Thành viên thứ 3 phê chuẩn Hiệp định RCEP

Ngày 25/6, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo nước này đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (trái) và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama trong lễ ký hiệp định RCEP trực tuyến vào ngày 15/11/2020 (Ảnh: Kyodo)
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (trái) và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama trong lễ ký hiệp định RCEP trực tuyến vào ngày 15/11/2020 (Ảnh: Kyodo)

Thông báo nêu rõ Tokyo đã gửi văn kiện phê chuẩn của mình lên Ban Thư ký ASEAN. Thay mặt các nước thành viên RCEP, Ban Thư ký ASEAN sẽ xử lý các thủ tục triển khai hiệp định này.

RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới hiện nay, khi bao trùm một thị trường khổng lồ, gồm 2,27 tỷ dân với tổng GDP là 26.000 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu là 5.200 tỷ USD.

RCEP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày sau khi được 6 trong số 10 nước thành viên ASEAN và 3 nước ngoài ASEAN tham gia Hiệp định trên phê chuẩn.

RCEP sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với 91% lượng hàng hóa và ban hành các quy định chung về đầu tư và sở hữu trí tuệ, nhằm thúc đẩy thương mại tự do.

Trước đó, ngày 22/6 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến các Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN+3 giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại Hội nghị, các nước hoan nghênh những tiến triển tích cực trong hợp tác ASEAN+3, phát huy thế mạnh vốn có trong ứng phó hiệu quả với các tình huống khủng hoảng trong hơn hai thập kỷ qua, phối hợp kịp thời và hiệu quả ứng phó với Covid-19, từ cam kết ở cấp cao nhất tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 về Covid-19 tháng 4/2020, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23 vào tháng 11/2020, đến các kế hoạch hành động và hoạt động hợp tác giúp hai bên duy trì ứng phó dịch bệnh, giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội, thúc đẩy phục hồi toàn diện và phát triển bền vững.

Các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí mở rộng hợp tác với ASEAN trên các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, phục hồi và tăng trưởng xanh nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội và thúc đẩy phục hồi bền vững.

Đồng thời cam kết tiếp tục thúc đẩy tự do hoá thương mại và liên kết kinh tế khu vực, sớm phê chuẩn và triển khai Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Như vậy, đến nay đã có 3 nước thành viên theo thông qua hiệp định này để hướng tới việc thực thi RCEP. Cụ thể, ngày 9/4, Bộ Công thương Singapore thông báo nước này đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn cho Tổng Thư ký ASEAN ngày 9/4.

Ngày 8/3, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết Trung Quốc đã chính thức phê chuẩn Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và kêu gọi các quốc gia liên quan đẩy nhanh quá trình phê duyệt.

Bộ trưởng Vương Văn Đào cho rằng việc ký kết RCEP đã đưa khu vực chiếm 1/3 tổng lượng kinh tế thế giới trở thành một thị trường thống nhất, thị trường này có tiềm năng to lớn và sức sống mạnh mẽ. Hiện nay một số nước thành viên cũng đang triển khai quá trình phê chuẩn RCEP.

Ông Vương Văn Đào kêu gọi và hy vọng các quốc gia liên quan đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn, chỉ cần 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước thành viên không thuộc ASEAN phê chuẩn, thì RCEP sẽ có hiệu lực. Ông nhấn mạnh, càng sớm phê chuẩn RCEP thì càng sớm mang lại lợi ích cho người dân các quốc gia thành viên.

Văn Chấn