Thực trạng và giải pháp tài nguyên trong phát triển du lịch biển tại Hải Phòng

TS. NGUYỄN HOÀI NAM (Trường Đại học Hải Phòng)

TÓM TẮT:

Hải Phòng là thành phố có nhiều lợi thế được thiên nhiên ban tặng, hội tụ đầy đủ những điều kiện chung và điều kiện khác mang tính đặc thù để phát triển du lịch biển. Phát triển du lịch biển góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường biển. Tuy nhiên, việc khai thác những tài nguyên du lịch biển tại Hải Phòng. Thời gian qua chưa hiệu quả, trình độ khai thác tài nguyên du lịch biển còn lạc hậu, sản phẩm du lịch biển chưa phong phú ở trình độ thấp, thiếu tính hệ thống, còn dàn trải, manh mún, chưa tập trung,… một số chỉ tiêu phát triển du lịch biển của Hải Phòng còn hạn chế, chưa phát huy được những tiềm năng và thế mạnh trong phát triển du lịch biển. Trong phạm vi bài viết sẽ đề cập tới những vấn đề về tài nguyên du lịch biển, các sản phẩm du lịch biển và cơ sở vật chất trong phát triển kinh tế du lịch biển tại Hải Phòng.

Từ khóa: Du lịch biển, tài nguyên, Hải Phòng.

1. Thực trạng tài nguyên du lịch biển tại Hải Phòng

* Tài nguyên du lịch tự nhiên trong phát triển du lịch biển tại Hải Phòng

Vùng biển Hải Phòng có diện tích khoảng 4.000 km2, gấp 2,6 lần diện tích đất đai của thành phố, chiếm 5,4% diện tích vịnh Bắc Bộ. Hải Phòng nằm ở ven bờ Tây Bắc vịnh Bắc Bộ có đường bờ biển dài khoảng 125 km, có 6 cửa sông chính đổ ra biển. Với 8/15 quận, huyện tiếp giáp với biển và 2 huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ, tài nguyên du lịch biển tập trung chủ yếu ở Cát Bà, Đồ Sơn, một phần tại Bạch Long Vĩ. Có hơn 400 đảo, tập trung ở quần đảo Cát Bà (367 đảo) với diện tích 334,1 km2, trong đó đảo đá vôi Cát Bà là một trong ba đảo lớn nhất ở nước ta và là đảo đá vôi lớn duy nhất. Các hệ sinh thái biển quan trọng như rạn san hô phân bố ở ven bờ Cát Bà, Long Châu và Bạch Long Vĩ, rừng ngập mặn và thảm rong tảo - cỏ biển phân bố ở vùng triều, trên các bãi bồi cửa sông, ven biển, ven đảo. Vùng biển Hải Phòng có 135 loài thực vật nổi, 138 loài rong, 23 loài thực vật ngập mặn, 500 loài động vật đáy vùng triều, 150 loài san hô, 189 loài cá, tôm. Trên các đảo có các hệ sinh thái rừng nhiệt đới còn giữ được tính đa dạng sinh học cao với điều kiện tự nhiên rất phong phú, đa dạng có những nét độc đáo mang sắc thái của cảnh quan nhiệt đới gió mùa và nhiều nét văn hóa đặc sắc gắn với những địa danh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển như:

* Tài nguyên du lịch nhân văn trong phát triển du lịch biển tại Hải Phòng

Bên cạnh những tài nguyên du lịch biển, Hải Phòng còn có nhiều tài nguyên nhân văn, là địa phương bảo tồn được nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian phi vật thể, trong các làng xã đều có chùa, đình, đền, miếu, am. Hải Phòng còn đan xen văn hóa biển, bên cạnh việc thờ thần Cao Sơn (thần núi) còn thờ thủy thần (thần nước) với dấu tích còn lại của tục thờ trăng và thờ trâu.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, thời kỳ nào Hải Phòng cũng có những di tích tiêu biểu. Thống kê cho thấy, Hải Phòng có hơn 50 di tích tôn thờ các nhân vật có nguồn gốc từ thời Hùng Vương. Hệ thống di tích tiêu biểu có giá trị lịch sử, số lượng di tích, và quy mô kiến trúc đó là những di tích liên quan đến ba lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng dưới các triều đại phong kiến. Sông Bạch Đằng là dòng sông lớn và hùng vĩ. Năm 1835, Vua Minh Mạng sai đúc Cửu đỉnh đặt trước Thế miếu thì Bạch Đằng được khắc vào một trong 9 đỉnh và ghi vào từ điển thờ cúng... Sự dung hòa, đan xen văn hóa đó đã làm cho văn hóa Hải Phòng không bị khép kín mà mở rộng, phong phú và đa dạng.

* Cơ sở vật chất trong phát triển du lịch biển tại Hải Phòng

Từ bảng số liệu cho thấy về cơ bản vận chuyển phục vụ du lịch biển tại Đồ Sơn và Cát Bà đã đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Tuy nhiên, để phát triển du lịch biển tại địa bàn Bạch Long Vĩ cần có sự đầu tư hơn nữa về phương tiện vận chuyển.

Về phương tiện vận chuyển khách du lịch Hải Phòng chủ yếu bằng ô tô, trong khi lợi thế du lịch Hải Phòng là du lịch biển, phương tiện vận chuyển bằng tàu biển ít và giảm trong năm 2015.

Về đường bộ, trên thực tế, ở Hải Phòng ít có các công ty vận tải chuyển phục vụ khách du lịch nói chung. Toàn thành phố chỉ có một số nhà xe chuyên phục vụ du lịch như Trang Anh, Hải Yến, Hoa Trung, Đoàn Xuân... Các công ty lữ hành thường không có các đội xe riêng của mình mà phải sử dụng xe từ các nhà xe này. Điều này dẫn đến tình trạng vào mùa cao điểm hiện tượng không đủ xe, ép giá thường xuyên xảy ra. Có những mùa cao điểm, các công ty lữ hành tại Hải Phòng buộc phải thuê các xe từ các địa bàn lân cận như Hải Dương, Thái Bình.

Về đường thủy, do đặc thù của Hải Phòng có các huyện đảo nên đã hình thành các cụm, khu du lịch biển đảo riêng biệt. Từ đó, ngoài việc các hãng vận chuyển đường thủy ngoài việc phục vụ đi lại thông thường cho người dân bản địa còn phục vụ cho cả hoạt động du lịch. Trong đó có những đội tàu tại Bến Nghiêng hay Vịnh Lan Hạ là những đội tàu chuyên biệt phục vụ cho hoạt động du lịch.

Để phát triển du lịch biển của thành phố, tại 52 khu và địa điểm du lịch biển của Hải Phòng tập trung ở Cát Bà, Đồ Sơn, hệ thống cơ sở lưu trú đã phát triển, đến nay có 313 cơ sở lưu trú được cấp phép hoạt động nâng tổng số phòng nghỉ lên đến 5712 phòng.

Tại khu du lịch Đồ sơn, đối với các nhà khách, nhà nghỉ của các bộ, ngành của Trung ương, thành phố đầu tư từ những thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước đã xuống cấp và lạc hậu chưa được đầu tư nâng cấp. Đặc biệt, hệ thống thu gom xử lý nước thải đầu tư đã 10 năm nay nhưng vẫn dở dang, ngày mưa nước thải tràn ra mặt đường đổ xuống bãi biển gây ô nhiễm. Thực trạng của việc đầu tư cho các hoạt động dịch vụ du lịch Đồ Sơn như hiện nay cho thấy phần lớn các đơn vị thiếu năng lực tài chính; còn các hộ kinh doanh cá thể nhà hàng, nhà nghỉ chưa có sự quan tâm phù hợp để đầu tư đúng mức, nên hệ thống thu gom xử lý rác thải, nước thải còn chưa được quan tâm đầu tư. Chính vì vậy ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch Đồ Sơn.

Mặt khác, công tác lập quy hoạch phát triển du lịch và quản lý quy hoạch còn hạn chế. Mới có quy hoạch về đô thị, chưa có quy hoạch phát triển du lịch Đồ Sơn nên ảnh hưởng tới hoạt động xúc tiến đầu tư. Chưa có những khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp để thu hút du khách cũng như đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cho khách nước ngoài, khắc phục tình trạng du lịch một mùa.

Cơ sở hạ tầng du lịch còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, đã ảnh hưởng đến việc đăng cai tổ chức các sự kiện và hoạt động du lịch lớn. Các cơ sở du lịch có quy mô lớn lại do các bộ, ngành quản lý và tổ chức khai thác nên tính chuyên nghiệp không cao, vẫn còn bao cấp trong thu hút khách và tổ chức hoạt động kinh doanh của các cơ sở trực thuộc gắn với các bộ, ngành. Đặc biệt, chưa có sự bình đẳng trong kinh doanh du lịch. Đây là vấn đề cần xử lý để du lịch Đồ Sơn chuyển mạnh sang kinh tế thị trường, nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh của các hoạt động kinh doanh du lịch.

* Sản phẩm du lịch biển tại Hải Phòng

Từ những tiềm năng về tài nguyên tự nhiên biển, tài nguyên nhân văn, lợi thế về địa hình, vị trí địa lý của các quận huyện có bờ biển, bãi biển và các hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật... của địa phương, Sở Du lịch kết hợp với UBND các quận Đồ Sơn, huyện Cát Hải và Bạch Long Vĩ đã xác định và lựa chọn đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch biển: Du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng; Du lịch biển kết hợp hội thảo, hội nghị, hội chợ; Du lịch biển thể thao mạo hiểm kết hợp tìm hiểu và khám phá những văn hóa của địa phương...

Những sản phẩm du lịch biển đã và đang được tổ chức và khai thác gồm có:

- Lặn biển: Ven bờ biển thuộc quần đảo Cát Bà có thềm san hô bao quanh. Cho đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện 193 loài thuộc lớp san hô ở vùng biển Cát Bà. Cát Bà có hơn 10 điểm có thể đưa vào phục vụ du khách lặn biển. Tuy nhiên, lặn biển ở Cát Bà chưa phổ biến, du khách lặn biển với thời gian ngắn, chưa khai thác hết được những tiềm năng, doanh thu không đáng kể.

- Leo núi: Có hàng chục điểm leo núi ở trên các đảo thuộc vịnh Lan Hạ, trên đất liền và xung quanh khu vực Cát Bà tạo ra điểm nhấn cho du lịch đảo Ngọc với những vách đá cheo leo như: Đảo Đầu Bê; Bến Bèo; Hòn Bút; Vân Bôi; Hang Cá; Vách đá Ba anh em. Phần lớn những du khách sử dụng dịch vụ này đều là người nước ngoài, có sức khỏe và thích mạo hiểm.

- Chèo thuyền Kayaking: Chèo thuyền kayak tham quan vịnh Lan Hạ là một sản phẩm du lịch biển. Việc lựa chọn thuyền kayak khám phá vịnh Lan Hạ sẽ mang lại những trải nghiệm mới mà tàu du lịch không thể có. Thuyền kayak có thể đưa người tham gia đến sát chân núi đá, đi qua những hòn đảo và hang nhỏ, chiêm ngưỡng những đảo đá vôi đẹp ở cự ly gần. Đây sẽ là trải nghiệm khám phá thú vị cho những vị khách ưa mạo hiểm.

- Đạp xe dã ngoại: Với con đường xuyên đảo quanh co có nhiều đèo dốc, trên cung đường đi có những bãi biển hoang sơ, những hàng cây, những thảm cỏ,… Những điều này có thể thấy Cát Bà có thể phát triển xe đạp dã ngoại tốt.

- Khu vui chơi giải trí tổng hợp: Trong phạm vi toàn thành phố nói chung và ở vùng biển Hải Phòng nói riêng, các cơ sở vui chơi - giải trí - thể thao còn hạn chế, đây là một trong những nguyên nhân không giữ được khách lưu lại dài ngày. Mặc dù đã có một số điểm vui chơi như: Sân golf Đồ Sơn, Casino Đồ Sơn (chỉ giành cho người nước ngoài), Khu vui chơi giải trí Hòn Dấu, vũ trường nhưng chỉ đáp ứng được một phần đối tượng khách có khả năng chi trả cao, thanh, thiếu niên và khách du lịch trẻ tuổi. Các hình thức vui chơi giải trí mang tính chất quần chúng hầu như không có.

- Dịch vụ câu cá, câu mực trên biển: Dịch vụ câu cá, câu mực đêm chưa được tổ chức bài bản để trở thành một sản phẩm du lịch thu hút du khách. Cung cấp dịch vụ này thường do ngư dân tự tổ chức khi du khách có nhu cầu, do đó tính an toàn đối với du khách chưa được đảm bảo đặc biệt vào buổi tối, cơ quan quản lý Nhà nước không kiểm soát được.

- Sản phẩm du lịch như tắm biển, nghỉ dưỡng kết hợp với thưởng thức văn hóa ẩm thực, du lịch tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; du lịch tham quan làng nghề, du lịch văn hóa - lễ hội; du lịch công vụ hội nghị, hội thảo, du lịch thể thao như đu bay, môtô nước đã và đang cung ứng tại Cát Bà, Đồ Sơn nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

2. Kết quả du lịch biển tại Hải Phòng


Từ bảng số liệu trên cho thấy:

+ Khách quốc tế trong tổng số lượng khách du lịch tại Hải Phòng chiếm tỷ trọng nhỏ dao động từ 11,07% tới 13,33%.

+ Tỷ trọng lượt khách du lịch biển so với tổng lượt khách du lịch tại Hải Phòng chiếm tỷ trọng lớn, dao động từ 68,45% tới 84,09%.

+ Tỷ trọng lượt khách du lịch biển trong tổng số lượt khách du lịch tại Hải Phòng chiếm từ 68,45% tới 84,09%, trong khi đó tỷ trong doanh thu du lịch biển so với tổng doanh thu chiếm từ 37,94% tới 49,39%.

Như vậy, trong những năm qua du lịch biển của Hải Phòng đã đạt được những thành công đáng khích lệ, tích cực khai thác và phát huy các lợi thế, tiềm năng du lịch của thành phố. Tuy nhiên, du lịch biển tại Hải Phòng còn nhiều hạn chế:

- Kết quả thực hiện các chỉ tiêu về phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, mức chi tiêu của khách du lịch thấp; thời gian lưu trú bình quân ngắn; doanh thu du lịch biển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế; Tỷ trọng lượng khách du lịch quốc tế trong tổng số khách du lịch nhỏ và có xu hướng giảm.

- Chưa có bước phát triển đột phá để khẳng định du lịch biển thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và đang có xu hướng tụt hậu so với các khu vực lân cận.

- Công tác xúc tiến quảng bá du lịch biển thời gian qua vẫn ở phạm vi hẹp, công nghệ chưa cao và chưa thường xuyên và sâu rộng, hình ảnh du lịch Hải Phòng chưa đến được các thị trường quốc tế.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch biển còn dàn trải, manh mún, triển khai còn chậm, chưa đồng bộ.

- Công tác đào tạo nhân lực du lịch còn hạn chế, trình độ nhân lực làm du lịch còn thấp chưa thật sự đáp ứng yêu cầu.

- Tính liên kết du lịch của Hải Phòng với du lịch với các địa phương lân cận chưa đáp ứng yêu cầu phát triển...

- Các sản phẩm du lịch biển chưa phong phú, chưa tạo được những sản phẩm du lịch có chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế, việc khai thác vẫn ở trong phạm vi hẹp, công nghệ chưa cao, chưa có sự khác biệt, chưa thể hiện đặc thù văn hóa du lịch.

- Bộ máy quản lý gồm nhiều cơ quan có liên quan chéo, thiếu tập trung; Vi phạm của các cơ sở kinh doanh du lịch về giá, mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn phổ biến; Quản lý về môi trường còn hạn chế, chưa triệt để; Hoạt động du lịch còn phân tán, chưa bài bản, nhất là các công trình hạ tầng du lịch; Chưa tạo lập được môi trường kinh doanh du lịch hấp dẫn...

3. Một số giải pháp

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức xã hội ứng xử văn hóa, văn minh, bảo vệ các di tích, tài nguyên du lịch. Thực hiện tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm văn hóa và du lịch của thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch trong nước và quốc tế.

- Thành phố bảo đảm bố trí nguồn ngân sách địa phương kết hợp với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện các dự án xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động văn hóa và du lịch. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ kinh phí và thu hút nguồn lực xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đào tạo nhân lực; và hạ tầng các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn thành phố.

- Khuyến khích phát triển các hình thức kinh doanh thể thao, đặc biệt là các loại hình thể thao gắn với du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch biển đảo; các loại hình kinh doanh sản phẩm du lịch có khả năng tạo nguồn thu cao. Hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động nghiên cứu thị trường; tăng cường hỗ trợ từ ngân sách và huy động nguồn xã hội hoá cho hoạt động xúc tiến quảng bá văn hóa, du lịch.

- Đảm bảo an ninh y tế, phòng chống dịch bệnh; phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng lợi dụng hoạt động du lịch để thực hiện các hoạt động phạm tội hoặc xâm phạm chủ quyền quốc gia.

- Tăng cường vai trò của Hiệp hội Du lịch trong việc phối hợp quản lý môi trường du lịch bảo đảm an ninh, an toàn, chống chèo kéo, ép giá khách du lịch; phát động phong trào các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia phối hợp trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho khách du lịch.

- Quản lý chặt chẽ các khu vực khai thác khoáng sản, bảo đảm không ảnh hưởng tới các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nước mưa; cung cấp nước sạch tại các khu du lịch, hướng đến xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch thân thiện với môi trường.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa ngành Du lịch với các ban ngành có liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ của quy hoạch. Đẩy mạnh sự phối hợp và hợp tác giữa thành phố với các địa phương trong việc tổ chức và tham dự các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế. Xây dựng và triển khai các chương trình liên kết về văn hóa, thể thao và du lịch giữa Hải Phòng với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng trung du - miền núi Bắc bộ và các vùng khác.

- Nghiên cứu, xác định thị trường quốc tế trọng điểm để xây dựng các sản phẩm du lịch và có hình thức tuyên truyền quảng bá phù hợp. Phát triển những hình thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để mở rộng cơ hội giới thiệu các giá trị văn hóa, thương hiệu du lịch Hải Phòng ra thế giới. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề du lịch văn hóa theo tiêu chuẩn nghề ASEAN.

Để phát triển du lịch biển tại Hải Phòng trong thời gian tới theo hướng bền vững, khai thác tốt những tài nguyên du lịch và bảo tồn các giá trị di sản thiên nhiên, đem lại những lợi thế cạnh tranh dựa trên sự khác biệt, đạt đẳng cấp quốc tế; Trở thành điểm đến lý tưởng trong tâm trí du khách trong và ngoài nước. Cần thực hiện những giải pháp sau:

- Quy hoạch tổng thể vùng biển và phân vùng chức năng để quản lý. Khu bảo tồn có thể được chia thành 3 vùng với 3 chế độ quản lý khác nhau: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt; Vùng hạn chế khai thác; Vùng sử dụng chung. Việc phân chia sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát được sinh vật biển và đưa ra các biện pháp bảo vệ. Ưu tiên đầu tư nâng cấp trang thiết bị, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học nhằm nâng cao chất lượng điều tra, quan trắc, nghiên cứu về các chỉ tiêu nguồn nước biển, dự báo về tài nguyên và môi trường biển phục vụ phát triển du lịch biển đảo. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch biển bền vững từ góc độ môi trường...

- Quy hoạch phát triển du lịch Đồ Sơn tạo thành một khu du lịch tổng hợp 3 khu với chức năng riêng biệt:

+ Khu I: Chuyên sâu về loại hình du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, ẩm thực và hội nghị hội thảo, trung tâm thương mại.

+ Khu II: Chuyên về loại hình du lịch tắm biển, vui chơi giải trí với các hoạt động dưới biển như môtô nước, lướt ván, dù bay, du thuyền và tổ chức các sự kiện du lịch.

+ Khu III: Gồm khu du lịch với các biệt thự riêng biệt, tĩnh lặng sẽ thích hợp phát triển loại hình du lịch sinh thái như leo núi, dã ngoại, câu cá, hội trại, phòng trà, quán bar; tham quan các điểm du lịch sinh thái và di tích lịch sử văn hoá, tâm linh như rừng nguyên sinh Đảo Dấu nơi có đền thờ Đức Nam Hải đại thần vương và ngọn Hải đăng, Bến Nghiêng, Bến K15 - Tầu không số, Khu Hòn Dấu Resort, Casino...

- Xây dựng phát triển hệ thống các cơ sở lưu trú bao gồm các khách sạn, nhà nghỉ dựa trên cơ sở thu hút đầu tư và giải quyết các vướng mắc về thủ tục, nhất là các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch đã được phê duyệt, nhanh chóng hoàn thành đưa vào phục vụ du khách trong nước và quốc tế, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch như: dự án Hòn Dấu Resort, đảo Hoa phượng Daso, khu nghỉ cuối tuần của Vinaconex, Vạn Sơn Resort, khách sạn 5 sao của Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường tại Đồ Sơn, dự án khu nghỉ dưỡng Cát Bà Amatina, khu nghỉ dưỡng cao cấp Venus Cát Bà.

