Phân tích tình hình tài chính của các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

LÊ NỮ MINH PHƯƠNG (Khoa Kinh tế và Phát triển - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế) và QUỐC HỒ HIỆP NGHĨA (Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị)

TÓM TẮT:

Kết quả nghiên cứu không khả quan khi lợi nhuận sau thuế của hơn 1/2 doanh nghiệp âm. Vì vậy các chỉ tiêu phân tích tài chính đều có kết quả xấu. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp chế biến gỗ vẫn duy trì khả năng thanh toán hiện thời; tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn gặp khó khăn đối với các khoản thanh toán nhanh. Do đó, doanh nghiệp cần tối thiểu hóa chi phí bằng cách xác định nhu cầu hàng tồn kho, giảm giá vốn hàng bán, tìm kiếm thị trường đầu ra…

Từ khóa: Tình hình tài chính, doanh nghiệp chế biến gỗ, tỉnh Quảng Trị.

1. Giới thiệu

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập phát triển với nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều cơ hội như thúc đẩy xuất khẩu, hoàn thiện thể chế cơ chế thị trường cũng như thu hút dòng FDI với giá trị lớn và công nghệ cao. Nhưng mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh tăng cao, đặc biệt là phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư lớn, đầu tư công nghệ cao, kỹ thuật sản xuất hiện đại. Vì vậy nguy cơ thất bại trên chính thị trường nội địa là có thể. Tài chính doanh nghiệp quyết định sự tồn tại, phát triển và suy vong của doanh nghiệp.

Ngành Công nghiệp chế biến gỗ (CNCBG) đã đang ngày càng khẳng định vị thế của mình. Theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị năm 2012, ngành CNCBG là ngành công nghiệp định hướng mũi nhọn của tỉnh, giai đoạn 2016 -2020 đạt tốc độ tăng bình quân 16%/năm [2]. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp chế biến gỗ (DNCBG) để nhìn nhận những điểm yếu kém và đề xuất giải pháp hoàn thiện hơn tình hình tài chính của DNCBG.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu tiến hành khảo sát 43 DNCBG trong tổng thể 84 DNCBG của cả tỉnh, vì vậy qui mô khảo sát này bao quát phạm vi nghiên cứu [3]. Để phân tích tình hình tài chính của DNCBG, đề tài sử dụng báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và bảng cân đối kế toán được thu thập từ Chi cục Thuế thành phố Đông Hà và Cục Thuế tỉnh Quảng Trị [3]. Nghiên cứu sử dụng các chỉ tiêu phân tích tài chính của doanh nghiệp [4].

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của các DNCBG

Nghiên cứu này phân loại qui mô doanh nghiệp theo vốn: siêu nhỏ: < 5 tỷ đồng; nhỏ: ≥ 5 tỷ đồng và <20 tỷ đồng; vừa: ≥ 20 tỷ đồng và <100 tỷ đồng; lớn: ≥ 100 tỷ đồng.

Trong số 43 doanh nghiệp khảo sát có đến 6 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động vào năm 2015, vì vậy không có doanh thu trong báo cáo phân tích hoạt động kinh doanh. Bảng 1 cho thấy lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh DNCBG đối với cả 3 nhóm doanh nghiệp đều ở mức âm, riêng nhóm doanh nghiệp nhỏ có lợi nhuận thuần bình quân doanh nghiệp là 146,9 triệu đồng. Doanh nghiệp qui mô càng lớn mức lỗ càng cao.

DNCBG nhỏ, vừa và lớn tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu chiếm từ 91- 92% vì chiếm tỷ lệ cao nên khả năng thu lại lợi nhuận rất thấp và có thể lỗ nếu những khoản chi phí khác ngoài giá vốn hàng bán phát sinh. Trong số 43 doanh nghiệp thì có đến 22 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế âm, đặc biệt doanh nghiệp lớn lỗ nặng (1.313 triệu đồng) (Bảng 1). Chỉ tiêu ROS bình quân -0,7 cho biết thu được 100 đồng doanh thu thì lỗ 0,7 đồng. Chỉ riêng nhóm doanh nghiệp nhỏ 100 đồng doanh thu thì thu lại được 1,2 đồng lợi nhuận.

