TÓM TẮT:
Tự chủ đại học được xem là điều kiện cơ bản, cốt lõi để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến, tạo động lực để cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đổi mới, tạo đột phá về chất lượng và hội nhập. Mặc dù thời gian qua, vấn đề tự chủ trong giáo dục đại học ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực thể hiện qua các chủ trương, chính sách của Nhà nước được quy định trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền tự chủ của các trường đại học vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và chưa tạo ra chuyển biến đáng kể, do những vướng mắc về cơ chế và năng lực quản trị của các trường chưa đủ để thực hiện. Bài viết nhằm làm rõ cơ sở pháp lý, cơ hội và thách thức của tự chủ đại học, từ đó đề xuất các giải pháp tăng cường năng lực quản trị đại học để giúp các trường đại học sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện quyền tự chủ một cách toàn diện hơn trong thời gian tới.
Từ khóa: Quản trị đại học, tiên tiến, quyền tự chủ, các trường đại học, Việt Nam.
1. Cơ sở pháp lý của tự chủ đại học
Ngay từ năm 2005, Luật Giáo dục (điều 14) đã đề cập đến việc thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 cũng khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng đảm bảo quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học.
Thông báo kết luận số 37-TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị về “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công”, với mục tiêu tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công lập nâng cao quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, phát huy hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước, đồng thời từng bước chuyển đổi cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ như doanh nghiệp.
Nghị quyết số 29/NQ/TW ngày 4/3/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” đã xác định: Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục và đào tạo, đảm bảo dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và trách nhiệm quản lý theo ngành, lãnh thổ của các bộ, ngành, địa phương. Phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục đào tạo.
Luật Giáo dục đại học (08/2012/QH13) quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, trong đó cho phép các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học. Đặc biệt, điều 32 quy định quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự; tài chính và tài sản; đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn, phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục”.
Tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 quy định rất cụ thể về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của cơ sở giáo dục đại học về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, về tổ chức bộ máy, nhân sự, về tài chính, về đầu tư, mua sắm,…
Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập quy định về nguyên tắc và các quy định cụ thể về cơ chế tự chủ của cac đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo.
Như vậy, có thể thấy chủ trương, chính sách pháp luật về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học đã được khẳng định có tính hệ thống, thể hiện quan điểm chỉ đạo và tính nhất quán của Đảng, Nhà nước trong phân cấp, phân quyền cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học.
2. Cơ hội và thách thức của tự chủ đại học
Tự chủ đại học có thể được hiểu là sự chủ động trong quản lý của các trường đại học trên 3 phương diện cơ bản: Học thuật; Tổ chức - Nhân sự và Tài chính. Tự chủ đại học chính là điều kiện cơ bản, cốt lõi để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến, tạo động lực để cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đổi mới tạo đột phá về chất lượng và hội nhập.
Tự chủ về học thuật giúp các trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu đáp ứng tốt hơn, nhanh hơn nhu cầu đa dạng của thị trường lao động. Các trường chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo chiến lược, kế hoạch của trường đề ra, qua đó, phát huy được tính chủ động, sáng tạo và khai thác được thế mạnh của mỗi trường. Với sự tự chủ, các trường đại học dễ dàng hơn trong việc thay đổi, điều chỉnh chương trình đào tạo, cũng như trong việc lựa chọn các nghiên cứu phù hợp khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, đáp ứng được tốt nhu cầu xã hội. Thực tế khi triển khai Nghị quyết 77 của Chính phủ thí điểm cơ chế tự chủ đại học, các trường đại học Việt Nam tham gia đã chủ động hơn trong việc nắm bắt xu thế của thị trường lao động để mở ra những ngành mới đáp ứng và định hướng nhu cầu xã hội. Việc mở ngành được giao cho trường quyết định dựa trên nhu cầu xã hội và năng lực của từng trường, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định, giảm bớt các thủ tục trung gian, hành chính nên đảm bảo tính kịp thời, tính tự chịu trách nhiệm cao.
