Quốc tế hóa và hoàn thiện chính sách cho tự chủ giáo dục đại học

TRẦN MAI ĐÔNG (Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Quốc tế hóa là xu hướng tất yếu của hệ thống giáo dục đại học, tại Việt Nam quốc tế hóa giáo dục đại học nhận được nhiều sự quan tâm của nhà nước và xã hội. Trong những năm gần đây, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học đã đầu tư đáng kể nguồn lực và ngân sách vào các dự án cải thiện chất lượng giáo dục theo hướng quốc tế hóa. Việc phân tích những thành tựu đạt được bên cạnh những bất cập, khó khăn còn tồn đọng sẽ góp phần hoàn thiện các chính sách thúc đẩy quốc tế hóa trong hoàn cảnh các trường đại học được giao nhiều quyền tự chủ hơn trong tương lai.

Từ khóa: Quốc tế hóa, giáo dục đại học, quyền tự chủ.

1. Đặt vấn đề

Xuất phát từ nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế - xã hội và từ kinh nghiệm trong quốc tế hóa giáo dục đại học (GDĐH) của các nước tiên tiến, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục đào tạo để tạo được môi trường giáo dục quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, tiếp cận với mô hình quản trị giáo dục tiên tiến. Tuy vậy, trong thực tiễn, do chưa có một khuôn khổ, định hướng cụ thể cho quốc tế hóa giáo dục đại học, nên hầu hết các trường đại học Việt Nam chỉ dừng lại ở việc áp dụng riêng lẻ các kinh nghiệm cá nhân và hướng tới những mục tiêu riêng biệt mà chưa có sự gắn kết với nhau trong một chiến lược tổng thể hướng đến một nền giáo dục đại học tiên tiến, hội nhập quốc tế. Từ thực tế trên, bài viết nêu tổng quan việc quốc tế hóa giáo dục đại học và đề xuất một số góp ý hoàn thiện chính sách và pháp luật trong việc tự chủ giáo dục dại học.

2. Tổng quan quốc tế hóa GDĐH ở Việt nam

2.1. Các đề án, chương trình của Chính phủ

2.1.1. Các đề án quốc tế hóa đội ngũ giảng viên

Từ năm 2000, với sự khởi động của Đề án Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (thường được biết đến dưới tên Đề án 322) và sau đó là Đề án 599 và Đề án 911, hàng ngàn cán bộ quản lý, nghiên cứu viên của các viện nghiên cứu, giảng viên và sinh viên tại các trường đại học, học sinh tốt nghiệp phổ thông với thành tích cao đã được gửi đi học tập tại nước ngoài từ nguồn ngân sách nhà nước. Thông tin cơ bản về 3 đề án trên được tóm tắt trong Bảng 1.

Mặc dù đạt được một số thành tựu, tuy vậy, các đề án đào tạo giảng viên và cán bộ quản lý vẫn còn một số hạn chế và khó khăn cơ bản liên quan đến cơ chế quản lý tập trung, vai trò của các cơ sở GDĐT còn mờ nhạt, cơ chế thu hút nhân tài, quy trình, thủ tục vận hành…

2.1.2. Các đề án tăng cường hội nhập quốc tế về đào tạo

Từ năm 2006, Bộ Bộ Giáo dục và Đào (Bộ GD & ĐT) đã triển khai thí điểm các chương trình tiên tiến (CTTT), đồng thời xây dựng Đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam giai đoạn 2008 - 2015”. Theo báo cáo tổng kết của Bộ GD & ĐT vào tháng 12/2016, Đề án đã đạt được 6/7 mục tiêu (mục tiêu thu hút 3.000 sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam chỉ đạt 65% chỉ tiêu đề ra). Đề án được đánh giá là có tác động tích cực đến nhiều mặt hoạt động của các trường triển khai CTTT, góp phần hiện đại hóa, chuẩn hóa, và tăng cường tính hội nhập quốc tế của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; cách thức phát triển chương trình đào tạo và cơ sở vật chất; tổ chức và quản lý đào tạo; phương pháp dạy - học và đánh giá; phương thức quản trị và quản lý tự chủ của trường đại học; và hoạt động hợp tác quốc tế của các cơ sở GDĐH tham gia Đề án. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với sự bền vững của các CTTT liên quan đến việc đảm bảo tài chính bền vững, năng lực của đội ngũ giảng viên, cũng như việc phân tích và dự báo nhu cầu thị trường đối với những ngành nghề đào tạo thuộc các CTTT đang vận hành.

