Thực trạng và giải pháp đối với việc giảng dạy môn ngữ âm cho sinh viên hệ chất lượng cao năm thứ nhất tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Chu Thị Kim Ngân - Nguyễn Thị Thu Trang - Lê Anh Thơ (Khoa Ngoại ngữ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Việc tiếp nhận ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng tại Việt Nam từ trước tới nay thường tập trung vào 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, mà chưa chú trọng tới kỹ năng phát âm. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập môn ngữ âm, hay còn gọi là kỹ năng phát âm đối với giáo viên, cũng như cung cấp các tham khảo cần thiết tới việc cải tiến nội dung bài học, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học và bắt kịp xu thế chung của toàn xã hội.

Từ khóa: môn ngữ âm tiếng Anh, kỹ năng phát âm, giảng dạy môn ngữ âm thực hành.

1. Đặt vấn đề

Theo Dalton & Seidlhofer (1994: 1), phát âm đề cập đến "việc tạo ra âm thanh mà chúng ta sử dụng để tạo ra ý nghĩa. Nó bao gồm các âm thanh cụ thể của một ngôn ngữ (các phân đoạn), các khía cạnh của lời nói vượt ra ngoài cấp độ của âm thanh riêng lẻ như ngữ điệu (intonation), cách phát âm (pronunciation), trọng âm (stress), thời gian (timing), nhịp điệu (rhythm) (các khía cạnh siêu phân đoạn), cách giọng nói được thể hiện (chất lượng giọng nói) và theo định nghĩa rộng nhất còn bao gồm các cử chỉ và biểu cảm có liên quan chặt chẽ đến cách chúng ta nói một ngôn ngữ".

Cách phát âm (pronunciation) của một ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng thường được nghiên cứu dưới 2 bình diện ngữ âm học và âm vị học.

Phát âm có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao tiếp nói chung và học ngoại ngữ nói riêng. Tầm quan trọng của môn ngữ âm theo quan điểm của Dalton & Seidlhofer (1994) được đề cập đến như sau: Thứ nhất, ngữ âm quan trọng vì thể hiện được đặc thù của một ngôn ngữ cụ thể. Vì vậy, chúng ta mới có được âm thanh đặc trưng của tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thái và các ngôn ngữ khác. Do đó, ngữ âm là sự sản sinh và tiếp nhận âm thanh của lời nói. Thứ hai, âm thanh có ý nghĩa bởi được sử dụng để diễn đạt ý nghĩa lời nói trong các ngữ cảnh đặc thù.

Fraser (2000) cho biết, kỹ năng phát âm là kỹ năng quan trọng nhất so với các kỹ năng khác như ngữ pháp, từ vựng và ngữ dụng. Mặt khác, Fraser (2000) cũng cho thấy phát âm là kỹ năng giao tiếp bằng lời quan trọng nhất của tiếng Anh nói riêng và các ngôn ngữ khác nói chung. Ngoài ra, phát âm có thể được coi là kỹ năng khó học nhất. Miller (2004) đề cập đến tầm quan trọng của việc dạy phát âm và môn ngữ âm trong giảng dạy tiếng Anh cần được cân bằng với việc giảng dạy các kỹ năng ngôn ngữ khác như nghe, nói, đọc, viết.

2. Phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu

2.1. Phương pháp nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là thực trạng giảng dạy môn ngữ âm tại các lớp chất lượng cao năm thứ nhất, các yếu tố và mức độ ảnh hưởng đến hiệu quả việc giảng dạy của giáo viên.

- Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu được giới hạn ở 4 lớp tiếng Anh môn ngữ âm hệ chất lượng cao năm thứ nhất, bao gồm khoảng 100 sinh viên với học phần ngữ âm thực hành được xây dựng và đảm nhận bởi bộ môn Ngoại ngữ không chuyên - Khoa Ngoại ngữ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

- Phương pháp thu thập dữ liệu

Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua bảng hỏi, phương pháp nghiên cứu định tính thông qua phương pháp phỏng vấn sâu. Ngoài ra, đề tài áp dụng các thủ pháp xử lý số liệu bao gồm thủ pháp thống kế toán học với công cụ bảng tính Excel, kỹ thuật ghi âm, thủ thuật ghi chép, tổng hợp phân tích dữ liệu văn bản.

2.2. Phân tích kết quả nghiên cứu

2.2.1 Thực trạng khả năng phát âm tiếng Anh của sinh viên chất lượng cao năm thứ nhất tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân

a. Thực trạng nhận thức của sinh viên chất lượng cao năm thứ nhất về tầm quan trọng của môn ngữ âm đối với việc học tiếng Anh

Nhìn chung, các sinh viên trong khảo sát phần lớn cho rằng môn ngữ âm có vai trò rất quan trọng trong việc học tiếng Anh (khoảng 68%), số còn lại cho rằng môn ngữ âm có vai trò quan trọng (khoảng 23%) và một phần nhỏ sinh viên trong khảo sát đưa ra ý kiến môn ngữ âm có vai trò bình thường (7%) trong tiếng Anh.

bieu do 1
Biểu đồ 1: Nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của môn ngữ âm

b. Thực trạng rèn luyện môn phát âm tiếng Anh của sinh viên năm thứ nhất – hệ chất lượng cao

Nhóm nghiên cứu đã đưa vào câu hỏi khảo sát nhằm nghiên cứu thực trạng rèn luyện và học tập môn ngữ âm tiếng Anh của sinh viên năm thứ nhất, hệ chất lượng cao (Khóa 63). Kết quả cho thấy, chỉ khoảng 5% số sinh viên được hỏi có rèn luyện ngữ âm ở mức độ rất thường xuyên, 17% trong số đó thường xuyên luyện tập môn ngữ âm, 55% số sinh viên chỉ thỉnh thoảng rèn luyện phát âm, 19% số sinh viên trong khảo sát hiếm khi rèn luyện ngữ âm và 4% trong số họ không bao giờ luyện tập phát âm.

bieu do 2
Biểu đồ 2: Mức độ thường xuyên của việc rèn luyện phát âm tiếng Anh

c. Thực trạng lý do và mục đích học tập, rèn luyện môn ngữ âm của sinh viên năm thứ nhất hệ chất lượng cao

Khi được khảo sát về mục đích luyện phát âm tiếng Anh của nhóm đối tượng nghiên cứu, kết quả thu lại như sau: 40% số sinh viên trong khảo sát lựa chọn phương án “giúp bản thân giao tiếp tiếng Anh hiệu quả hơn”, 35% trong số đó lựa chọn “giúp bản thân cảm thấy tự tin hơn khi nói tiếng Anh”, 15% sinh viên trong khảo sát lựa chọn mục đích “giúp thể hiện được trình độ tiếng Anh của bản thân”, còn lại 10% trong số các sinh viên tham gia khảo sát chọn phương án “để nói tiếng Anh chuẩn như người bản ngữ”. 

bieu do 3
Biểu đồ 3: Mục đích rèn luyện phát âm tiếng Anh của sinh viên

 

2.2.2. Phản hồi của giáo viên và sinh viên về khả năng phát âm của sinh viên năm thứ nhất hệ chất lượng cao

a. Phản hồi từ phía giáo viên

Nhóm nghiên cứu đưa vào bảng hỏi phần đánh giá chủ quan từ nhóm giáo viên trong khảo sát về tỷ lệ sinh viên năm thứ nhất hệ chất lượng cao có trình độ phát âm kém tại các lớp họ đã và đang giảng dạy và thu được kết quả thể hiện ở biểu đồ 4.

bieu do 4
Biểu đồ 4: Đánh giá của giáo viên về tỷ lệ sinh viên phát âm kém tại các lớp giảng dạy

 

