TÓM TẮT:
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới đời sống, kinh tế - xã hội và có sức lan tỏa nhanh chóng đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cuộc cách mạng này đã tạo ra sự thay đổi lớn trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là về giáo dục - đào tạo. Bài viết này tập trung phân tích thực trạng đào tạo cử nhân kế toán Việt Nam hiện nay và sự tác động của cuộc cách mạng 4.0, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân kế toán Việt Nam.
Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, cử nhân kế toán, đào tạo.
1. Đặt vấn đề
Những lợi ích của CMCN 4.0 không dành cho toàn bộ dân số toàn cầu. Một trong những hệ lụy của nó khiến toàn thế giới lo lắng đó là vấn đề máy móc sẽ cạnh tranh với công việc của con người. So với con người, trong lao động thuần túy máy móc hơn hẳn, con người thua cuộc và thất nghiệp. Theo dự báo, khoảng 1/3 công việc của con người tốt nghiệp đại học trên toàn thế giới sẽ được thay thế bằng máy móc hoặc phần mềm. Không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó, ngành Kế toán đang đứng trước những cơ hội và cả thách thức không hề nhỏ. Các chuyên gia cho rằng, cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra những bước đột phá về năng suất lao động và phát triển nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp sẽ đòi hỏi sự thay đổi trình độ và năng lực của người lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất mới. Với số lượng các trường cao đẳng, đại học đang đào tạo chuyên ngành kế toán như hiện nay thì mỗi năm lượng sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kế toán là rất lớn. Đây chính là bài toán khó cho các thị trường lao động, trong khi số lượng lao động kế toán nhiều nhưng chất lượng lại chưa được đánh giá cao.
Để có những cử nhân ngành Kế toán đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong cuộc CMCN 4.0, đòi hỏi phải có sự đổi mới căn bản các chương trình, nội dung và phương thức đào tạo. Việc này sẽ đáp ứng sự thay đổi nhu cầu của thời đại.
2. Thực trạng và xu hướng đào tạo cử nhân kế toán trong giai đoạn hiện nay
Hiện nay trên cả nước có khoảng 200 trường đại học, cao đẳng đào tạo nghề kế toán, kiểm toán. Theo nghiên cứu thực trạng hiện nay, lương của nhân viên kế toán mới ra trường dao động từ khoảng 3-5 triệu đồng, kế toán có kinh nghiệm từ 2 năm trở lên có mức lương dao động từ 6-8 triệu đồng, còn đối với kế toán trưởng thì mức lương sẽ là trên 10 triệu đồng. Mức lương này còn phụ thuộc vào năng lực, yêu cầu cũng như tính chất công việc một cách cụ thể. Việc gia nhập các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới, mức lương cho kế toán khi làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty đa quốc gia,… cũng khá cao so với mặt bằng chung ở Việt Nam. Với sự hấp dẫn kể trên, kế toán được xem là một trong những ngành thu hút nhân lực, vì vậy việc mở rộng đào tạo nghề kế toán ở các trường đại học, cao đẳng là điều hoàn toàn dễ hiểu để vừa đáp ứng được nhu cầu nghề nghiệp và vừa đảm bảo cho trường có được những nguồn thu tài chính khi chuyển sang cơ chế tự chủ.
Tuy nhiên, vấn đề việc làm và thất nghiệp là hiện tượng phổ biến của quá trình CMCN 4.0, nhất là thời kỳ đầu khi lực lượng lao động chưa thích ứng với điều kiện mới của công nghiệp và sự chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động giữa các lĩnh vực. Thực tế đã có những thay đổi việc làm trên thị trường lao động, người máy bắt đầu thực hiện các công việc phổ thông thay cho con người. Theo thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố từ năm 2018, nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán của Việt Nam luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ về dư thừa nhân lực và sẽ còn dư thừa trong nhiều năm nữa. Nếu xem xét về khía cạnh chất lượng đào tạo, còn có độ lệch khá lớn giữa các trường và chất lượng chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lương cao phù hợp với tình hình phát triển và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta trong thời đại CMCN 4.0.
Thực trạng hiện nay cho thấy việc đào tạo ngành Kế toán tại Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này có thể kể đến sự tác động từ nhiều phía như:
Về phía cơ sở đào tạo:
Do chương trình đào tạo ngành Kế toán của cơ sở đào tạo lạc hậu, thiên về lý thuyết hàn lâm, hệ thống các môn học chuyên ngành không phù hợp với hệ thống chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Chương trình đào tạo hiện nay vẫn chưa được linh hoạt, nội dung chưa phù hợp với nhu cầu và xu thế thị trường lao động. Do đội ngũ giảng dạy các môn học chuyên ngành, chuyên ngành sâu còn mỏng cả về số lượng lẫn chất lượng. Cách mạng 4.0 đòi hỏi phương pháp và phương thức đào tạo thay đổi với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số và hệ thống mạng.
Về phía sinh viên được đào tạo chuyên ngành kế toán:
Nhìn chung, tính chủ động sáng tạo trong học tập và nghiên cứu của sinh viên chưa cao, thiếu tư duy khoa học, đại đa số học thụ động, học theo phong trào, học cho qua “học theo hội chứng bằng cấp”, do vậy, khi tốt nghiệp chưa đủ kiến thức để đáp ứng được yêu cầu của thực tế.
Ngoài ra, còn kể đến một số nguyên nhân như: số lượng nguồn nhân lực kế toán của nước ta hiện nay quá nhiều, vượt quá nhu cầu tuyển dụng của thị trường. Việt Nam chưa có chương trình, lộ trình định hướng cụ thể cho phát triển kế toán. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có Quyết định số 480/QĐ-TTg ban hành ngày 18 tháng 3 năm 2013 về việc phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với các giải pháp như: hoàn thiện các văn bản luật kế toán, kiểm toán; xây dựng, ban hành CMKT phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa có các hướng dẫn cụ thể việc sửa đổi điều chỉnh khung đào tạo ngành Kế toán theo định hướng hài hòa thông lệ, chuẩn mực quốc tế…
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với sự bùng nổ của cách mạng 4.0, công tác đào tạo đội ngũ kế toán, kiểm toán viên cần phải đổi mới để đảm bảo cả về “chất” và “lượng”, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đảm bảo năng lực cạnh tranh với lao động của các nước khác trong khu vực. Yêu cầu của người làm kế toán hiện nay là phải có kiến thức, có hiểu biết về giao dịch kinh tế, tài chính chứ không chỉ đơn thuần là kiến thức ghi chép sổ sách; hiểu được yêu cầu của người sử dụng báo cáo tài chính để cung cấp thông tin tài chính hữu ích.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân kế toán trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay bởi đây luôn được coi là dịch vụ cao cấp, đóng góp tích cực tăng trưởng kinh tế, tạo ra môi trường doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng. Để làm được điều này, ngoài sự nỗ lực của từng các cơ sở đào tạo, chủ yếu là các trường đại học, cao đẳng, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, hợp lực hiệu quả giữa các trường, các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, kế toán, kiểm toán và các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp trong việc thiết lập chuẩn đầu ra thích hợp, đổi mới nội dung chương trình giảng dạy theo hướng quốc tế hóa và phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Theo đó, trong thời gian tới, cần chú trọng một số vấn đề trọng tâm sau:
Về phía cơ quan quản lý:
Các hiệp định tự do hóa thương mại và dịch chuyển lao động tạo ra thách thức và cơ hội cho nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Để cung cấp nguồn nhân lực cho nghề nghiệp trong giai đoạn mới, cần xem xét lại định hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu nội địa hiện nay. Việc duy trì hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu nội địa hiện nay sẽ dẫn đến mất dần thị trường lao động kế toán, kiểm toán ngay tại sân nhà, chưa kể đến đánh mất cơ hội mở mang sang các nước trong khu vực. Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng một chiến lược đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học theo chuẩn quốc tế và tạo điều kiện để từng trường, tuỳ theo năng lực hiện có, thiết kế chương trình đào tạo phù hợp theo hướng tiếp cận chương trình tiên tiến trên thế giới.
Về phía các tổ chức nghề nghiệp:
Nâng cao vai trò của hội nghề nghiệp như: Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Chi hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA)… giúp tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hành nghề kế toán, kiểm toán để đảm bảo những người đủ điều kiện mới có thể hành nghề, từ đó giúp nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của những công ty kiểm toán Việt Nam trên thị trường.
Tăng cường hợp tác với các hội nghề nghiệp ở khu vực ASEAN để tăng cường sự hiểu biết và liên thông trình độ giữa các kế toán, kiểm toán viên trong khu vực. Đẩy mạnh việc thỏa thuận, hợp tác giữa các quốc gia trong khối ASEAN để tiến tới công nhận các bằng cấp và chứng chỉ hành nghề lẫn nhau.
Về phía các cơ sở đào tạo:
Cần có những thay đổi trong quan điểm đào tạo. Đào tạo không xuất phát từ những gì mình có, mà phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu của thời đại công nghệ số, đó là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội. Phát triển nội dung đào tạo giúp sinh viên sau khi ra trường thích ứng kịp thời với thời đại công nghệ số. Ngoài giảng dạy kiến thức chuyên môn, tổ chức đào tạo cần tập trung đào tạo các kỹ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng đạo đức nghề nghiệp.
Các trường đại học cần phối hợp và thông qua các hiệp hội nghề nghiệp như Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) Câu lạc bộ Kế toán trưởng,... để tạo nên mối quan hệ rộng rãi và sâu sắc với các loại hình doanh nghiệp khác nhau trong nền kinh tế.
Công nghệ phát triển với chi phí rẻ là điều kiện thuận lợi để các trường đại học đầu tư cơ sở vật chất, các công cụ và phương tiện giảng dạy hiện đại. Các trường cần sử dụng nhiều hơn các hình thức giảng dạy khác như đào tạo online, thiết kế môi trường ảo để người học và người dạy có thể tương tác lẫn nhau và truyền đạt thông tin, tổ chức thực hành tại các phòng mô phỏng ảo.
Đào tạo đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0 đòi hỏi đội ngũ giảng dạy phải có trình độ cao về chuyên môn, công nghệ thông tin, hệ thống mạng…, do vậy công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cũng là yếu tố đòi hỏi các trường đại học phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Cán bộ giảng dạy phải liên tục cập nhật kiến thức chuyên môn, công nghệ… bằng cách tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị chuyên môn. Cán bộ giảng dạy cần có cơ hội tiếp xúc với thực tế và nắm bắt được những thay đổi của thị trường để thực hiện các điều chỉnh trong giảng dạy.
Đối với người học:
Thay đổi suy nghĩ: xác định việc học là lấy kiến thức, trưởng thành trong suy nghĩ và kỹ năng sống là cơ sở sau này đi làm chứ không phải học là để có tấm bằng. Phát huy tính chủ động sáng tạo trong học tập, bỏ kiểu học theo hướng thụ động ghi chép và đọc chép, tìm phương pháp học tập có hiệu quả, nâng cao nghiên cứu khoa học và học tập gắn liền với thực hành, thực tiễn. Tham gia các diễn đàn, các nhóm trao đổi về kế toán, nhằm nâng cao trình độ cũng như cọ xát thực tế, phục vụ cho công việc sau khi ra trường.
4. Kết luận
Cuộc CMCN 4.0 hiện nay mang đến rất nhiều cơ hội cũng như thử thách. Do đó, để tạo lợi thế trong sự cạnh tranh về nguồn nhân lực của ngành Kế toán nói riêng và các ngành nghề khác nói chung thì cần được chú trọng bởi các ban ngành, tổ chức và cá nhân có liên quan nhằm giúp nguồn nhân lực Việt Nam được hoàn thiện từ chuyên môn đến các kỹ năng mềm trong thời đại hội nhập và công nghệ số một cách chuyên nghiệp. Vấn đề con người thực sự rất phức tạp và cần nhiều thời gian cũng như tâm sức để hoàn thiện. Các trường đại học Việt Nam cũng phải cần nhiều sự giúp đỡ của Tổ chức nghề nghiệp kế toán của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trên thế giới về thay đổi cách tiếp cận sao cho phù hợp với CMCN 4.0 vào các trường đại học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chu Thị Bích Thủy, Đại học Kinh tế quốc dân, Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Tạp chí điện tử Tài chính, tháng 1/2019.
- Lương Thị Thủy, Nâng cao hiệu quả giảng dạy trong đào tạo cử nhân kế toán, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số tháng 3/2017.
- Một số trang web: mof.gov.vn. vacpa.org.vn, nhandan.com.vn, cafeF.vn…
Solutions to improve the quality of training accounting student process in the context of Industry 4.0
Master. Mai Thanh Hang
Faculty of Accounting, University of Economics and Technology for Industries
ABSTRACT:
Industry 4.0 is significantly impacting on life, economy and society and it is rapidly spreading to many countries around the world including Vietnam. This revolution has remarkably changed many fields, especially education and training field. This paper focuses on analyzing the current situation of training accounting students process in Vietnam and the Industry 4.0’s impact on this training process, thereby proposing some solutions to improve the quality of training accounting students process in Vietnam.
Keywords: Industry 4.0, accounting student, training.