Sản xuất thông minh thời 4.0: Hoàn thiện chính sách để doanh nghiệp đỡ “hoang mang”

Với xu hướng phát triển nhà máy thông minh trong dòng chảy cách mạng 4.0, các doanh nghiệp sản xuất đang cần lắm những chính sách “sát sườn”, thực tiễn hơn nữa, tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư hiện đại hóa.

Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề "Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh" tổ chức ngày 02/10.

Đây là 1 trong 5 hội thảo chuyên đề nằm trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 02-03/10.

Hội thảo chuyên đề "Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh" tổ chức ngày 02/10
Hội thảo chuyên đề "Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh" tổ chức ngày 02/10

Sản xuất thông minh là xu hướng, là cơ hội và là thách thức

Phát biểu tại Hội thảo, ông Triệu Tài Vinh - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ nhanh tạo ra những thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực, định hình lại nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới. nhiều ngành nghề truyền thống sẽ mất đi thay vào đó là các mô hình kinh doanh mới. Thời gian tạo ra các sản phẩm mới ở phòng thí nghiệm đến các sản phẩm để bán được rút ngắn đi, lợi thế cạnh tranh đang chuyển dịch về những khâu cuối của chuỗi giá trị.

Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tuy nhiên nền kinh tế lại vẫn đang đi theo mô hình công nghiệp hóa kiểu cũ với tư duy và thể chế quản lý cũ, do vậy tốc độ phát triển kinh tế chậm, không bền vững, năng lực đổi mới sáng tạo hạn chế, đang là áp lực đối với cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Triệu Tài Vinh - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Ông Triệu Tài Vinh - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định công nghiệp hóa - hiện đại hóa tại Việt Nam chưa phát huy tối đa hiệu quả

Theo ông Triệu Tài Vinh, việc ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam nếu chúng ta quyết tâm đổi mới tư duy và xây dựng được chiến lược phát triển rút ngắn phù hợp.

Song, ông cho rằng đây vẫn đang là một thách thức lớn do kinh tế thế giới đang chuyển đổi rất nhanh sang mô hình phát triển mới, hiện đại, trong khi tư duy cũ vẫn đang chi phối mạnh ở mọi cấp độ quản lý và hệ thống chính trị Việt Nam.

Chia sẻ với quan điểm của đại diện Ban Kinh tế trung ương, ông Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam cho biết sản xuất thông minh là xu hướng tất yếu, và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc nhất nếu muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Việc áp dụng sản xuất thông minh sẽ làm thay đổi hiệu quả nền kinh tế, làm tăng năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần giúp nền kinh tế phát triển bền vững thông qua tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu và chi phí nhân công, giải phóng sức lao động.

Để xây dựng một nhà máy thông minh, các doanh nghiệp sản xuất cần tích hợp được phần cứng là các dây chuyền sản xuất, trang thiết bị công nghệ máy móc thông minh và phần mềm là hệ thống quản lý điều hành thông minh (nhân lực trình độ cao, công nghệ số hiện đại).

Ông Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam khẳng định sản xuất thông minh là xu hướng tất yếu
Ông Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam khẳng định sản xuất thông minh là xu hướng tất yếu

Theo ông Nguyễn Quân, cốt lõi của sản xuất thông minh là chuyển đổi số, bao gồm 2 trụ cột là chuyển đổi số trong doanh nghiệp và chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong đó, có thể chia quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp làm 2 công đoạn là số hóa toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp để có dữ liệu số và ứng dụng công nghệ số để khai thác các dữ liệu doanh nghiệp đã xây dựng. Quá trình này bị tác động bởi các yếu tố như sáng kiến công nghệ (phát minh, giải pháp công nghệ); phản hồi của người tiêu dùng; cơ chế chính sách của Nhà nước (chính sách thuế, hải quan, các ưu đãi cho doanh nghiệp hay tiêu chuẩn kỹ thuật mới được ban hành)...

Với đặc trưng nền kinh tế Việt Nam có đến 97% doanh nghiệp thuộc quy mô vừa và nhỏ, ông Nguyễn Quân cho rằng cần có 5 lưu ý, 5 bước mà doanh nghiệp cần đi qua trong quá trình chuyển đổi số, bao gồm chuẩn bị cơ sở vật chất, chuẩn bị nguồn nhân lực, chọn lọc sản phẩm - công nghệ phù hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, lựa chọn công nghệ số.

Giới thiệu mô hình nhà máy thông minh
Giới thiệu mô hình nhà máy thông minh

Hoàn thiện chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp 4.0

Cũng tại Hội thảo, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao đang tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư để nâng cao trình độ và hiệu quả sản xuất.

