Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 141 chợ, hầu hết các chợ trên địa bàn phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa trong nội bộ dân cư quanh khu vực chợ, do đó, chủ yếu là kinh doanh những hàng hóa tiêu dùng thông thường, hàng thực phẩm như rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chín, thịt gia súc, gia cầm, cá các loại; thực phẩm đóng gói, ăn uống, giải khát, … phục vụ nhu cầu của người dân. Nguồn hàng cung ứng vào chợ chủ yếu từ các tỉnh lân cận, các hộ nông dân trong tỉnh, từ các cơ sở chăn nuôi trong tỉnh được các cơ sở giết mổ tập trung và không tập trung cung ứng tại chợ.
Bà con tiểu thương đã nâng cao ý thức an toàn thực phẩm
Các chợ hạng 1, chợ hạng 2 nằm tại vị trí trung tâm huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, do Ban quản lý chợ trực thuộc Ban quản lý các công trình công cộng huyện, thị xã, thành phố quản lý, các chợ nông thôn do UBND xã cử cán bộ quản lý để thực hiện công tác quản lý nhà nước về chợ theo quy định, như: bố trí, sắp xếp các gian hàng kinh doanh trong chợ một cách hợp lý, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và các vấn đề khác liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu thương kinh doanh.
Việc chấp hành các chính sách pháp luật nhà nước quy định trong kinh doanh nói chung và về an toàn thực phẩm nói riêng đã được các hộ kinh doanh tại các chợ thực hiện khá nghiêm túc, không để xảy ra trường hợp các trường hợp vi phạm lớn, chưa có dịch bệnh phát sinh có nguồn gốc từ hàng thực phẩm kinh doanh tại các chợ. Công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông để tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng có kiến thức và biết lựa chọn thực phẩm an toàn. UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các phòng, ban, đơn vị tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, nâng cao ý thức các hộ tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thị xã về việc đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đối với các siêu thị, trung tâm thương mại công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo các quy định của pháp luật. Hiện tại, tỉnh Quảng Bình đang có 3 Siêu thị và 1 Trung tâm thương mại có kinh doanh thực phẩm là Siêu thị CoopMart, Siêu thị Thái Hậu, Siêu thị Diến Hồng và TTTM VincomPlaza Đồng Hới. Các siêu thị, trung tâm thương mại được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Vấn đề an toàn thực phẩm được cụ thể hóa trong nội dung Nội quy hoạt động của siêu thị, trung tâm thương mại và được Sở Công Thương phê duyệt.
Quảng Bình xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng bán thực phẩm nông sản sạch đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các cửa hàng, điểm hàng Việt là những kênh phân phối hiệu quả về thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
Nhìn chung, công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ đã có sự chuyển biến, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: chưa có chợ nào được trang bị dụng cụ để tiểu thương và người tiêu dùng kiểm tra an toàn thực phẩm; cách thức kiểm tra chất lượng, nguồn hàng thực phẩm vào chợ trong thời gian qua chủ yếu bằng trực quan, các tiểu thương chỉ mua hàng ở những nơi tin cậy; Hệ thống cấp thoát nước của các chợ chưa đảm bảo, cống, mương thoát nước kích thước nhỏ, không thoát nước kịp nên dẫn tới úng, ngập trong chợ những khi có mưa lớn. Hầu hết các chợ không có hệ thống chiếu sáng, nước sạch…
Nỗ lực giám sát, hậu kiểm an toàn thực phẩm
Bên cạnh việc triển khai các giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về an toàn thực phẩm, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan và Cục QLTT tỉnh Quảng Bình thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bách hóa tổng hợp,… để đánh giá tình hình cung cầu hàng hoá phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhất là nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh; đảm bảo dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống lụt bão.
Sở cũng tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về công tác an toàn thực phẩm của Sở Y tế, thành lập Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của sở kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương trong các dịp lễ, tết trung thu, tết nguyên đán và mùa du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Từ ngày 10/5/2023 đến ngày 26/5/2023, Đoàn hậu kiểm theo Quyết định số 579/QĐ-SCT ngày 05/5/2023 của Sở Công Thương đã tiến hành hậu kiểm tại 30 đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, 25/30 đơn vị đều có đầy đủ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm/Bản tự cam kết; sản phẩm sản xuất đã tự công bố; các sản phẩm kinh doanh đủ hồ sơ giấy tờ liên quan đến chất lượng, an toàn sản phẩm. Hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đều có ý thức chấp hành đúng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Mặc dù công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Quảng Bình đã có những kết quả bước đầu song vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn về nhân lực mỏng và yếu; Việc triển khai công tác truyền thông, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm chủ yếu mới được thực hiện ở tuyến tỉnh, các tuyến huyện, xã triển khai còn hạn chế, chưa đa dạng, chủ yếu phát thông điệp an toàn thực phẩm trên hệ thống phát thanh huyện/thành phố/thị xã, lồng ghép vào hoạt động kiểm tra,...
Thời gian tới, Sở Công Thương Quảng Bình cần chủ động, tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Tiếp tục tập trung chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường quản lý để ngăn chặn rượu, nước giải khát giả,… kém chất lượng, nhập lậu, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh; đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được và giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Công Thương trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đồng thời, đề xuất Bộ Công Thương tăng cường tổ chức tập huấn công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với cán bộ cấp Sở và kiến thức thực hành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục ban hành và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành Công Thương để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm thực hiện tự công bố sản phẩm.
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong đảm bảo an toàn thực phẩm tại Quảng Bình
- Duy trì hoạt động ổn định của Trang thông tin điện tử của cơ quan (có địa chỉ tại http://sct.quangbinh.gov.vn),
- Xây dựng và đưa vào vận hành 4 phần mềm dùng chung: Phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm (có địa chỉ tại: http://truyxuatsp.quangbinhtrade.vn); Phần mềm Bản đồ số ngành Công Thương tỉnh Quảng Bình (có địa chỉ tại: http://bandoso.quangbinhtrade.vn); Hệ cơ sở dữ liệu công nghiêp, thương mại tỉnh Quảng Bình (có địa chỉ tại: http://csdl.quangbinhtrade.vn); Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Bình (có địa chỉ tại: http:// quangbinhtrade.vn)… 4 phần mềm này bước đầu đã hỗ trợ tích cực trong hoạt động QLNN của ngành cũng như phục vụ nhu cầu khai thác thông tin của các tổ chức, cá nhân.
- Sở đã xây dựng chuyên mục “An toàn vệ sinh thực phẩm” trên trang thông tin điện tử của Sở và thường xuyên cập nhật các thông tin các tổ chức tự công bố sản phẩm an toàn thực phẩm trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại theo đúng quy định.
- Ban hành 4 thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 4 về lĩnh vực an toàn thực phẩm là : Thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp (quy mô dưới 3 triệu lít/năm); Thủ tục cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp (quy mô dưới 3 triệu lít/năm); Thủ tục cấp lại Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp (quy mô dưới 3 triệu lít/năm) trường hợp do hết thời hạn hiệu lực; Thủ tục cấp lại Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp (quy mô dưới 3 triệu lít/năm) trường hợp do bị mất hoặc bị hỏng.
- Rà soát, xây dựng quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 3 thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm ngành Công Thương gồm: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Sở Công Thương thực hiện; Thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Sở Công Thương thực hiện - trường hợp cấp lại do giấy chứng nhận bị mất hoặc bị hỏng; thay đổi tên cơ sở nhưng không thay đổi chủ cơ sở, địa chỉ, địa điểm và toàn bộ quy trình sản xuất, mặt hàng kinh doanh; thay đổi chủ cơ sở nhưng không thay đổi tên cơ sở, địa chỉ, địa điểm và toàn bộ quy trình sản xuất, mặt hàng kinh doanh; Thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Sở Công Thương thực hiện - trường hợp cấp lại do thay đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh; thay đổi, bổ sung quy trình sản xuất hoặc khi giấy chứng nhận hết hiệu lực.