thực hiện Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/02/2022 về phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới; một trong các cơ sở cần chú trọng là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học, chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng.

Hai là, trong từng tỉnh, thành cần xây dựng và triển khai có hiệu quả chiến lược, tầm nhìn dài hạn về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao KHCN gắn với thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ trẻ tài năng có điều kiện phát huy năng lực của bản thân để đóng góp nhiều hơn cho cơ quan, đơn vị. Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn đa quốc gia có nhiều nhân viên tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.   

Ba là, các cấp, các ngành cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về vị trí, vai trò của thị trường khoa học và công nghệ tương quan với đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến toàn thể doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tầm quan trọng của sáng tạo, vươn lên, làm chủ công nghệ trong bối cảnh bình thường mới, nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về “phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”, là con đường duy nhất nhằm tăng doanh số, nâng cao vị thế, thương hiệu doanh nghiệp lên tầm cao mới.

Bốn là, từng tỉnh thành cần đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới như Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”[11].

Năm là, từng tỉnh, thành phố cần xây dựng chính sách khen thưởng, động viên khuyến khích tập thể, cá nhân có công trình nghiên cứu mang tính mới, tính ứng dụng cao trong hệ thống nhà nước. Bên cạnh đó, cần có những cơ chế, chính sách kích thích các nhà khoa học, nhà sáng chế chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước nhằm khen thưởng cá nhân hoặc doanh nghiệp có công trình, sáng kiến, đổi mới sáng tạo mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, nhằm làm gương điển hình cho các doanh nghiệp khác.

Sáu là, các trường đại học, viện nghiên cứu ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh liên kết nhằm thực hiện có hiệu quả “số hóa nền tảng dữ liệu nông nghiệp - du lịch theo tiêu chuẩn cơ sở dữ liệu mở”. Mở rộng các trung tâm giáo dục tại vùng đồng bằng sông Cửu Long tại các đô thị loại I, II phù hợp với quy mô dân cư và nhu cầu đào tạo; mỗi địa phương cần chủ động thúc đẩy liên kết với các tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế, khuyến khích chủ động hợp tác để cải thiện chất lượng giảng dạy đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thế mạnh của từng vùng; đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực được trang bị các kỹ năng số nhằm tận dụng nền kinh tế tri thức để phát triển nhiều lĩnh vực.

Bảy là, tăng cường kêu gọi ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức như cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID), Tổ chức Nước Hà Lan (TWA) và Quỹ Đầu tư Mekong Capital[12] để nhiều doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ đổi mới sáng tạo, nhất là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở khu vực; mở ra cơ hội việc làm mới và cung cấp cho khu vực một lực lượng lao động đã được trang bị các kỹ năng số. Từ đó, thực hiện thành công sàn giao dịch điện tử sản vật nông nghiệp - du lịch cho 13 tỉnh, thành phố nhằm khuyến khích doanh nghiệp cũng như người dân phấn khởi trong bối cảnh chuyển đổi số, tạo đà cho doanh nghiệp đổi mới nâng cao trình độ công nghệ thiết bị.

3. Kết luận

Như vậy, việc xác định đúng và tích cực thực hiện đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực thông qua biện pháp hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực, tuyên truyền nâng cao nhận thức sẽ là tiền đề góp phần cho vùng đồng bằng sông Cửu Long cất cánh, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

(1) Vũ Thanh Hải, Lê Việt Cường, Hoàng Anh Dũng (2021). Phát triển khoa học công nghệ - Cơ hội và thách thức đối với ngành năng lượng điện của Việt Nam. Truy cập tại: https://www.tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-nganh-nang-luong-dien-cua-viet-nam-84888.htm.

(2) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, T.I, tr 78.

(3) Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng - Điểm 2, mục V - Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, T. I, tr.115.

(5,6) Thu Cúc (2021). Định hướng khoa học công nghệ hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Truy cập tại: https://tuyengiao.vn/khoa-giao/moi-truong/dinh-huong-khoa-hoc-cong-nghe-ho-tro-dong-bang-song-cuu-long-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-137171.

(7)  Covid-19: hơn 7.941 doanh nghiệp ở ĐBSCL đã tạm ngừng kinh doanh và đăng ký giải thể. Truy cập tại: https://kinhdoanhvabienmau.vn/tin-tuc-su-kien/covid-19-hon-7941-doanh-nghiep-o-dbscl-da-tam-ngung-kinh-doanh

(8) Giải pháp tạo sức bật để phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Truy cập tại: https://www.hatex.vn/tin-tuc/giai-phap-tao-suc-bat-de-phat-trien-thi-truong-khoa-hoc-va-cong-nghe.html.

(9,12) Phú Khởi (2021). 800 doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Truy cập tại: https://nhadautu.vn/800-doanh-nghiep-khu-vuc-dong-bang-song-cuu-long-duoc-ho-tro-doi-moi-sang-tao-d65052.html.

(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.211.

(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, T. I, tr. 120 - 121.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, 2. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. Phương Hoa (2020), Đổi mới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm: cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành. Tạp chí Khoa học và Phát triển, truy cập tại: khoahocphattrien.vn/tin-tuc/doi-moi-he-thong-dmst-quoc-gia-theo-huong-lay-doanh-nghiep-lam-trung-tam-can-su-vao-cuoc-dong-bo-cua-cac-cap-cac-nganh/2020010402058894p1c882.htm
  3. Bộ Chính trị (2018). Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  4. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/1019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
  5. Hong Sung Joo, Jeon Chanmi, Kim Jonglip (2013). The Internalization of Science and Technology in the earlier stage of Economic Development in South Korea. Seoul: KDI School of Public Policy and Management.

 

THE DEVELOPMENT OF SCIENCE, TECHNOLOGY

AND INNOVATION IN THE MEKONG DELTA REGION -

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

Master. NGUYEN THI KIM NHUNG

Lecturer, Faculty of State and Law, Can Tho City School of Politics

ABSTRACT:

The document of the 13th National Congress of the Communist Party of Vietnam affirms that “Strongly develop science and technology, innovation and digital transformation to create breakthroughs in productivity, quality, efficiency and competitiveness". It emphasizes that science, technology and innovation are important keys for the sustainable development of Vietnam in general and the Mekong Delta region in particular in the context of the country’s deeper integration into the global economy and the Fourth Industrial Revolution. This paper analyzes the importance of science, technology and innovation, points out obstacles in terms of law, business needs and human resources facing the field of science, technology and innovation, and proposes solutions in the coming time.

Keywords: science, technology, innovation, the 13th National Congress of the Communist Party of Vietnam, the Mekong Delta.  

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2022]