- Xây dựng cảng biển trong khu du lịch Đồ Sơn là nơi trung chuyển khách từ Đồ Sơn - Cát Bà - Hạ Long - Móng Cái - Bắc Hải và Fòng Thành - Trung Quốc và ngược lại.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư du lịch. Đẩy mạnh hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch, đồng thời khuyến khích đầu tư hạ tầng tiến tới xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch để huy động tối đa các nguồn vốn trong xã hội.

- Xây dựng các công trình vui chơi giải trí trên cơ sở thu hút đầu tư, giải quyết các thủ tục nhanh gọn… mở thêm các khu vui chơi, giải trí tổng hợp nhằm gia tăng thời gian lưu trú của du khách trên các địa bàn của thành phố.

- Tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch biển đảo như hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn trang trí, cảng biển… Xây dựng hệ thống các cảng biển chuyên dụng dành cho việc đón khách du lịch tàu biển, xây dựng ga hành khách hiện đại, trang bị đầy đủ các tiện nghi và dịch vụ cần thiết. Hướng dẫn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách trong cơ sở lưu trú du lịch.

- Nâng cao chất lượng các tuyến du lịch biển hiện có, mở thêm tuyến du lịch sinh thái biển Hải Phòng - Bạch Long Vỹ. Phối hợp với các tỉnh, thành phố bạn trong và ngoài nước, thực hiện nối tuyến du lịch địa phương với tuyến du lịch quốc gia và quốc tế: Chú trọng tuyến đường bộ Hải Phòng - Côn Minh, Hải Phòng - Nam Ninh (Trung Quốc), Hải Phòng - Nghệ An - Thái Lan; mở tuyến du lịch đường thủy từ Hải Phòng đi các cảng quốc tế trong khu vực. Tập trung kinh phí và nỗ lực xúc tiến mở các tuyến bay quốc tế mới từ Hải Phòng đến các sân bay quốc tế trong khu vực như: Nam Ninh, Hải Nam (Trung Quốc), Băng Cốc, Pattaya (Thái Lan), Busan (Hàn Quốc) làm cơ sở mở các tuyến du lịch Hải Phòng - Pattaya - Băng Cốc - Nam Ninh, Hải Phòng - Hải Nam, Hải Phòng - Busan; tăng cường xúc tiến thị trường khách trong nước tạo nguồn khách đối ứng nhằm nâng cao hiệu quả tuyến bay Macao - Hải Phòng.

- Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện truyền thông có uy tín trong nước và quốc tế. Tiếp tục tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch quốc tế trong và ngoài nước; tổ chức thường xuyên hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị... để các hãng lữ hành, phóng viên các hãng thông tấn báo chí có uy tín đến nghiên cứu viết bài, đưa tin và xây dựng các chương trình du lịch nhằm quảng bá và khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa của các di tích lịch sử văn hoá của địa phương; nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội hiện có trên địa bàn, nâng tầm lễ hội các truyền thống và các lễ hội tâm linh khác của địa phương thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

2. Báo cáo tổng kết Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hải Phòng từ 2011- 2015.

3. Nghị quyết số 01/2009/NQ-HĐND về phát triển kinh tế biển thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

4. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Đồ Sơn đến năm 2020.

5. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

6. Quy hoạch không gian biển thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

DEVELOPING SEA TOURISM IN HAI PHONG CITY: SITUATIONS AND SOLUTIONS

Ph.D. NGUYEN HOAI NAM

Hai Phong University

ABSTRACT:

The northern coastal city of Hai Phong has many advantages including both general and unique strengths to develop sea tourism. The development of the sea tourism would contribute to the development of other economic sectors, create more jobs, ensure national security and protect the marine environment. However, the exploitation of the sea tourism’s resource’s in Hai Phong city over years is ineffective with poor and fragmented sea tourism products. Hai Phong city does not use effectively its resources and promote fully its strengths to develop the sea tourism. This study introduces issues related to the sea tourism development in Hai Phong city including tourism resources, tourism products and tourism facilities.

Keywords: Sea tourism, resources, Hai Phong city.