Tổng tài sản bình quân 1 doanh nghiệp là 34373,5 triệu đồng (Bảng 1). Tỷ trọng tài sản cố định trên tổng tài sản bình quân 1 doanh nghiệp là 20,5% và không có sự biến động lớn tỷ trọng TSCĐ/Tổng tài sản theo qui mô doanh nghiệp. Tỷ trọng tài sản lưu động trên tổng tài sản chiếm một tỷ lệ lớn, phần lớn TSLĐ đầu tư vào chi phí nguyên vật liệu.

3.2. Phân tích các chỉ số tài chính của DNCBG tỉnh Quảng Trị

3.2.1. Khả năng thanh toán

Khả năng thanh toán hiện thời được đo lường bằng tỷ lệ giá trị tài sản lưu động trên nợ ngắn hạn phản ánh năng lực thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Qua Bảng 2 cho thấy các chỉ tiêu thanh toán hiện thời KH đối với doanh nghiệp siêu nhỏ là 16,86 lần chứng tỏ vốn lưu động (VLĐ) của doanh nghiệp tồn tại dưới dạng tiền mặt, khoản phải thu, hàng tồn kho… quá nhiều, vì vậy hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp là không cao. Đối với doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn có chỉ số thanh toán hiện thời đều lớn hơn 1 và xấp xỉ bằng 1, điều này có nghĩa VLĐ của doanh nghiệp có khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, tuy nhiên rủi ro để đảm bảo thanh toán đủ tất cả các khoản nợ đến hạn là thấp. Nguyên nhân khả năng thanh toán hiện thời thấp là do các khoản nợ như nguyên vật liệu tồn kho không đưa vào sản xuất - kinh doanh kịp thời, chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang gây ứ đọng vốn. Doanh nghiệp vừa có tỷ trọng vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn thấp nhất nhưng khả năng thanh toán hiện thời của doanh nghiệp vừa vẫn tốt hơn doanh nghiệp nhỏ và lớn.

Hệ số thanh toán nhanh đo lường mức thanh khoản cao hơn, chỉ những tài sản có tính thanh khoản cao mới được đưa vào tính toán. Chỉ riêng doanh nghiệp siêu nhỏ, cả ba nhóm doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn đều có chỉ số khả năng thanh toán nhanh nhỏ hơn 1, trong khi đó chỉ số khả năng thanh toán hiện thời lớn hơn 1 phản ảnh VLĐ của doanh nghiệp tồn tại dưới dạng hàng tồn kho lớn. Vì vậy, đối với 3 nhóm doanh nghiệp này khả năng thanh toán nhanh gặp khó khăn.

3.2.2. Hệ số nợ

Hệ số nợ trên tổng tài sản của DNCBG bình quân là 0,74 lần, doanh nghiệp siêu nhỏ có hệ số nợ thấp nhất là 0,32 lần; trong khi đó doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn có hệ số nợ lần lượt là 0,67, 0,77, 0,74 (Bảng 3). Doanh nghiệp vừa có hệ số nợ trên tổng tài sản là 0,77 lần lớn nhất trong nhóm 3 doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp vừa sẽ gặp khó khăn trong huy động tiền vay. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn đều có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lần lượt là 2,03; 3,37; 2,81cho thấy khả năng trả nợ nhanh của các doanh nghiệp này gặp khó khăn.

