Tiềm năng và lợi thế của tỉnh Thái Bình trong việc thu hút vốn đầu tư vào khu kinh tế

ThS. PHẠM THỊ BÍCH PHƯỢNG (Trường Đại học Thái Bình)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực trạng về tiềm năng và lợi thế của tỉnh Thái Bình trong việc thu hút vốn đầu tư vào khu kinh tế. Từ đó, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong việc khai thác tiềm năng và tận dụng lợi thế của tỉnh, chỉ ra các nguyên nhân, kiến nghị các giải pháp để tăng cường thu hút vốn đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình.

Từ khóa: tiềm năng, lợi thế, khu kinh tế Thái Bình, thu hút đầu tư.

1. Đặt vấn đề

Cùng với khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu kinh tế cửa khẩu thì khu kinh tế ven biểnlà mộtmô hình mang tính đột phá chiến lược trong thu hút đầu tư, tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày 28/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1486/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Khu kinh tế Thái Bình có diện tích tự nhiên 30.583 ha bao gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển, trong đó huyện Thái Thụy gồm 14 xã và 01 thị trấn, huyện Tiền Hải gồm 16 xã.  Khu kinh tế Thái Bình xác định trọng tâm là ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tận dụng được lợi thế, tiềm năng của khu vực về nguồn khí thiên nhiên nguồn nguyên liệu, liên kết với các khu kinh tế, khu công nghiệp đã phát triển trong vùng đồng bằng sông Hồng; kết hợp phát triển các ngành công nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có chất lượng đất tốt, nguồn lợi thủy sản phong phú; phát triển đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của khu vực. Đồng thời thực hiện nhất quán chủ trương xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư để phát triển hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng vào Khu kinh tế. Xây dựng cơ chế, chính sách hấp dẫn, ổn định; thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn, thuận lợi, một đầu mối, tạo môi trường thông thoáng và mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2. Tiềm năng và lợi thế của tỉnh Thái Bình trong việc thu hút vốn đầu tư vào Khu kinh tế

2.1. Lợi thế về vị trí địa lý, địa hình

Thái Bình là tỉnh ven biển, thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống sông, biển khép kín. Bờ biển dài trên 50 km và 4 sông lớn chảy qua địa phận của tỉnh. Các sông này đều chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều, mùa hè mức nước dâng nhanh, lưu lượng lớn, hàm lượng phù sa cao.

2.2. Tiềm năng khoáng sản

Nguồn khí mỏ, nước khoáng: Thái Bình có mỏ khí đốt Tiền Hải đã được khai thác từ năm 1986 với sản lượng khai thác bình quân mỗi năm hàng chục triệu m³ khí thiên nhiên phục vụ cho sản xuất đồ sứ, thủy tinh, gạch ốp lát, xi măng trắng thuộc khu công nghiệp Tiền Hải. Mỏ nước khoáng Tiền Hải ở độ sâu 450 m có trữ lượng tĩnh khoảng 12 triệu m³, đã khai thác từ năm 1992, sản lượng 9,5 triệu lít được trong và ngoài nước biết đến với các nhãn hiệu nước khoáng Vital, nước khoáng Tiền Hải.

2.3. Tiềm năng du lịch

Thái Bình là tỉnh thuộc vùng du lịch đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ, có nhiều tiềm năng và điều kiện để phát triển du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái biển và du lịch tâm linh văn hóa lịch sử lễ hội. Tài nguyên du lịch tự nhiên của tỉnh chủ yếu tập trung ở ven biển bao gồm các khu vực trọng điểm như bãi biển Cồn Vành (Tiền Hải), bãi biển Cồn Đen, rừng ngập mặn Thụy Trường (Thái Thụy),... Do những đặc điểm về vị trí địa lý và dân cư, Thái Bình cũng là nơi hội tụ và lan tỏa các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ đồng bằng Bắc bộ trong đó nổi bật là 2 di tích quốc gia đặc biệt: chùa Keo, khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Bên cạnh đó, tỉnh còn có 200 lễ hội vẫn được duy trì và lưu giữ, trong đó có 8 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể trình diễn dân gian là rối nước và ca trù.