Bên cạnh Đề án CTTT, việc ban hành Khung trình độ quốc gia do Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2016 cũng là một trong các nỗ lực lớn nhằm tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề và GDĐH của Việt Nam. Khung trình độ quốc gia đã tạo ra cơ sở để đối chiếu, so sánh các trình độ đào tạo của Việt Nam với các quốc gia ASEAN thông qua khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF); từ đó hỗ trợ việc công nhận bằng cấp, quy đổi tín chỉ, hỗ trợ trao đổi sinh viên và người lao động giữa các quốc gia trong khu vực, tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề, GDĐH và tăng tính cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia còn chậm, trong khi nhiều nước trong khu vực đã và đang tiến hành mạnh mẽ (Campuchia, Indonesia, Malaysia…). Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả  thực hiện Khung trình độ quốc gia, Chính phủ cần có sự chỉ đạo, định hướng các cơ quan quản lý và cơ sở GDĐH trong việc: (i) xây dựng kế hoạch và lộ trình phù hợp, (ii) huy động sự tham gia đồng thời của các đơn vị đào tạo, cơ quan kiểm định, và doanh nghiệp; và (iii) học tập kinh nghiệm của quốc tế trong việc triển khai khung trình độ quốc gia.

2.1.3. Các dự án xây dựng các trường đại học quốc tế xuất sắc

Thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2008 - 2020, trong thời gian qua, Chính phủ đã triển khai xây dựng một số trường ĐH quốc tế dưới sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài. Với cơ chế đặc thù, nguồn vốn đầu tư lớn và có sự hỗ trợ từ đối tác quốc tế, các trường ĐH theo mô hình này được mong đợi sẽ mau chóng đạt đẳng cấp quốc tế, giúp Việt Nam có ít nhất 1 đại diện trong Top 200 trường ĐH tốt nhất thế giới vào năm 2020, như mục tiêu đề ra trong Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020. Đến nay, đã có 3 trường ĐH được thành lập theo mô hình này, bao gồm: ĐH Việt - Đức, ĐH Việt - Pháp (hay còn gọi là ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội), và ĐH Việt - Nhật. Thông tin cơ bản về các trường ĐH này được thể hiện ở Bảng 2.

 

Các trường ĐH theo mô hình trường ĐH quốc tế đã được hình thành và phát triển nhưng kết quả đạt được cho đến thời điểm này chưa đáp ứng được kỳ vọng xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế của Chính phủ để Việt Nam có 1 trường ĐH lọt vào Top 200 các ĐH hàng đầu thế giới vào năm 2020. Hiện, cả hai trường ĐH Việt- Đức, Việt-Pháp vẫn đang trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất và ổn định mô hình tổ chức. Trường Đại học Việt-Đức có tỷ lệ giải ngân chậm và không đạt được tiến độ theo kế hoạch nên phải xin gia hạn với WB. Ngoài việc đầu tư xây dựng các trường đại học quốc tế xuất sắc kể trên, Chính phủ cũng đã cho phép thành lập một số trường đại học quốc tế tại Việt Nam, gồm: Trường Đại học Anh Quốc tại Việt Nam, Trường Đại học Mỹ tại Việt Nam, Trường Đại học Fulbright.

2.2. Nỗ lực quốc tế hóa của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam

2.2.1. Quốc tế hóa trong đào tạo

Một trong các hoạt động đổi mới nội dung và phương pháp GDĐH theo hướng quốc tế hóa đáng được ghi nhận trong thời gian qua là việc thực hiện thí điểm mô hình CDIO (viết tắt của quy trình: Nhận thức/Conceive - Thiết kế/Design - Triển khai/Implement - Vận hành/Operate) tại ĐH Quốc gia TP.HCM và một số trường ĐH khác trên cả nước. Việc áp dụng mô hình CDIO đã giúp cải tiến đồng bộ chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học, môi trường học tập theo hướng hiện đại, tích cực, tiệm cận với nhu cầu của doanh nghiệp và quốc tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai CDIO tại các trường cũng gặp một số khó khăn như nhiều giảng viên, sinh viên còn lúng túng, cảm thấy “quá tải” với phương pháp dạy và học chủ động theo mô hình CDIO; cơ sở vật chất của các trường chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy đòi hỏi yếu tố thực hành cao của mô hình (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2017). Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng CDIO nên được triển khai từng bước và linh động điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Ngoài chủ động triển khai các hoạt động đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng hội nhập, một số trường còn tham gia vào các dự án có mục tiêu hỗ trợ cải thiện chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy GDĐH tại Việt Nam, được tài trợ bởi các tổ chức, trường đại học hoặc các doanh nghiệp nước ngoài, như Dự án Liên minh giáo dục đại học ngành kỹ thuật (gọi tắt là dự án HEEAP) và Dự án Thúc đẩy hợp tác Trường Đại học - Doanh nghiệp thông qua Đổi mới và Công nghệ (gọi tắt là dự án BUILD-IT). Mặc dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, những nỗ lực quốc tế hóa trong đào tạo nói trên chỉ là những dự án đơn lẻ, với sự tham gia của một số trường đại học tại Việt Nam chứ chưa có tác động trên toàn hệ thống GDĐH và còn thiếu sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Hoạt động của các dự án này chưa tạo ra sự gắn kết với những chủ trương, chính sách của Nhà nước để tạo ra sự cộng hưởng và lan tỏa trong toàn hệ thống GDĐH.

2.2.2. Liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài

Theo thống kê của Vietnam International Education Development (2018), tổng số chương trình liên kết đào tạo (CTLK) với cơ sở giáo dục (CSGD) nước ngoài trên cả nước đến thời điểm tháng 3/2017 là 318 chương trình, hiện đang vận hành ở cả 4 cấp đào tạo từ cao đẳng, đại học, thạc sĩ đến tiến sĩ. Các CTLK hiện nay có phương thức vận hành khá đa dạng, đã đáp ứng nhu cầu học tập và nhận bằng từ trường ĐH nước ngoài với chi phí hợp lý của một bộ phận người học; đồng thời mang đến lợi ích về kinh tế và học thuật (thông qua các hoạt động trao đổi giảng viên, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức đào tạo, phương pháp giảng dạy giữa các bên liên kết) cho các trường ĐH Việt Nam. Đặc biệt, liên kết đào tạo với các trường ĐH có thứ hạng cao trên thế giới còn là đòn bẩy giúp các trường ĐH Việt Nam tiếp cận trực tiếp với phương thức đào tạo tiên tiến của các đối tác này, qua đó từng bước cải tiến chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên của mình. Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng việc triển khai các CTLK cũng bộc lộ một số khó khăn, bất cập chính như các vấn đề liên quan đến uy tín của các đối tác nước ngoài, chất lượng chương trình đào tạo…

2.2.3. Hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Số lượng và chất lượng các công trình công bố trên các ấn phẩm khoa học quốc tế của các cơ sở GDĐH là thước đo quan trọng, phản ánh năng lực khoa học công nghệ và mức độ hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học của mỗi quốc gia. Theo số liệu cập nhật từ cơ sở dữ liệu web of Science của ISI, số lượng công trình công bố trên các tạp chí ISI của Việt Nam liên tục tăng ở mức 10 đến 20% trong mỗi năm và đạt mốc hơn 3.000 bài báo ISI trong năm 2015 (Biểu đồ 1).

Việc gia tăng số lượng xuất bản khoa học quốc tế trên các tạp chí ISI trong giai đoạn gần đây một phần là từ các chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học và xuất bản quốc tế đã được các cơ sở GDĐH áp dụng trong thời gian qua, tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa Việt Nam và một số nước phát triển trong khu vực, cụ thể là số bài báo ISI của Việt Nam chỉ bằng 28% của Thái Lan, 25% của Malaysia và 15% của Singapore.

3. Đề xuất một số góp ý thúc đẩy và hoàn thiện chính sách quốc tế hóa GDĐH Việt Nam

3.1. Hoàn thiện cơ chế chính sách

a. Xây dựng và hoàn thiện các công cụ quản lý nhà nước về giáo dục đại học bao gồm hệ thống thông tin quản lý giáo dục đại học bao gồm các chỉ số đánh giá quốc tế hóa giáo dục đại học.

b. Hoàn thiện hành lang pháp lý về tự chủ đại học để tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH tự chủ trong các hoạt động quốc tế hóa;

c. Ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 73 về Hợp tác đầu tư nước ngoài trong giáo dục theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

d. Đề xuất với Quốc hội sửa đổi Luật Giáo dục Đại học và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học sau khi được sửa đổi liên quan đến các trường đại học ngoài công lập có yếu tố nước ngoài theo hướng thông thoáng hơn.

3.2. Hỗ trợ đào tạo về quốc tế hóa

a. Hình thành đội ngũ cán bộ quản lý làm công tác quốc tế hóa tại các cơ sở giáo dục đại học và tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đối với đội ngũ cán bộ này; khuyến khích các cá nhân trong và ngoài nước có kiến thức, kinh nghiệm về quốc tế hóa giáo dục đại học tham gia hỗ trợ cho các hoạt động quốc tế hóa;

b. Biên soạn và ban hành bộ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng quốc tế hóa; tài liệu đào tạo cán bộ quản lý và giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học về quốc tế hóa;

c. Tổ chức học tập, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế hóa với các cơ sở giáo dục đại học có uy tín của khu vực và thế giới.

3.3. Tạo điều kiện hỗ trợ cho quốc tế hóa

a. Triển khai Khung trình độ quốc gia và tăng cường ký kết các hiệp định công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các quốc gia khác, trước tiên là với các nước trong cộng đồng ASEAN.

b. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút và sử dụng có hiệu quả đội ngũ trí thức là người Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài hay đang làm việc, giảng dạy tại nước ngoài.

c. Xây dựng chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học thực hiện kiểm định chất lượng quốc tế đối với cơ sở và chương trình đào tạo; khuyến khích việc đăng ký xếp hạng quốc tế các trường đại học.

d. Tiếp tục triển khai đề án quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và giảng viên ở nước ngoài theo cơ chế đổi mới, hiệu quả.

3.4. Hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án quốc tế hóa

a. Bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của nhà trường để hỗ trợ các hoạt động, sáng kiến, dự án quốc tế hóa trong nhà trường.

b. Xây dựng Quỹ hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, đơn vị trong nhà trường tiến hành các hoạt động quốc tế hóa.

c. Hỗ trợ tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đối với các dự án xây dựng khu đại học để khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học có uy tín của nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục đại học.

d. Nhà nước đầu tư, giao nhiệm vụ quốc tế hóa cho một số cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, để phát triển ngang tầm với khu vực và thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Đề án “Quốc tế hóa giáo dục đại học đến năm 2025”, Quyết định số 975 /TTr-BGDĐT, ngày 15 tháng 12 năm 2017, về việc phê duyệt Đề án “Quốc tế hóa giáo dục đại học đến năm 2025”.
  2. Nghị quyết số 05 - NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
  3. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
  4. Quyết định số 1505/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam giai đoạn 2008-2015”.
  5. Bon, P. (2010). Higher education is the beating heart of society, Paper presented at the Conference on Vietnam’s Education: The Nation’s Life’s Breath, Hochiminh City, Vietnam[online]http://www.uef.edu.vn/resources/ky_yeu_hoi_thao/25_higher_education_is_the_beating_heart_of_society.pdf.
  6. Bui V.G. (2014). Internationalising higher education from a different angle, [online] http://issuu.com/bceastasia/docs/ihe-newsletter-issue-3.
  7. Hayden, M. (2012). Developing a globally integrated higher education system in Vietnam: A nine-point plan [online] http://gddhhoinhapquocte.vnuhcm.edu.vn/site/en/?p=344#_ftn7, Accessed 19 February 2013.
  8. Ngo, T. L. (2011). Higher education internationalization in Vietnam: unintended socio-political impacts of joint programmes seen as special free academic zones, Proceedings of the International Conference on Contribution of the Social Sciences and Humanities in the socio-economic development, Vietnam.
  9. Qiang, Z. (2003). Internationalization of Higher Education: Towards a conceptual framework. Policy Futures in Education, V 1, No. 2, pp.248-270.
  10. Vietnam International Education Development, (2018), List of joint training programmes approved by the Ministry of Education and Traning, [online] http://vied.vn/vn/content/thongbao/thongbaochung/danh-muc-cac-chuong-trinh-lien-ket-dao-tao-da-duoc-bo-gddt-phe-duyet_28598.aspx.

Internationalization and optimal policies on the university autonomy

in higher education

 Dr. TRAN MAI DONG

Department of Research Administration - International Relations, University of Economics Ho Chi Minh City

 ABSTRACT:

Internationalization is an undeniable trend of the higher education system. In Vietnam, the internationalization of higher education has received much attention from the government and society. In recent years, the Government of Vietnam, the Ministry of Education - Training and universities themselves have invested considerable resources and allocated spending on projects improving the quality of education towards internationalization. Analysis of achievements besides the difficulties and existing obstacles will contribute to the improvement of policies which promote the internationalization in the situation that more autonomy authorities may be given.

Keywords: Internationalization, higher education, autonomy authority.