Tìm giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật về quản lý, phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững

Đề tài Tìm giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật về quản lý, phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững do ThS. Trần Phương Tâm An (Khoa Pháp luật kinh tế - Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực trạng hàng hóa trên thị trường vàng theo thông lệ quốc tế, đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện chính sách và pháp luật Việt Nam đối với thị trường vàng hiện nay. Theo đó, thị trường vàng Việt Nam được hiểu là thị trường vàng miếng (theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước - NHNN), vàng nguyên liệu và thị trường vàng trang sức. Hàng hóa được phép giao dịch trên thị trường vàng còn đơn điệu và chưa đáp ứng được những đòi hỏi của nền kinh tế. Đồng thời, chính sách quản lý thị trường vàng mà NHNN thực thi dù đã có những hiệu ứng nhất định, nhưng vẫn chưa đáp ứng được các kỳ vọng đặt ra.

Từ khóa: thị trường vàng, kinh doanh vàng, thị trường vàng miếng, thị trường vàng trang sức, thị trường vàng nguyên liệu, quản lý, phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững.

1. Đặt vấn đề

Vàng có tính chất của một sản phẩm hàng hóa đặc thù, có tính thanh khoản cao, đồng thời cũng là tài sản cất trữ, nguồn vốn lưu thông, kênh đầu tư quan trọng của thị trường… Vàng có vai trò và vị trí hết sức quan trọng đối với nền kinh tế của các quốc gia nói chung và của nước ta nói riêng.

Hàng hóa trên thị trường vàng khá đa dạng, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có một kênh đầu tư hiệu quả, cũng như tăng cường lưu thông nguồn vốn trong nền kinh tế.

Theo quan điểm chung được thế giới chấp nhận, cả hai thị trường vàng vật chất và vàng chứng chỉ được liên kết chặt chẽ bởi khả năng của người tham gia bị buộc phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Vàng vật chất và giá vàng giấy bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự phát triển của thị trường vàng vật chất, mà đầu tiên phải kể đến là sự thay đổi thường xuyên và đôi khi khá bất ngờ về cung, cầu của vàng vật chất trên thị trường.   

Tại Việt Nam, thời gian qua, các cơ chế, chính sách về quản lý, phát triển thị trường vàng ở nước ta đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, không ngừng bổ sung và hoàn thiện. Qua đó, thị trường vàng cơ bản có sự phát triển ổn định, có những đóng góp hết sức hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trong đó, hàng hóa được giao dịch trên thị trường vàng đã được quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (sau đây gọi tắt là Nghị định 24/2012/NĐ-CP), bao gồm:

- Vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật.

- Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được NHNN Việt Nam cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do NHNN tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.

- Vàng nguyên liệu là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác.

Bên cạnh 3 loại vàng vật chất nêu trên, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP còn định nghĩa hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản dưới hình thức giao dịch ký quỹ và giá trị ròng được định giá lại liên tục theo biến động của giá vàng. Việc ban hành kịp thời Nghị định số 24/2012/NĐ-CP gần như đã kiểm soát được tình trạng bất ổn định trên thị trường vàng vào thời điểm đó và Nghị định này cũng đã phát huy tác dụng khá tốt ngay từ khi ban hành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường vàng của Việt Nam vẫn còn những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, liên quan đến cơ chế, chính sách, tâm lý người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư… Từ đó đã khiến một lượng lớn kim loại quý hiếm này bị "đóng băng", chôn chặt trong két của người dân; không có sự liên thông, liên hoàn giữa thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới; biên độ, sự chênh lệch về giá vàng giao dịch trong nước và thế giới ở một số thời điểm rất lớn; nhiều hoạt động trong giao dịch của thị trường vàng còn méo mó;…

Do đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, với những yêu cầu, nhiệm vụ rất quyết liệt, đồng bộ và cụ thể đối với các bộ, ngành chức năng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Thứ nhất là, khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn thị trường vàng; Thứ hai, dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Vậy, làm gì để tiếp tục phát huy được sự đóng góp tích cực của thị trường vàng đối với nền kinh tế, đâu là những điểm "nghẽn" và "nút thắt" của thị trường vàng hiện nay với tư cách là nguồn vốn lưu thông, kênh đầu tư quan trọng của thị trường; giải pháp nào để phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững;… đang là những vấn đề được đặt ra.

2. Kinh nghiệm từ chính sách quản lý thị trường vàng tại Ấn Độ

Tại Ấn Độ, vàng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, tôn giáo và văn hóa của người dân. Với mục đích kiểm soát thị trường vàng, từ năm 1962, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến việc định hướng và kiểm soát, quản lý thị trường vàng.

Đạo luật kiểm soát vàng

Đạo luật kiểm soát vàng đã được Chính phủ Ấn Độ ban hành vào năm 1962, nhằm hạn chế dân chúng sử dụng vàng để tích trữ và tập trung huy động vàng vào ngân hàng trung ương (NHTW). Các quy định tại đạo luật này bao gồm các nội dung cơ bản như: Cấm các cơ sở sản xuất đồ trang sức bằng vàng có hàm lượng trên 14 carat; Các cơ sở sản xuất và kinh doanh trang sức phải ghi đầy đủ các thông tin về mua, sản xuất và bán vàng; Các cá nhân/hộ gia đình chỉ được giữ vàng trang sức; NHTW độc quyền trong việc xuất, nhập khẩu vàng.

Với những quy định trên, trong những năm đầu, Chính phủ Ấn Độ đã kiểm soát khá thành công thị trường vàng thông qua việc phát hành trái phiếu vàng, trong đó, chỉ trong vòng 3 năm (1962 - 1965), Chính phủ Ấn Độ đã huy động được 19,8 tấn vàng. Tuy nhiên, những năm sau đó, chính sách này đã bộc lộ những hạn chế, như: Dân chúng tiếp tục tích lũy vàng như là tài sản tiết kiệm; Việc xuất nhập lậu vàng trên quy mô lớn liên tục diễn ra và không thể kiểm soát; Chính sách ngoại hối liên tục bị ảnh hưởng bởi vàng. Để khắc phục những bất cập trên, vào đầu thập niên 1990 của thế kỷ XX, Ấn Độ bãi bỏ đạo luật này và vàng được coi như là một loại ngoại tệ.

Chính sách tự do hóa thị trường vàng

Vào năm 1997, Ủy ban về tài khoản vốn của chính phủ Ấn Độ đã xây dựng một chính sách toàn diện để tự do hóa thị trường vàng. Theo đó, các mục tiêu của chính sách này bao gồm: (i) Dỡ bỏ các rào cản đối với việc xuất nhập khẩu vàng, nhằm chống lại các hoạt động buôn lậu và tích trữ vàng; (ii) Phát triển các công cụ tài chính phái sinh gắn với vàng; (iii) Phát triển các thị trường đối với vàng vật chất và vàng phái sinh; (iv) Khuyến khích các NHTM (NHTM) và các tổ chức tài chính tham gia vào thị trường vàng.

Để đưa chính sách tự do hóa thị trường vàng vào thực tế, Ấn Độ đã triển khai một số hoạt động sau: (i) Tháng 7/1997, các NHTM Ấn Độ được cấp giấy phép tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu vàng; (ii) Đầu năm 1999, NHTW Ấn Độ cho phép các NHTM được phép huy động tiền gửi đảm bảo bằng vàng; (iii) Các sổ tiết kiệm bằng vàng được phép giao dịch trên thị trường thứ cấp; (iv) Sau năm 2000, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép phát triển các thị trường phái sinh và kỳ hạn liên quan đến vàng; (v) Năm 2003, Ấn Độ chính thức đưa vàng vào hoạt động tại Sở Giao dịch hàng hóa Ấn Độ nhằm tạo thị trường cho việc giao dịch vàng và dễ dàng trong quản lý.

Chính sách chống vàng hóa

Ngày 21/3/2012, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) ban hành quy định các công ty tài chính phi ngân hàng tại Ấn Độ không được cho vay dựa trên tài sản đảm bảo bằng vàng miếng và tiền xu vàng. Tiếp đó, tháng 11/2012, RBI có quy định cấm các NHTM cho vay để mua vàng dưới mọi hình thức. Ấn Độ cũng dừng kế hoạch cho phép tăng tỷ lệ danh mục cho vay dựa trên thế chấp bằng vàng từ 11% - 15%; đồng thời chỉ đạo các công ty tài chính phi ngân hàng giới hạn giá trị khoản vay ở mức 60% giá trị tài sản thế chấp bằng vàng so với tỷ lệ 90 - 100%.

Cùng với những động thái trên, đến tháng 2/2013, RBI yêu cầu các ngân hàng hợp tác xã chỉ được phép cho vay thế chấp bằng vàng và không được phép cho vay mua vàng dưới mọi hình thức. Đầu tháng 5/2013, RBI quy định các NHTM được phép cho vay dựa trên tài sản đảm bảo bằng vàng trang sức và tiền xu vàng do ngân hàng đúc, nhưng không được phép cho vay để mua vàng dưới bất kỳ hình thức nào. Cho vay dựa trên đảm bảo bằng tiền xu vàng đối với mỗi khách hàng không được vượt quá trọng lượng 50 gram vàng.

Nhờ những chính sách tự do hóa thị trường vàng kết hợp chính sách kiểm soát, quản lý thị trường vàng, Ấn Độ không chỉ ngăn chặn được hoạt động buôn lậu vàng, mà còn giải phóng được một nguồn vốn khổng lồ dưới dạng vàng vào phát triển kinh tế.

3. Giải pháp cho Việt Nam

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, các nước trên thế giới, kể cả các nền kinh tế lớn, các NHTW không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng, bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường. Tại các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan thì có Bộ Thương mại hoặc Bộ Công Thương, Bộ Kinh tế quản lý. NHNN chỉ quản lý về ngoại hối, điều tiết các dòng tiền ngoại tệ. Và các NHTW ở các nước chỉ có vai trò dự trữ quốc gia, điều phối vàng như là một tài sản để dự trữ quốc gia. Đây là một công cụ để bảo đảm an ninh tiền tệ. Như vậy, NHTW ở các nước không trực tiếp quản lý vàng.

Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua, những biến động mạnh của giá vàng, nhiều thời điểm đã trở thành "bong bóng" giá vàng. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, trong đó có vấn đề về yếu tố tâm lý. Sự chênh lệch giá vàng quá lớn giữa trong nước và nước ngoài thời gian gần đây đã làm hạn chế sự hội nhập và liên thông giữa thị trường vàng Việt Nam và thế giới. Lợi dụng tình hình, đã xuất hiện các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ vàng để trục lợi; dẫn đến thị trường vàng đôi lúc bị méo mó, phi thị trường... 

Để công tác quản lý, phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững, bảo đảm cho thị trường này ngày càng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, NHNN chỉ nên thực hiện quản lý và hoạch định hành chính, chính sách, điều tiết, dự trữ ngoại hối bằng vàng theo các pháp lệnh hiện hành, ví dụ như pháp lệnh ngoại hối, Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng, mà không tham gia sản xuất - kinh doanh và điều tiết thị trường vàng và các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự vào quá trình kinh doanh vàng, trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường.

Thứ hai, thị trường vàng Việt Nam đã đến lúc phải liên thông với thị trường thế giới, phải loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là chênh lệch giá vàng SJC như hiện nay bằng các giải pháp thị trường, sản xuất vàng miếng phải trao cho thị trường. Đồng thời, chính sách quản lý thị trường vàng cần phải tiến tới tự do hóa xuất nhập khẩu thông qua quản lý thị trường hàng hóa, Nhà nước chỉ điều tiết về chính sách như các nước khác trên thế giới.

Thứ ba, phải sớm chuyển đổi thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua các hợp đồng.

Thứ tư, quản lý thị trường vàng phải có giải pháp thích hợp để huy động được khối lượng vàng lớn trong dân hiện nay. Chúng ta ước tính đang có khoảng 400 tấn vàng vẫn nằm trong két của người dân.

Trong Nghị định số 24/2012/NĐ-CP cũng có một điều xác định vấn đề kinh doanh vàng trên tài khoản, nhưng toàn bộ nội dung không hề mở ra một chút nào về vấn đề kinh doanh tài khoản nên trong nước chỉ có chuyện mua bán vàng vật chất. Trong khi đó, xu thế giao dịch của thế giới hiện nay là mở ra phương thức kinh doanh trên sàn kinh doanh thông qua hợp đồng kinh doanh, thông qua các tín chỉ về vàng. Vậy, nếu chúng ta mở thêm các hình thức kinh doanh vàng qua tài khoản thì khi đó sẽ không bị quá lệ thuộc vào việc nhập khẩu mới có vàng, mà người ta có thể sử dụng các công cụ như công cụ phái sinh sẽ cân đối được ngay cung cầu.

Thứ năm, việc lập sàn giao dịch vàng là rất cần tính đến. Tất nhiên, vàng là hàng hóa đặc biệt, không phải hàng hóa thông thường, nên cần tính tới phương thức quản lý như thế nào. Cần tính tới mô hình sàn vàng như thế nào, xây dựng theo từng cấp độ, ví dụ, sàn sơ cấp, chỉ có một số nhà kinh doanh rất chuyên nghiệp mới giao dịch ở đó và thông qua liên thông quốc tế; còn sàn thứ cấp dành cho mua bán lẻ, có thể mua bán tự do trong nước, để chúng ta phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh đó, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý để kiểm soát, công nghệ thông tin để bảo đảm hàng hóa trên sàn…

4. Kết luận

Vàng là một loại hàng hóa rất đặc biệt, vì từ xưa tới nay, vàng có chức năng tích trữ, bảo toàn giá trị, chứ không chỉ đơn thuần sản xuất ra đồ trang sức. Chính vì thế, chúng ta nhìn thấy khi thế giới biến động, chiến tranh xảy ra, hay kinh tế có chiều hướng suy giảm… thì giá vàng tăng vọt, vì người ta giữ vàng để bảo vệ giá trị đồng tiền.

Người Việt Nam có tâm lý phòng ngừa rủi ro, phòng cho tương lai, tâm lý tích trữ rất cao. Chính vì vậy, người dân có nhu cầu sở hữu, mua, bán vàng miếng, không phải chỉ để trang sức, mà còn thực sự là để tích trữ, đề phòng rủi ro, có tài sản phòng thân. Đó là yêu cầu chính đáng. Tuy nhiên, nếu chúng ta không cho phát triển thị trường vàng miếng, mà giữ độc quyền chỉ có vàng miếng SJC, cung ít, cầu nhiều, thì đương nhiên giá tăng, dẫn đến tâm lý lo sợ lại lao đi mua, lại đẩy giá lên.

Rõ ràng như vậy, thị trường vàng vật chất của chúng ta cần phải mở cửa, phải làm sao tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp và không nên độc quyền một sản phẩm để tạo ra cung lớn hơn, rộng rãi, bình đẳng, cạnh tranh. Khi càng cạnh tranh về cung, càng có lợi cho người mua, giá sẽ ngang bằng, không còn chuyện giá phi lý. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ duy trì thị trường vàng vật chất, mua về cất tủ, két ở nhà, thì chỉ an toàn cho người có tiền, nhưng có sinh lợi hay không và đồng tiền đó có được đưa vào lưu thông không sẽ còn là vấn đề cần quan tâm.

Việc quản lý thị trường vàng, huy động vàng trong dân, quản lý theo Nghị định số 24 như vừa qua hay quản lý theo cơ chế thị trường, phù hợp hơn với các thông lệ quốc tế đều hướng tới mục tiêu chung là hoạt động của thị trường vàng cần lành mạnh, ổn định và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo được hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lê Đăng Doanh (2013), Quản lý thị trường vàng, những câu hỏi đang đợi trả lời, Tạp chí Tia sáng - Bộ Khoa học và Công nghệ. Truy cập tại http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&CategoryID=7&News=6527;

2. Tô Ánh Dương (2013), Bài học quản lý thị trường vàng Trung Quốc và Ấn Độ, bài tham luận Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2013.

3. Vietnam Banks Association (2011), Quản lý thị trường vàng nhìn từ kinh nghiệm Ấn Độ. Truy cập tại http://www.vnba.org.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=879:qun-ly-th-trng-vang-nhin-t-kinh-nghimn-&catid=35:tin-tai-chinh-ngan-hang&Itemid=55;

4. World Gold Council (2018), Why invest in gold? Gold’s role in long term strategies.

5. Chính phủ (2024), Tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”. Truy cập tại https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toa-dam-giai-phap-phat-trien-thi-truong-vang-an-toan-va-ben-vung-119240125092339488.htm

Some solutions to improve Vietnam's policies and laws for developing Vietnam’s gold market sustainably and safely

Master. Tran Phuong Tam An

Faculty of Economic Law, Hanoi Law University

Abstract:

This study analyzed the current situation of goods in the gold market according to international practices and proposed some recommendations to improve Vietnam's policies and laws for the current gold market. According to the standards of the State Bank of Vietnam (SBV), Vietnam's gold market is the gold bar, raw gold, and gold jewelry market. The goods allowed to be traded on the gold market are still monotonous and do not meet the needs of the economy. Moreover, the gold market management policy implemented by the SBV is still limited.

Keywords: gold market, gold business, gold bar market, gold jewelry market, raw gold market, management, development of a safe and sustainable gold market.

 [Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5 tháng 3 năm 2024]

Tạp chí Công Thương