2.4. Tài nguyên đất

Đất đai Thái Bình phì nhiêu màu mỡ do được bồi tụ bởi hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Hệ thống công trình thủy lợi tưới tiêu thuận lợi. Tổng diện tích tự nhiên 153.596 ha. Ngoài diện tích cấy lúa, đất đai Thái Bình rất thích hợp cho các loại cây, như: cây thực phẩm (khoai tây, dưa chuột, sa lát, hành, tỏi, lạc, đậu tương, ớt xuất khẩu), cây công nghiệp ngắn ngày (cây đay, cây dâu, cây cói), cây ăn quả nhiệt đới (cam, táo, ổi bo, vải thiều, nhãn, chuối), trồng hoa, cây cảnh,…

2.5. Tiềm năng về nhân tố con người

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số Thái Bình là 1.860.447 người. Trong đó, dân số nông thôn chiếm 89,44%, dân số thành thị chiếm 10,56%; cơ cấu giới tính tương đối đồng đều, nam chiếm 48,67% và nữ chiếm 51,33%. Thái Bình là tỉnh có dân số đông thứ 4 trong 10 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng. Số lao động học nghề hàng năm tăng nhanh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 44,5% năm 2016 lên 50% năm 2018, 52,5% năm 2019 và đạt 57,6% trong năm 2020.

2.6. Cơ sở hạ tầng đồng bộ, kinh tế chính trị ổn định

Thái Bình được biết đến là địa phương luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từ đó đem lại diện mạo mới cho đô thị và các vùng quê nông thôn. Từ nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí xã hội hóa và nguồn vốn khác với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt 235.500 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, tăng bình quân 7,8%/năm. Thái Bình đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng nông thôn mới, hạ tầng giao thông kết nối và các trục giao thông đầu mối kết nối các đô thị trong tỉnh với trung tâm kinh tế vùng và tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên. Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện 12 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư gần 16.960 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 10.206 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư và vốn nhà đầu tư huy động gần 6.754 tỷ đồng.

Khu kinh tế Thái Bình hiện đã có một số khu chức năng đang hoạt động với các công trình trọng điểm lớn như Trung tâm Điện lực Thái Bình có 2 Nhà máy nhiệt điện, tổng công suất 1.800 MW, cung cấp khoảng 10,8 tỷ kWh/năm; dự án dẫn khí từ biển vào bờ, đang khai thác với sản lượng 200 triệu m3 khí/năm; Nhà máy sản xuất Amon Nitrat, Nhà máy Amoniac; cảng Diêm Điền,... Đây là nguồn cung năng lượng tại chỗ mà ít có khu kinh tế nào có được.

Kinh tế chính trị ổn định luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Tính đến năm 2020, trong 5 năm liên tiếp, Thái Bình là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng.

Bảng 1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020

ốc độ tăng trưởng kinh tế Thái Bình giai đoạn 2016 – 2020

Nguồn: Cục Thống kê Thái Bình

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp và Dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp.

Bảng 2. Tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 (%)

tỷ trọng các ngành

Nguồn: Cục Thống kê Thái Bình

2.7. Chính sách thu hút vốn đầu tư vào khu kinh tế

Khu kinh tế Thái Bình là khu kinh tế tổng hợp với các chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn các nguồn lực bên ngoài để khai thác các tiềm năng phát triển của khu vực. Các cơ chế chính sách áp dụng tại khu kinh tế ven biển Thái Bình có mức độ khuyến khích, ưu đãi cao nhất theo pháp luật hiện hành áp dụng đối với các khu kinh tế ven biển đảm bảo tính hấp dẫn, thu hút được nhiều nhất các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp được thành lập, đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng trong Khu kinh tế thuộc các nhóm ngành, nghề khuyến khích đầu tư của tỉnh sẽ được hưởng 6 chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, gồm: chính sách ưu đãi về đất đai; chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào; chính sách hỗ trợ san lấp mặt bằng; chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chính sách hỗ trợ đào tạo lao động và chính sách hỗ trợ thủ tục hành chính.