3.2.3. Hiệu quả sử dụng vốn

+ Hiệu quả sử dụng vốn cố định

Hiệu suất sử dụng VCĐ được đo lường bằng tỷ lệ giữa doanh thu và VCĐ bình quân. DN siêu nhỏ có hiệu suất sử dụng VCĐ rất cao (218,33) vì mức đầu tư vào tài sản cố định bình quân mỗi doanh nghiệp nhỏ chỉ là 222,4 triệu đồng. Trong khi đó, hiệu suất sử dụng VCĐ đối 3 nhóm doanh nghiệp nhỏ, vừa, lớn không có sự khác biệt lớn. Dựa vào số liệu của Bảng 4 không thể đưa đến kết luận đầu tư vào TSCĐ càng lớn thì doanh thu càng cao. Hiệu suất sử dụng VCĐ của doanh nghiệp nhỏ là 4,75, nghĩa là cứ 1 đồng VCĐ tham gia vào hoạt động kinh doanh thì thu lại được 4,75 đồng doanh thu. Mức đảm nhiệm VCĐ được đo lường bằng tỷ lệ giữa VCĐ bình quân và doanh thu. Doanh nghiệp lớn có mức đầu tư vào VCĐ cao nên mức đảm nhiệm VCĐ của doanh nghiệp lớn cao nhất.

Mức doanh lợi VCĐ là chỉ tiêu phản ánh một đơn vị VCĐ tạo được bao nhiêu đơn vị lợi nhuận. Vì cả 3 nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và lớn đều hoạt động kinh doanh thua lỗ nên mức doanh lợi VCĐ nhỏ hơn 0. Đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ bỏ ra 1 đồng VCĐ thì thu lại được 0,048 đồng lợi nhuận (Bảng 4).

+ Hiệu quả sử dụng vốn lưu động

Bảng 5 cho biết, trong một năm, VLĐ quay được 1,46 vòng. Vòng quay VLĐ thấp thể hiện sự kém hiệu quả trong sử dụng VLĐ thông qua sự kém hiệu quả liên quan đến mua sắm, dự trữ sản xuất, tiêu thụ của doanh nghiệp có hợp lý hay không và các khoản dự trữ vật tư có sử dụng tốt hay không, các khoản phí tổn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Bảng 5 cho thấy vòng quay VLĐ càng lớn khi qui mô doanh nghiệp càng nhỏ. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp qui mô siêu nhỏ, một năm VLĐ quay được 43,25 vòng, ngược lại đối với nhóm doanh nghiệp lớn 1 năm VLĐ chỉ quay gần được 1 vòng.

Mức đảm nhiệm VLĐ phản ánh số VLĐ cần có để đạt được 1 đồng doanh thu thuần. Mức đảm nhiệm bình quân DNCBG tỉnh Quảng Trị là 1 đồng doanh thu thì cần 0,69 đồng VLĐ, mức đảm nhiệm VLĐ thấp nhất là đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, chỉ 0,02 đồng VLĐ đã tạo được 1 đồng doanh thu. Vì lợi nhuận sau thuế của 3 nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và lớn âm nên mức doanh lợi VLĐ cũng âm, chỉ riêng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ một đồng VLĐ tạo được 0,02 đồng doanh thu.

Số vòng quay khoản phải thu ở Bảng 5 đối với doanh nghiệp siêu nhỏ rất lớn (761,08 vòng). Tuy nhiên, đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa mỗi năm quay được từ 6 - 7 vòng, nhóm doanh nghiệp lớn chỉ quay chưa đến 1/2 số vòng của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tình trạng này cũng tương tự đối với chỉ tiêu vòng quay hàng tồn kho. Như vậy, doanh nghiệp qui mô càng lớn, mức độ thâm dụng vốn càng cao, các đơn hàng bị chiếm dụng vốn càng nhiều thì hiệu quả sử dụng vốn càng thấp.

3.3. Đánh giá chung về tình hình tài chính của doanh nghiệp chế biến gỗ

Kết quả phân tích hoạt động kinh doanh cho thấy, giá vốn hàng bán chiếm tỷ lệ hơn 90% doanh thu, vì vậy khả năng thu lại lợi nhuận là rất thấp. Qua số liệu phân tích, hoạt động kinh doanh của các DNCBG gặp khó khăn, gần 1/2 số doanh nghiệp đang trong tình trạng lỗ hoặc tạm ngưng hoạt động. Bên cạnh đó, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu nằm ở mức gần bằng 3 và hệ số nợ trên tổng tài sản bằng 0,74 cho thấy khả năng doanh nghiệp huy động vốn thêm để đầu tư cũng như khả năng thanh toán nhanh các khoản nợ đến hạn sẽ gặp khó khăn. Mặc dù vậy, các DNCBG vẫn duy trì được khả năng thanh toán hiện thời.