Biểu đồ 4 cho thấy, trong tổng số 10 giáo viên tham gia khảo sát, 4 giáo viên trong số đó đánh giá tỷ lệ sinh viên có khả năng phát âm kém tại mỗi lớp mình giảng dạy là 50% hoặc hơn. 3 giáo viên trong tổng số giáo viên thuộc nhóm khảo sát lựa chọn tỷ lệ 60% hoặc hơn. 2 trong số 10 giáo viên nhận thấy tỷ lệ sinh viên phát âm kém tại lớp là dưới 50% tổng số sinh viên. Chỉ có một giáo viên còn lại trong nhóm khảo sát đánh giá tỷ lệ sinh viên phát âm kém tại lớp mình giảng dạy là 70% hoặc hơn.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của nhóm giáo viên kể trên đối với khả năng phát âm của sinh viên năm thứ nhất hệ chất lượng cao mà họ đã giảng dạy, kết quả: chỉ có khoảng 20% số giáo viên cho biết họ thấy hài lòng với khả năng phát âm của sinh viên, 40% trong số giáo viên không có ý kiến gì với khả năng phát âm của sinh viên mà mình đã giảng dạy, 40% còn lại trong số giáo viên thuộc nhóm khảo sát tỏ ra không hài lòng với trình độ phát âm của sinh viên lớp mình. 

bieu do 5
Biểu đồ 5: Mức độ hài lòng của giáo viên đối với khả năng phát âm của sinh viên năm thứ nhất hệ chất lượng cao

b. Phản hồi từ sinh viên

Trong quá trình tiến hành điều tra mức độ hài lòng của sinh viên năm thứ nhất hệ chất lượng cao đối với khả năng phát âm của chính họ, kết quả cho thấy: 3% số sinh viên trong khảo sát cho rằng trình độ phát âm tiếng Anh của mình là rất tốt, 8% số sinh viên cho rằng trình độ phát âm tiếng Anh của họ ở mức độ tốt, 41% tự nhận thấy mình có trình độ phát âm ở mức độ khá, 29% cho rằng họ đang có trình độ phát âm tiếng Anh ở mức tạm được và 19% còn lại tự nhận thấy trình độ phát âm của mình còn chưa tốt lắm. Hầu hết sinh viên trong nhóm khảo sát tự đánh giá trình độ phát âm tiếng Anh của bản thân ở mức độ khá trở lên. 

bieu do 6
Biểu đồ 6: Sinh viên tự đánh giá về khả năng phát âm tiếng Anh của bản thân

 

2.2.3. Những yếu tố tác động đến khả năng phát âm của sinh viên

a. Các yếu tố liên quan đến giáo viên

Có một thực trạng chung là việc thiếu giáo viên tiếng Anh được đào tạo đầy đủ và bài bản về ngữ âm đã dẫn đến sự thiếu sót trong việc sử dụng các tài liệu và nguồn kỹ thuật sẵn có hỗ trợ cho môn học này (Derwing & Munro, 2005). Foote et al. (2016) đã ước tính chỉ có khoảng 10% thời gian trong lớp được dành cho phát âm, thường ở dạng phản hồi sửa lỗi và chủ yếu liên quan đến các phân đoạn (segmental units). Điều đáng nói là thời lượng này chỉ chiếm khoảng 1/2 thời gian dành cho ngữ pháp và chỉ khoảng 1/7 thời gian dành cho từ vựng. Trong bảng hỏi dành cho giáo viên, nhóm nghiên cứu cũng đã đưa vào câu hỏi mở nhằm tìm hiểu thêm về qúa trình giáo viên tham gia các khóa đào tạo về giảng dạy ngữ âm từ trước đến nay. Một trong số các giáo viên được hỏi đưa ra câu trả lời “Chưa từng tham gia khóa học về ngữ âm nào”, số còn lại trong nhóm giáo viên đều đưa ra câu trả lời đã từng tham gia môn ngữ âm trong 30 tiết học của chương trình đào tạo cử nhân và thạc sỹ. Không ai trong số họ từng tham gia một khóa học chuyên sâu về ngữ âm từ trước tới nay.

Tại bảng hỏi dành cho sinh viên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra câu hỏi về mức độ thường xuyên trong việc sửa lỗi phát âm của giáo viên đối với học viên tại các tiết học tiếng Anh mà họ đã tham gia từ trước đến nay. Kết quả thu được như sau: chỉ có khoảng 5% sinh viên chọn phương án “rất thường xuyên”, 17% số họ cho rằng giáo viên thường xuyên sửa lỗi phát âm trong quá trình học. Trong số đó, 53% số sinh viên lựa chọn “thỉnh thoảng”, 19% lựa chọn “hiếm khi”. Số còn lại chiếm 4% với lựa chọn đưa ra là “rất hiếm khi”.

bieu do 7
Biểu đồ 7. Mức độ thường xuyên giáo viên sửa lỗi phát âm của sinh viên

 

b. Các yếu tố liên quan đến sinh viên

Ảnh hưởng tiếng mẹ đẻ

Sức ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt dẫn đến khó khăn trong việc phát âm các âm của ngôn ngữ đích là tiếng Anh. Trên thực tế, hệ thống ngữ âm của Tiếng Việt và tiếng Anh khác nhau rất nhiều, trong đó tiếng Việt là ngôn ngữ có âm tiết và thanh điệu, còn tiếng Anh lại là ngôn ngữ có trọng âm nhưng không thanh điệu.

Khả năng ngữ âm

Có quan điểm chung cho thấy, một số người học tiếng Anh nói riêng và ngôn ngữ nói chung có khả năng ngoại ngữ tốt hơn một số người khác. Vì vậy, họ có thể phân biệt sự khác biệt giữa 2 âm thanh chính xác hơn và có thể bắt chước âm thanh tốt hơn.

 Thái độ và động cơ

Bất kỳ giáo viên nào cũng có thể công nhận sự khác biệt giữa một sinh viên tích cực, có động lực với một sinh viên thiếu động lực học tập là rất lớn.

2.2.4. Những khó khăn thách thức trong giảng dạy ngữ âm cho sinh viên năm thứ nhất hệ chất lượng cao

a. Khó khăn thách thức đến từ phía người học

Khi được hỏi câu hỏi về những vướng mắc thường gặp của giáo viên khi giảng dạy kỹ năng ngữ âm thực hành cho đối tượng sinh viên năm thứ nhất hệ chất lượng cao, có thầy/ cô giáo cho rằng “khó khăn chủ yếu là tình trạng sinh viên có thói quen phát âm sai trong thời gian dài (từ lúc bắt đầu làm quen với tiếng Anh) nên rất khó sửa đổi”. Trong khi đó, một vài ý kiến lại cho rằng “sinh viên năm thứ nhất đa phần còn bỡ ngỡ, rụt rè, ngại thể hiện, do chưa quen trường lớp và bạn bè”.

b. Khó khăn thách thức khác

Sĩ số lớp dao động từ 30 tới 35 sinh viên là con số chưa thực sự lý tưởng với lớp học tiếng Anh nói chung và lớp ngữ âm nói riêng. Giáo viên cho rằng số lượng sinh viên trong lớp đông sẽ hạn chế các cơ hội thực hành của sinh viên, đặc biệt với môn ngữ âm là môn học cần rất nhiều cơ hội luyện tập và chỉnh sửa dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

2.2.5. Giải pháp khắc phục những khó khăn trong giảng dạy ngữ âm nhằm giúp sinh viên có khả năng phát âm tốt hơn.

a. Giải pháp liên quan đến người học

Thứ nhất, ngay từ đầu, sinh viên cần được giải thích về tầm quan trọng và mối liên hệ giữa các mục tiêu đào tạo tiếng Anh với yêu cầu và đòi hỏi của chương trình, của thực tế học tập và làm việc sau này để họ có động cơ, nhu cầu học tập tích cực, đúng định hướng.

Thứ hai, người học cần chủ động tham gia vào bài giảng trên lớp. Ngữ âm vốn là kỹ năng cần có mức độ rèn luyện thường xuyên. Bên cạnh việc nắm rõ các quy tắc ngữ âm căn bản, sinh viên cần chủ động tích cực luyện tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên và sự quan sát góp ý từ bạn đồng học.

Thứ ba, tinh thần tự học trong sinh viên cần được nâng cao. Thời lượng dành cho môn học trên lớp thực sự không đủ nếu sinh viên muốn nâng cao khả năng phát âm của bản thân. Trong quá trình tự học, giáo viên nên là người nêu vấn đề, đưa ra nhiệm vụ, sinh viên thông qua đó sẽ phát huy khả năng tự tìm tòi, tự học để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

b. Giải pháp liên quan đến giáo viên

Thứ nhất, về trình độ giáo viên giảng dạy môn học đặc thù này cần được đào tạo thường xuyên thông qua các khóa tập huấn, nâng cao năng lực.

Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, người dạy cần nắm được nhiều phương thức giảng dạy hiện đại, linh hoạt trong việc lựa chọn phương thức và kỹ thuật giúp bài giảng đạt hiệu quả cao nhất phù hợp với ngữ cảnh và mục tiêu học môn học.

Thứ ba, để tạo động lực học tập cho sinh viên, giáo viên cần có những quy định khen thưởng rõ ràng trong quá trình giảng dạy và học tập.

3. Kết luận

Với mục đích khảo sát, đánh giá thực trạng dạy và học môn ngữ âm tiếng Anh cho sinh viên năm thứ nhất hệ chất lượng cao tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đồng thời tìm hiểu những thách thức chính đối với giáo viên khi tham gia giảng dạy học phần ngữ âm thực hành cho nhóm đối tượng sinh viên này, từ đó tìm ra những giải pháp giúp giáo viên vượt qua thách thức trong quá trình giảng dạy, nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả giờ giảng, đáp ứng được nhu rèn luyện và phát triển khả năng phát âm tiếng Anh của sinh viên năm thứ nhất, đề tài nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu đã tổng quan được tình hình nghiên cứu về thách thức trong giảng dạy môn ngữ âm thực hành trên thế giới và tại Việt Nam. Nghiên cứu cũng đưa ra các khái niệm chung về ngữ âm và âm vị học trong tiếng Anh. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng tìm hiểu các khái niệm về vai trò của môn ngữ âm trong việc học tiếng Anh, cũng như tầm quan trọng của việc phát âm chuẩn trong quá trình học và sử dụng tiếng Anh.

Thứ hai, thông qua công cụ bảng hỏi và phỏng vấn sâu, đề tài đã khảo sát, phân tích và làm rõ thực trạng khả năng phát âm của sinh viên chất lượng cao năm thứ nhất tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, bao gồm cả phản hồi trực tiếp từ phía giáo viên và từ phía sinh viên, cũng như những khó khăn, thách thức mà giáo viên gặp phải khi tham gia giảng dạy môn ngữ âm thực hành cho sinh viên này.

Thứ ba, căn cứ trên thực trạng giảng dạy và học tập môn ngữ âm tiếng Anh cho đối tượng sinh viên năm thứ nhất hệ chất lượng cao, cũng như những phân tích tổng hợp các khó khăn, thách thức trong việc dạy ngữ âm cho nhóm sinh viên này, nghiên cứu đã gợi ý một số giải pháp liên quan đến cả 2 nhóm đối tượng người dạy và người học.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt

  1. Đoàn Thiện Thuật (1999), Ngữ âm tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Chiến (1992), Ngôn ngữ học đối chiếu và đối chiếu các ngôn ngữ Đông Nam Á - Đại học Sư phạm Ngoại ngữ.
  3. Lê Quang Thiêm (1989), Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ - NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp - Hà Nội.
  4. Nguyễn Thiện Giáp (2008), Giáo trình ngôn ngữ học, NXB. ĐHQG Hà Nội.

Tiếng Anh

  1. Lujan, B.A. (2004), The American Accent Guide - A Comprehensive Course on the Sound System of American English, Lingual Arts.
  2. O’Connor,J.D. (1986), Better English Pronunciation, Cambridge University Press.
  3. O’Connor,J.D. (1991), Sounds English, Cambridge University Press.
  4. Poedjosoedarmo, G. (2004), Teaching Pronunciation - Why, What, When, and How, SEAMEO Regional Language Centre.
  5. Roach, P. (2014), English Phonetics and Phonology, Cambridge University Press.

Solutions to improve the teaching of phonetics for first-year high-quality students at the National Economics University

Master. Chu Thi Kim Ngan1

Master. Nguyen Thi Thu Trang1

Master. Le Anh Tho1

1Faculty of Foreign Languages for Economics, National Economics University

ABSTRACT:

 Teaching foreign languages ​​in general and English in particular in Vietnam has traditionally focused on only four skills including listening, speaking, reading and writing. This tradditional learning approach has not yet focused on pronunciation skills. This paper  proposes some solutions and necessary references to help lecturers improve their teaching of phonetics in order to meet the needs of learners and catch up with the general teaching trend.

Keywords: phonetics, pronunciation skills, teaching phonetics.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1, tháng 1 năm 2023]