Thực trạng tình hình tài chính của các công ty cổ phần khai thác than trên thị trường chứng khoán Việt Nam

TS. Lê Minh Thống (Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội), Phạm Thanh Phương (Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu – Vinacomin)

Tóm tắt: 

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhiều công ty khai thác than đã tiến hành cổ phần hóa và tham gia vào thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Mặc dù được coi là ngành kinh tế quan trọng nhưng cổ phiếu của các doanh nghiệp khai thác than nhìn chung chưa tạo ra được sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Bài báo phân tích thực trạng về tình hình tài chính của các công ty cổ phần khai thác than đang niêm yết trên thị trường chứng khoán trong 10 năm vừa qua để làm rõ ảnh hưởng của chúng đến việc thu hút các nhà đầu tư.

Từ khóa: Công ty cổ phần, khai thác than, tài chính, thị trường chứng khoán.

1. Đặt vấn đề

Ngành Than là ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp nhiều vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, từ cuối những năm 90 đầu năm 2000, Tổng công ty Than Việt Nam trước đây và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) hiện nay đã triển khai mạnh mẽ việc cổ phần hóa (CPH). Từ năm 2005 đến nay, TKV đã thực hiện CPH 8 công ty than lớn là Núi Béo, Hà Tu, Đèo Nai, Cọc Sáu, Cao Sơn, Mông Dương, Hà Lầm, Vàng Danh và do Nhà nước nắm giữ  51% vốn điều lệ [3]. Theo Đề án Tái cơ cấu ngành Than Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương ban hành năm 2015, một số doanh nghiệp cổ phần thuộc TKV tiếp tục có những sự điều chỉnh tái cơ cấu, sát nhập, do đó cũng ảnh hưởng đến việc hoạt động của các doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán.

Theo Quy hoạch ngành Than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, nhu cầu than cho nhiệt điện là 64,1 triệu tấn vào năm 2020 và lên đến 131,1 triệu tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, sản lượng khai thác than trong nước chỉ ước đạt 47-50 triệu tấn năm 2020 và 55-57 triệu tấn năm 2030. Trong khi đó, nguồn than khai thác còn phải dành cho nhiều lĩnh vực khác như luyện kim, xi măng, phân bón, hóa chất… Như vậy, tổng nhu cầu than cả nước trong tương lai rất cao, ước tính lên gần 157 triệu tấn vào năm 2030. Điều này cũng đặt ra triển vọng dài hạn đối với các doanh nghiệp khai thác than và cũng là kỳ vọng đối với các nhà đầu tư dài hạn [5].

Hiện nay, có 7 công ty cổ phần khai thác than được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) gồm Than Mông Dương (MDC), Than Đèo Nai (TDN), Than Cọc Sáu (TC6), Than Vàng Danh (TVD), Than Hà Lầm (HLC), Than Hà Tu (THT) và Than Núi Béo (NBC). Trong đó, TKV sở hữu trên 50% vốn tại các công ty. Mặc dù trong những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ của than tăng cao, các chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận đều ghi nhận sự chuyển biến tích cực nhưng nhiều chỉ số tài chính quan trọng khác của doanh nghiệp khai thác than niêm yết lại chưa cải thiện, giá cổ phiếu các công ty này đều thấp, đa số giao dịch dưới mệnh giá và tính thanh khoản không cao. Đây là một trong những lý do khiến hầu hết cổ phiếu công ty khai thác than kém hấp dẫn nhà đầu tư.

2. Thực trạng tình hình tài chính của các công ty khai thác than

Để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, các vấn đề cần xem xét đến đó là tình hình và sự biến động của tài sản - nguồn vốn, khả năng đảm bảo nguồn vốn, tình hình thanh toán và khả năng thanh toán, hiệu quả sử dụng vốn [4].

2.1. Tình hình biến động và khả năng đảm bảo nguồn vốn

Tài sản của doanh nghiệp được tài trợ từ các nguồn vốn khác nhau. Do đặc thù của lĩnh vực khai thác than nên các công ty khai thác than đều có giá trị tài sản lớn, trong đó tài sản tập trung chủ yếu vào tài sản dài hạn do các doanh nghiệp thường phải đầu tư lớn vào việc mua sắm tài sản cố định (TSCĐ) để phục vụ sản xuất. Số liệu của các công ty khai thác than trên sàn chứng khoán hiện nay cũng thể hiện rõ điều đó, tài sản dài hạn của các công ty này ở thời điểm năm 2020 đều chiếm tỷ trọng từ 60% đến 70% tổng tài sản của các doanh nghiệp. Qua đó cho thấy việc đầu tư, sử dụng TSCĐ sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. (Bảng 1)

Bảng 1. Sự biến động và khả năng đảm bảo nguồn vốn các doanh nghiệp khai thác than giai đoạn 2011 - 2020

Lê Minh Thống

Nguồn: Tính toán từ bảng Báo cáo tài chính các công ty giai đoạn 2011 - 2020

Số liệu thống kê cho thấy nguồn vốn của các doanh nghiệp trong giai đoạn này đều có xu hướng tăng lên với tốc độ tăng trưởng bình quân là trên 8%/năm. Nguồn vốn chủ yếu đến từ các khoản nợ phải trả. Tỷ suất nợ của các doanh nghiệp trong giai đoạn từ 2011 đến nay chiếm tỷ trọng khá cao và có xu hướng tăng. Thấp nhất là Công ty cổ phần Than Hà Tu với tỷ lệ bình quân là 66%, cao nhất là Công ty cổ phần Than Vàng Danh với tỷ suất nợ chiếm trên 90%. Năm 2020, tỷ suất nợ bình quân của các công ty này là 82%. Qua đó cho thấy khả năng đảm bảo về nguồn vốn của các công ty không tốt dẫn đến khả năng mất cân đối về nguồn vốn của các công ty. Ngoài ra, tỷ suất nợ cao cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh và tiềm ẩn sự mất an toàn tài chính trong các doanh nghiệp [2].

2.2. Tình hình và khả năng thanh toán

Trong kinh doanh, việc chiếm dụng vốn lẫn nhau của các doanh nghiệp thường xuyên xảy ra. Song các doanh nghiệp cần đánh giá được tình hình thanh toán của mình. Tình hình thanh toán của doanh nghiệp được thể hiện qua việc phân tích các khoản phải thu và các khoản nợ phải trả nhất là các khoản phải thu, phải trả ngắn hạn.

Bảng 2. Tình hình khoản phải thu, phải trả ngắn hạn tại các công ty giai đoạn 2011 - 2020

ĐVT: Tr đồng

Lê Minh Thống

Nguồn: Tính toán từ bảng Báo cáo tài chính các công ty giai đoạn 2011 - 2020

Số liệu phân tích cho thấy các khoản phải thu ngắn hạn của các doanh nghiệp này đều lớn hơn các khoản phải trả ngắn hạn, qua đó cho thấy cơ cấu nợ ngắn hạn mất cân bằng, doanh nghiệp chiếm dụng vốn nhiều hơn bị chiếm dụng. Các khoản phải thu ngắn hạn của các công ty này chủ yếu tập trung vào các khoản phải thu của khách hàng, đó là các doanh nghiệp trong ngành như công ty tuyển than, công ty kho vận. Đây cũng là vấn đề mà các công ty nên xem xét kiến nghị để cải thiện về tình hình thanh toán, nâng cao hiệu quả tài chính cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp này khá lớn và có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua với tốc độ tăng bình quân chung là 22,6%/năm, cá biệt rơi vào một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Than Hà Lầm, Công ty cổ phần Than Vàng Danh với tốc độ tăng trên 40%/năm. Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình và khả năng thanh toán của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Khả năng thanh toán của doanh nghiệp là tình trạng sẵn sàng trong việc trả các khoản nợ. Đây là một chỉ tiêu quan trọng đánh giá tiềm lực tài chính của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này không chỉ là mối quan tâm của bản thân doanh nghiệp, mà còn của cả các đối tượng khác. Các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán của doanh nghiệp là cơ sở để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp tốt hay xấu, khả quan hay không. Do đó, nếu khả năng thanh toán của doanh nghiệp không đảm bảo, chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong mọi hoạt động, thậm chí doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng mất an toàn về mặt tài chính. Số liệu phân tích về khả năng thanh toán của các doanh nghiệp khai thác than trên thị trường chứng khoán được thể hiện trên Bảng 3.

Bảng 3. Khả năng thanh toán của các công ty giai đoạn 2011 - 2020

Lê Minh Thống

Nguồn: Tính toán từ bảng Báo cáo tài chính các công ty giai đoạn 2011 - 2020

Khả năng thanh toán tổng quát của các doanh nghiệp đều > 1 cho thấy về mặt khả năng thanh toán nói chung các doanh nghiệp có thể trang trải hết công nợ và tình hình tài chính của doanh nghiệp là khá ổn định. Tuy nhiên, nếu xét trong ngắn hạn, mức độ đảm bảo của vốn ngắn hạn đối với các khoản nợ ngắn hạn của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu phân tích, hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn bình quân của các doanh nghiệp trong giai đoạn nghiên cứu đều <1, cho thấy các doanh nghiệp đều gặp tình trạng căng thẳng trong việc chi trả các khoản nợ ngắn hạn.

2.3. Hiệu quả sử dụng vốn

Để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người ta có thể sử dụng nhiều chỉ tiêu để đánh giá. Trong đó, việc đánh giá hiệu quả sử dụng vốn là một trong những nội dung được các đối tượng quan tâm nhất, nhất là với các nhà đầu tư khi xem xét quyết định bỏ vốn vào doanh nghiệp. Để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh thông thường ta sử dụng các chỉ tiêu cơ bản như: tỷ suất sinh lợi của doanh thu thuần (ROS), tỷ suất doanh lợi của vốn kinh doanh (ROA), tỷ suất doanh lợi của vốn chủ sở hữu ( ROE).

Bảng 4. Phân tích hiệu quả sử dụng vốn của các công ty giai đoạn 2011 - 2020

le-minh-thong-b4

Nguồn: Tính toán từ bảng Báo cáo tài chính các công ty giai đoạn 2011 - 2020

Qua số liệu phân tích cho thấy, chỉ tiêu ROS bình quân của các doanh nghiệp trong 10 năm qua là 1,91%, phản ánh năng lực tạo ra lợi nhuận của các doanh nghiệp là không cao. Để nâng cao chỉ tiêu này, doanh nghiệp cần tìm ra các giải pháp tăng doanh thu và giảm chi phí.

Chỉ tiêu ROE bình quân của các doanh nghiệp trong giai đoạn nghiên cứu đạt 15,57%. Đây là chỉ tiêu được các nhà đầu tư quan tâm khi quyết định bỏ vốn vào doanh nghiệp. Mặc dù với tỷ lệ bình quân là 15,57% - một tỷ lệ chấp nhận được nhưng theo số liệu thì lượng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này lại chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong tổng nguồn vốn điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng nhất định làm cho cán cân nợ cao, khả năng thanh toán thấp và dễ rủi ro về tài chính. 

Chỉ tiêu ROA cũng là một chỉ tiêu quan trọng mà nhà đầu tư sẽ nhìn nhận để ra quyết định đầu tư, nó phản ảnh tỉ suất lợi nhuận sau thuế đạt được bao nhiêu % so với tổng vốn kinh doanh bình quân của doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2011 - 2020, ROA bình quân của các doanh nghiệp được nghiên cứu là 3,36%. Đây là mức tỷ lệ chưa thể hiện được mức độ hấp dẫn của các doanh nghiệp này.

Nhìn vào số liệu của giai đoạn 10 năm qua cho thấy các chỉ tiêu này của các doanh nghiệp đều có xu hướng giảm, đây cũng là vấn đề khiến cho cổ phiếu của các doanh nghiệp này thiếu tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm giải pháp nâng cao các chỉ tiêu trên trong giai đoạn tới.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính của các doanh nghiệp khai thác than

3.1. Xây dựng cơ cấu vốn hợp lý

Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ giữa tỷ lệ nợ và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là quan hệ ngược chiều, đó là khi tỷ lệ nợ tăng lên kết quả hoạt động của doanh nghiệp lại giảm đi [1]. Điều này phản ánh đúng với thực trạng các doanh nghiệp khai thác than trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Do đó, để đảm bảo hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cũng như nâng cao mức độ hấp dẫn với các nhà đầu tư thì phải xây dựng được cơ cấu vốn hợp lý. Nguồn vốn nợ của các công ty hiện nay chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng nguồn vốn, làm ảnh hưởng đến tính an toàn về mặt tài chính và hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp cần xem xét giảm bớt tỷ lệ nợ trong cơ cấu vốn của mình, tăng cường huy động vốn từ lợi nhuận và vốn góp của chủ sở hữu, nâng cao tỷ lệ góp vốn của TKV. Đây là hình thức huy động mà doanh nghiệp có thể huy động với số lượng lớn với giá vốn cố định trong thời gian dài, không lo bị đội vốn phụ thuộc vào sự biến đổi của thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.

3.2. Nâng cao tính thanh khoản, thanh toán của doanh nghiệp

Đa phần các khoản phải thu hiện nay của các công ty đều đến từ các khách hàng là các doanh nghiệp chế biến và phụ trách tiêu thụ thuộc TKV, để giảm tình trạng này các công ty cần kiến nghị TKV có các cơ chế về tài chính linh hoạt giữa các doanh nghiệp phụ trách khâu tiêu thụ với các doanh nghiệp khai thác để nâng cao tính thanh khoản cho các doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp này là khá lớn. Do đó, các doanh nghiệp cần kiến nghị TKV để chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng, nâng cao hiệu quả tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư và dự trữ hàng hóa phù hợp với nhu cầu kinh doanh thực tế nhằm làm giảm số hàng tồn kho tối thiểu. Đồng thời, phát hiện kịp thời và xử lý ngay những ứ đọng quá lâu để tránh tình trạng ứ đọng vốn.

Các công ty cần đảm bảo lượng tiền mặt nhất định để thanh toán các khoản vay gần đến hạn. Bên cạnh đó cũng cần trích lập các khoản dự phòng rủi ro trong thanh toán.

3.3. Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định

Do đặc thù nên lượng TSCĐ sử dụng trong doanh nghiệp này là rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp cần rà soát TSCĐ để loại bỏ, thanh lý, nhượng bán, cho thuê các tài sản không dùng, hoặc sử dụng không hiệu quả trong SXKD để huy động vốn đầu tư vào các hoạt động thiết yếu. Trong trường hợp vốn đầu tư TSCĐ lớn, doanh nghiệp chưa thể huy động được vốn thì trong ngắn hạn các doanh nghiệp có thể cân nhắc đến việc thuê tài chính, điều này vừa giảm được gánh nặng tài chính, vừa đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp.

3.4. Tăng cường quản trị chi phí trong doanh nghiệp

Đây là một hướng đi cơ bản lâu dài đối với các doanh nghiệp khai thác than do chi phí bỏ ra rất lớn. Vì vậy, doanh nghiệp cần tìm cách quản trị chi phí sao cho hiệu quả nhất, chẳng hạn áp dụng khoán chi phí vào tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất. 

4. Kết luận

Mặc dù đã thực hiện cổ phần hóa trong nhiều năm, tuy nhiên nhìn chung các doanh nghiệp khai thác than hoạt động vẫn chưa thực sự có hiệu quả, tình hình tài chính còn có nhiều bất cập như khả năng đảm bảo nguồn vốn không cao, khả năng thanh toán còn kém và hiệu quả sử dụng vốn chưa tốt, làm cho giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp trên thị trường không cao, dẫn đến tâm lý dè dặt đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Do đó, việc nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, tạo ra uy tín và sự hấp dẫn các nhà đầu tư rất quan trọng. Điều này đòi hỏi tính chủ động từ các doanh nghiệp và cơ chế chính sách từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hoang, T.T., Hoang, L.T., Phi, T.K., Nguyen, M.T., Phan, M.Q., (2020). The Influence of the Debt Ratio and Enterprise Performance of Joint Stock Companies of Vietnam National Coal and Mineral Industries Holding Corp. Asian Finance Econ. Bus. 7, 803-810. https://doi.org/10.13106/jafeb.2020.vol7.no10.803.
  2. Nguyễn Tiến Hưng, Nguyễn Thị Nguyệt, (2017). Thực trạng an toàn tài chính tại các doanh nghiệp khai thác than thuộc Tập đoàn Than Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2009 - 2015. Truy cập tại: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-an-toan-tai-chinh-tai-cac-doanh-nghiep-khai-thac-than-thuoc-tap-doan-than-cong-nghiep-than-khoang-san-viet-nam-giai-doan-2009--2015-27119.htm
  3. Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Cảnh Nam, (2014). Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa DNNN trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Truy cập tại: http://www.vinacomin.com.vn/tap-chi-than-khoang-san/tiep-tuc-day-manh-thuc-hien-co-phan-hoa-dnnn-trong-tap-doan-cong-nghiep-than-khoang-san-viet-7509.htm.
  4. Phan Thị Thái, Lê Minh Thống et al, (2020). Giáo trình phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đại học Mỏ - Địa chất.
  5. Thủ tướng Chính phủ, (2016). Quyết định 428/QĐ-TTg về việc Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030.

THE FINANCIAL PERFORMANCE OF COAL MINING JOINT STOCK COMAPNIES LISTED IN VIETNAM’S STOCK MARKET

Ph.D Le Minh Thong 1

Pham Thanh Phuong 2

1 Faculty of Economics and Business Administration, Hanoi University of Mining and Geology

2 Coc Sau Coal Joint Stock Company - Vinacomin

Abstract:

Implementing the equitization of state-owned enterprises policy, many coal mining companies have been equitized and listed in Vietnam’s stock market. Although the coal industry is considered an important economic sector in Vietnam, not many investors are interested in buying shares of coal mining joint stock companies. This paper analyzes the financial performance of coal mining joint-stock companies listed in Vietnam’s stock market over the past ten years to assess how their financial performances impact their attractiveness to investors in the stock market.

Keywords: joint stock company, coal mining, finance, stock market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]