Sản xuất thức ăn có B-Glucan ứng dụng nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao

Nhu cầu sử dụng chế phẩm sinh học B-Glucan trong nuôi tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam là rất cần thiết trong tình trạng dịch bệnh, tỷ lệ sống thấp gây thiệt hại nặng cho người nuôi và rủi ro cho nghề nuôi tôm thẻ.

Trong khuôn khổ triển khai đề án “Phát triển và Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020”, Bộ Công Thương đã giao cho Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II (Tp.Hồ Chí Minh) thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất B-Glucan kích thước phân tử lượng lớn bổ sung trong thức ăn nuôi trồng thuỷ sản”. Sau hai năm thực hiện, chiều ngày 6/12/2019, tại Bộ Công Thương, đã diễn ra buổi báo cáo nghiệm thu đề tài.

Bộ Công thương
Ông Dương Xuân Diêu, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ đọc quyết định thành lập hội đồng

 

Tham dự buổi nghiệm thu có đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và các thành viên thuộc Hội đồng nghiệm thu do GS. Đặng Thị Thu làm chủ tịch.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Phạm Duy Hải trình bày báo cáo, “Hiện nay nhu cầu sử dụng chế phẩm sinh học B-Glucan trong nuôi tôm thẻ chân trắng ở nước ta là rất cần thiết trong tình trạng dịch bệnh, tỷ lệ sống thấp gây thiệt hại nặng cho người nuôi và rủi ro cho nghề nuôi tôm thẻ. Do đó nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất thức ăn có B-Glucan phân tử lượng lớn, từ 1000 – 5000 kDa, từ bã men bia đảm bảo các chỉ tiêu ATTP quy định cho thức ăn chăn nuôi, đồng thời tăng cường miễn dịch, tăng trưởng, tăng tỷ lệ sống cho tôm thẻ chân trắng”.

ông Phạm Duy Hải
ThS. Phạm Duy Hải trình bày báo cáo

 

Theo ông Hải, nguyên liệu đầu vào được sử dụng là bã men bia tươi và men khô được thu thập từ 5 nhà máy do công ty TNHH TM Đại Hùng Sáng cung cấp. Các enzym thương mại protease PA 3000 và a-amylase Licuamind được cung cấp bởi Dyadic International (Mỹ).

Xây dựng quy trình sản xuất thức ăn nuôi tôm thẻ có bổ sung B-Glucan dựa vào quy trình công nghệ và trang thiết bị hiện có của nhà máy Công ty CP thức ăn thuỷ sản Tomking.

Địa điểm nuôi khảo nghiệm đánh giá hiệu quả ở qui mô công nghiệp được thực hiện tại Ấp Giồng Cha, Vĩnh Hậu A, Bạc Liêu.

Tóm tắt về quy trình sản xuất B-Glucan có trọng lượng phân tử 1000-5000 kDa, ThS. Phạm Duy Hải cho biết trải qua 6 công đoạn chính; bao gồm thu thập bã men – thu nhận vách tế bào nấm men – xử lý protein – xử lý a-glucan – xử lý béo – ra sản phẩm.

Tiếp theo, để tạo ra hỗn hợp thức ăn, sản phẩm B-Glucan có trọng lượng phân tử 1000-5000 kDa sẽ được nghiền 2 lần, phối trộn, tạo viên, ủ nhiệt, sấy, sàng và đóng gói ra thành phẩm.

Về kết quả thực hiện, chủ nhiệm đề tài báo cáo “đã xây dựng thành công qui trình sản xuất B-Glucan và mô hình thiết bị với công suất 100kg nguyên liệu/ngày, giúp sản xuất được 50,4 tấn thức ăn nuôi tôm thẻ”.

Kết quả nuôi khảo nghiệm cho thấy tỷ lệ sống của tôm đạt 65%, tăng 11%, giúp tăng năng suất lên 10,74 tấn/ha/vụ, tăng 1,9 tấn. “Đặc biệt, dựa trên tính ứng dụng rộng rãi cũng như khả năng sản xuất quy mô công nghiệp, nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ quy trình công nghệ để có thể đưa vào sản xuất quy mô lớn trong một ngày không xa”, Th.S Hải nhấn mạnh.

Đánh giá về quy trình và phương pháp tiếp cận, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính nghiêm túc trong công tác thực hiện nhiệm vụ, nỗ lực của nhóm đề tài trong việc hoàn thành từ tốt đến vượt các mục tiêu đề ra. Đặc biệt, Chủ tịch hội đồng, TS. Đặng Thị Thu hết sức coi trọng giá trị thực tiễn, tính ứng dụng của kết quả đề tài.
Bên cạnh đó, các thành viên hội đồng cũng có một số góp ý, bổ sung đề nhóm nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa các báo cáo, đồng thời tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm thúc đẩy ngành sản xuất – nuôi trồng thuỷ sản.

Một số thông tin về đề tài:

Đề án Phát triển và Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020

Tên đề tài: Nghiên cứu công nghệ sản xuất B-Glucan kích thước phân tử lượng lớn bổ sung trong thức ăn nuôi trồng thuỷ sản

Đơn vị chủ trì thực hiện: Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II

Chủ nghiệm đề tài: ThS. Phạm Duy Hải

Thời gian thực hiện: 01/2017 – 06/2019

 
Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương