Sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ tại Việt Nam

THS. VŨ THỊ ANH (Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đóng vai trò then chốt trên thị trường trái phiếu, nhằm đáp ứng 2 mục tiêu (i) là kênh huy động vốn hiệu quả cho NSNN và (ii) là thị trường chuẩn cho thị trường tài chính. Thị trường TPCP được thành lập vào năm 2009, sau 12 năm hoạt động thị trường TPCP được đánh giá là làm tốt vai trò trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho ngân sách nhà nước (NSNN), gắn công tác phát hành TPCP với tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư. Bài viết phân tích sự phát triển của thị trường TPCP tại Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Từ khóa: trái phiếu Chính phủ, thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp, phát hành.

1. Sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ tại Việt Nam

1.1. Thị trường sơ cấp

Sau 12 năm hoạt động và phát triển, thị trường cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu của lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra cho thị trường trái phiếu Việt Nam, đó là phát triển thị trường trái phiếu ổn định, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Đến cuối năm 2020, quy mô thị trường TPCP đạt 28,28% GDP; tăng 11% về giá trị tuyệt đối so với năm 2019. Trong đó, dư nợ TPCP kỳ hạn còn lại trên 5 năm chiếm 61,14%, tiếp theo là kỳ hạn 1-5 năm (27,4%), các kỳ hạn ≤ 1 năm chỉ chiếm 11,46%.

Trên thị trường sơ cấp, trong vòng 12 năm, hơn 2,47 triệu tỷ đồng vốn đã được huy động cho ngân sách nhà nước để phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Con số này tương ứng với mức huy động bình quân năm đạt hơn 206 nghìn tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 10% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội năm 2020, và 28,3% tổng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước năm 2020. Để huy động được lượng vốn hơn 2,47 triệu tỷ đồng này, đã có hơn 2.600 phiên đấu thầu được tổ chức tại HNX với tỷ lệ huy động thành công bình quân đạt 60-70% trên tổng khối lượng gọi thầu.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động vốn trên thị trường TPCP đã giảm đáng kể, giúp tiết kiệm cho NSNN hàng nghìn tỷ đồng tiền trả lãi và hỗ trợ tích cực trong điều tiết kinh tế vĩ mô. Lãi suất huy động vốn trung bình đã giảm từ 4 đến 6%/năm trên tất cả các kỳ hạn. Trong đó, đặc biệt giảm mạnh tại kỳ hạn 5 năm (giảm từ 10,49%/năm trong 2009 xuống còn 1%/năm trong 2021; kỳ hạn 10 năm (giảm từ mức 9,7%/năm trong 2009 xuống còn 2,06%/năm trong 2021). (Hình 2)

Hiện nay, thị trường TPCP được đánh giá là đa dạng hóa sản phẩm và kỳ hạn phát hành. Theo đó, trên thị trường sơ cấp, ngoài sản phẩm cơ bản là trái phiếu trả lãi định kỳ (standard/long/short coupon), còn có các sản phẩm trái phiếu không trả lãi định kỳ. Việc đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành từ 3 tháng đến 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm đã góp phần nâng cao khả năng huy động vốn cho NSNN,  tái cơ cấu danh mục TPCP theo hướng bền vững, góp phần tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư. (Hình 3)

1.2. Thị trường thứ cấp

Trên thị trường thứ cấp, giao dịch TPCP không ngừng tăng về quy mô và độ sâu, tiệm cận với các nước có thị trường TPCP phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tổng dư nợ thị trường TPCP tại HNX tính đến hết tháng 8/2021 đạt 1,4 triệu tỷ đồng, gấp 8,7 lần quy mô năm 2009. Thanh khoản trái phiếu năm 2021 đạt mức 10,8 nghìn tỷ đồng/phiên, gấp 29,7 lần so với năm 2009. Giá trị giao dịch Repos theo đó cũng tăng trưởng mạnh mẽ từ quy mô khiêm tốn với tỷ trọng 6,5% trên tổng giá trị giao dịch năm 2009 lên mức 33% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường năm 2021. (Hình 4)

Trên thị trường thứ cấp, ngoài 2 sản phẩm cơ bản là Outright và Repos, trước xu thế phát triển mạnh của giao dịch Repos, vào cuối năm 2018, đã có thêm 2 sản phẩm Repos gồm Vay trái phiếu, Bán kết hợp mua lại được giới thiệu ra thị trường. Sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai TPCP 5 năm bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2019 và mới đây là hợp đồng tương lai TPCP 10 năm ra mắt vào tháng 6/2021 đã bổ sung thêm công cụ phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư. Tháng 7/2021, sản phẩm mua lại có kỳ hạn TPCP từ nguồn NSNN tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước đã được triển khai chính thức, tạo thêm một kênh  mới, giúp các chủ sở hữu có thể bán lại TPCP cho Kho bạc Nhà nước, lần đầu tiên mở ra cơ chế cho phép Kho bạc Nhà nước trở thành nhà đầu tư có thể mua lại trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp do chính tổ chức này phát hành.

