Thực trạng và giải pháp tăng cường hiệu quả công tác xuất khẩu lao động tại Nghệ An

ThS. DƯƠNG THỊ HỒNG VÂN (Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết chỉ ra thực trạng trong công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhằm tạo điều kiện cho người lao động có việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững tại tỉnh Nghệ An. Từ đó đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác XKLĐ tại tỉnh.

Từ khóa: Xuất khẩu lao động, thị trường lao động, xóa đói giảm nghèo, tỉnh Nghệ An.

1. Đặt vấn đề

Hoạt động XKLĐ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn lao động của các nước, với đủ các loại hình lao động khác nhau. Đồng thời, tạo cho người lao động Việt Nam nhiều cơ hội làm việc, tìm kiếm được nguồn thu nhập tốt. Trong những năm qua, Nghệ An luôn là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng người đi XKLĐ, góp phần quan trọng, tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo nhanh bền vững trên địa bàn tỉnh.

Giải quyết việc làm cho người lao động mà cụ thể là XKLĐ là yếu tố quyết định để phát huy nguồn lực, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và yêu cầu bức xúc của nhân dân. Vì vậy, những năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với vấn đề giải quyết việc làm và XKLĐ, nhằm tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội có việc làm, tăng thu nhập.

Do đó, bài viết phân tích thực trạng công tác XKLĐ tại tỉnh Nghệ An và từ đó đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác XKLĐ tại tỉnh.

2. Sự cần thiết phải có hoạt động XKLĐ

Để giải quyết tình trạng bất ổn do sự phát triển không đồng đều về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, sự phân bố không đồng đều về tài nguyên dân cư - khoa học công nghệ giữa các vùng - khu vực - quốc gia, việc các quốc gia phải tìm kiếm và sử dụng các nguồn lực từ bên ngoài để bù đắp một phần thiếu hụt các yếu tố cần thiết cho sản xuất và phát triển kinh tế của nước mình là tất yếu.

Các nước XKLĐ thường là các quốc gia kém hoặc đang phát triển, có dân số đông, thiếu việc làm, hoặc có thu nhập thấp, không đủ đảm bảo cho cuộc sống gia đình và chính bản thân người lao động. Còn với các quốc gia phát triển buộc phải thuê lao động nước ngoài làm việc tại những nước kém phát triển hơn để duy trì phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, nguồn thu nhập cao từ hoạt động XKLĐ của người lao động đã góp phần cải thiện đời sống gia đình và thân nhân họ, giúp nhiều gia đình trở nên khá giả. Nhiều lao động sau khi về nước đã trở thành các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội. Vì vậy, XKLĐ đang được coi là một trong những ngành kinh tế đối ngoại mang lại nhiều lợi ích to lớn cả về mặt kinh tế - xã hội, là giải pháp tạo việc làm quan trọng và mang tính chiến lược của nước ta nói chúng và tỉnh Nghệ An nói riêng.

3. Thực trạng hoạt động XKLĐ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2019

Nghệ An là tỉnh có dân số đứng thứ 4 cả nước, với quy mô lao động lớn, chiếm khoảng 67% tổng dân số cả tỉnh, trong đó lực lượng lao động trẻ chiếm gần 52% tổng lực lượng lao động. Nguồn lao động lớn là một lợi thế đối với tỉnh, đồng thời cũng tạo nên nhiều áp lực đối với vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động. Dù công tác giải quyết việc làm đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp tạo việc làm hiệu quả như phát triển các làng nghề thủ công, xây dựng và mở rộng khu công nghiệp... góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo trật tự xã hội, quốc phòng an ninh và phát triển xã hội, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và người lao động, nhất là thiếu việc làm đối với người lao động.

Giai đoạn năm 2015 - 2020, tỉnh Nghệ An đã giải quyết việc làm cho 150.510 người, đạt 100,47% so với kế hoạch đề án đề ra, trong đó XKLĐ đạt 53.174 người, tăng 15,4 % so với giai đoạn 2010 - 2014. Chất lượng lao động từng bước được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2015 lên 65% năm 2019. Nhiều năm qua, Ban Chỉ đạo XKLĐ tỉnh đã thực hiện tuyên truyền, cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đến tận người dân, nhất là độ tuổi thanh niên ở các địa bàn trong tỉnh. Kết quả, giai đoạn 2017 - 2019, Nghệ An dẫn đầu cả nước về số lượng XKLĐ với hơn 13.500 lao động làm việc ở nước ngoài có thời hạn ở khoảng 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với các ngành, nghề khác nhau từ lao động giản đơn đến lao động kỹ thuật cao trong năm 2019. Thị trường XKLĐ của tỉnh chủ yếu tại: Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các địa phương: Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Kỳ Sơn, Con Cuông là những địa phương có nhiều lao động đi XKLĐ, đa phần thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách người có công với cách mạng. Phần lớn người lao động được các thị trường tiếp nhận đánh giá là có tố chất cần cù, thông minh, khéo tay, nắm bắt nhanh công việc đảm nhận, ham học hỏi, sáng tạo, năng động, làm việc năng suất, chất lượng.

Bảng. Tình hình xuất khẩu lao động tại Nghệ An từ năm 2017 – 2019

Tình hình xuất khẩu lao động tại Nghệ An từ năm 2017 – 2019

Nguồn: Phòng Việc Làm - Sở Lao động và Thương binh Xã hội tỉnh Nghệ An

Bảng Tình hình xuất khẩu lao động tại Nghệ An từ năm 2017 - 2019 cho thấy mức thu nhập bình quân như sau: Thị trường Hàn Quốc 35 triệu đồng/người/tháng; Nhật Bản 25 triệu đồng/người/tháng; Đài Loan 18 triệu đồng/người/tháng; Malaysia 12 triệu đồng/người/tháng; các nước Trung Đông 11 triệu đồng/người/tháng. Ngoài mức lương cơ bản trên, người lao động còn được tăng thêm thu nhập từ việc tăng ca, thưởng… nên thực tế, thu nhập của lao động cao hơn lương cơ bản từ 1,2 đến 1,5 lần, đặc biệt tại thị trường Hàn Quốc gấp 2 đến 2,5 lần.

Sau khi đi XKLĐ về nước, trừ những trường hợp gặp rủi ro phải về nước trước thời hạn, đa số người đi XKLĐ đời sống vật chất được cải thiện, xây dựng được nhà cửa, mua sắm các vật dụng sinh hoạt, nâng cao đời sống gia đình. Kết quả XKLĐ đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo của tỉnh.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác XKLĐ của cấp ủy, chính quyền các cấp tương đối đồng bộ, có hệ thống; việc triển khai thực hiện với nhiều giải pháp tổng hợp, sát thực và hiệu quả. Từ những kết quả đạt được trong công tác XKLĐ đã làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở cơ sở về vai trò, tầm quan trọng của XKLĐ đối với giải quyết việc làm tại địa phương, qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về ý nghĩa, sự cần thiết của XKLĐ và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào này.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh từng bước tiếp cận thị trường lao động quốc tế, chủ động tìm kiếm, khai thác, mở rộng thị trường tiếp nhận lao động, ký được nhiều hợp đồng cung ứng lao động với nước ngoài, bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động. Một số doanh nghiệp đã triển khai đầu tư theo chiều sâu, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ tuyển chọn, đào tạo lao động; cơ cấu, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn của doanh nghiệp hợp lý; quy trình hóa các khâu nghiệp vụ, bước đầu áp dụng công nghệ thông tin và quản trị doanh nghiệp.

Dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng việc XKLĐ trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế và bất cập, như:

(1) Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhìn chung chưa sâu rộng. Đối tượng tuyên truyền, phổ biến chủ yếu là cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã có liên quan đến hoạt động này. Đối với người dân, chủ yếu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, tài liệu in ấn khác, số được phổ biến trực tiếp không nhiều. Đối với các doanh nghiệp, việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về lĩnh vực này chỉ nhằm mục đích chính là phục vụ cho tuyển dụng lao động, chưa bảo đảm để người lao động hiểu biết đầy đủ pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Trong khi đó, một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh thông tin tập trung vào các khía cạnh tiêu cực, hạn chế, làm khó khăn hơn cho công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

(2) Số lượng tuy tăng nhanh hàng năm, nhưng chất lượng chưa được cải thiện nhiều. Tỷ lệ lao động phổ thông còn chiếm 60-70%, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật, văn hóa trong quá trình lao động tại nước bạn… còn nhiều hạn chế. Thu nhập bình quân của lao động xuất khẩu (LĐXK) còn thấp hơn với các tỉnh khác trong nước. Điểm yếu kém chậm khắc phục nhất là các cơ sở đào tạo LĐXK chỉ chú trọng đào tạo “nghề”, chưa chú trọng đào tạo “người”, bồi dưỡng kỹ năng sống, phổ biến về phong tục, tập quán văn hóa nước sở tại. Tỷ lệ LĐXK vi phạm thời gian lao động, sống buông thả, gây gổ đánh nhau, sa vào tệ nạn rượu, chè,... gia tăng không chỉ gây bất bình cho chủ sở hữu lao động, mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, tình cảm của họ với đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng. Tỷ lệ lao động bỏ trốn, thảm kịch tại Anh cho thấy có những lao động trẻ sẵn sàng ra nước ngoài mà không hề tuân theo pháp luật về xuất nhập cảnh của Việt Nam, cũng như nước sở tại.

Trong 109 quận, huyện cả nước có tỷ lệ trên 30% lao động hết thời hạn không về nước, cư trú bất hợp pháp thì Nghệ An có 11 huyện, thị, thành là: Nghi Lộc, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Tân Kỳ (dẫn đầu số lượng cả nước). Các địa bàn này đã phải chịu án phạt từ phía các nước bạn không tiếp nhận lao động trong năm 2019.

(3) Công tác quản lý lao động ở nước ngoài còn yếu kém. Nhiều LĐXK bị ép buộc làm thêm giờ trái pháp luật nước sở tại, hiện tượng lao động bị cưỡng bức, lạm dụng còn tồn tại mà chưa có những biện pháp xử lý kịp thời. Các chế tài chưa đủ mạnh để buộc người lao động hết hạn phải về nước.

(4) Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa thực sự mạnh, thiếu kiên quyết, hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp liên ngành trong việc quản lý doanh nghiệp và người lao động vẫn còn hạn chế. Công tác quản lý hoạt động liên kết đào tạo và cung ứng nguồn của một số cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tư nhân cho các doanh nghiệp XKLĐ còn thiếu chặt chẽ. Việc vi phạm của doanh nghiệp về tổ chức bộ máy; hoạt động của chi nhánh, trung tâm, tổ chức tuyển dụng, đào tạo, giáo dục định hướng, thu phí, tổ chức quản lý người lao động, thực hiện chế độ báo cáo… diễn ra ở mức độ khác nhau còn khá nhiều nhưng chưa kiểm soát được.

(4) Các doanh nghiệp quy mô nhỏ còn thiếu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động đa ngành chưa quan tâm đầy đủ đối với tổ chức chuyên hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hợp đồng cung ứng lao động chủ yếu qua môi giới, doanh nghiệp không có điều kiện tìm hiểu đầy đủ về đơn vị tiếp nhận lao động nên chất lượng hợp đồng cung ứng lao động chưa bảo đảm. Việc đăng ký hợp đồng cung ứng lao động vẫn còn vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau, như: không đăng ký hợp đồng; tổ chức thực hiện hợp đồng trước khi đăng ký; đưa lao động đi nhiều hơn số lượng hợp đồng đăng ký...

(5) Công tác đầu tư bổ túc tay nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động thiếu kỹ lưỡng, có tính hình thức, chưa bảo đảm yêu cầu về chất lượng.

(6) Các doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý quá trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động ở nước ngoài. Khi lao động gặp rủi ro chưa tích cực giải quyết, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của người lao động, dẫn đến việc người lao động phát sinh tranh chấp với doanh nghiệp XKLĐ.

(7) Một bộ phận lao động chưa chú tâm tìm hiểu kỹ pháp luật, thông tin về thị trường lao động; chưa nghiên cứu kỹ các nội dung hợp đồng ký kết; ý thức kỷ luật lao động kém; chưa chấp hành đầy đủ quy định pháp luật, thiếu tôn trọng phong tục, tập quán của nước sở tại…, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lao động cũng như đất nước, con người Việt Nam ở nước ngoài.

4. Giải pháp tăng cường hoạt động XKLĐ của tỉnh Nghệ An

XKLĐ là một giải pháp quan trọng trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và xóa nghèo bền vững, để đẩy mạnh XKLĐ, tỉnh Nghệ An cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Thứ nhất, cần nâng cao sự phối hợp và trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động XKLĐ và thúc đẩy công tác đào tạo, tạo ra nguồn lao động có chất lượng cao cho hoạt động XKLĐ. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến thông tin, nhận thức về XKLĐ, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua các kênh thông tin nhằm nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước, số doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng LĐXK hoạt động trên địa bàn tỉnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ và phòng tránh thiệt hại cho người lao động. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp XKLĐ, xây dựng hệ thống những biện pháp xử lý đối với người lao động vi phạm hợp đồng, nâng cao chuyên môn nhằm hoàn tất nhanh thủ tục cho người lao động.

Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tại các huyện và thành phố cần làm tốt vai trò tham mưu triển khai thực hiện tốt Quyết định số 73/2009/QĐ của UBND tỉnh và Hướng dẫn số 1738 của Sở Lao động - Thương binh  và Xã hội Nghệ An về chính sách khuyến khích XKLĐ để mọi đối tượng được thụ hưởng chính sách kịp thời và chính xác.

Thứ hai, tỉnh Nghệ An cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm và biểu hiện tiêu cực trong công tác XKLĐ; biểu dương và khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt trong công tác giải quyết việc làm và XKLĐ. Tổ chức các cuộc hội thảo, gặp mặt, đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp XKLĐ với người lao động để người lao động nhận thức đầy đủ về chính sách pháp luật của Việt Nam và nước sở tại, tiêu chuẩn và điều kiện tuyển chọn, ngành nghề và những thông tin cần thiết khác trong hợp đồng.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý nhà nước về XKLĐ trên địa bàn các huyện, xã và thường xuyên quan tâm, việc phối hợp với doanh nghiệp tuyển chọn LĐXK; phối hợp giáo dục, quản lý để khắc phục tình trạng lao động bỏ trốn, vi phạm pháp luật của nước nhận LĐXK và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Đặc biệt, tập trung vào các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu phối hợp với các doanh nghiệp được Cục Quản lý lao động chọn triển khai xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tạo điều kiện tốt nhất để con em, các dân tộc thiểu số được thụ hưởng ưu đãi về XKLĐ. Xây dựng chính sách giải quyết việc làm cho người lao động khi họ trở về nước ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình và những chính sách hỗ trợ cho người lao động khi họ còn có nhu cầu tiếp tục đi XKLĐ.

Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp XKLĐ trong hoạt động XKLĐ để mang lại hiệu quả cao nhất.

Diễn biến nhanh chóng của cuộc CMCN 4.0 cùng với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã đặt Nghệ An trước ngưỡng cửa của nhiều cơ hội và cả thách thức. Trong đó, tạo việc làm và tăng cường kỹ năng cho người lao động là một trong những mục tiêu quan trọng đối với tỉnh, đòi hỏi phải chuẩn bị lực lượng lao động, chú trọng xây dựng thị trường lao động đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thị t rường và bối cảnh mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2013 - 2018.
  2. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, Phụ lục số 02: Thống kê XKLĐ toàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2018.
  3. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, Báo cáo kết quả XKLĐ thực hiện năm 2019.
  4. Nguyễn Ngọc Bình, Trần Sỹ Luận, Bước đầu đánh giá hiệu quả kinh tế từ việc đi XKLĐ Việt Nam tại một số thị trường nước ngoài, Tạp chí Khoa học lao động và xã hội, số 30 - Quý I/2012.

THE SITUATION AND SOLUTIONS FOR ENHANCING

THE EFFECTIVENESS OF LABOR EXPORTS OF NGHE AN PROVINCE

MA. DUONG THI HONG VAN

Ho Chi Minh City University of Food Industry

ABSTRACT:

This article presents the situation in labor exports in order to help workers get jobs and increase incomes, effectively contributing to the implementation of sustainable poverty reduction in Nghe An province, thereby proposing solutions to enhance the effectiveness of labor exports in Nghe An province.

Keywords: Labor exports, labor market, porverty reduction, Nghe An province.