TÓM TẮT:
Câu đặc biệt là hiện tượng câu không có đủ thành phần như câu bình thường trên bình diện cấu trúc. Hiểu cách khác, đây là trường hợp câu chỉ có một thành phần là chủ ngữ hoặc vị ngữ hay có khi chỉ là một thành phần khác trong câu bình thường được tách ra (khỏi câu mà nó đang tồn tại). Việc xác định câu đặc biệt này vẫn đang là vấn đề được nhiều nhà ngôn ngữ học quan tâm.
Bài viết đề cập đến cấu trúc câu đặc biệt trên quan điểm của tác giả Hồng Dân. Đồng thời, đề xuất phương án chuyển dịch hiệu quả đối với loại câu đặc biệt này từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Từ khóa: Câu đặc biệt, tiếng Việt, dịch Việt - Anh.
1. Đặt vấn đề
Dịch thuật nói chung và biên dịch nói riêng thật sự đặt ra nhiều thách thức với người tham gia hoạt động này trên nhiều phương diện khác nhau, trong đó có vấn đề về câu. Thật vậy, cấu trúc câu cần được phân tích rõ ràng, đầy đủ về nét tương đồng và khác biệt giữa ngôn ngữ nguồn (tiếng Việt) và ngôn ngữ đích (tiếng Anh). Điều này giúp đảm bảo nội dung giữa hai văn bản nguồn và văn bản đích đạt độ chính xác về thông tin, phù hợp về văn phong cũng như đáp ứng tiêu chí nghiêm ngặt trong dịch thuật: Tín - Đạt - Nhã.
Bài viết đặt ra vấn đề thảo luận phương pháp phù hợp để dịch câu đặc biệt trong tiếng Việt sang tiếng Anh.
2. Câu đặc biệt trong tiếng Việt
Trong tiếng Việt, có những câu mà trên ngôn bản, chỉ do một từ hay một ngữ chính - phụ tạo thành. Thực tế này đã minh chứng tồn tại các quan điểm khác nhau về câu giữa các nhà nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt.
Trước đây, khuynh hướng ngữ pháp truyền thống quan niệm câu phải là một “mệnh đề" bao gồm chủ ngữ và vị ngữ, trong đó vị ngữ quan trọng hơn. Vì thế, như Nguyễn Lân sau này chỉ rõ “có thể có những câu chỉ có một từ, nhưng từ ấy phải là một vị ngữ” (7). Tác giả đưa ví dụ về cách người ta bảo một em bé đang khóc: “Nín…”. Một số nhà văn khác có cách biểu đạt câu theo cách riêng của mình, chỉ dùng trạng từ, thán từ, hoặc những bổ ngữ. Tuy nhiên, có thể thấy, điều kiện cần để những cách diễn đạt ấy biểu thị được ý nghĩa là ngữ cảnh. Nếu tách những thành phần đó khỏi đoạn văn (chứa ngữ cảnh) thì chúng không thể biểu thị được ý của người nói hay người viết (8).
Cùng với sự phát triển của Việt ngữ học, hầu hết các quan điểm trên đều được thừa nhận và có thể coi đó là câu đặc biệt. Vậy, vấn đề kéo theo là cần phân định cấu trúc của câu đặc biệt với câu bình thường. Có thể nhìn nhận câu đặc biệt là “một kiểu câu độc lập, riêng biệt, không có liên hệ với câu bình thường về mặt cấu trúc” - Hồng Dân (câu có đủ hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ) (2). Cũng trên cơ sở cấu trúc, Lê Văn Lý chỉ ra 94 kiểu câu riêng biệt, trong đó có những kiểu câu chỉ do một từ hay một ngữ chính - phụ đảm nhiệm (4). Một số tác giả khác cũng đồng quan điểm khi bàn về vấn đề phân loại câu, xem câu bình thường và câu đặc biệt tách rời nhau, không có liên hệ với nhau về mặt cấu trúc (Nguyễn Kim Thản, Lê Xuân Thại, Hồ Lê) (8).
