Thực trạng trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Quan Minh Nhựt (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất (CNSX) của các doanh nghiệp ngành Chế biến, chế tạo (bao gồm doanh nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, doanh nghiệp cơ khí lắp ráp và doanh nghiệp chế biến, chế tạo khác) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Kết quả đánh giá từ 140 doanh nghiệp được khảo sát cho thấy, trình độ và năng lực CNSX trung bình của các doanh nghiệp ở các lĩnh vực nghiên cứu đều ở mức trung bình.

Từ khóa: trình độ và năng lực công nghệ sản xuất, doanh nghiệp chế biến chế tạo, Vĩnh Long.

1. Đặt vấn đề

Trình độ và năng lực CNSX của doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, góp phần không nhỏ đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các vùng trong cả nước. Thế nhưng, trình độ và năng lực CNSX là một chỉ tiêu tổng hợp được đánh giá khá phức tạp, vì thế bản thân DN ít quan tâm dẫn đến khó xác định được thực trạng trình độ và năng lực CNSX của DN mình đang định vị ở mức nào trong các mức: trình độ và năng lực CNSX lạc hậu, trình độ và năng lực CNSX trung bình, trình độ và năng lực CNSX trung bình tiến tiến, và trình độ và năng lực CNSX tiên tiến. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trình độ và năng lực CNSX của hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đều đang ở mức trung bình và lạc hậu (Nhựt, 2021).

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, cộng đồng DNNVV đã không ngừng phát triển cả về số lượng và cả chất lượng, nhưng sự phát triển này còn chậm, vì thế rất cần có những lực đẩy tác động đến sự phát triển của DN, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các DN, nhất là DNNVV hiện nay đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức bắt nguồn từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là diễn biến không thuận lợi và khó lường của nền kinh tế thế giới thời gian qua tác động trực tiếp đến nước ta. Nguyên nhân chủ quan nằm ở chính bản thân các DN, đó là kinh nghiệm quản lý còn hạn chế, trình độ và năng lực CNSX còn khá lạc hậu. Bởi vậy, các DN không thể cạnh tranh hiệu quả với các DN nước ngoài hoặc DN 100% vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, để có những kết quả đáng tin cậy về thực trạng ứng dụng, đổi mới và trình độ năng lực CNSX của các DNVVN, trên cơ sở đó, chính quyền các cấp có những cơ sở để ban hành các chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển DNVVN. Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã đưa ra những yêu cầu phải đánh giá được thực trạng ứng dụng, nhu cầu đổi mới và trình độ CNSX của các DNVVN thuộc các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Chính vì thế, nghiên cứu phân tích đánh giá thực trạng trình độ và năng lực CNSX của các DN chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thật sự cần thiết.

2. Thực trạng trình độ công nghệ sản xuất của doanh nghiệp chế biến, chế tạo

2.1. Dữ liệu sử dụng

Dữ liệu sử dụng trong phân tích được thu thập thông qua các bản câu hỏi soạn sẵn. Trên cơ sở danh sách các DN thu thập được từ Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, các phiếu điều tra được gửi đến các DN trong địa bàn nghiên cứu. Do điều kiện thời gian và kinh phí hạn chế, nên nghiên cứu không thể tiến hành điều tra tất cả DN, với một mẫu gồm 140 DN ngành chế biến, chế tạo (trong đó 36 DN thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồ uống; 31 DN thuộc lĩnh vực chế biến thủ công mỹ nghệ; 21 DN cơ khí, lắp ráp; và 52 DN chế biến, chế tạo khác) được chọn đại diện cho các DN ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

2.2. Thực trạng trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo

Trình độ và năng lực CNSX của DN trong nghiên cứu được đánh giá theo Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN. Theo đó, trình độ và năng lực CNSX được đánh giá thông qua việc phân tích, đánh giá tổng hợp 5 nhóm yếu tố thành phần, bao gồm: nhóm hiện trạng công nghệ, thiết bị sản xuất (nhóm T); nhóm hiệu quả khai thác công nghệ (nhóm E); nhóm năng lực tổ chức, quản lý (nhóm O); nhóm năng lực nghiên cứu phát triển (nhóm R) và nhóm năng lực đổi mới sáng tạo (nhóm I), kết hợp với kết quả đánh giá hệ số đồng bộ về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất.

Trên cơ sở đó, trình độ và năng lực CNSX của DN được đánh giá và phân loại theo 4 mức: (a) Trình độ và năng lực CNSX lạc hậu, (b) Trình độ và năng lực CNSX trung bình, (c) Trình độ và năng lực CNSX trung bình tiên tiến và (d) Trình độ và năng lực CNSX tiên tiến. Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết các DN ở cả các hình thức hoạt động đều được đánh giá và xếp loại trình độ công nghệ và năng lực sản xuất ở mức trung bình, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ đạt trình độ ở mức trình độ lạc hậu và cận dưới mức trình độ trung bình tiên tiến. Kết quả này cho thấy, các công ty cổ phần, công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân ngành Chế biến, chế tạo hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có quy mô nhỏ, mức đầu tư áp dụng và đổi mới thiết bị công nghệ còn thấp.

Nhìn dưới khía cạnh ngành nghề hoạt động, trình độ và năng lực CNSX của các DN lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồ uống và DN chế biến, chế tạo khác có khá hơn đôi chút so với các DN lĩnh vực chế biến thủ công mỹ nghệ và DN cơ khí lắp ráp, thế nhưng, đại bộ phận vẫn ở mức trình độ công nghệ trung bình. Kết quả phân tích cho thấy, chỉ có một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến thuộc các DN chế biến thực phẩm, đồ uống và DN chế biến, chế tạo khác. Điều này cho thầy, hầu hết các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực hoạt động trong nghiên cứu chưa mạnh dạn đầu tư áp dụng TBCN tiên tiến để có thể sản xuất và chế biến ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có giá trị xuất khẩu đến các thị trường khó tính trên thế giới. (Bảng 1, Hình 1)

Bảng 1. Trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp theo ngành nghề sản xuất

công nghệ sản xuất

Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ số liệu khảo sát DN.

Hình 1: Trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp theo ngành nghề sản xuất

công nghệ sản xuất

2.3. Điểm thành phần, hệ số đồng bộ, trình độ và năng lực công nghệ sản xuất theo ngành nghề hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Kết quả trên càng được củng cố khi đánh giá trình độ và năng lực CNSX theo ngành dựa vào kết quả tổng hợp giữa tổng số điểm của trình độ và năng lực sản xuất (t) và hệ số mức độ đồng bộ của trình độ và năng lực công nghệ (TĐB). Kết quả tính toán và đánh giá thể hiện trình độ và năng lực CNSX trung bình của các DN ở cả các lĩnh vực: công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, chế biến thủ công mỹ nghệ, cơ khí lắp ráp và DN chế biến chế tạo khác đều ở mức trình độ trung bình (Bảng 2, Hình 2).

Bảng 2. Trình độ và năng lực công nghệ sản xuất theo ngành nghề sản xuất tại Vĩnh Long

công nghệ sản xuất

Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ số liệu khảo sát doanh nghiệp.

Hình 2: Điểm thành phần của trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp theo ngành nghề sản xuất

công nghệ sản xuất

3. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các DN ngành chế biến, chế tạo (bao gồm: DN công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống; DN thủ công mỹ nghệ; DN cơ khí, lắp ráp, DN chế biến, chế tạo khác) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đều được đánh giá và xếp loại trình độ và năng lực CNSX ở mức trung bình và lạc hậu, chỉ có một phần trăm rất nhỏ đạt trình độ ở mức trung bình tiên tiến. Ngoài ra, khi đánh giá theo ngành, kết quả phân tích cho thấy trình độ và năng lực CNSX trung bình của các DN ở các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống; Công nghiệp chế biến thủ công mỹ nghệ; Cơ khí lắp ráp và các DN chế biến, chế tạo khác đều ở mức trình độ trung bình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long (2022). Niên giám Thống kê tỉnh Vĩnh Long năm 2021.
  2. Chính phủ (2020). Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 4/6/2020 về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
  3. Quan Minh Nhựt (2013). Phân tích yếu tố ảnh hưởng đến quyết định áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất - kinh doanh cúa các doanh nghiệp công nghiệp - xây dựng tại Cần Thơ. Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 27, 54-60.
  4. Quan Minh Nhựt (2015). Thực trạng và nhân tố ảnh hưởng đến mức độ đầu tư Khoa học công nghệ vào sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nông nghiệp tại TP. Cần Thơ. Tạp chí Quản lý Kinh tế. 66, 14-21.
  5. Quan Minh Nhựt (2017). Thực trạng và giải pháp khả thi tăng cường mức độ và hiệu quả ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre, đề tài cấp tỉnh, Bến Tre.
  6. Quan Minh Nhựt (2019). Giải pháp tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đề tài cấp Bộ.
  7. Quan Minh Nhựt (2021). Đánh giá thực trạng ứng dụng, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và đề xuất giải pháp, lộ trình đổi mới công nghệ cho phù hợp, đề tài tỉnh Kiên Giang.
  8. Quan Minh Nhựt (2021). Thực trạng đầu tư và trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Tạp chí Công Thương, 14, 86-91.
  9. Bộ Khoa học Công nghệ (2019). Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN ngày 10/12/2019 Hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất.

THE CURRENT PRODUCTION TECHNOLOGY LEVEL AND TECHNOLOGICAL CAPACITY OF PROCESSING AND MANUFACTURING ENTERPRISES IN VINH LONG PROVINCE

Quan Minh Nhut

Faculty of Economics, Can Tho University

ABSTRACT:

This study assesses the production technology level and the technological capacity of processing and manufacturing enterprises, including food and beverage processing enterprises, handicraft enterprises, handicraft enterprises, mechanical assemblies enterprises, and other manufacturing and processing enterprises, in Vinh Long province. By surveying 140 enterprises, the study finds out that the average production technology level and the technological capacity of processing and manufacturing enterprises in Vinh Long province are at an average level.

Keywords: level and capacity of production technology, processing and manufacturing enterprises, Vinh Long province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18.1, tháng 7  năm 2022]