3. Đánh giá thực trạng việc thu hút vốn đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình

3.1. Những kết quả đạt được

Đến nay, tỉnh đã và đang hoàn thiện quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 của 26 khu chức năng gồm khu công nghiệp, khu đô thị - du lịch, khu cảng và khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Trong số 18 nhà đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tài trợ sản phẩm quy hoạch, đã có 8 nhà đầu tư được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý thực hiện thí điểm xét chọn nghiên cứu lập quy hoạch phân khu và tài trợ sản phẩm quy hoạch, đồng thời làm căn cứ lựa chọn nhà đầu tư đối với các phân khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Các nhà đầu tư được lựa chọn đều có năng lực lập quy hoạch, kinh nghiệm quản lý vận hành khu công nghiệp, tiềm lực tài chính mạnh; đây là những mô hình điểm tạo sự đột phá cho khu kinh tế, truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào khu kinh tế trong thời gian tới.

Thái Bình đã và đang xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông đối ngoại (đường không, đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ) và giao thông đối nội. Ước tính trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu đầu tư của tỉnh là gần 11.000 tỷ đồng cho các công trình hạ tầng Khu kinh tế; trong đó vốn ngân sách trung ương gần 7.000 tỷ đồng, còn lại vốn ngân sách tỉnh. Nhằm tạo sự kết nối cho các khu chức năng, trước mắt tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 tuyến đường trục trong khu kinh tế với tổng nhu cầu vốn gần 1.400 tỷ đồng.

Hiện đã có hơn 10 nhà đầu tư hạ tầng đăng ký và được tỉnh chấp thuận cho nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch chi tiết 15 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong Khu kinh tế với tổng diện tích khoảng 5.000 ha, bằng gần 18% diện tích Khu kinh tế. Làn sóng đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình đang mở ra cơ hội cho tỉnh bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội và hình thành một khu kinh tế hiện đại, hiệu quả bậc nhất của cả nước trong thời gian tới.

3.2. Những tồn tại, hạn chế

Do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu nên công tác xúc tiến đầu tư vào khu kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Nguồn thu ngân sách của tỉnh còn thấp chưa bảo đảm để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất tại khu kinh tế còn nhiều hạn chế, chưa có nguồn kinh phí tạo quỹ đất sạch, để đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư.

Nhà đầu tư tiềm năng còn quan ngại trong việc triển khai đầu tư, do các yếu tố ảnh hưởng, như: chi phí, giao thông, đào tạo nghề cho lao động đặc biệt là lao động chất lượng lao.

Công tác cải cách hành chính và phối hợp thực hiện nhiệm vụ ở một số sở, ngành, địa phương còn chậm, kéo dài thời gian gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Chưa có quy hoạch cụ thể khu tái định cư, đào tạo nghề do người dân bị thu hồi đất.

4. Giải pháp thu hút vốn đầu tư vào khu kinh tế Thái Bình

Để thu hút nhanh vốn đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, về công tác quy hoạch: Thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hạ tầng đồng bộ, cảnh quan hiện đại và thân thiện với môi trường.

Hai là, về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật: Đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế của tỉnh theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư, nhất là thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, các dự án liên vùng và khu vực,...; Lựa chọn một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có khả năng thu hồi vốn (nhà ở xã hội, cấp nước, cấp điện, hạ tầng khu chức năng) để thu hút các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP), ưu tiên đối với dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu kinh tế.

Ba là, về xúc tiến và quản lý đầu tư: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; Tổ chức hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm để thu hút nguồn vốn trong dân, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài; Tăng cường thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên dự án quy mô lớn, dự án tiềm năng, công nghệ tiên tiến tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh và bền vững; Chọn lọc các dự án có tính liên kết vùng, các dự án có tỷ lệ nội địa cao và chiếm tỷ trọng lớn về xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo hiệu quả về năng suất, chất lượng; Các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, vùng kinh tế khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển khu kinh tế.

Bốn là, về cải cách thủ tục hành chính: Tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm công khai, minh bạch cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho nhà đầu tư và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính Nhà nước; Thực hiện tốt các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan trong Tỉnh thực hiện cơ chế “một cửa”, giảm tối đa thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; Hỗ trợ, giúp đỡ các nhà đầu tư kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Năm là, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư: Thực hiện đúng cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư theo Quyết định số 13/2020/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.

Sáu là, đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư: Xây dựng phương thức đào tạo nghề gắn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong khu kinh tế; Phối hợp với các nhà đầu tư, các cơ sở đào tạo nghề xây dựng phương án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án khi đi vào hoạt động. Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, học sinh; Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động địa phương và đào tạo tay nghề kỹ thuật cho người lao động đáp ứng nhu cầu trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư.

Bảy là, tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường: Quản lý chặt chẽ công tác khai thác tài nguyên, tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng, chống, hạn chế tác hại môi trường; Chú trọng công tác bảo vệ môi trường ngay từ khi quyết định lựa chọn dự án đầu tư.

Tám là, tăng cường công tác phối hợp quản lý nhà nước đối khu kinh tế: Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả phối hợp quản lý nhà nước trong Khu kinh tế, nhất là quản lý Nhà nước về xúc tiến đầu tư, cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng (thẩm định, thẩm tra các dự án đầu tư, dự án kết cấu hạ tầng,...); Quản lý đất đai, môi trường, lao động, an ninh trật tự, an toàn xã hội; Nâng cao vai trò, chức năng quản lý Nhà nước của Ban Quản lý khu kinh tế.

5. Kết luận

Mục tiêu đặt ra trong phát triển Khu kinh tế của Thái Bình là khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử văn hóa trong khu vực; xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh. Do đó để đạt mục tiêu trên, rất cần có các giải pháp đồng bộ để thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg về việc thành lập khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
  2. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình (2020). Quyết định số 13/2020/QĐ-UBND về việc ban hành quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030.
  3. Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình (2021). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021.
  4. Vietnam Business Forum (2021). Đưa khu kinh tế Thái Bình thành động lực phát triển kinh tế. Truy cập tại https://vccinews.vn/news/40109/dua-khu-kinh-te-thai-binh-thanh-dong-luc-phat-trien-kinh-te.html.
  5. Hữu Phước (2021). Thái Bình thu hút 5 dự án FDI đầu tư vào khu kinh tế. Truy cập tại http://thaibinhtv.vn/ news/21/70755/thai-binh-thu-hut-5-du-an-fdi-dau-tu-vao-khu-kinh-te.
  6. Sơn Hải (2021). Thái Bình vươn lên là điểm đến của nhà đầu tư. Truy cập tại https://dangcongsan.vn/thai-binh-co-hoi-dau-tu-hoi-nhap-va-phat-trien/tu-nghi-quyet-den-cuoc-song/thai-binh-vuon-len-la-diem-den-cua-nha-dau-tu-596563.html

POTENTIAL AND ADVANTAGES

OF THAI BINH PROVINCE IN ATTRACTING INVESTMENT

TO ITS ECONOMIC ZONES

• Master. PHAM THI BICH PHUONG

Thai Binh University

ABSTRACT:

This paper analyzes the potential and advantages of Thai Binh Province in attracting investment to its economic zones. By assessing the province’s achieved results and shortcomings in exploiting the provincial potential and advantages, this paper proposes solutions to help the province attract more investment to its economic zones.

Keywords: potential, advantages, Thai Binh Provinces economic zone, investment attraction.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 12 năm 2021]