Đồng thời, bày tỏ tin tưởng rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với nhiều chính sách ưu đãi minh bạch, công bằng và cởi mở hơn nữa với định hướng của Đảng và Chính phủ trong việc nâng cao năng lực tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 của doanh nghiệp, chủ động tham gia và tận dụng cơ hội từ cuộc CMCN 4.0.

Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương)
Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) tin rằng thời gian tới sẽ có nhiều chính sách nâng cao năng lực 4.0 của doanh nghiệp

Đặc biệt, trao đổi về chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp 4.0, ông Trần Việt Hòa cho rằng về cơ bản, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam từ năm 2008 đến nay đã bao quát tương đối đầy đủ các ngành nghề, lĩnh vực ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Các chính sách này được ban hành kịp thời, ở cả cấp độ Luật Thuế, các luật chuyên ngành và các quyết định liên quan của Thủ tướng Chính phủ.

Điểm nổi bật nhất của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đối với ngành nghề, lĩnh vực chủ yếu của cách mạng công nghiệp 4.0 là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất (thuế suất 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo từ khi có thu nhập chịu thuế).

Đại diện doanh nghiệp đưa ra nhiều ý kiến về chính sách thúc đẩy sản xuất thông minh tại Hội thảo
Đại diện doanh nghiệp đưa ra nhiều ý kiến về chính sách thúc đẩy sản xuất thông minh tại Hội thảo

Tuy nhiên, Vụ trưởng Trần Việt Hòa thẳng thắn cho rằng phản hồi của doanh nghiệp cũng như ý kiến của nhiều nhà đầu tư chứng minh hệ thống chính sách và thủ tục hành chính của Việt Nam, dù đã được xây dựng tương đối đầy đủ, nhưng tính thực tiễn còn chưa cao.

Sự kết nối giữa các Bộ, ngành trong việc thực hiện các thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận được với các ưu đãi nhằm thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 còn thiếu hiệu quả.

Một số thách thức khác từ hệ thống chính sách thuế hiện tại trước yêu cầu của cuộc CMCN4.0 còn phải kể đến như: (1) Hệ thống chính sách thuế và quản lý thuế của Việt Nam chưa theo kịp với các mô hình, ngành nghề mới; (2) mô hình ưu đãi thuế của Việt Nam chủ yếu dựa trên lợi nhuận (thuế suất ưu đãi và miễn giảm thuế đối với thu nhập chịu thuế trong một khoảng thời gian nhất định), chưa áp dụng rộng rãi hình thức ưu đãi dựa trên chi phí (giảm trừ nghĩa vụ thuế theo mức đầu tư để nhà đầu tư có thể thu hồi một phần hoặc toàn bộ giá trị đã đầu tư).

Theo ông Trần Việt Hòa, chính sách thuế là một công cụ quan trọng nhằm thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng phát triển của cuộc CMCN4.0.

Hệ thống chính sách thuế nói chung và thuế, ưu đãi gắn với hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp đang được cải cách giúp giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình tiếp cận của doanh nghiệp.

Việc hoàn thiện khung chính sách, trong đó có chính sách thuế, đặc biệt gắn với các mô hình kinh doanh mới đã được Chính phủ giao trách nhiệm cho các đơn vị có liên quan.

Doanh nghiệp 4.0 đang chờ đợi nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ ưu đãi thuế
Doanh nghiệp 4.0 đang chờ đợi nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ ưu đãi thuế

Về phía mình, các hoạt động mà Bộ Công Thương thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở việc cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số; kết nối doanh nghiệp với các đơn vị tư vấn, nhà cung cấp công nghệ, giải pháp có uy tín, chất lượng và phù hợp với đặc thù, yêu cầu của các ngành, lĩnh vực.

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan để giải tháo gỡ những khó khăn này, và kiến nghị các giải pháp phù hợp, đặc biệt liên quan đến đổi mới mô hình ưu đãi thuế hiện nay.

Hoạt động hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ cao là hoạt động đầu tư đặc thù, cơ chế này sẽ hướng tới việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ.

Do đó, với các hoạt động hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách thông qua các Chương trình khoa học công nghệ, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho biết mong muốn tạo ra những mô hình điểm, thành công để minh chứng cho hiệu quả đầu tư, đổi mới công nghệ mang lại, dẫn dắt hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khác trong ngành.

“Các doanh nghiệp được lựa chọn sẽ tập trung trong các ngành công nghiệp chủ lực, ưu tiên phát triển của ngành Công Thương trong giai đoạn tới, sự phát triển của ngành/lĩnh vực có khả năng lan tỏa, tạo ra sự phát triển của các ngành/lĩnh vực khác”, ông Trần Việt Hòa khẳng định.

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, xác định việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Nghị quyết 52-NQ/TW cũng đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp lớn như: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính -  ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; văn hóa số; y tế; giáo dục và đào tạo.

Thy Thảo