Mặt khác, tự chủ đại học khuyến khích tinh thần nghiên cứu, sự đổi mới và sáng tạo của các nhà khoa học. Một trong các chức năng quan trọng của các trường đại học là nghiên cứu, sáng tạo cái mới. Việc nghiên cứu, sáng tạo cái mới chỉ có thể được thực hiện tốt nếu các giảng viên, nhà khoa học có được sự tự chủ cao trong việc nghiên cứu; chủ động tham gia đấu thầu các nhiệm vụ KH&CN từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, từ các cơ quan địa phương; đồng thời, tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường với các tổ chức doanh nghiệp để từ đó tạo ra giá trị thực tiễn đối với các công trình nghiên cứu khoa học và bổ sung nguồn thu cho nhà trường.
Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, các trường đại học được giao tự chủ sẽ chủ động trong tìm kiếm, thu hút các giảng viên có trình độ cao bằng các chính sách ưu đãi về điều kiện và môi trường làm việc, lương, thưởng và các chính sách hỗ trợ khác cho nghiên cứu khoa học, đào tạo và bồi dưỡng. Do được giao quyền tự chủ, gắn với tự chịu trách nhiệm cao nên các trường đã nâng cao được trách nhiệm trong việc sắp xếp bộ máy và sử dụng nhân sự, giảm bớt được các thời gian báo cáo xin chủ trương và phê duyệt từ cấp trên. Tổ chức bộ máy tại các trường đã tinh giản, gọn nhẹ và hiệu quả hơn, thu hút được đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Tự chủ về tài chính, về bản chất đó là sự chủ động về việc đảm bảo các nguồn lực bên trong phục vụ các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường. Các trường được tự quyết định mức thu học phí. Việc tăng học phí phải gắn liền với việc bù đắp chi phí đào tạo hợp lý, tăng chất lượng đào tạo và phải công khai minh bạch cơ chế thu, sử dụng học phí; chấp nhận cạnh tranh lành mạnh giữa các trường theo hướng nâng cao chất lượng với mức học phí hợp lý. Thực tiễn trong năm đầu thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, một số trường đã cải thiện được nguồn thu nhập tăng thêm cho người lao động so với lương ngạch bậc như sau: Trường ĐH Công nghiệp Dệt may HN (0,7 lần); Trường ĐH Hà Nội (1 lần); Trường ĐH Tôn Đức Thắng (khoảng 15%); Trường ĐH Kinh tế quốc dân (0,6 lần); Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (0,75 lần); Học viện Nông nghiệp Việt Nam (0,49 lần).
Ngoài các khía cạnh học thuật, tổ chức nhân sư và tài chính, có thể thấy tự chủ đại học giúp các trườngđại học tăng cường năng lực cạnh tranh bình đẳng trong nước, trong khu vực và trên thế giới.
Tự chủ đại học vừa mang lại cơ hội nhiều nhưng cũng đặt các trường trước những thách thức lớn. Đó chính là năng lực quản trị và sự sẵn sàng của các trường trong thực thi tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Năng lực thực hiện tự chủ, đặc biệt tự chủ về tài chính của nhiều trường đại học của Việt Nam còn thấp. Nhận thức của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở giáo dục đại học về tự chủ nói chung và tự chủ tài chính nói riêng chưa đầy đủ, thậm chí hiểu sai bản chất của khái niệm này. Thí dụ, họ mới chỉ quan tâm đến “quyền”, nhưng chưa hiểu về trách nhiệm giải trình đi kèm theo quyền. Các kỹ năng quản trị tiên tiến gắn với tự chủ tài chính đại học cũng chưa được bồi dưỡng và huấn luyện đầy đủ. Tâm lý hình thành do sống trong môi trường bao cấp, quản lý tập trung quá lâu cũng là một rào cản khiến nhiều lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học chưa sẵn sàng cho sự tự chủ. Mặt khác, khi các trường được thực thi quyền tự chủ tức là quyền quản trị đại học được trao cho Hội đồng trường. Mặc dù đã có quy định về cơ cấu, chức năng của Hội đồng trường nhưng cơ chế quản trị chưa được làm rõ bởi cơ chế ra quyết định và tổ chức trong nội bộ các trường được thiết lập như thế nào? Điều này cũng được xem là thách thức của tự chủ đại học.
3. Quản trị đại học để thực hiện quyền tự chủ
Quản trị đại học (University Governance) là khái niệm dùng để chỉ hoạt động tổ chức, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các mục tiêu của tổ chức đại học bằng các kế hoạch chiến lược, các chính sách, các cơ chế, các quy tắc và các giá trị chung. Từ phân tích cơ hội và thách thức của tự chủ đại học ở trên, bài viết đưa ra một số giải pháp để tăng cường năng lực quản trị đại học cho các trường:
Nâng cao năng lực quản lý tự chủ cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp của Nhà trường. Để đáp ứng yêu cầu tự chủ cần nhiều yếu tố liên quan, trong đó yếu tố năng lực đội ngũ cán bộ quản lý các cấp của nhà trường giữ vai trò rất quan trọng. Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý này phần lớn được bổ nhiệm từ giảng viên, làm quản lý nhưng vẫn tham gia giảng dạy chuyên môn và thiếu kinh nghiệm quản lý; Kiến thức và kỹ năng về quản lý nói chung và quản lý tự chủ nói riêng có được chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Vì vậy, cần phải tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý tự chủ, như: Xây dựng chiến lược phát triển nhà trường, phát triển ngành đào tạo, kỹ năng đàm phán, thương lượng, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng hội nhập, kỹ năng kiểm tra, giám sát...
Củng cố và hoàn thiện bộ máy quản lý, quy trình quản lý của nhà trường: Tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy hiện tại, trên cơ sở thực hiện các mục tiêu đào tạo và phát triển nhà trường, nhằm phát huy những điểm mạnh, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế để làm cơ sở cho việc xem xét điều chỉnh, cấu trúc lại bộ máy tổ chức cho phù hợp với điều kiện thực tế, quy mô phát triển nhà trường. Đảm bảo cơ chế và quy trình phối hợp làm việc giữa các đơn vị và cá nhân nhịp nhàng, hiệu quả, thông qua việc xây dựng quy trình quản lý, thực hiện của từng bộ phận/đơn vị đối với từng công việc; mối quan hệ công tác giữa các bộ phận. Qua đó, tăng cường đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, giúp cho mỗi thành viên trong nhà trường xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động, tích cực hơn trong công việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Xây dựng văn hóa tự chủ và trách nhiệm xã hội trong nhà trường: Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên trong mỗi trường đại học là tập hợp gồm nhiều người, mỗi người khác nhau về trình độ, ngành nghề được đào tạo, mức độ nhận thức, quan hệ xã hội, vùng miền địa lý, tư tưởng... chính sự khác nhau này tạo ra một môi trường làm việc đa dạng. Bên cạnh đó, với quyền tự chủ được trao lại trong môi trường cạnh tranh hiện nay buộc các trường để tồn tại và phát triển phải liên tục tìm tòi những cái mới, sáng tạo và thay đổi cho phù hợp với thực tiễn. Điều này đòi hỏi mỗi trường phải xây dựng và duy trì một nếp văn hóa đặc thù, phát huy được năng lực, thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến và đóng góp của tất cả mọi người vào việc đạt được mục tiêu chung của nhà trường. Mặt khác, xây dựng văn hóa nhà trường còn là một yêu cầu tất yếu của chính sách phát triển, quảng bá thương hiệu - tài sản vô hình của mỗi trường đại học. Văn hóa được mỗi trường xây dựng gồm toàn bộ các giá trị, chuẩn mực và cách xử sự được xây dựng; cũng như tạo môi trường chính sách thúc đẩy, nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho những giá trị, chuẩn mực và cách xử sự ấy có thể nảy nở trong quá trình thực hiện quyền tự chủ và phát triển của trường; chúng chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của trường, tạo nên sự khác biệt giữa các trường và được coi là truyền thống riêng của mỗi trường. Văn hóa nhà trường sẽ tạo môi trường và biến nhà trường có động lực nội tại trong việc thực hiện mô hình tự chủ và TNXH, tự cải thiện để trở thành tốt hơn nữa. Điều này đòi hỏi trường phải thực hiện những trách nhiệm rộng lớn hơn nhiều, bao gồm nghiên cứu, giảng dạy, phục vụ xã hội, phục vụ ngành và cộng đồng, có những cơ chế nội tại để khích lệ chất lượng và hiệu quả.
Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và hệ thống kiểm soát nội bộ. Chất lượng là yếu tố cốt lõi tạo ra sự phát triển bền vững cho tất cả các tổ chức giáo dục đại học. Tất cả các hoạt động của tổ chức giáo dục đại học cuối cùng cũng là nhằm để đào tạo sinh viên có kiến thức và kỹ năng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Đảm bảo chất lượng là sự cải tiến liên tục, có hệ thống, có cấu trúc đến chất lượng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng. Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong đề cập đến hệ thống chất lượng được thiết lập và vận hành bởi chính các cơ sở giáo dục đại học. Để xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, trường đại học cần phải thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong đáp ứng các yêu cầu cơ bản về giám sát, đánh giá và cải tiến chất lượng. Ít nhất, trong hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong phải có các thành tố, đó là: Lập kế hoạch (Plan); Thực hiện (Do); Kiểm tra (Check) và Hành động (Ack) (gọi tắt là P-D-C-A). Như vậy, hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cần có các thành tố sau: Mục tiêu của tổ chức; các công cụ giám sát; các công cụ đánh giá; cải tiến chất lượng.
Đưa ứng dụng của CNTT vào tất cả các lĩnh vực quản lý nhà trường như: Quản lý đào tạo, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý sinh viên, quản lý cơ sở vật chất, quản lý thông tin... nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản trị theo hướng tự chủ. Nó là công cụ hữu hiệu giúp nhà trường công khai, minh bạch, giải trình mọi hoạt động.
Đa dạng hóa nguồn thu trên cơ sở phát huy sự năng động sáng tạo của các đơn vị và cá nhân trong trường. Nguồn thu, chất lượng và cơ cấu nguồn thu đối với mỗi nhà trường thực hiện quản lý theo hướng tự chủ và TNXH là rất quan trọng, nó phản ánh hiệu quả hoạt động của nhà trường khi thực hiện cơ chế này. Vì vậy, để khai thác tốt mọi nguồn thu hợp pháp và không ngừng tăng thu thì phải đa dạng hóa nguồn thu trên cơ sở đa dạng hóa các hoạt động sự nghiệp của nhà trường. Để làm được điều này, trường cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm mở rộng quy mô đào tạo; Xây dựng cơ chế, chính sách khen thưởng cho đơn vị, cá nhân tìm kiếm nguồn lực tài chính hợp pháp cho nhà trường; Tận dụng mọi nguồn thu hợp pháp trong nhà trường qua các hoạt động dịch vụ; Tổ chức tốt hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong và ngoài trường; Mở rộng liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học về công tác đào tạo; phối hợp với các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng lao động, tăng cường đào tạo theo địa chỉ và nhu cầu của doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chính phủ (2015), Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Chính phủ (2014), Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017.
3. Chính phủ (2010), Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 .
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ (2009), Thông tư 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 15/4/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo.
5. Bùi Loan Thùy (2013), "Phác thảo bức tranh tự chủ đại học hiện nay", Tạp chí Phát triển và Hội nhập 3 (13).
6. Chính phủ (2006), Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
7. Hoàng Thị Xuân Hoa (2012), “Tự chủ đại học: Xu thế của phát triển”, Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội số 253.
8. Nguyễn Minh Thuyết, “Tự chủ đại học: Thực trạng và giải pháp cho đại học Việt Nam”, Hội thảo Cải cách giáo dục đại học VED 2014.
9. Nguyễn Đông Phong & Nguyễn Hữu Huy Nhựt (2013), Quản trị đại học và mô hình cho trường đại học khối kinh tế ở VN, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 8 (18), Tháng 01- 02/2013.
UNIVERSITY ADMINISTRATION UNDER THE TREND OF ENHANCING THE AUTONOMY IN VIETNAMESE UNIVERSITIES
NGUYEN THI MINH PHUONG
Vietnam National University, Hanoi
ABSTRACT:
The university autonomy is considered a fundamental factor for implementing advanced university administration models in order to significantly enhance the quality of higher education of Vietnam. The Vietnamese government has issued many reguilations to facilitate the implementation of autonomy in Vietnams higher education. However, the fact shows that the autonomy has not been fully implemented in Vietnamese universities due to limitations related to management mechanism and management abilities of universities. This study is to clarify the legal framework, opportunities and challenges of university autonomy and then propose pragmatic solutions to promote the autonomy in Vietnamese universities.
Keywords: University administration, advanced, autonomy, universities, Vietnam.
Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây