Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc trường đại học - xu thế của sự phát triển

ThS. LÊ DOÃN LÂM (Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Tư vấn pháp luật hoạt động cung cấp cho cá nhân, tổ chức những hiểu biết pháp luật về một vấn đề nhất định, giúp họ hiểu rõ vị thế, quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình trong một quan hệ pháp luật cụ thể nảy sinh trong đời sống xã hội. Bài viết phân tích về mô hình Trung tâm tư vấn pháp luật, từ đó đề xuất hướng hoàn thiện hiện nay.

Từ khóa: pháp luật, tư vấn pháp luật, trường đại học, trung tâm.

1. Đặt vấn đề

Tư vấn pháp luật là hoạt động cung cấp cho cá nhân, tổ chức những hiểu biết pháp luật về một vấn đề nhất định, giúp họ hiểu rõ vị thế, quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình trong một quan hệ pháp luật cụ thể nảy sinh trong đời sống xã hội. Kết quả của hoạt động tư vấn pháp luật là lời khuyên, ý kiến pháp lý bằng miệng hoặc có thể bằng văn bản. Hiểu theo nghĩa rộng, đó là những giải pháp cụ thể, hữu ích giúp đối tượng được tư vấn bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Hoạt động tư vấn pháp luật còn góp phần giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước, của tổ chức và công dân; phát hiện những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, kịp thời hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.

Trung tâm tư vấn pháp luật được thực hiện tư vấn pháp luật; được cử luật sư làm việc theo hợp đồng cho Trung tâm tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật đối với vụ việc mà Trung tâm thực hiện tư vấn pháp luật; được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Bài viết dưới đây tác giả phân tích một số bất cập tại Trung tâm tư vấn pháp luật, từ đó đề xuất hướng giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về tư vấn pháp luật.

2. Mô hình Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Trường Đại học hiện nay và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 77/2008/NĐ-CP

Ngày 16/7/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật (Nghị định số 77/2008/NĐ-CP). Nghị định này quy định về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật (sau đây gọi chung là tổ chức chủ quản). Hoạt động tư vấn pháp luật tại Nghị định số 77/2008/NĐ-CP mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận.

Nghị định số 77/2008/NĐ-CP được triển khai thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành, phát triển tổ chức và hoạt động TVPL của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật trong phạm vi cả nước. Thể chế, chính sách, pháp luật về TVPL và trợ giúp pháp lý ngày càng được hoàn thiện; tổ chức bộ máy của Trung tâm TVPL tiếp tục được củng cố, kiện toàn và phát triển. Đội ngũ người thực hiện TVPL phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý ngày càng có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu TVPL của nhân dân. Các Trung tâm TVPL trong cả nước đã thực hiện các loại hình dịch vụ pháp lý: TVPL, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và trợ giúp pháp lý có liên quan đến tất cả các lĩnh vực pháp luật đã đóng góp rất nhiều về nhu cầu tư vấn pháp luật hiện nay.

Bên cạnh đó, những bất cập về thể chế, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng tổ chức và triển khai hoạt động TVPL theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP. Từ đó kiến nghị cần xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định này trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung một số quy định mới, bảo đảm điều chỉnh toàn diện các quan hệ phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

3. Một vài thực trạng mô hình Trung tâm tư vấn pháp luật theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP

Một là, theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP thì tổ chức chủ quản có đủ điều kiện quy định tại Điều 5: Có ít nhất hai tư vấn viên pháp luật hoặc một tư vấn viên pháp luật và một luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hai 2. Có trụ sở làm việc của Trung tâm; theo Nghị định này được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên, đoàn viên, sinh viên của tổ chức mình và cá nhân, tổ chức khác.

Trên thực tế, khi tổ chức chủ quản “mạnh”, quan tâm, có đầu tư lâu dài thì Trung tâm TVPL được hình thành và đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng được yêu cầu về tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình nhất là các tổ chức không phải là cơ sở đào tạo, nghiên cứu chuyên ngành luật. Được thành lập bởi tổ chức chủ quản và với mục đích chính là phục vụ tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên, đoàn viên, sinh viên của tổ chức mình, nên các Trung tâm tư vấn pháp luật nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định kể cả về tổ chức nhân sự cũng như trụ sở làm việc, nhưng nếu các địa chỉ hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật khác ngoài trụ trở, hoạt muốn mở rộng chi nhánh Trung tâm thì đó là khó khăn trong tương lai nếu trung tâm không có nguồn thu.

Bên cạnh đó, các Trung tâm TVPL này còn thu hút một lượng cá nhân, tổ chức khác ngoài thành viên của mình có nhu cầu về tư vấn pháp luật, đặc biệt là ở các tỉnh ít có tổ chức liên quan tới giúp đỡ về tư vấn pháp luật như các tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm trợ giúp pháp lý khác và liên kết hợp tác nhiều nơi,... Hơn nữa, hoạt động tư vấn pháp luật này mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận, nên các Trung tâm TVPL luôn hoạt động một cách ổn định. Từ việc được hình thành do các tổ chức chủ quản thành lập, mang tính chất xã hội, các Trung tâm TVPL không nhằm mục đích thu lợi nhuận và chủ yếu phục vụ tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên, đoàn viên, sinh viên của tổ chức mình, do vậy, quy mô còn nhỏ, cầm chừng mà không có sự năng động, không mạnh dạn đẩy mạnh hoạt động kinh doanh theo nhu cầu kinh tế thị trường như các tổ chức hành nghề luật sư, văn phòng luật sư hay tổ chức tư vấn pháp lý khác.

Hai là, tại Điều 18 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP quy định về người thực hiện tư vấn pháp luật gồm: Tư vấn viên pháp luật, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm tư vấn pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật. Tại Trung tâm tư vấn pháp luật thì lực lượng chính là tư vấn viên pháp luật, nhưng tại Điều 19 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP1. Tư vấn viên pháp luật là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn sau đây: a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; b) Có Bằng cử nhân luật; c) Có thời gian công tác pháp luật từ 3 năm trở lên, ngoài ra còn các điều kiện khác. Với quy định này sẽ hạn chế đội ngũ tham gia Trung tâm tư vấn pháp luật bởi đối với một số tỉnh hoặc vùng sâu, vùng xa thì có thể sẽ khó đáp ứng được yêu cầu.

Việc quy định về cộng tác viên tư vấn pháp luật theo Điều 22 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP 

- Cộng tác viên tư vấn pháp luật phải có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều 19 của Nghị định này. Người có bằng đại học khác làm việc trong các ngành, nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; người thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bằng trung cấp luật hoặc có thời gian làm công tác pháp luật từ 3 năm trở lên hoặc có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng có thể là cộng tác viên tư vấn pháp luật. Cán bộ, công chức có thể làm cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh trong trường hợp việc làm cộng tác viên đó không trái với pháp luật về cán bộ, công chức.

- Cộng tác viên tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật theo hợp đồng cộng tác viên được ký kết giữa Trung tâm tư vấn pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật. Quyền, nghĩa vụ của cộng tác viên tư vấn pháp luật được quy định trong hợp đồng cộng tác viên; Cộng tác viên tư vấn pháp luật chỉ được nhận vụ việc từ Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh.

Như vậy, quy định về cộng tác viên tư vấn còn chung chung, khó cho việc thu hút trong Trung tâm tư vấn pháp luật, còn nhiều đối tượng cần hợp tác đó là các đối tượng được đào tạo luật từ trong nước và nước ngoài...

Ba là, liên quan đến nguồn thu và kinh phí hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, đó là Nghị định số 77/2008/NĐ-CP quy định về việc tư vấn pháp luật miễn phí tại Điều 10. Tư vấn pháp luật miễn phí: Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức chủ quản. Nhà nước khuyến khích Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo và các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức chủ quản, còn việc quy định tư vấn pháp luật có thù lao thì cũng khó cạnh tranh với tổ chức luật sư hoặc các tổ chức pháp lý khác. Tại Điều 11 Tư vấn pháp luật có thu thù lao: Việc thu thù lao của Trung tâm tư vấn pháp luật do tổ chức chủ quản quyết định. Trong trường hợp Trung tâm tư vấn pháp luật được thu thù lao thì tổ chức chủ quản có trách nhiệm quy định về mức thù lao. Hơn nữa, việc nhận thù lao lại không được chủ động mà do tổ chức chủ quản quyết định. Điều này cũng hạn chế hoạt động chủ động của Trung tâm tư vấn pháp luật trong việc thực hiện trên thực tiễn, không linh hoạt để thích ứng theo nhu cầu dịch vụ pháp lý hiện nay.

Thực tế đang khó khăn tại các Trung tâm tư vấn pháp luật là chưa có hành lang pháp lý cho các quan hệ dịch vụ tại Trung tâm tư vấn pháp luật, bảo đảm tính thống nhất phù hợp với hệ thống pháp luật, chưa xây dựng một hệ thống kiểm soát hoạt động của tư vấn viên tại Trung tâm tư vấn pháp luật.

4. Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật tại Trung tâm tư vấn pháp luật phù hợp với bối cảnh hiện nay phát triển hoạt động tại Trung tâm tư vấn pháp luật

Thứ nhất là, nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia, cộng tác viên tại Trung tâm tư vấn pháp luật, liên kết hợp tác, đào tạo với các trung tâm khác, văn phòng tư vấn pháp luật khác trong phạm vi cả nước và nước ngoài. Điều này sẽ phát huy được trí tuệ của cộng đồng, nguồn nhân lực được đào tạo nghiệp vụ, nền tảng kết nối cũng như đáp ứng được yêu cầu rộng rãi của mọi lực lượng trong xã hội, phù hợp từng vùng, từng địa phương.

Thứ hai là, ngoài việc tổ chức, hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật mang tính chất xã hội phục vụ miễn phí cho thành viên, hội viên, đoàn viên, sinh viên của tổ chức mình, thì tạo điều kiện cho Trung tâm tư vấn pháp luật chủ động trong việc nhận thù lao đối với cá nhân, tổ chức khác, tổ chức chủ quản chỉ định hướng và giám sát hoạt động. Điều này sẽ mang đến sự chủ động trong hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật và cải thiện, mở rộng hoạt động cũng như nâng cao chất lượng trong Trung tâm tư vấn pháp luật. Nâng cao trình độ chuyên môn cho tư vấn viên pháp luật cũng như những người liên quan trong Trung tâm tư vấn pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và chặt chẽ nhằm không ngừng nâng cao uy tín của Trung tâm tư vấn pháp luật đáp ứng yêu cầu phục vụ thành viên, hội viên, đoàn viên, sinh viên trong tổ chức mình và cá nhân, tổ chức khác.

Thứ ba là, sự quan tâm, động viên về mọi mặt, kế hoạch đầu tư phát triển thương hiệu của tổ chức chủ quản đối với Trung tâm tư vấn pháp luật là rất cần thiết, giúp cho Trung tâm ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu mang tính chất xã hội cũng như nâng cao hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật cả về quy mô và chất lượng. Thường xuyên sơ kết và tổng kết rút kinh nghiệm nhằm phát huy những mặt tích cực và khắc phục những hạn chế của Trung tâm tư vấn pháp luật một cách kịp thời, rút ra những bài học làm phong phú thêm lý luận, đồng thời cần hoàn thiện lý luận để áp dụng vào hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, phù hợp với tính chất hoạt động của tổ chức chủ quản.

Thứ tư là, nâng cao vai trò của Sở Tư pháp trong việc giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước, kiến nghị Bộ Tư pháp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người thực hiện tư vấn pháp luật.

Thứ năm là, trước mắt kiến nghị Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP theo đó điều chỉnh các điều kiện, tiêu chuẩn của tư vấn viên pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm thu hút đội ngũ này tham gia vào các trung tâm tư vấn pháp luật; đồng thời có các định hướng để phát triển Trung tâm tư vấn pháp luật phù hợp với xu hướng trong thời gian tới về kinh phí, tổ chức nhân sự.​

Thứ sáu là, cần tiếp tục nghiên cứu và thể chế hóa bằng pháp luật, theo đó phải phân biệt rõ việc quản lý nhà nước với việc các Trung tâm TVPL Nhà nước quản lý những nội dung gì? Trách nhiệm kiểm tra, giám sát như thế nào? Quy trình xử lý các sai phạm của tư vấn viên tại Trung tâm tư vấn pháp luật? Có như vậy, mới bảo đảm hành lang pháp lý vững chắc để các Trung tâm tư vấn tuân thủ các quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình, bảo đảm luật sư thượng tôn pháp luật, vì công lý, vì lợi ích tốt nhất của khách hàng và góp phần xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2017), Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Hà Nội.
  2. Bộ Tư pháp (2008), Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật, Hà Nội.
  3. Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý (2006), Từ điển luật học, NXB Từ điển bách khoa - NXB Tư pháp, Hà Nội, tr. 606.
  4. Chính phủ (2007), Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, Hà Nội.
  5. Chính phủ (2013), Nghị định số 8014/VBHN-BTP, ngày 10/12/2013 về Nghị định về tư vấn pháp luật.
  6. Chính phủ (2012), Nghị định số 05/2012/NĐ- CP ngày 02 tháng 02 năm 2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật
  7. Bộ Tư pháp (2010), Thông tư số 01/2010/TT- BTP ngày 09 tháng 02 năm 2010 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 77/2008/NĐ- CP ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật.
  8. Bộ Tư pháp (2011), Thông tư số 19/2011/TT- BTP ngày 31 tháng 10 năm 2011 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính của Thông tư số 05/2008/TT- BTP ngày 23 tháng 9 năm 2008, Thông tư số 03/2008/TT- BTP ngày 25 tháng 8 năm 2008 và Thông tư số 01.
  9. Nguyễn Thị Thu Hà (2013), Đổi mới công tác xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội.
  10. Vũ Minh Hồng (2004) Tư vấn pháp luật khiếu nại, tố cáo - Sổ tay nghiệp vụ tư vấn pháp luật, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, tr. 206.
  11. Trần Huy Liệu (2011), Báo cáo khảo sát thực trạng các tổ chức, hoạt động của các trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia Việt Nam, Hà Nội
  12. Lê Đăng Tùng. Hoạt động của mô hình trung tâm tư vấn pháp luật - thuận lợi, khó khăn và một số đề xuất.  <https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/hoat-dong-cua-mo-hinh-trung-tam-tu-van-phap-luat-thuan-loi-kho-khan-va-mot-so-de-xuat-5912>
  13. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dịch vụ tư vấn pháp luật. <https://luatminhkhue.vn/mot-so-giai-phap-nham-nang-cao-hieu-qua-dich-vu-tu-van-phap-luat.aspx>
  14. Hội Luật gia Việt Nam (2015), Báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2010-2015 và phương hướng, nhiệm vụ, phát động thi đua giai đoạn 2015 - 2020.<http://hoiluatgiavn.org.vn:8080/bao-cao-tong-ket-cong-tac-thi-dua-khen-thuong-giai-doan-2010-2015-va-phuong-huong-nhiem-vu-giai-doan-2015-2020>

 

THE DEVELOPMENT TREND OF LEGAL ADVICE CENTERS

UNDER UNIVERSITIES

Master. LE DOAN LAM

Director, Legal Advice Center

Ho Chi Minh City University of Food Industry

ABSTRACT:

Legal consultancy services provide individuals and organizations with legal knowledge on a certain issue, helping them to understand their position, legal rights and obligations in a specific legal case. This paper analyzes the organization model of Legal Advice Center and proposes some solution to perfect this model.

Keywords: law, legal advice, university, center.