Tuy nhiên, có một số nhà nghiên cứu khác lại xem câu đặc biệt có liên hệ mật thiết với câu bình thường về mặt cấu trúc, thông qua vị ngữ. Với Emeneau (6), câu đặc biệt là câu thiếu chủ ngữ. Với Đái Xuân Ninh thì “không có chủ ngữ, câu vẫn tồn tại. Câu chỉ có vị ngữ là câu đặc biệt” (1). Còn Lưu Vân Lăng gọi loại câu này là câu chỉ có thuyết ngữ hoặc câu ẩn đề ngữ. Đây là loại câu đặc biệt” (5).
Tác giả Hồng Dân trong “Trở lại vấn đề “câu đặc biệt” trong tiếng Việt” (2) đã đúc kết 7 trường hợp câu đặc biệt trong tiếng Việt, xét trên bình diện cú pháp. Cụ thể:
- Câu đặc biệt có liên hệ với câu bình thường thông qua thành phần vị ngữ. Ví dụ: “Đúng.” hay “Trưa rồi.”. Đây là câu nhưng chỉ có thành phần vị ngữ hay thuyết ngữ để thể hiện đặc trưng (nhưng không đề cập đặc trưng của đối tượng nào) và không có chủ ngữ hay đề ngữ.
- Câu đặc biệt có liên hệ với câu bình thường thông qua thành phần chủ ngữ. Ví dụ: “Máy bay”. Có thể suy luận vài ngữ cảnh liên quan đến câu nói này: (i) Khi thấy máy bay bay, (ii) Khi thấy máy bay bổ nhào, (iii) Khi thấy máy bay đang đỗ trên sân bay. Thực vậy, bộ phận này trong câu chỉ rõ được sự vật nhưng không biểu đạt tính chất của sự vật đó. Đây chính là thành phần chủ ngữ hay đề ngữ của câu. Trong hoàn cảnh cụ thể, người nghe hoàn toàn có thể hiểu được trạng thái của sự vật - máy bay.
- Câu khó phân định rõ là câu đặc biệt chỉ có vị ngữ hay câu đặc biệt chỉ có chủ ngữ. Ví dụ: “Mưa.”. Thật vậy, khi xét trong quan hệ với câu bình thường “Mưa rơi.” ta có thể nhận thấy câu đặc biệt “Mưa” là câu chỉ có chủ ngữ. Nhưng nếu xét trong sự liên hệ với câu bình thường “Trời mưa.” thì câu đặc biệt “Mưa” lại là câu chỉ có vị ngữ. Như vậy, trong trường hợp này yếu tố ngữ cảnh có vai trò quan trọng trong việc giúp xác định cấu trúc câu đặc biệt này. Tuy nhiên, có thể thấy hai câu bình thường “Mưa rơi.” và “Trời mưa.” không thật khác biệt về nội dung. Cả hai câu đều biểu thị sự việc tương tự nhau.
- Câu đặc biệt xác lập mối liên hệ với câu bình thường là câu có đủ hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ. Tuy nhiên, câu đặc biệt này chỉ được biểu thị dưới dạng câu chỉ có một thành phần, hoặc là chủ ngữ hoặc là vị ngữ, thành phần còn lại là tiềm ẩn. Cũng có thể hiểu hiện tượng này là do thành phần chủ ngữ và thành phần vị ngữ được tách ra từ câu bình thường. Ví dụ:
- “Tiến lên!”
- “Chiến sĩ, đồng bào!”
(Hồ Chủ Tịch)
Ở đây, có thể nhìn nhận hai câu đặc biệt này là kết quả phân tách và đảo vị trí của câu bình thường có đủ hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ: “Chiến sĩ, đồng bào tiến lên”. Như vậy, trường hợp này, câu đặc biệt rõ ràng là kết quả của sự vận dụng cấu trúc của câu bình thường, có mối liên hệ trực tiếp với câu bình thường.
- Câu đặc biệt được xây dựng từ một thành phần khác trong cấu tạo câu bình thường. Ví dụ:
“Ra tới mặt đường, Vị và Cáo đều ướt. Ướt từ đầu đến chân.
(Nguyễn Khải)
“Ướt từ đầu đến chân” vốn là phần xen, thành phần phụ chú trong câu bình thường, nhưng với thao tác tách phụ câu, phần này đã trở thành một câu đặc biệt.
- Câu đặc biệt được tạo ra bằng cách tách thành phần thân ra khỏi kết cấu vốn có của câu bình thường. Ví dụ: “Nam ơi!”
Thông thường, ta gặp những câu như “Nam ơi, cậu có ở nhà không”, “Nam ơi, về nhà”, hay “Bông hoa này đẹp quá, Nam ơi”. Trong những câu này, thành phần “Nam ơi” có giá trị báo hiệu cho người tên là Nam lưu ý về sự kiện được nói tới trong câu. So với những câu này, câu đặc biệt “Nam ơi!” chỉ có bộ phận nêu lên báo hiệu, còn bộ phận nói về sự kiện hoặc không hiện ra trong câu khác.
- Thành phần chỉ tình huống trong câu bình thường cũng có thể được tách ra thành câu đặc biệt. Ví dụ:
- Ngã ba Tuần Giáo. Xe ầm ầm, cái đi Lai Châu, cái về Thuận Châu.
(Nguyễn Tuân)
- Tháng giêng, Mạc Tư Khoa tuyết trắng
Một người đi, quên rét buốt xương.
(Tố Hữu)
Đây là những câu đặc biệt chỉ có một thành phần, thành phần chỉ tình huống, đặc điểm này quy định mối liên hệ giữa loại câu đặc biệt này với câu bình thường có đủ thành phần “tình huống - sự kiện”.
Tiếp nối vấn đề của tác giả Hồng Dân trên bình diện dịch thuật, nghiên cứu đề xuất phương pháp vận dụng dịch thuật những trường hợp câu đặc biệt trên sang tiếng Anh.
3. Các phương pháp dịch thuật cơ bản
Dịch thuật được biết đến như là một quá trình chuyển nghĩa từ ngôn ngữ nguồn (source language) sang ngôn ngữ đích (target language). Các tác giả khác nhau đề xuất các phương pháp dịch khác nhau. Nhìn chung, có thể đúc kết một số phương pháp dịch phổ biến như sau:
3.1. Phương pháp dịch vay mượn (Borrowing technique)
Vay mượn là một kỹ thuật dịch thuật liên quan đến việc sử dụng cùng một từ hoặc trạng thái biểu cảm trong văn bản nguồn và văn bản đích. Trong trường hợp để lấp một khoảng trống về ngữ nghĩa (ví dụ, một kỹ thuật mới, một khái niệm chưa được biết đến) thì phương thức dịch vay mượn là phương thức đơn giản trong tất cả. Ví dụ:
- email → email, internet → internet (vay mượn không thay đổi về hình thức và nghĩa)
- canteen → căn tin (vay mượn thay đổi về hình thức nhưng không thay đổi nghĩa)
- ozone layer → tầng ôzôn (kết hợp cả hai loại hình trên).
3.2. Phương pháp dịch sao phỏng (Calque technique)
Sao phỏng là phương pháp dịch vay mượn đặc biệt, toàn bộ đơn vị cú pháp được vay mượn. Khi sử dụng phương pháp dịch sao phỏng, dịch giả có xu hướng tạo ra một từ mới trong ngôn ngữ đích nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc của ngôn ngữ nguồn. Ví dụ:
- heavy industry → công nghiệp nặng.
- showroom → phòng trưng bày.
3.3. Phương pháp dịch nguyên văn (Literal technique)
Dịch nguyên văn là phương thức dịch từ đối từ (word for word translation), là sự thay thế cấu trúc cú pháp của ngôn ngữ gốc thường là câu hoặc mệnh đề bằng cú pháp đồng dạng hoặc gần như đồng dạng. Người dịch không cần phải tạo ra các thay đổi trừ các thay đổi mà chính ngữ pháp của ngôn ngữ đích đòi hỏi. Phương thức này được mô tả là phổ biến nhất giữa các ngôn ngữ có cùng hệ phả và văn hóa. Ví dụ:
- She is deaf to all his advice. → Cô ta lờ đi tất cả những lời khuyên của anh ấy.
3.4. Phương pháp dịch chuyển đổi từ loại (Transposition technique)
Chuyển đổi từ loại có nghĩa là thay thế một từ loại này bằng một từ loại khác mà không thay đổi nghĩa của thông điệp. Phương thức chuyển đổi từ loại không chỉ xảy ra giữa hai từ loại động từ và danh từ mà còn giữa các từ loại khác. Ví dụ:
- ledger → sổ cái.
- staff → đội ngũ nhân sự.
3.5. Phương pháp dịch biến điệu (Modulation technique)
Phương pháp biến điệu có nghĩa là sự thay đổi trong thông điệp do có một sự thay đổi về quan điểm, tức là hiểu một điều gì đó theo một cách nhìn khác. Phương pháp này thích hợp khi dịch nguyên văn hoặc chuyển vị có được một câu dịch đúng ngữ pháp nhưng lại không tự nhiên trong ngôn ngữ dịch. Trong phương pháp biến điệu, ta có thể phân biệt biến điệu tự do/không bắt buộc với biến điệu cố định/bắt buộc. Ví dụ:
- Lúc mà → the time, the moment, when, that (biến điệu cố định).
- it is not difficult to show = it is easy to show
→ khó có thể diễn đạt được (biến điệu tự do).
3.6. Phương pháp dịch tương đương (Equivalent technique)
Phương pháp này dùng để chỉ những trường hợp khi hai ngôn ngữ cùng mô tả một tình huống nhưng với các phương tiện cấu trúc hoặc phong cách khác nhau. Ví dụ:
- Ouch! → Ối!
- The dearest is the cheapest. → Của rẻ là của ôi.
3.7. Phương pháp dịch thoát ý (Adaptation technique)
Đây là phương pháp cuối cùng được dùng khi một tình huống trong văn hóa gốc không tồn tại trong văn hóa dịch, vì vậy phải có một sở chỉ tương đương với văn hóa gốc trong văn hóa dịch. Phương pháp dịch thoát ý có thể được mô tả là một loại tương đương đặc biệt, tương đương tình huống. Đây là hình thức viết lại bản gốc ở ngôn ngữ dịch, chủ yếu được dùng cho việc dịch thơ, bài hát và kịch. Ví dụ:
- The Scarlet Letter → Nét Chữ Ô Nhục (tên tiểu thuyết)
- The film is beyond any words. → Bộ phim này không thể chê vào đâu được.
4. Về việc dịch câu đặc biệt tiếng Việt sang tiếng Anh
4.1. Cấu trúc câu đặc biệt tiếng Việt
Có thể xác lập cấu trúc câu đặc biệt là câu có một thành phần. Thành phần đó có thể là chủ ngữ, vị ngữ hay thậm chí là một thành phần bất kỳ được tách ra từ câu bình thường. Vấn đề là nội hàm câu đặc biệt cần đảm bảo biểu thị được thông tin mới - thông tin tiêu điểm của người nói/người viết muốn truyền đạt đến người nghe/người đọc.
Quả vậy, tiêu điểm thông tin là phần đảm nhận trọng trách tập trung thông tin. Tiêu điểm có thể là một yếu tố bất kỳ, có thể là một ngữ đoạn, một cú đọan, hay rộng hơn, có thể là cả một câu (3). Nói cách khác tiêu điểm là thành tố của câu, là phần thông tin mà người nói muốn thu hút sự quan tâm của người nghe. Tiêu điểm có thể được nhận biết nhờ vào tình huống diễn ngôn và một trong những phương tiện xác định tiêu điểm và giải mã thông tin là dựa vào hoàn cảnh giao tiếp, tiền giả định (là phần nội dung đã được biết trước hoặc có thể chia sẻ giữa người nói và người nghe trong ngữ cảnh diễn ngôn) và kiến thức nền (là phần thông tin mà người nói và người nghe cùng có thể chia sẻ trong ngữ cảnh diễn ngôn cụ thể) (3).
4.2. Đề xuất phương pháp dịch câu đặc biệt tiếng Việt sang tiếng Anh
Rõ ràng là câu đặc biệt có cấu trúc khác hẳn câu bình thường. Do vậy, cần lưu ý cấu trúc câu cả trên bình diện cú pháp - ngữ pháp và bình diện thông báo để đảm bảo thông tin trong văn bản nguồn được chuyển tải đầy đủ sang văn bản đích; trong đó bao gồm nội dung tiêu điểm, hàm ý bên trong của người viết/người nói.
Xét trên bình diện thông báo, có thể nhận thấy, thông tin tiêu điểm được biểu hiện hoàn toàn tương đương nhưng trên diện cú pháp - ngữ pháp, tiếng Việt và tiếng Anh có nhiều nét khác nhau. Do vậy, không thể chuyển dịch câu đặc biệt tiếng Việt theo phương pháp nguyên văn (Literal technique). Nhóm tác giả đề xuất áp dụng kết hợp các phương pháp gồm (i) Phương pháp dịch tương đương (Equivalent technique), (ii) Phương pháp dịch chuyển đổi từ loại (Transposition technique), và (iii) Phương pháp dịch thoát ý (Adaptation technique) khi chuyển dịch câu đặc biệt tiếng Việt sang tiếng Anh. Cụ thể, đề xuất dịch sang tiếng Anh 7 trường hợp câu đặc biệt tiếng Việt nêu trên như sau:
- Trường hợp a: Câu đặc biệt có liên hệ với câu bình thường thông qua thành phần vị ngữ.
Ví dụ: “Đúng.” hay “Trưa rồi.” → “Right.” Hay “Too late./ It’s too late.” (kết hợp i và ii)
- Trường hợp b: Câu đặc biệt có liên hệ với câu bình thường thông qua thành phần chủ ngữ.
Ví dụ: “Máy bay.” → “Look at the plane!” (kết hợp ii và iii)
- Trường hợp c: Câu khó phân định rõ là câu đặc biệt chỉ có vị ngữ hay câu đặc biệt chỉ có chủ ngữ.
Ví dụ: “Mưa.” → “It’s raining.” (kết hợp ii và iii)
- Trường hợp d: Câu đặc biệt xác lập mối liên hệ với câu bình thường là câu có đủ hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ nhưng chỉ một trong hai xuất hiện trong câu đặc biệt.
Ví dụ: “Tiến lên!”
“Chiến sĩ, đồng bào!”
→ “Go ahead, my people and soldiers!” (kết hợp i, ii và iii)
- Trường hợp e: Câu đặc biệt được xây dựng từ một thành phần khác trong cấu tạo câu bình thường.
Ví dụ: “Ra tới mặt đường. Vị và Cáo đều ướt. Ướt từ đầu đến chân.”
→ Reaching the road, both Vị and Fox got soaked. (kết hợp i, ii và iii)
- Trường hợp f: Câu đặc biệt được tạo ra bằng cách tách thành phần thân ra khỏi kết cấu vốn có của câu bình thường.
Ví dụ: “Nam ơi!” → “Hey, Nam!/ Where are you, Nam?” (kết hợp i, iii)
- Trường hợp g: Thành phần chỉ tình huống trong câu bình thường cũng có thể được tách ra thành câu đặc biệt.
Ví dụ: “Ngã ba Tuần Giáo. Xe ầm ầm, cái đi Lai Châu, cái về Thuận Châu.”
→ At the Tuần Giáo junction, the traffic was too heavy, heading forward different directions such as Lai Châu, Thuận Châu.
Có thể thấy, mặc dù đã kết hợp đồng thời 3 phương pháp, vẫn khó có thể duy trì tuyệt đối cấu trúc tương đương khi chuyển dịch văn bản nguồn (tiếng Việt) sang văn bản đích (tiếng Anh) mà chỉ có thể đảm bảo được thông tin tiêu điểm và hàm ý của tác giả. Thật vậy, bên cạnh lý do liên quan đến khác biệt về đặc trưng cấu trúc giữa hai ngôn ngữ, thực chất nội hàm văn bản nguồn còn chứa đựng tiền giả định và cả kiến thức nền, giúp kết nối người truyền đạt thông tin và người tiếp nhận thông tin đó. Vì vậy, ngữ cảnh hoặc bối cảnh của văn bản nguồn có vai trò thiết yếu để tạo ra văn bản đích đạt tính chính xác, tường minh, nhất là đối với câu đặc biệt.
5. Kết luận
Câu đặc biệt trong tiếng Việt là câu đặc biệt trên phương diện hình thức và nội dung. Về hình thức, câu có thể chỉ gồm một thành phần (có thể là chủ ngữ, vị ngữ, hoặc thành phần bổ ngữ). Về nội dung, câu biểu hiện được nội dung cốt lõi và hàm ý của người viết/người nói trong hoàn cảnh cụ thể. Có thể thấy, ngữ cảnh có tác động lớn đến thông tin trong câu đặc biệt. Vì vậy, khi chuyển dịch kiểu câu này sang tiếng Anh, cần hiểu rõ nội hàm của câu tiếng Việt trong hoàn cảnh cụ thể để vận dụng phương pháp dịch phù hợp nhằm đảm bảo thông tin tiêu điểm, cấu trúc cũng như văn phong hợp lý trong ngôn ngữ tiếng Anh. Ngoài ra, các yếu tố như tiền giả định và kiến thức nền cũng có vai trò nhất định trong việc giải mã thông tin từ văn bản nguồn. Do vậy, cần liên kết những yếu tố này vào quy trình chuyển dịch chung để sản phẩm sau biên dịch có thể đạt hiệu quả cao nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đái Xuân Ninh (1969), Một số vấn đề về cú pháp tiếng Việt hiện đại, Tạp chí Ngôn ngữ, 2, 58.
- Hồng Dân (2009), Trở lại vấn đề “câu đặc biệt” trong tiếng Việt, truy cập tại http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=482:tr-li-vn-cau-c-bit-trong-ting-vit-&catid=71:ngon-ng-hc&Itemid=107.
- Huỳnh Thị Bích Phượng (2016), Cấu trúc tiêu điểm thông tin trong câu phủ định tiếng Anh và tiếng Việt, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Lê Văn Lý (1948), Le parler Vietnamine, Sài Gòn: Bộ Quốc gia - Giáo dục.
- Lưu Vân Lăng (1979), Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt trên quan điểm ngữ đoạn tầng bậc có hạt nhân, Tạp chí Ngôn ngữ, 3, 60.
- M. B. Emeneau. (1951). Studies in Vietnamese (Annamese) Grammar, USA: Berkely and Los Angeles.
- Nguyễn Lân (1979), Một vài ý kiến về cách phân tích câu, Tạp chí Ngôn ngữ, 2, 46-.
- Nguyễn Kim Thản, Hồ Lê, Lê Xuân Thại, Hồng Dân (1967), Nói và viết đúng tiếng Việt, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
ABOUT TRANSLATING THE SPECIAL SO-CALLED SENTENCES
IN VIETNAMESE INTO ENGLISH
• Ph.D HUYNH THI BICH PHUONG
Banking University of Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
A special so-called sentence or a context-based sentence to some extent is the one that appears with only one component in a specific context. In another word, this type of sentence just includes either a subject, an object, or even a sentence component such as an adverb or an adverbial phrase. Actually, distinguishing the patterns of this type of sentence from the others has attracted concern from a lot of language researchers. This article focuses on the patterns formulated by Hong Dan - a Vietnamese language researcher; then followed a suggestion of techniques of translation that may be helpful for Vietnamese-English translating those types of special so-called sentences.
Keywords: Special so-call sentences, Vietnamese language, Vietnamese - English translation.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]