Lợi nhuận thuần bình quân của doanh nghiệp âm nên mức doanh lợi VCĐ và VLĐ đều âm. Vòng quay các khoản phải thu của doanh nghiệp lớn chỉ bằng gần 1/2 vòng quay của doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứng tỏ doanh nghiệp lớn quản trị các khoản phải thu không hiệu quả, vốn bị chiếm dụng nhiều. Tương tự như vậy, số vòng quay hàng tồn kho đối với doanh nghiệp lớn thấp. Kết quả phân tích tài chính doanh nghiệp siêu nhỏ cho thấy nhóm doanh nghiệp này có các chỉ tiêu tài chính khác biệt so với doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn.

4. Giải pháp

Nghiên cứu đề xuất giải pháp cho cả 2 phía doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

4.1. Giải pháp về phía doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp qui mô vừa và lớn cần nâng cao hiệu quả sử dụng các tài sản cố định, máy móc thiết bị đã tiến hành đầu tư. Trong quá trình hoạt động kinh doanh ở kỳ tiếp theo doanh nghiệp nên dự trù các khoản VLĐ phát sinh.

Xác định nhu cầu hàng tồn kho cần thiết tránh lượng hàng tồn kho quá lớn làm tăng chi phí bảo quản, kho bãi và vận chuyển. Thiết lập mối quan hệ với hộ trồng rừng và các nguồn cung nguyên liệu.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp cần tìm kiếm thị trường đầu ra trong và ngoài nước, thiết lập các mối quan hệ với các doanh nghiệp trong nước để tạo các chuỗi giá trị cung ứng.

Để đáp ứng nhu cầu vốn hoạt động sản xuất - kinh doanh trong khi nguồn vốn chủ sở hữu không đáp ứng được nhu cầu, DNCBG phải lên kế hoạch huy động các nguồn vốn bên trong và bên ngoài.

4.2. Giải pháp về phía cơ quan chính quyền địa phương

Sở Công Thương cần hỗ trợ DNCBG xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, thông tin đến các doanh nghiệp về kế hoạch các hội chợ xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp Nông thôn và các cơ quan ban ngành thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu gỗ có chứng chỉ trồng rừng quốc tế FSC đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Tổ chức liên kết các DNCBG trong tỉnh xây dựng chuỗi cung hiệu quả hình thành từ giai đoạn vùng nguyên liệu, sản xuất, bán sỉ và bán lẻ.

Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ổn định, chính nguồn vốn này hỗ trợ các doanh nghiệp trong đầu tư.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo cáo kết quả sản xuất - kinh doanh và bảng cân đối kế toán của 43 doanh nghiệp từ Chi cục Thuế thành phố Đông Hà và Cục Thuế tỉnh Quảng Trị.

2. Nghị quyết số 18/2012/NQ-HĐND, “Về việc thông qua đề án Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.

3. Niên giám thống kê tỉnh Quảng Trị năm 2016.

4. Nguyễn Thu Thủy (2011) Giáo trình quản trị tài chính doanh nghiệp, Nhà xuất bản Lao động.

THE FINANCIAL SITUATION OF WOOD PROCESSING

BUSINESSES IN QUANG TRI PROVINCE

● LE NU MINH PHUONG

Faculty of Economics and Development Studies,

Hue College of Economics, Hue University

● QUOC HO HIEP NGHIA

Deputy Director of Quang Tri Department of Industry and Trade

ABSTRACT:

The results of analysis are not satisfactory because the after-tax profit of more than half of businesses is substandard. Although, wood processing businesses still maintain their current payment capability, businesses of all sizes meet difficulties in quick payment. Hence, it is necessary to minimize costs by indentifying inventory demands, reducing prime cost, finding output markets, etc.

Keywords: The financial situation, wood processing businesses, Quang Tri Province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây