Ứng dụng công nghệ blockchain trong ngành Kế toán - Kiểm toán

THS. LÊ MINH THÀNH (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Ứng dụng khoa học công nghệ là xu hướng tất yếu trong công việc hàng ngày, đặc biệt là những lĩnh vực luôn luôn đòi hỏi sự nhanh nhạy và chính xác như kế toán, kiểm toán. Công nghệ ngày càng phát triển thì mức độ ảnh hưởng càng lớn nhất là cơ hội và việc làm của những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực này. Blockchain được dự đoán trong tương lai sẽ thay thế việc làm trong ngành Kế toán, Kiểm toán, các công ty phần mềm kế toán sẽ khai thác sâu hơn các ứng dụng của Blockchain (không chỉ trên phần mềm hóa đơn điện tử mà trên các phần mềm kế toán). Trong bối cảnh công nghệ phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay, cởi mở và chủ động tiếp cận nguồn thông tin mới là cách duy nhất để Việt Nam dành được thành công. Bài viết bàn về thực trạng và giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ Blockchain trong ngành Kế toán - Kiểm toán.

Từ khóa: công nghệ Blockchain, ngành Kế toán - Kiểm toán, doanh nghiệp, thông tin.

1. Thực trạng ứng dụng công nghệ Blockchain trong ngành Kế toán - Kiểm toán

Nếu như trong hoạt động kế toán thông thường, một nhân viên kế toán cần phải ghi bút toán kép thì Blockchain chỉ cần một bút toán có thể cung cấp thông tin cho tất cả các bên mà không lo về tính xác thực. Hồ sơ kế toán sẽ không thể sửa chữa, thay đổi một khi đã được lưu vào Blockchain, ngay cả khi chủ sở hữu hệ thống kế toán yêu cầu. Bởi trên nền tảng Blockchain, mọi giao dịch hàng ngày được ghi chép lại và xác thực, do đó tính vẹn toàn của các hồ sơ tài chính được đảm bảo. Theo số liệu từ Nasdaq, cho đến nay có 4 tổ chức kiểm toán hàng đầu thế giới bao gồm PwC, Deloitte, Ernst & Young và KPMG đều đã thành lập ban nghiên cứu về Blockchain và những ứng dụng của công nghệ này trong ngành kế toán, kiểm toán. Các doanh nghiệp lớn về công nghệ tại Việt Nam cũng tiên phong trong ứng dụng công nghệ Blockchain: Viettel, TMA Solution, FPT, MISA,…

Cụ thể, MISA đã xây dựng và đưa vào áp dụng thực tế tại các doanh nghiệp phần mềm hóa đơn điện tử MeInvoice.vn. Tiếp nối ứng dụng công nghệ này cũng được Công ty cổ phần công nghệ Vakaxa triển khai thực hiện. Nhờ đó, tính bảo mật thông tin tại các doanh nghiệp gia tăng, chi phí mua giảm thiểu; người mua nhận chứng từ một cách nhanh chóng; cơ quan thuế có thể tra cứu và kiểm tra dễ dàng,... Ứng dụng dịch vụ kết nối ngân hàng điện tử dựa trên nền tảng blockchain được tích hợp trong phần mềm kế toán Misa. Với ứng dụng này, việc lưu trữ thông tin thay đổi trạng thái của giao dịch trong blockchain đảm bảo tính công khai của thông tin trong các giao dịch, phục vụ mục đích đối soát sau này thông qua mối quan hệ giữa 3 bên DN (kế toán, kế toán trưởng, giám đốc) - lập lệnh giao dịch, kiểm tra giao dịch và phê duyệt giao dịch; ngân hàng chi trả - thực hiện giao dịch và ngân hàng hưởng thụ - xác nhận giao dịch).

Bên cạnh đó, các nền tảng ứng dụng khác trong kế toán trên blockchain cũng được các công ty công nghệ và phần mềm tại Việt Nam triển khai nghiên cứu như dự án về Hợp đồng thông minh (smart contract - tối ưu hóa về thời gian, chi phí và tính an toàn thông tin), Hệ thống thông tin kế toán ghi ba (A triple entry Accounting information system) - với sự liên kết chặt chẽ các bước trong đoạn đoạn thực hiện từ dữ liệu đầu vào đến hệ thống xử lý ERP và các ứng dụng được tích hợp trong quá trình thực hiện.

Điều này cho thấy những lợi ích mang lại khi ứng dụng công nghệ blockchain trong ngành Kế toán, Kiểm toàn có mặt ưu điểm và nhược điểm:

Đầu tiên cần đề cập tới là tính bảo mật thông tin. Đây là tiện ích hàng đầu khi sử dụng công nghệ Blockchain. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống Blockchain đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Bằng cách tạo ra một sổ cái duy nhất trên một mạng lưới máy tính; các công ty, khách hàng, ngân hàng và cơ quan thuế của họ ghi chép và chia sẻ thông tin. Khi bất kỳ người nào trong số họ thêm thông tin, sổ cái sẽ tự động xác minh và điều chỉnh dữ liệu. Mỗi bên có liên quan không cần duy trì sổ cái riêng của họ, nhờ đó các kế toán viên sẽ không phải thực hiện tất cả việc xử lý và điều chỉnh giao dịch. Chuỗi khối tạo ra một hồ sơ truy nguyên theo thời gian thực, do vậy nếu công nghệ Blockchain được chấp nhận rộng rãi, vai trò của các kiểm toán viên trong việc xác minh các giao dịch được thực hiện trong Blockchain sẽ không còn cần thiết. Đồng thời việc với giải pháp hệ thống sổ cái phân tán blockchain, toàn bộ quy trình kinh doanh, trải dài qua nhiều phòng ban hoặc công ty trở nên dễ dàng theo dõi với chỉ một bút toán. Toàn bộ giao dịch của tất cả các phòng ban trong công ty sẽ được cập nhật, lưu trữ tại một hệ thống duy nhất với tính vẹn toàn và minh bạch. Thậm chí, các công ty, khách hàng, ngân hàng và cơ quan thuế đều có thể thực hiện ghi chia sẻ, xác minh và ghi chép thông tin vào chung một sổ cái. Các nhân viên công ty sẽ không cần phải dành nhiều giờ đồng hồ sau giờ giao dịch để tổng hợp và cập nhật doanh thu và chi phí vào phần mềm kế toán. 

Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo nên cảnh giác với suy nghĩ dữ liệu luôn chính xác, thông tin đó sẽ có sẵn và những người liên quan đã được liên hệ. Thông tin trên blockchain chỉ tốt khi đầu vào chuẩn và độ tin cậy của nó phụ thuộc vào cách thức xây dựng quy trình. Nếu không xem xét đầu vào một cách thích hợp, sự phụ thuộc mù quáng vào blockchain có thể rất nguy hiểm.

Tiếp đến là ứng dụng Blockchain giúp giảm thiểu khả năng xảy ra sai phạm kinh tế. Việc hồ sơ kế toán không thể chỉnh sửa và thay đổi một khi đã được lưu vào Blockchain, ngay cả khi chủ sở hữu hệ thống kế toán yêu cầu. Bởi trên nền tảng Blockchain, mọi giao dịch hàng ngày được ghi chép lại và xác thực, do đó tính vẹn toàn của các hồ sơ tài chính được đảm bảo.

Blockchain có thể làm giảm các sai sót và gian lận kế toán. Khi một khối dữ liệu được thêm vào chuỗi, phần còn lại của mạng lưới phải xác minh dữ liệu đó. Khi bạn thực hiện giao dịch trên chuỗi, tất cả các máy tính trong mạng lưới sẽ xác định bạn và kiểm tra xem bạn có quyền giao dịch hay không. Việc thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực giúp tổ chức nắm bắt các vấn đề gần thời điểm xảy ra hơn, từ đó phát hiện và giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, lượng dữ liệu tuyệt đối mà blockchain lưu trữ có thể dẫn đến quá tải thông tin và đặt ra những thách thức đối với việc giám sát đầy đủ. Ngay cả nhân viên có trình độ cũng khó xác định được vị trí để cài đặt và duy trì một hệ thống giám sát thích hợp.

Tuy nhiên, độ tin cậy của chuỗi khối cơ bản phụ thuộc vào độ tin cậy của công nghệ và quy trình kinh doanh cơ bản. Một hệ thống được triển khai kém có thể gây ra rủi ro trên diện rộng. Giao thức đồng thuận của một chuỗi khối đặt ra các quy tắc cho các giao dịch trong hệ thống, nếu thiết kế và triển khai không phù hợp, thông tin được ghi lại sẽ không đáng tin cậy. Ngoài ra, nếu một thành viên thao túng giao thức đồng thuận hoặc tổ chức tham gia vào các giao dịch ngoài chuỗi thì thông tin được ghi lại cũng không đáng tin cậy.

Blockchain là một công nghệ không thay thế hoạt động của con người cũng như hành vi của quản trị, nhưng nó đóng một vai trò nhất định trong việc duy trì một môi trường kiểm soát. Công nghệ này thực hiện và ghi lại các giao dịch với sự can thiệp tối thiểu nhất của con người, từ đó cung cấp các bằng chứng giúp giảm thiểu sai phạm và gian lận. Điều này đồng nghĩa với việc blockchain nâng cao tầm nhìn và tăng cường trách nhiệm giải trình trong tổ chức.

Tuy nhiên, blockchain cũng có những rủi ro mà một người quản lý thiếu kinh nghiệm có thể trở thành nạn nhân. Một blockchain phi tập trung có thể dẫn đến việc không có cơ quan nào chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Với những ứng dụng quá mới, các tổ chức gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự có năng lực hoặc hiểu rõ về chúng.

Cuối cùng là việc bảo vệ thông tin kế toán, kiểm toán trước các hacker, Quá trình kiểm toán tự động; Xác thực giao dịch; Theo dõi quyền sở hữu tài sản; Hợp đồng thông minh; Hệ thống đăng ký và kiểm kê đối với mọi tài sản nào, từ nguyên liệu đến sở hữu trí tuệ,…

2. Một số giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ blockchain trong ngành Kế toán - Kiểm toán

Một là, ứng dụng Blockchain trên các phần mềm kế toán. Hiện nay, việc sử dụng phần mềm kế toán trong hoạt động không còn xa lạ với bất cứ doanh nghiệp (DN) nào ở Việt Nam. Việc kết hợp công nghệ Blockchain trên các phần mềm kế toán sẽ giúp công tác kế toán tại các DN tối ưu hóa tính bảo mật, an toàn và minh bạch của các thông tin kế toán. Bên cạnh đó, các nhà phát triển Blockchain tiến tới lập trình các giải pháp khai thác tiền thuật toán được thiết kế để cải thiện bảo mật sổ cái chung. Bằng cách tích hợp chip Mạch tích hợp dành riêng cho ứng dụng (ASIC) trong phần cứng khai thác và lập trình các tính năng xác minh hàm băm hai vòng giúp đẩy nhanh quá trình xác minh giao dịch.

Hai là, xây dựng các công ty cung cấp ứng dụng công nghệ Blockchain trong kế toán, kiểm toán. Thời gian gần đây, nhiều DN bắt đầu quan tâm đến việc áp dụng Blockchain trong phạm vi nào, mang giá trị kinh doanh ra sao, bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Thực tế hiện nay, công cụ lập trình của các dự án Blockchain còn hạn chế, gây khó khăn trong việc hiện thực hóa các ý tưởng ứng dụng công nghệ chuỗi khối. Các dự án Blockchain tiên tiến cần giải quyết vấn đề này, cần những công cụ lập trình hoàn chỉnh để hỗ trợ các nhà phát triển ứng dụng. Với mục tiêu phá vỡ các rào cản trong việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cho các DN, cần có các tổ chức chuyên nghiệp để cung cấp các dịch vụ, nền tảng công nghệ và công cụ để hỗ trợ các DN truyền thống tại Việt Nam tiếp cận công nghệ Blockchain một cách an toàn, nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo vẫn phải thiết lập một hệ thống báo cáo nội bộ, đồng thời đảm bảo rằng giao tiếp giữa các nhân viên có thể theo kịp với các thay đổi hoạt động của blockchain. Các cuộc trao đổi với đánh giá viên nội bộ và bên ngoài cũng nên được thực hiện liên tục để đảm bảo dữ liệu có thể kiểm tra được.

Ba là, cập nhật công nghệ Blockchain cho các kế toán viên, kiểm toán viên thông qua các chương trình đào tạo. Để phát huy ứng dụng của công nghệ này trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, các kế toán viên, kiểm toán viên là những người cần am hiểu về ứng dụng này. Với mục tiêu dẫn đầu công nghệ trong các tổ chức tài chính trên thế giới, năm 2018, PwC đã công bố dịch vụ kiểm toán mới của mình dựa trên nền tảng công nghệ này nhằm khuyến khích khách hàng tiếp cận với giải pháp mới, cho phép người sử dụng dịch vụ có thể xem, kiểm tra và theo dõi các giao dịch trên Blockchain sát với thời gian thực.

Bốn là, để tối đa hóa lợi ích, các tổ chức nên giải quyết rủi ro bằng các quy trình mới, đặc biệt chú ý đến các khía cạnh chính của blockchain bao gồm: các nút, giao thức đồng thuận, khóa riêng và hợp đồng thông minh. Đồng thời, tổ chức nên sử dụng các chuyên gia công nghệ thông tin để đánh giá cách thức công nghệ có thể được tích hợp với cấu trúc hiện có của mình; cập nhật các quy định mới thông qua cố vấn pháp lý và bộ phận nội bộ.

Năm là, các tổ chức xây dựng quy tắc ứng xử xác thực cam kết của các thành viên về đạo đức và thực thi trách nhiệm giải trình. Các công ty cũng cần quan tâm đặc biệt đến việc thẩm định để thiết lập tiêu chí của các bên liên quan mà tổ chức sẽ tương tác; đồng thời, đánh giá năng lực của chính mình trong việc quản lý hiệu quả công nghệ và cung cấp các nguồn lực phù hợp, cả nội bộ và thuê ngoài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Andersen, N. (2017). Blockchain Technology. A game-changer in accounting?
  2. Chapman,J., Garratt,R.,Hendry,S., McCormack,A. and McMahon,W. (2017). Project Jasper:are distributed wholesale payment systems feasible yet? Financial System,
  3. Trương Thị Hoài, Đào Thị Loan (2019), Khoa Kinh tế - Đại học Vinh “Ứng dụng blockchain vào lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 5, https://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/ung-dung-blockchain-vao-linh-vuc-ke-toan-kiem-toan-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-40-310019.html
  4. Trịnh Xuân Hưng (2018). “Tìm hiểu về công nghệ blockchain và ảnh hưởng của nó đến lĩnh vực kế toán - tài chính - ngân hàng”, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số tháng 8.

Applying blockchain technology in Vietnam’s accounting and

auditing sector

Master. Le Minh Thanh

Faculty of Accounting

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Technology undoubtedly helps us perform tasks like accounting and auditing works more efficiently and exactly. Technological changes also significantly impact employment opportunities in the accounting and auditing sector. It is predicted that some accounting and auditing job positions will disappear due to the application of blockchain technology in accounting and auditing software. In the context of the current rapidly development of technology, staying open and proactively accessing to new information are considered the only way for Vietnam to succeed. This paper presents the current application of blockchain technology in Vietnam’s accounting and auditing industry and proposes some solutions to promote this application.

Keywords: Blockchain technology, accounting and auditing sector, enterprise, information.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]