Lãi suất TPCP trên thị trường thứ cấp năm 2020 tăng trong tháng 3 - tháng 4/2020 do tại thời điểm này dịch bệnh Covid bùng phát. Tuy nhiên, do thanh khoản thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất TPCP trên thị trường thứ cấp có xu hướng giảm dần từ tháng 5/2020 đến cuối tháng 12/2020, lãi suất kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm ở mức 1,12%, 1,37%, 2,34%, 2,56% (mức lãi suất giao dịch thấp nhất từ trước đến nay). So với thời điểm đầu năm 2020, lãi suất TPCP Việt Nam trên thị trường thứ cấp tại thời điểm cuối năm giảm bình quân khoảng 100 điểm cơ bản ở hầu hết các kỳ hạn, là mức giảm mạnh nhất so với lãi suất TPCP của các nước trong khu vực. (Bảng 1)

Các nguyên nhân giúp giảm lợi suất trái phiếu bao gồm: (1) Thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng năm 2020 tương đối dồi dào, lãi suất liên ngân hàng duy trì mức thấp đã giúp tăng nhu cầu đầu tư vào các tài sản phi rủi ro, trong đó có TPCP. (2) Nền tảng vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới đã củng cố niềm tin của thị trường vào các định hướng, giải pháp của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. (Hình 5)

2. Một số giải pháp phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ

Một là, phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ theo hướng bền vững theo thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động trên thị trường; thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 quy định tại Quyết định số 261/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Hai là, ban hành khuôn khổ pháp lý về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà tạo lập thị trường, theo đó nâng cao trách nhiệm của các thành viên đấu thầu trên thị trường sơ cấp, đặc biệt là các ngân hàng thương mại.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách về cơ chế hỗ trợ thanh khoản trên thị trường để tiến tới quy định thêm nghĩa vụ đối với các nhà tạo lập thị trường trên thị trường thứ cấp là chào giá cam kết 2 chiều.

Bốn là, cần thúc đẩy nhanh quá trình đăng ký, lưu ký, niêm yết giao dịch, nghiệp vụ repo, cung cấp thông tin giá cả nhằm hỗ trợ sự tham gia của các nhà tạo lập thị trường trên thị trường thứ cấp.

Năm là, tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu mới phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư như trái phiếu xanh, trái phiếu có lãi suất thả nổi, trái phiếu có gốc, lãi được giao dịch tách biệt (strip bond), trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát,...

Sáu là, đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành, tập trung phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài trên 5 năm, đồng thời linh hoạt phát hành các kỳ hạn ngắn (tín phiếu, trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 1-3 năm) nhằm tạo đường cong lãi suất tham chiếu trên thị trường với đầy đủ các kỳ hạn.

Bảy là, HNX tập trung mục tiêu thực hiện nghiệp vụ hoán đổi, mua lại để tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ nhằm kéo dài kỳ hạn còn lại và giảm đỉnh nợ, giãn áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước. Trên thị trường giao dịch thứ cấp, HNX nghiên cứu tăng cường vai trò của nhà tạo lập thị trường TPCP trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, đồng thời  đẩy mạnh phát triển cơ sở nhà đầu tư dài hạn như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ bảo hiểm liên kết, thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, các định chế đầu tư chuyên nghiệp trên thế giới tham gia đầu tư vào TPCP Việt Nam nói chung, TPCP xanh nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2019), Luật Chứng khoán năm 2019.
  2. Chính phủ (2018), Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 hướng dẫn phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
  3. Chính phủ (2011), Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 hướng dẫn một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
  4. Bộ Tài chính (2018), Thông tư số 110/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 hướng dẫn mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước.

The development of government bond market in Vietnam

Master. Vu Thi Anh

Faculty of Finance and Banking

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The government bond plays a key role in the bond market. The government bond is considered as (i) an effective capital mobilization channel for the state budget and (ii) a standard market for the financial market. Since its establishment in 2009, the government bond market has become an important medium and long-term capital mobilization channel for the state budget. It has also supported the with government debt restructuring process by issuing long-term bonds and diversifying investors. This paper analyzes the development of the government bond market in Vietnam, thereby proposing some development solutions in the coming time.

Keywords: government bonds, primary market, secondary market, issuance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]