Thanh Hóa: Đẩy mạnh kết nối sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn

Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại Thanh Hóa được hình thành và nhân rộng, tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.
thanh hoa
Hội nghị kết nối cung - cầu, kết hợp trưng bày giới thiệu nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022 thu hút 102 đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia, với 150 gian hàng.

Năm 2022, sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Phần lớn sản lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được duy trì ở mức ổn định, một số sản phẩm năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, toàn tỉnh đã có 236 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 51 sản phẩm 4 sao và 184 sản phẩm 3 sao.

Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành, nhân rộng, tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Các phong trào, mô hình, điển hình về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được phát huy.

Đồng thời, ở Thanh Hóa cũng đã xuất hiện các mô hình mới có cách làm sáng tạo, được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia. Có nhiều vùng sản xuất an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn có giá trị kinh tế cao được phát huy hiệu quả, hình thành được mối liên kết giữa sản xuất - cung ứng và tiêu thụ thực phẩm an toàn, tạo tiền đề cho chuỗi liên kết, cung ứng nông sản, thực phẩm phát triển bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm thực phẩm được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và dán tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn còn rất ít; việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại, mới có khoảng 25% sản phẩm được phân phối thông qua hệ thống liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng theo chuỗi giá trị, còn lại được phân phối tới người tiêu dùng chủ yếu thông qua hệ thống chợ truyền thống, các cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm, nông sản nhỏ lẻ. 

Trước thực trạng nêu trên, đòi hỏi phải có sự kết nối cung - cầu nhằm giúp các đơn vị sản xuất chủ động được chất lượng, sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, giảm chi phí qua các khâu trung gian, hạn chế rủi ro, ổn định giá cả, đầu vào - đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022.

Hội nghị kết nối cung - cầu, kết hợp trưng bày giới thiệu nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022 thu hút 102 đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia, với 150 gian hàng. Trong đó có 91 đơn vị, với 132 gian hàng trong tỉnh; các tỉnh bạn có 11 đơn vị, với 18 gian hàng. Sự kiện diễn ra từ ngày 5 - 8/11/2022 với các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh; kết nối cung cầu.

Đây là dịp để bà con nông dân, các Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, các địa phương trong và ngoài tỉnh có cơ hội giao lưu, quảng bá những sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm an toàn tiêu biểu của địa phương mình đến với người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất và hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, kết nối các cơ sản xuất với cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; Làm tốt vai trò cầu nối, đưa sản phẩm nông sản tỉnh Thanh Hóa đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua các chương trình hội chợ, triển lãm, các hội nghị, tọa đàm cũng như các hoạt động ký kết thỏa thuận, hợp tác.

Tăng cường công tác quản lý công tác quản lý Nhà nước về bếp ăn tập thể đảm bảo thực phẩm sử dụng trong các các bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ; phới hợp với các đơn vị liên quan để kết nối các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng thương thảo, ký kết hợp đồng cung ứng, tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn cho các doanh nghiệp, Hợp xã và nông dân trong tỉnh.

Đẩy mạnh giới thiệu về các mô hình tốt, các tổ chức cá nhân điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; công khai kết quả kiểm tra và các hành vi, vi phạm quy định về VSATTP để nhân dân biết, phòng tránh.

Các hiệp hội ngành hàng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, chủ động tiếp cận với các đối tác có các mặt hàng đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay để thiết lập kênh phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ...

Ngày 25/5/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND về việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2022 - 2030.

Cụ thể, Giai đoạn 2022 - 2025: Phấn đấu đạt diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt GAP (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 10%/năm. 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP hoặc ký cam kết tuân thủ quy định ATTP.

Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 10%/năm. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10%/năm. 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.

Giai đoạn 2026 - 2030: Sẽ đạt diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt GAP (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 15%/năm. Duy trì 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP hoặc ký cam kết tuân thủ quy định ATTP.

Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 15%/năm và 20%/năm. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 15%/năm. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm. Duy trì 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.

Hoàng Hà