Thách thức thu hút FDI trong bối cảnh mới hiện nay

Thách thức thu hút FDI trong bối cảnh mới hiện nay của TS. VÕ HỮU PHƯỚC (Học viện Chính trị khu vực II)

TÓM TẮT:

Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, bối cảnh mới với nhiều thay đổi trong bức tranh kinh tế toàn cầu, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia nhất là các quốc gia đang phát triển tương đồng cũng ngày càng gay gắt. Với thực trạng trên, bài viết nghiên cứu phân tích thực trạng thu hút FDI của Việt Nam đặc biệt sau đại dịch Covid-19, chỉ ra một số thách thức đặt ra trong việc thu hút FDI trong bối cảnh mới hiện nay như:

Từ khóa: đầu tư trực tiếp nước ngoài, FDI, bối cảnh mới, kinh tế Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong gần bốn thập kỉ kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ nguồn  vốn đầu tư vào Việt Nam, vẫn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với những lợi thế về địa lý, thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, đã đến lúc Việt Nam nhìn nhận lại chiến lược thu hút FDI để thích nghi hơn với bối cảnh mới khi chính sách ưu đãi lớn cho nhà đầu tư như thuế sắp không còn tác dụng và cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các nước ngày càng gay gắt hơn. Trong khi đó, hạ tầng sản xuất, đặc biệt là hạ tầng sản xuất “xanh” được đánh giá chưa được cải thiện nhiều; các vấn đề thủ tục hành chính còn chậm lại và quy trình chưa đơn giản…

Do vậy, bài viết nghiên cứu đề tài “Thách thức thu hút FDI trong bối cảnh mới hiện nay” nhằm phân tích thực trạng thu hút FDI của Việt Nam sau đại dịch Covid-19, đồng thời nêu ra một số thách thức về thu hút FDI trong bối cảnh mới hiện nay.

2. Thực trạng thu hút FDI sau đại dịch Covid-19 được kiểm soát 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, tổng vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỉ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỉ lục 22,4 tỉ USD, tăng 13,5% so với cùng kì năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017 - 2022). Tính lũy kế trong giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỉ USD vốn FDI; trong đó, 274 tỉ USD đã được giải ngân, chiếm 62,5% tổng vốn đầu tư đăng kí còn hiệu lực. 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính hết quý I/2023 có 522 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 62,1% về số lượng dự án và giảm 5,9% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, có 234 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 1,21 tỷ USD, tăng 2,6% về số lượt dự án và giảm 70,3% về số vốn so với cùng kỳ. Có thể thấy số vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ do không có nhiều các dự án điều chỉnh vốn lớn song mức giảm đã được cải thiện hơn so với 2 tháng. Đáng chú ý, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng trở lại (tăng 2,6%) thay vì giảm 6,3% trong 2 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, trong 3 tháng đầu năm, có 703 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị gần 1,22 tỷ USD, giảm 4,2% về số lượt và giảm 25,5% về số vốn so với cùng kỳ.

Điều này cho thấy trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trên toàn cầu có xu hướng sụt giảm do quá trình tái cấu trúc thương mại toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, thì nền kinh tế Việt Nam vẫn có sức hút mạnh mẽ để nhà đầu tư tiếp tục rót vốn đầu tư.

Điển hình là nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về đầu tư, đến nay Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, đứng thứ 3/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Theo khảo sát của Jetro, trong 1 - 2 năm tới, có 60% số doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Điều này đúng với câu nói của người Việt Nam "đất lành, chim đậu." Mặt khác, số người Việt Nam tại Nhật Bản đã lên tới gần 500 nghìn người và đang tăng rất nhanh (TTXVN, 2023).

Theo ông ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có sức hấp dẫn với các doanh nghiệp Hàn Quốc ở điểm tương đối ổn định, với những ưu đãi tốt từ Chính phủ. Trong đó, tính đến hết năm 2022, có gần 9.500 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam với tổng nguồn vốn đầu tư ước đạt hơn 80 tỷ USD (Thảo Miên, 2023).

Hiện có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như Công ty điện tử Samsung đầu tư thêm 20 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Các công ty Điện tử LG, LG Display, LG Innotek cũng mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.

Đại diện Kocham cho biết, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam cũng đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng nếu môi trường đầu tư tiếp tục ổn định.

Tại Hội nghị về “Tác động của thuế tối thiểu toàn cầu với thu hút đầu tư tại Việt Nam”, đại diện Tập đoàn Bosch Việt Nam cho biết, tập đoàn đánh giá cao tiềm năng trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam và đang cân nhắc các phương án mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chất lượng cao. (Hoàng Yến, 2023).

3. Một số thách thức về thu hút FDI gtrong bối cảnh mới hiện nay

Thứ nhất, vốn mở rộng đầu tư của các nhà đầu tư hiện hữu bị sụt giảm mạnh. Cụ thể theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dù có 386 lượt dự án đang hoạt động đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 19,5%), nhưng tổng vốn tăng thêm chỉ đạt 1,66 tỷ USD, giảm đến 68,6% so với cùng kỳ năm ngoái.( Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2023)

Bởi lẽ việc sụt giảm vốn điều chỉnh mở rộng phần nào cũng thể hiện những doanh nghiệp đầu tư đang hoạt động có thể cũng đang gặp khó khăn. Mặt khác, các nhà đầu tư hiện hữu vẫn đang lo lắng để tiếp tục tăng vốn, mở rộng đầu tư.

Do bị sụt giảm mạnh vốn điều chỉnh của doanh nghiệp đang hoạt động, nên đã kéo vốn ngoại chung cam kết bị sụt giảm theo. Thứ hai, thách thức tiếp theo là khâu xử lý các thủ tục hành chính ở một số địa phương hiện có xu hướng chậm lại và các quy trình có chiều hướng phức tạp hơn… Trong báo cáo PCI 2022 của VCCI và USAID, các doanh nghiệp FDI vẫn gặp khó khăn đáng kể khi thực hiện thủ tục thuế (27%) và phòng cháy chữa cháy (21%). (VCCI và USAID, 2023)

Thứ ba, môi trường đầu tư còn thiếu tính ổn định. Môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn còn nhiều điểm bất cập, thiếu bền vững, sức cạnh tranh với các nước trong cùng khu vực còn thấp. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới vào đầu tư tại Việt Nam đang gặp khó khăn liên quan đến cơ chế cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài và phê duyệt hạ tầng phòng cháy chữa cháy… Việc chưa đáp ứng được nhu cầu về công nghệ cao, năng lượng, tài chính đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng.

Thứ tư, thuế tối thiểu toàn cầu được dự báo tác động tới hầu hết tập đoàn đa quốc gia, trong đó có rất nhiều tập đoàn lớn đang đầu tư tại Việt Nam. Đối với Việt Nam, việc thực thi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu vừa tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời sẽ tác động trực tiếp tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua các biện pháp ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, trong đó ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là biện pháp quan trọng và tác động nhiều đến nhà đầu tư.

Tại tọa đàm “Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu - triển vọng và thách thức trong thu hút FDI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Trung tâm Hội nhập quốc tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) tổ chức vào ngày 29/3/2023, TS. Trần Du lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Phó Chủ tịch VIAC cho rằng việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ gây nên nhiều tác động đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Với việc áp dụng thuế này, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay đang áp dụng sẽ kém hấp dẫn đối với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn; các biện pháp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang áp dụng sẽ không còn giá trị (Ban Mai, 2023).

4. Một số đề xuất trong thời gian tới

Sau đại dịch, các nền kinh tế lớn có xu hướng khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp bản địa đưa sản xuất và dòng vốn FDI quay trở về nước. Như Mỹ với các chính sách như giảm thuế thu nhập từ 25% xuống 21%, đã cải cách thủ tục cấp phép đầu tư. Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia trong khu vực cũng dần “tăng nhiệt”, đã tung ra nhiều chính sách mới để cạnh tranh đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam nhìn nhận lại chiến lược thu hút FDI để chuyển mình thích nghi với bối cảnh mới. Theo đó, tác giả kiến nghị một số vấn đề sau:

Một là, chiến lược thu hút FDI phải thay đổi, từ việc tập trung thu hút FDI từ những tập đoàn lớn và các biện pháp như giảm thuế, giãn thuế có thể sẽ không còn phù hợp trong thời gian tới.

Cụ thể, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với thuế suất 15% sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách ưu đãi, thu hút FDI của Việt Nam. Điều này có thể gây xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia. Do đó, Chính phủ cần đánh giá các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và đưa ra các biện pháp thay thế, giúp họ duy trì sự hiện diện sau khi áp dụng thuế này.

Ngoài ra, để thay đổi tư duy tiếp cận thu hút FDI chất lượng cao, cần bỏ cách tiếp cận ưu đãi thuế trong chiến lược thu hút FDI, tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Thay vào đó, cần tập trung đầu tư vốn nhân lực, nâng chất cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh…

Bên cạnh đó, cần cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt về cảng, hạ tầng giao thông vận tải và năng lực của ngành Logistics để duy trì tốc độ tăng trưởng.

Hai là, Việt Nam cần chuyển nhanh trên bước thang giá trị trong chuỗi sản xuất. Nếu không chuyển mình nhanh chóng sang những ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao, Việt Nam sẽ tụt hậu trong quá trình tái cấu trúc dòng vốn đang diễn ra mạnh mẽ.

Đặc biệt, cần xây dựng khối kinh tế tư nhân với những doanh nghiệp vừa, đủ sức đồng hành cùng doanh nghiệp FDI trong chuỗi giá trị. Đáng chú ý là doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài, bù đắp sự thiếu hụt linh kiện, trở thành môi trường hấp dẫn thu hút và giữ chân dòng vốn FDI.

Ba là, cần sẵn sàng quỹ đất sạch, hạ tầng xanh để đáp ứng nhu cầu của những dự án lớn, sản xuất xanh; phải có những doanh nghiệp phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài… Cùng với đó, cần phải giải quyết những hạn chế, tồn tại như chất lượng lao động, thủ tục hành chính rườm rà và xử lý chậm…

Bốn là, quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế tuần hoàn cũng có vai trò then chốt, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên. Theo đó, có thể cân nhắc áp dụng định mức chi phí tái chế do doanh nghiệp góp cần được trừ đi phần giá trị thu hồi được sau tái chế đối với doanh nghiệp sử dụng vật liệu có giá trị tái chế cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể được phép nộp các khoản đóng góp tái chế của họ cho năm 2024 vào đầu năm 2025, dựa trên thực tế sản xuất và nhập khẩu. Việt Nam nên tăng cường xử phạt đối với việc vi phạm các quy định về chất thải, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu thay thế như nhựa có thể phân hủy sinh học như một biện pháp giảm thiểu chất thải chính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
  2. Ban Mai (2023). Thuế tối thiểu toàn cầu: “Màng lọc” giúp Việt Nam chọn FDI tốt hay cuộc đua mới trong hút FDI?, truy cập tại https://vneconomy.vn/thue-toi-thieu-toan-cau-mang-loc-giup-viet-nam-chon-fdi-tot-hay-cuoc-dua-moi-trong-hut-fdi.htm#:~:text.
  3. Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Trung tâm hội nhập quốc tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) (2023). Tài liệu tọa đàm “Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu - Triển vọng và thách thức trong thu hút FDI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”, ngày 29/3/2023.
  4. Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1986-2023). Số liệu thu hút đầu tư nước ngoài các năm từ năm 1986 đến tháng 4 năm 2023.
  5. TTXVN (2023). Việt Nam tiếp tục thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, truy cập tại https://vtv.vn/kinh-te/viet-nam-tiep-tuc-thu-hut-cac-nha-dau-tu-nhat-ban-20230308102055545.htm.
  6. Thảo Miên (2023). Hàn Quốc sẽ đầu tư toàn diện vào Việt Nam. Truy cập tại https://thoibaotaichinhvietnam.vn/han-quoc-se-dau-tu-toan-dien-vao-viet-nam-123295-123295.html
  1. Hoàng Yến (2023). Điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu, truy cập tại https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dieu-chinh-chinh-sach-uu-dai-dau-tu-tuong-thich-voi-thue-toi-thieu-toan-cau-123983-123983.html
  2. VCCI và USAID (2023), Báo cáo PCI 2022. Truy cập tại https://pcivietnam.vn/uploads//VN-Bao-cao-dai-PCI/Bao-cao-PCI-2022.pdf

CHALLENGES FACING VIETNAM IN ATTRACTING FDI

IN THE NEW NORMAL

Ph.D VO HUU PHUOC

Academy of Politics Region II

ABSTRACT:

Vietnam is becoming a bright spot in foreign direct investment (FDI) attraction. However, the global economy has experienced many changes in the new normal, and the competition for FDI attraction among countries, especially developing countries like Vietnam, is increasing fiercely. This paper analyzes the current Vietnam’s FDI attraction, especially after the COVID-19 pandemic. The paper points out some challenges facing Vietnam in attracting FDI in the new normal. For example, the capital for business expansion of existing investors has sharply decreased, the processing of administrative procedures in some localities has tended to slow down, the investment environment is still unstable, the global minimum corporate income tax is expected to affect most multinational corporations, etc. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to help Vietnam better attract FDI in the coming time.

Keywords: foreign direct investment, FDI, new normal, Vietnamese economy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

 

 

 

 

Tạp chí Công Thương