Ứng dụng công nghệ blockchain vào ngành Kế toán - Kiểm toán

THS. PHÙNG THỊ HIỀN (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Công nghệ blockchain mang tầm ảnh hưởng lớn đến ngành Kế toán, Kiểm toán và là xu hướng công nghệ mà các chuyên viên ngành Tài chính, Kế toán, Kiểm toán không thể 'ngó lơ' trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển như vũ bão. Bài viết phân tích lợi ích ứng dụng công nghệ Blockchain và giải pháp tại thị trường Việt Nam.

Từ khóa: Công nghệ Blockchain, ngành Kế toán - Kiểm toán, Việt Nam.

1. Thế nào là công nghệ Blockchain

Blockchain (hay còn gọi là chuỗi khối). Tên ban đầu là một cơ sở dữ liệu phân cấp có chức năng lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo được liên kết với khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain ra đời được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu.

Blockchain được đảm bảo nhờ cách thiết kế và sử dụng hệ thống tính toán, phân cấp với khả năng chịu lỗi byzantine cao. Vì vậy, công nghệ này phù hợp để ghi lại những sự kiện, xử lý giao dịch, hồ sơ, công chứng, danh tính và chứng minh nguồn gốc, giúp xóa bỏ tối đa các hậu quả lớn khi dữ liệu bị thay đổi trong bối cảnh thương mại toàn cầu.

Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống có bị sụp đổ thì những máy tính và nút khác vẫn sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.

Hiện tại, Blockchain tồn tại với 3 phiên bản:

- Phiên bản Blockchain 1.0 - tiền tệ và thanh toán: Ứng dụng chính của phiên bản này là tiền mã hóa. Nó bao gồm việc chuyển đổi tiền tệ, kiều hối và tạo lập hệ thống thanh toán kỹ thuật số. Đây cũng là lĩnh vực quen thuộc đối với con người nhất.

- Phiên bản Blockchain 2.0 - tài chính và thị trường: Phiên bản này được ứng dụng trong các ngành tài chính và ngân hàng. Mở rộng quy mô của Blockchain. Đưa vào các ứng dụng tài chính và thị trường các tài sản bao gồm: cổ phiếu, chi phiếu, nợ, quyền sở hữu và bất kì điều gì có liên quan đến thỏa thuận hợp đồng.

- Phiên bản Blockchain 3.0 - thiết kế và giám sát hoạt động: Phiên bản này nâng cấp hơn so với hai phiên bản kia. Đưa Blockchain vượt khỏi biên giới tài chính. Đi vào các lĩnh vực như giáo dục, chính phủ, y tế và nghệ thuật.

2. Ứng dụng công nghệ Blockchain trong ngành Kế toán - Kiểm toán

Công nghệ blockchain được xem như một sổ cái mở và phân quyền, có khả năng ghi chép lại và xác minh các giao dịch mà không cần tín nhiệm cho một cơ quan trung gian nào. Bản thân công nghệ này tồn tại như một file lưu trữ rất nhiều các giao dịch được ghi chép lại gọi là khối (block). Mỗi khối chứa một dấu thời gian (timestamp) và một dãy số dẫn tới khối trước đó hay còn gọi là “dấu vân tay”. Blockchain được thiết kế vô hiệu hóa với việc sửa đổi dữ liệu và không thể hồi tố.

Công nghệ blockchain trong kế toán - kiểm toán làm giảm phần lớn khả năng xảy ra sai sót khi đối chiếu các thông tin phức tạp và khác biệt từ nhiều nguồn khác nhau. Hơn nữa, hồ sơ kế toán sẽ không thể chỉnh sửa và thay đổi một khi đã được lưu vào blockchain, ngay cả khi chủ sở hữu hệ thống kế toán yêu cầu. Bởi trên nền tảng blockchain, mọi giao dịch hàng ngày được ghi chép lại và xác thực, do đó tính vẹn toàn của các hồ sơ tài chính được đảm bảo. Bên cạnh những khả năng ấn tượng kể trên, công nghệ này còn có khả năng làm giảm hoặc thậm chí loại bỏ nhu cầu kiểm toán tài nguyên nguồn dữ liệu.

Sau đây là một vài ứng dụng của công nghệ blockchain trong ngành Kế toán - Kiểm toán:

- Bằng chứng kiểm toán có thể theo dõi;

- Quá trình kiểm toán tự động; 

- Xác thực giao dịch;

- Theo dõi quyền sở hữu tài sản;

- Hợp đồng thông minh;

- Hệ thống đăng ký và kiểm kê đối với mọi tài sản nào, từ nguyên vật liệu đến sở hữu trí tuệ.

Như vậy, sự phát triển của khoa học công nghệ cùng với sự ra đời của blockchain đang mang đến những tác động tích cực đối với kinh tế nói chung và ngành Tài chính - Kế toán nói riêng. Bên cạnh các cơ hội mới, đang có nhiều lo lắng trước sự tác động của công nghệ tới lĩnh vực tài chính, kế toán như sự sụt giảm về nhu cầu nhân sự kế toán (nhân sự đóng vai trò trung gian)… Tuy nhiên, công nghệ không lấy đi việc làm của các kế toán viên mà chỉ góp phần hỗ trợ công việc của họ hiệu quả hơn. Các kế toán viên không cần phải trở thành một chuyên gia công nghệ thực thụ về công nghệ blockchain mà họ cần hiểu về blockchain và những tác động của nó tới nghề kế toán để nhanh chóng thích ứng với những đổi thay này.

3. Giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain vào ngành Kế toán - Kiểm toán

Các giải pháp ứng dụng cho các DN Việt Nam nói chung và lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng có thể được đặt ra, bao gồm:

Một là, ứng dụng Blockchain trên các phần mềm kế toán.

Hiện nay, việc sử dụng phần mềm kế toán trong hoạt động không còn xa lạ với bất cứ doanh nghiệp (DN) nào ở Việt Nam. Việc kết hợp công nghệ Blockchain trên các phần mềm kế toán sẽ giúp công tác kế toán tại các DN tối ưu hóa tính bảo mật, an toàn và minh bạch của các thông tin kế toán. Gần đây nhất, việc ứng dụng của công nghệ Blockchain đã được triển khai trên phần mềm hóa đơn điện tử. Đi tiên phong trong dịch vụ phát triển giải pháp và ứng dụng công nghệ Blockchain trên phần mềm hóa đơn điện tử là MISA. MISA phát triển MeInvoice.vn - Giải pháp hóa đơn điện tử đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ Blockchain giúp gia tăng tính bảo mật, an toàn và minh bạch của hóa đơn cho DN. Công nghệ Blockchain trên MeInvoice được hiểu như một cuốn sổ cái, ghi nhận toàn bộ trạng thái và cập nhật đầy đủ thông tin về hóa đơn cho các bên tham gia đều có thể kiểm tra và xác thực thông tin. Trong thời gian tới, các công ty phần mềm kế toán nên khai thác sâu hơn các ứng dụng của Blockchain không chỉ trên phần mềm hóa đơn điện tử mà trên các phần mềm kế toán.

Hai là, xây dựng các công ty cung cấp ứng dụng công nghệ Blockchain trong kế toán, kiểm toán.

Thời gian gần đây, nhiều DN bắt đầu quan tâm đến việc áp dụng Blockchain trong phạm vi nào, mang giá trị kinh doanh ra sao, bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Thực tế hiện nay, công cụ lập trình của các dự án Blockchain còn hạn chế, gây khó khăn trong việc hiện thực hóa các ý tưởng ứng dụng công nghệ chuỗi khối. Các dự án Blockchain tiên tiến cần giải quyết vấn đề này, cần những công cụ lập trình hoàn chỉnh để hỗ trợ các nhà phát triển ứng dụng. Với mục tiêu phá vỡ các rào cản trong việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cho các DN, cần có các tổ chức chuyên nghiệp để cung cấp các dịch vụ, nền tảng công nghệ và công cụ để hỗ trợ các DN truyền thống tại Việt Nam tiếp cận công nghệ Blockchain một cách an toàn, nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Điển hình, một số DN khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam như: Công ty Vakaxa, AChain , Kambaria, Kyber Network… đã xây dựng những nền tảng Blockchain hoạt động hiệu quả, thu hút được sự quan tâm và đầu tư lớn của cộng đồng Blockchain trên toàn thế giới. Đây là cơ hội cho Việt Nam đón đầu ứng dụng công nghệ Blockchain, nhằm cắt giảm các chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp các DN Việt Nam cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Ba là, cập nhật công nghệ Blockchain cho các kế toán viên, kiểm toán viên thông qua các chương trình đào tạo.

Để phát huy ứng dụng của công nghệ này trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, các kế toán viên, kiểm toán viên là những người cần am hiểu về ứng dụng này. Với mục tiêu dẫn đầu công nghệ trong các tổ chức tài chính trên thế giới, năm 2018, PwC đã công bố dịch vụ kiểm toán mới của mình dựa trên nền tảng công nghệ này nhằm khuyến khích khách hàng tiếp cận với giải pháp mới, cho phép người sử dụng dịch vụ có thể xem, kiểm tra và theo dõi các giao dịch trên Blockchain sát với thời gian thực.

Bên cạnh PwC, Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales cũng đã đưa Blockchain và một số xu hướng công nghệ then chốt khác vào nội dung đào tạo của mình. Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội do sự phát triển này mang lại, các kế toán viên, kiểm toán viên phải cập nhật xu hướng của những thay đổi này đối với ngành, làm quen với các khái niệm mới như dữ liệu lớn (Big Data), mật mã, hệ thống sổ cái (Blockchain), hệ thống thanh toán, thanh toán qua các thiết bị di động và các nền tảng mới kết nối giữa các nhà cung cấp và người sử dụng dịch vụ tài chính...

Như vậy, để tạo lợi thế cạnh tranh cho bản thân trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán ở thị trường lao động tương lai, ngoài những kiến thức chuyên môn, cần cập nhật những thông tin về công nghệ cũng như những ứng dụng mới vào môi trường làm việc của ngành.

Tóm lại, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang "bùng nổ" ở Việt Nam, kế toán viên và kiểm toán viên cân nhắc cách thức làm việc và có thể cung cấp cho khách hàng những sản phẩm công việc có giá trị cao hơn liên quan đến hiểu biết sâu sắc và suy nghĩ chiến lược. Blockchain có thể mở ra rất nhiều cánh cửa cơ hội cho ngành Kế toán - Kiểm toán trong tương lai.      

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. 2018 - Năm đỉnh cao của ứng dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động kiểm toán”, Báo Kiểm toán số 26+27 tháng 8/2018.
  2. Công nghệ Blockchain đằng sau bitcoin là gì và nó được ứng dụng như thế nào?. Cafef.vn(10/07/2018).
  3. “Tìm hiểu về hóa đơn điện tử đầu tiên ứng dụng công nghệ Blockchain”-
    Báo Dantri.com.vn (13/04/2019).

 Applying blockchain technology in Vietnam’s accounting and auditing field

Master. Phung Thi Hien

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Blockchain technology has a great influence on the accounting and auditing field and it is a technological trend that experts in finance, accounting and auditing cannot ignore in the context of the rapid growth of Industry 4.0. This article analyzes benefits of blockchain technology and solutions to apply this technology in Vietnam.

Keywords: Blockchain technology, accounting and auditing field, Vietnam.