Tác động của cấu trúc vốn đến hiệu suất tài chính ngành Logistics: trường hợp các công ty trên sàn chứng khoán Việt Nam

ThS. NGÔ CHÍ TÂM (Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu phân tích tác động của cấu trúc vốn (CTV) đến hiệu suất tài chính (HSTC) tại 48 công ty logistics niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2019. Kết quả hồi quy cho thấy nợ ngắn hạn và nợ dài hạn của CTV có ảnh hưởng rõ rệt đến HSTC theo hướng tác động tiêu cực và đáng kể đến tỷ suất sinh lợi/tổng tài sản (ROA) và tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE).

Từ khóa: cấu trúc vốn, nợ ngắn hạn, nợ dài hạn, hiệu suất tài chính.

1. Đặt vấn đề

Logistics đóng vai trò liên kết các hoạt động của chuỗi giá trị toàn cầu từ khâu  sản xuất, đến lưu thông, phân phối đến tay người sử dụng. Do đó, ngành Logistics có những đóng góp quan trọng khi giúp tối ưu quá trình lưu chuyển của sản xuất - kinh doanh từ khâu đầu vào cho tới đầu ra. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, logistics đem lại lợi ích thông qua các kênh:

- Nâng cao hiệu quả quản lý, tối ưu hóa chi phí sản xuất;

- Tiết kiệm, giảm chi phí trong khâu lưu thông và phân phối hàng hóa;

- Tăng giá trị kinh doanh của các công ty kinh doanh vận tải giao nhận;

- Mở rộng thị trường trong thương mại quốc tế;

- Giảm chi phí, tiêu chuẩn hóa chứng từ trong thương mại quốc tế.

Theo xếp hạng chỉ số Logistics Performance Index (LPI) của World Bank (WB), năm 2018, ngành Logistics nước ta đứng thứ 39 (trong 160 nước) về mức độ phát triển. Trong khu vực, chúng ta thường đứng sau nhóm các nước hàng đầu trong khu vực ASEAN gồm các quốc gia như: Singapore, Malaysia và Thái Lan. Cụ thể, tốc độ phát triển ngành Logistics nước ta hàng năm đạt khoảng 14 - 16%, thể hiện đây là một trong những ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất. Theo báo cáo của CRIF D&B Việt Nam - công ty chuyêncung cấp các thông tin kinh tế, chấm điểm tín dụng và giải pháp quyết định kinh doanh, năm 2019, các công ty trong ngành Logistics ở nước ta có doanh thu bán hàng tăng trưởng liên tục và tích cực từ 305.825 triệu đồng năm 2017 lên 325.294 triệu đồng năm 2018 và đạt 332.634 triệu đồng vào năm 2019; tỷ suất lợi nhuận gộp cũng tăng từ 12,46% năm 2018, lên mức 12,68% năm 2019.

Bài nghiên cứu này đánh giá tác động của CTV đến HSTC của các công ty trong ngành Logistics Việt Nam.

2. Cơ sở lý thuyết

CTV là sự kết hợp giữa các nguồn vốn dài hạn (nợ dài hạn và nợ ngắn hạn) dùng cho các hoạt động sản xuất và tăng trưởng của doanh nghiệp. CTV của một doanh nghiệp thường được tính bằng tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, có thể tác động đến lợi nhuận mà doanh nghiệp mang lại cho các cổ đông.

HSTC là thước đo về sức khỏe tài chính tổng thể của một doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định, thường được đánh giá thông qua 2 chỉ tiêu chính là ROA và ROE.

Trong đó:

- ROA phản ánh hiệu quả sử dụng tài sản, được tính bằng công thức:  CT1

- ROE đánh giá khả năng đảm bảo lợi nhuận cho các cổ đông góp vốn, được tính bằng công thức:

CT2

Lý thuyết trước đây về CTV cho rằng CTV tối ưu tạo điều kiện để tối đa hóa giá trị của công ty nhờ vào chi phí sử dụng vốn bình quân thấp (Weighted Average Cost of Capital - WACC). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tỷ lệ vốn chủ sở hữu và tỷ lệ đòn bẩy không thực sự phản ánh tốt HSTC của doanh nghiệp, do tác động của nhiều yếu tố khác đến các mối quan hệ này. Trong khi đó, Akintoye (2009) đề xuất rằng có nhiều mối quan hệ giữa HSTC của công ty và thuế, rủi ro kinh doanh và tính thanh khoản của doanh nghiệp. Akintoye cũng giải thích rằng, do các mô hình CTV dựa vào mối quan hệ nghịch biến giữa rủi ro và lợi tức kỳ vọng, nên CTV của công ty trong thực tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Điều này dẫn đến sự kết hợp tối ưu giữa vốn chủ sở hữu và nợ có thể làm tối đa hóa giá trị của công ty và giảm thiểu chi phí vốnCó nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến HSTC của doanh nghiệp. Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra mối liên hệ tích cực giữa HSTC của các công ty với tổng nợ và nợ ngắn hạn, nhưng điều đó ngược lại với nợ dài hạn thông qua tỷ suất sinh lời/vốn chủ sở hữu (Abor, 2005). Nghiên cứu của Huang và Song (2006); Chakraborty (2010) cho thấy sự tương quan âm giữa HSTC của công ty và đòn bẩy tài chính được chỉ ra ở các công ty Trung Quốc, trong đó, tỷ lệ thu nhập trước lãi vay và thuế/tổng tài sản thể hiện HSTC của công ty. Trong khi đó, Ebaid (2009) cho rằng không có bằng chứng đáng kể về mối quan hệ giữa HSTC của doanh nghiệp và các quyết định về CTV. Trên thực tế, phần lớn các nghiên cứu cố gắng đánh giá tác động của các lựa chọn phân bổ nguồn vốn đối với HSTC hoặc khả năng sinh lời của doanh nghiệp thông thường chỉ sử dụng một số thước đo phổ biến của CTV. Đa số các công ty sẽ chọn vay thêm nợ khi họ mở rộng sản xuất hay trong một nỗ lực mở rộng thị trường, sau khi họ đã tài trợ cho các cơ hội đầu tư bằng lợi nhuận giữ lại hoặc quỹ nội bộ. Bên cạnh đó, họ sẽ cố gắng duy trì tỷ lệ thanh khoản cao để tránh rủi ro (Serghiescu và Vaidean, 2013).

Hầu hết các công ty Việt Nam cũng tuân theo quy tắc  có thể tài trợ các hoạt động sản xuất - kinh doanh bằng nợ dài hạn và nợ ngắn hạn nếu họ có nhu cầu trong ngắn hạn. Hơn nữa, mặc cho mối quan hệ dương tồn tại giữa thuế và vay nợ, lá chắn thuế - nợ không phải là lý do chính để họ vay nợ. Trên thực tế, các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra một số bằng chứng đáng kể về sự gia tăng nợ phải trả của các công ty khi họ ở trong tình trạng thiếu tiền mặt. Do đó, các công ty sẽ gia tăng rủi ro bằng cách vay nợ có kỳ hạn ngắn hạn, nếu họ gặp khó khăn về tài chính. Hơn nữa, khi tỷ lệ lạm phát gia tăng, nhiều bằng chứng chỉ ra rằng công ty cũng có thể vay nợ ngắn hạn.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Phương pháp chọn mẫu và thu thập dữ liệu

Bài nghiên cứu sử dụng dữ liệu thứ cấp được trích xuất từ Báo cáo tài chính định kỳ hằng năm của tất cả Công ty trong ngành Logistics được công bố trong giai đoạn 2014 - 2019. Để đảm bảo số liệu được cung cấp là đầy đủ và chính xác trong giai đoạn trên, nghiên cứu tập trung vào số liệu của các Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Tổng cộng có 48 Công ty được tổng hợp số liệu, gồm các Công ty vận chuyển đường bộ, đường thủy, hàng không, cung cấp các dịch vụ cầu cảng, kho bãi, container,…

3.2. Các biến trong mô hình

Bài nghiên cứu đề xuất các biến phụ thuộc và các biến độc lập vào mô hình nghiên cứu.

Bảng 1. Các biến được sử dụng trong mô hình

Các biến được sử dụng trong mô hình

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ các nghiên cứu trước đây

3.3. Mô hình nghiên cứu

Các mô hình hồi quy được minh họa như sau:

ROYit = αi + β1CAPit + β2LIQUIDit + β3TANGit + β4RISKit + β5TAXit + β6SIZEit + β7INFit + εit

Trong đó, CAP bao gồm: SHD là tỷ số Nợ ngắn hạn/Tổng tài sản, và LTD là tỷ số Nợ dài hạn/tổng tài sản; TAX là tỷ số Thuế thu nhập và Thu nhập trước thuế và lãi; LIQUID là tỷ số giữa Tài sản ngắn hạn và Nợ ngắn hạn; INF là tỷ lệ lạm phát hàng năm; TANG là tỷ số giữa Tài sản cố định và Tổng tài sản; RISK là tỷ số giữa Độ lệch chuẩn của Thu nhập và Tổng tài sản; SIZE là Lograrit tự nhiên của Tổng tài sản.

Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của CTV và các biến kiểm soát đến HSTC, bài nghiên cứu sẽ sử dụng một số mô hình hồi quy, bao gồm Pooled OLS, mô hình Fixed Effect (FEM) và mô hình Random Effect (REM). Sau khi tiến hành hồi quy theo các mô hình trên, kết quả hồi quy sẽ được thực hiện tiếp kiểm định Breusch - Godfrey và kiểm định Hausman. Từ đó, tác giả có thể dựa vào kết quả kiểm định để chọn ra được mô hình phù hợp nhất cho việc trình bày kết quả và tiến hành các bước đánh giá, phân tích tiếp theo.

4. Kết quả phân tích

4.1. Thống kê mô tả

Bảng 2. Thống kê mô tả các biến trong mô hình hồi quy

Thống kê mô tả các biến trong mô hình hồi quy

Số quan sát: 287

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Bảng 2 cho thấy giá trị trung bình của ROA = 10,018, có nghĩa các công ty trong mẫu có một số lợi thế trong việc tạo ra lợi nhuận từ tài sản của họ. Về ROE, trung bình = 16,244 cho thấy khả năng các công ty trong ngành thu được nhiều lợi ích từ các khoản đầu tư của cổ đông của họ.

Tỷ lệ nợ dài hạn bình quân ≈ 12,85%, trong khi con số này đối với nợ ngắn hạn là khoảng gần 23,32%. Điều này phản ánh rằng hầu hết các công ty có sử dụng đòn bẩy nợ và các khoản nợ phải trả thường là ngắn hạn và chênh lệch khoảng trung bình gần 11% trong nguồn vốn của các doanh nghiệp.

Trung bình, tỷ lệ tài sản hữu hình khoảng 40%, cho thấy hầu hết các doanh nghiệp duy trì một tỷ lệ cao trong tài sản cố định của họ. Ngoài ra, mức trung bình của khả năng thanh toán ≈ 3,071, cho thấy các công ty này giữ mức tài sản lưu động ở mức cao, để có thể trang trải cho các chi phí ngắn hạn của họ.

4.2. Kết quả hồi quy

Bảng 3. Kết quả phân tích hồi quy

Kết quả phân tích hồi quy

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Bảng 3 trình bày các kết quả hồi quy từ mô hình Fixed Effect sau khi đã xử lý đa cộng tuyến, phương sai sai số thay đổi và tự tương quan bằng phần mềm thống kê.

Bảng 3 cho thấy, trong một vài trường hợp, biến kiểm soát dường như không có ý nghĩa thống kê, tuy nhiên các biến này cũng nên cần được trình bày trong kết quả. Thực tế, mô hình thực nghiệm đề xuất các biến này dựa trên việc tổng hợp và phân tích các lý thuyết trong nhiều tình huống khác nhau. Do đó, việc đưa các biến này vào mô hình, thông thường, sẽ luôn có thể giải thích theo nhiều tình huống khác nhau khi ghi nhận kết quả. Tương tự, việc chúng ta thấy một số biến trong phân tích không có ý nghĩa có thể mang tính đặc thù của ngành theo thời gian và thường được giải thích thông qua các yếu tố thực tiễn hoặc dữ liệu.

Kết quả hồi quy cho thấy: Nợ ngắn hạn, Nợ dài hạn, Rủi ro kinh doanh, Thuế và Quy mô công ty là các biến có ý nghĩa ở hầu hết các trường hợp trên. Hệ số nợ ngắn hạn có ảnh hưởng ngược chiều và đáng kể đến ROE và nó cũng tương tự như kết quả của hệ số nợ dài hạn khi có tác động âm và có ý nghĩa thống kê đến ROA. Kết quả này cũng khá phù hợp với các thực tế diễn ra ở ngành Logistics trong giai đoạn này.

Kết quả cũng cho thấy, hệ số nợ ngắn hạn âm và có ý nghĩa thống kê, điều này chỉ ra rằng các doanh nghiệp nên giảm nợ ngắn hạn để đạt được hiệu quả tài chính tốt hơn. Bên cạnh đó, quy mô công ty có ảnh hưởng và tác động nghịch biến đến cả ROA và ROE. Điều này phản ánh thu nhập giảm khi các doanh nghiệp ngành có tổng tài sản lớn (bao gồm tài sản hữu hình). Kết quả cũng cho thấy các công ty dường như chưa sử dụng tốt tài sản cố định của họ. Hệ số thuế suất dương cũng cho thấy rằng các doanh nghiệp đóng thuế tăng lên là một dấu hiệu cho thấy thu nhập của họ tốt hơn. Ngược lại với trường hợp tỷ lệ lạm phát; tuy nhiên, hệ số ước lượng tỷ lệ lạm phát không đáng kể.

Hệ số nợ dài hạn cũng có kết quả tương tự. Bên cạnh đó, dữ liệu cũng cho thấy hệ số của biến Rủi ro kinh doanh dương và có ý nghĩa thống kê. Kết quả chỉ ra rằng, nếu các công ty này đối mặt với mức độ rủi ro cao hơn, các chỉ số hiệu suất tài chính sẽ có xu hướng tốt hơn.

5. Một số khuyến nghị với các doanh nghiệp

(1) Với nợ ngắn hạn: Các doanh nghiệp cần cân đối lại cấu trúc vốn theo kỳ hạn phù hợp hơn và tiếp cận các nguồn tài trợ bằng nợ ngắn hạn thông qua nguồn tài trợ có lãi suất và phi lãi suất, nhưng cần tránh phụ thuộc vào nguồn vốn này, và cần xác định mức tối đa của đòn cân nợ.

(2) Đối với nợ dài hạn: Các doanh nghiệp cũng nên sử dụng tốt nguồn vốn này để đầu tư cho tài sản cố định và cũng cần thay đổi cách sử dụng để đạt hiệu quả cao hơn và thỏa mãn tốt hơn nhu cầu khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đa dạng các nguồn tài trợ cho khoản Nợ dài hạn của mình, việc phụ thuộc quá nhiều vào các tổ chức tín dụng sẽ gặp không ít hạn chế trong việc đa dạng nguồn vốn dài hạn để đảm bảo cho doanh nghiệp có cơ cấu vốn tối ưu. Doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu, nhưng cần phải có năng lực hoạt động để có lợi nhuận nhằm đảm bảo trả nợ và chi phí lãi vay cho nhà đầu tư, nhất là uy tín trong thời gian dài khi hoạt động.

(3) Doanh nghiệp cũng cần sử dụng tốt nguồn tài chính khác theo hướng kiểm soát rủi ro. Doanh nghiệp cần tìm kiếm nguồn tài trợ khác như lợi nhuận giữ lại, phát hành thêm cổ phiếu. Hoặc, khi doanh nghiệp dùng nợ sẽ giúp tăng giá trị nhưng tăng vốn chủ sở hữu giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro. Vì vậy, cần có sự kết hợp giữa nợ và vốn chủ sở hữu để đảm bảo mức an toàn, cũng như cải thiện giá trị doanh nghiệp của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abor, J. (2005). The effect of capital structure on profitability: an empirical analysis of listed firms in Ghana. Journal of Risk Finance, 6(5), 438-447.
  2. Cole, R. A., & Mehran, H. (1998). The effect of changes in ownership structure on performance: Evidence from the thrift industry. Journal of Financial economics, 50(3), 291-317.
  3. Mehran, H. (1995). Executive compensation structure, ownership, and firm performance. Journal of Financial Economics, 38(2), 163-184.
  4. Modigliani, F. M. (1958). The cost of capital, corporation finance and the theory of investment. American Economic Review, 48(3), 261-297.
  5. Modigliani, F. M. (1963). Corporate income taxes and the cost of capital: a correction. American Economic Review, 53(3), 433-443.
  6. Vătavu, S. (2015). The impact of capital structure on financial performance in Romanian listed companies. Procedia Economics and Finance (32), 1314-1322.
  7. Vătavu, S. (2012). Determinants of capital structure: Evidence from Romanian manufacturing companies. Scientific Areas, 1(1), 670-673.

THE IMPACTS OF CAPITAL STRUCTURE

 ON THE FINANCIAL PERFORMANCE

IN THE LOGISTICS INDUSTRY:

CASE STUDY OF LISTED LOGISTICS IN VIETNAM

• Master. NGO CHI TAM

Faculty of Economics - Law, Vinh University 

ABSTRACT:

This study attempts to discover the relationship between the capital structure and the financial performance at listed 48 logistics in Vietnam over the period from 2014 to 2019. The capital structure is the combination of both short-term debt and long-term debt while the financial performance is assessed by the return on assets and the return on equity. Previously, the author founds that factors of tangibility, tax, liquidity, business risk, inflation rate and firm size have positive correlations with the performance on listed logistics enterprises in Vietnam. These factors are used as control variables in this studys research model in order to increase the effectiveness of robustness tests. The study’s results show that the short-term debt and long-term debt have discernible impacts on the financial performance of a listed logistics enterprise in Vietnam. In which, the short-term debt and long-term debt ratios have significant and negative impacts on the return on assets and return on equity.

Keywords: capital structure, short-term debt, long-term debt, financial performance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2021]