Thay đổi từ nhận thức tới hành động là chưa đủ
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng nhanh nếu cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ. Ngược lại, nếu “lạc nhịp” về công nghệ, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường. Và trong bối cảnh này, vai trò của doanh nhân một lần nữa được khẳng định.
Theo TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, hiện nay đã có khoảng 50% doanh nghiệp tự tin bước vào kỷ nguyên số, bắt đầu áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất, bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định.
“Chỉ trong vòng 3 năm, chúng ta đã có sự chuyển biến đáng kể so với lúc mới bắt đầu nói về cách mạng công nghiệp 4.0, lúc đó chỉ có khoảng 30 - 40% doanh nghiệp tin rằng Việt Nam có thể bước lên "con tàu" 4.0. Năm 2018, đã có khoảng 90 dự án Start-up huy động được khoảng 900 triệu USD.
Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thấy doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có sự chuyển biến, thay đổi đáng kể để bắt nhịp với xu hướng của thời đại”, TS Võ Trí Thành cho biết.
Cũng chia sẻ thêm về tin vui này, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Bản chất của cuộc cách mạng 4.0 là sự thay đổi một cách căn bản bằng cách sống và làm việc cùng với công nghệ số, trí tuệ nhân tạo.
Trong đó, sự sáng tạo của con người và internet kết nối là nền tảng tạo ra sự thay đổi. Sản xuất phải mang tính chất linh hoạt, theo từng loại nhu cầu của khách hàng với những dây chuyền sản xuất quy mô.
“800 doanh nhân họp ở Davos đã dự báo trong 10 năm tới, 10% dân số sẽ mặc quần áo kết nối với internet, 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí, một nghìn tỷ cảm biến kết nối với internet, 10% mắt kính kết nối với internet, 80% người dân hiện diện số trên internet. Điều này cho thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động to lớn và làm thay đổi cuộc sống hàng ngày của con người...”, ông Phan Đức Hiếu chia sẻ thêm.
Đứng trước xu thế đó, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ đón nhận nhiều cơ hội từ việc áp dụng công nghệ mới vào quản trị và hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng buộc phải thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động để giảm thiểu những tác động tiêu cực.
Việc tiếp cận những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, tận dụng các cơ hội để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường”…
Làm gì để không trượt khỏi xu hướng?
Theo ông Phan Đức Hiếu, áp lực cạnh tranh đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều loại hình kinh doanh mới xuất hiện đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược, cách thức sản xuất tiêu dùng, chu kỳ sản xuất, nâng cao tuổi thọ sản phẩm, hiệu quả sử dụng lao động… nhằm đáp ứng những nhu cầu tiêu dùng mới.
“Ở Đức, 60% doanh nghiệp nhận thức rõ về số hóa nhưng chỉ có 25% doanh nghiệp xây dựng được chiến lược của mình. Do vậy, nếu chỉ thay đổi về nhận thức đối với xu hướng công nghệ 4.0 là chưa đủ, các doanh nghiệp cần phải chủ động nghiên cứu, tư duy sáng tạo và thay đổi hàng ngày mới có thể tạo ra hiệu quả”.
Đồng quan điểm với ông Phan Đức Hiếu, ông Trịnh Minh Giang, chuyên gia đào tạo về chuyển đổi số và chiến lược nền tảng số - Chủ tịch công ty VMCG - cũng nhấn mạnh, câu chuyện 4.0 bản chất là sự thay đổi và cũng xuất phát từ sự thay đổi.
“Chúng ta đang không theo kịp sự thay đổi, dù có cập nhật thường xuyên cũng đang không theo kịp. Đó là lý do khiến chúng ta buộc phải số hóa mô hình kinh doanh. Những thương hiệu bây giờ khác hoàn toàn so với những thương hiệu của 10 năm trước, hoàn toàn thay đổi bằng những nền tảng thương hiệu mới”, ông Giang nhấn mạnh.
“Doanh nghiệp phải dựa vào công nghệ để lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp. Nhưng nếu không hiểu công nghệ thì sẽ đi trượt khỏi xu hướng”, ông Giang khẳng định.
Cùng với đó, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, 3 quy tắc quan trọng trong chuyển đổi số doanh nghiệp là nghĩ lớn, làm nhỏ tức là hãy nghĩ đến sự tương tác và trải nghiệm của khách hàng. Thứ hai phải phải hiểu rõ công nghệ muốn sử dụng và thứ ba là gắn công nghệ đó với tư duy, chiến lược kinh doanh.
Nói rõ hơn về giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam đuổi kịp xu hướng của thời đại, ông Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: “Chưa bao giờ chúng ta nghe nhiều đến 4.0 và trí tuệ nhân tạo như bây giờ. Ít có quốc gia nào có sự thay đổi nhanh như Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp cần thích ứng và sẵn sàng cho 4.0. Doanh nghiệp phải là trung tâm và là nền tảng của sự thay đổi, chuyển mình".