Kinh nghiệm áp dụng kế toán giá trị hợp lý ở một số nước và bài học cho Việt Nam

TRỊNH HỒNG HẠNH (Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Kế toán giá trị hợp lý đã được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới với việc áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) về giá trị hợp lý theo những cách thức khác nhau, nhằm phát huy những lợi ích của nó đối với các quốc gia, các cơ quan quản lý cũng như các nhà đầu tư. Ở Việt Nam, kế toán giá trị hợp lý bước đầu đã được áp dụng và lần đầu tiên Luật Kế toán (sửa đổi) số 88/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015 đã quy định về vấn đề giá trị hợp lí thể hiện xu hướng và sự cần thiết của vấn đề này. Nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng kế toán giá trị hợp lý ở một số nước tương đồng với Việt Nam là cần thiết để rút ra các bài học kinh nghiệm trong việc áp dụng kế toán giá trị hợp lí theo chuẩn mực quốc tế, nhằm đảm bảo cho các thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính của các doanh nghiệp được cung cấp một cách trung thực, hợp lí, minh bạch hơn, giúp cho những người sử dụng thông tin có hiệu quả hơn.

Từ khóa: Kế toán giá trị hợp lý, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.

1. Sự cần thiết của kế toán giá trị hợp lý

Cho đến nay, trong các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) đưa ra 7 định nghĩa khác nhau về giá trị hợp lý. Sau khi chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) số 13 - Đo lường giá trị hợp lý được ban hành tháng 5/2011 thì các IAS khi bổ sung, sửa đổi hoặc các IFRS ban hành mới đã tiếp cận và yêu cầu tham chiếu theo khái niệm giá trị hợp lý qui định trong IFRS số 13.

Theo IFRS 13, giá trị hợp lý là giá sẽ nhận được khi bán một tài sản hoặc phải trả khi thanh toán một khoản nợ phải trả trong một giao dịch thông thường giữa các bên tham gia thị trường tại ngày đo lường.

Kế toán giá trị hợp lý là cần thiết, vì nó mang lại rất nhiều lợi ích đối với quốc gia, các cơ quan quản lý và các nhà đầu tư:

 - Góp phần nâng cao uy tín quốc gia thông qua việc tuân thủ chuẩn mực quốc tế, góp phần thúc đẩy quá trình hội tụ quốc tế: Barlev và Haddad (2007) đã nghiên cứu mối quan hệ giữa giá trị hợp lý với hài hòa và hội tụ quốc tế. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng sự hòa hợp kế toán quốc tế có tính khả thi nếu sử dụng giá trị hợp lý và kết luận rằng hệ thống kế toán theo giá trị hợp lý là chất xúc tác, góp phần thúc đẩy quá trình hội tụ quốc tế, nâng cao uy tín quốc gia. Nhận thức này cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp trong mỗi quốc gia lựa chọn giá trị hợp lý.

- Giúp các cơ quan quản lý nắm được giá trị thực tế của doanh nghiệp, có thể kiểm soát được việc tăng vốn khống tại các doanh nghiệp: Theo Dương Thị Thảo (2014), có hiện tượng một số doanh nghiệp tại thị trường chứng khoán Việt Nam đã dùng một số chiêu thức để tăng vốn giả, ban đầu đã che mắt được các cơ quan quản lý cũng như các công ty kiểm toán để đưa cổ phiếu của công ty mình niêm yết trên các sàn giao dịch. Các "cổ phiếu giấy" này đã được bán trên thị trường và gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư. Với việc sử dụng giá trị hợp lý, sẽ giúp ngăn chặn được những thủ đoạn tăng vốn giả của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp và ngân hàng nếu có những khoản đầu tư vào những công ty không có tiềm lực thực sự thì nếu áp dụng giá trị hợp lý, những khoản đầu tư này sẽ tạo nên một khoản lỗ do đầu tư cổ phiếu, trái phiếu trên báo cáo kết quả kinh doanh, làm giảm vốn chủ sở hữu. Nếu áp dụng giá trị hợp lý, các nhà đầu tư sẽ nhìn thấy rõ được vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp, các ngân hàng giảm do kết quả kinh doanh giảm, dẫn đến cổ phiếu không thể giữ được giá hiện thời. Như vậy, việc áp dụng giá trị hợp lý sẽ kiểm soát được việc tăng vốn khống của doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý cũng như nhà đầu tư sẽ nắm được giá trị thực tế của doanh nghiệp, làm giảm khả năng làm giả số liệu thu nhập, làm tăng sự hiểu biết của các báo cáo tài chính, đáp ứng được mục tiêu của báo cáo tài chính và người dùng… (Igeoma, N.B, 2014).

- Cải thiện đo lường hiệu suất: Việc áp dụng giá trị hợp lý sẽ nâng cao tính so sánh cho các báo cáo tài chính, so sánh được các chỉ tiêu tài chính trong việc đo lường hiệu suất giữa các doanh nghiệp, nhờ đó có sự đánh giá đúng hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp mà các nhà đầu tư định đầu tư trên cơ sở đo lường các tỷ lệ tài chính (Muller và cộng sự, 2008; Ijeoma, 2014).

- Cung cấp thông tin hữu ích hơn cho nhà đầu tư so với giá gốc: Theo Laux và Leuz (2009), áp dụng giá trị hợp lý đối với tài sản hoặc nợ phải trả sẽ "giúp các nhà đầu tư đưa ra được các quyết định đầu tư chính xác". Tính đúng đắn của thông tin trên báo cáo tài chính thể hiện ở sự tin cậy của nhà đầu tư cũng đã được chứng minh trong nghiên cứu của Igeoma, N.B (2014). Từ quá trình khảo sát và phân tích dữ liệu, nghiên cứu đã tìm thấy rằng: "Việc áp dụng giá trị hợp lý cũng cấp thông tin hữu ích hơn cho nhà đầu tư so với giá gốc".

2. Kinh nghiệm áp dụng kế toán giá trị hợp ý ở một số quốc gia

2.1. Tại Ấn Độ

Hiện nay các doanh nghiệp Ấn Độ vẫn đang lập báo cáo tài chính dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn báo cáo tài chính do Viện Kế toán Ấn Độ ban hành trong suốt thập kỷ qua.

Năm 2010, Viện Kế toán Ấn Độ (MCA) đã dự thảo cho lộ trình sẽ có 2 bộ chuẩn mực kế toán được áp dụng bao gồm: Một là, bộ chuẩn mực kế toán hiện hành áp dụng cho tất cả doanh nghiệp; Hai là, bộ chuẩn mực kế toán Ấn Độ hội tụ với IFRS (Ind AS) và sẽ được áp dụng dần dần, bắt đầu là đối với các doanh nghiệp có doanh thu từ 1 tỷ ruppe và niêm yết trên sàn chứng khoán Bombay. Ngày 1/4/2013, Ind AS đã được ban hành gồm 35 chuẩn mực hội tụ với IFRS (Danbolt, J., and W. Rees, 2008). Trong đó, khái niệm về giá trị hợp lý đã nhanh chóng được vận dụng trong các khu vực: bất động sản, hợp đồng tương lai và quyền chọn,…

2.2. Tại Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia láng giềng với Việt Nam, có điều kiện chính trị tương đồng và mối quan hệ sâu sắc giữa hai Đảng và Nhà nước, vì thế Việt Nam được xem là chịu nhiều ảnh hưởng từ những thay đổi chính sách của Trung Quốc.

Giai đoạn 1997 - 2000: Trung Quốc đã thí điểm vận dụng kế toán giá trị hợp lý ở 3 trong tổng số 16 chuẩn mực kế toán. Việc này đã đi đến thất bại và giá trị hợp lý đã bị cấm sử dụng trong 3 chuẩn mực kế toán này kể từ năm 2001. Trong suốt thời gian sau đó, Bộ Tài chính Trung Quốc, IASB và Ngân hàng Thế giới đã có nhiều hội thảo, nghiên cứu nhằm tìm giải pháp cho việc hội tụ của chuẩn mực kế toán Trung Quốc với quốc tế.

Ngày 1/1/2006: Lần cải cách kế toán thứ 2 của Trung Quốc, Bộ Tài chính Trung Quốc đã ban hành GAAP bao gồm 1 khuôn mẫu lý thuyết và 38 chuẩn mực kế toán. Từ đây, lần đầu tiên giá trị hợp lý được chính thức áp dụng như một thước đo để đo lường tại 25 trong tổng số 38 chuẩn mực kế toán; Lần cải cách thứ 2 đã đi đến thành công và các chuẩn mực này đã được vận dụng cho đến ngày nay. Hiện nay, Trung Quốc tuyên bố đã áp dụng đầy đủ theo IFRS nhưng có loại trừ.

Ngân hàng Thế giới đã tham gia tài trợ cho cả 2 cuộc cải cách kế toán giá trị hợp lý ở Trung Quốc bắt đầu từ năm 1992. Trong lần cải cách thứ 2, IASB đã tham gia hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính Trung Quốc. Điều này đã tạo ra một cơ hội cho cả 2 phía: việc áp dụng các tiêu chuẩn của IASB và sự chấp nhận ở Trung Quốc. Các tổ chức khác như Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới cũng có vai trò thúc đẩy về mặt pháp lý như Trung Quốc phải cam kết cải cách hệ thống kế toán khi gia nhập WTO. Deloitte - một công ty trong nhóm Big4 đã được chỉ định dẫn đầu nhóm hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho Trung Quốc trong quá trình xây dựng chuẩn mực, điều này đã mang lại lợi ích cho cả hai phía và tạo hiệu ứng xã hội tốt. Bên cạnh đó, tính toàn cầu hóa ngày càng gia tăng của các hoạt động kinh tế, sự thay đổi tư tưởng của các nhà lãnh đạo đất nước, áp lực của các cơ quan quốc tế, sự gia tăng ủng hộ dành cho IFRS và kế toán giá trị hợp lý trên toàn cầu được xem là yếu tố cơ hội chính trị cho việc thông qua chính sách kế toán giá trị hợp lý ở Trung Quốc.

Có thể thấy, sự vận dụng thành công chuẩn mực kế toán quốc tế và kế toán giá trị hợp lý ở Trung Quốc là dựa trên tổng hợp các yếu tố: điều kiện chính trị, văn hóa, xã hội. Đây được xem là một trường hợp điển hình để xem xét những nguyên nhân dẫn đến sự thành công của việc vận dụng kế toán giá trị hợp lý trên thế giới.

2.3. Tại Malaysia

Malaysia là một nước trong cùng khối ASEAN, có điều kiện lịch sử và quy mô tăng trưởng của nền kinh tế tương đồng.

Trước thời điểm 1/1/2012, kế toán giá trị hợp lý mới chỉ xuất hiện rất hạn chế trong chuẩn mực kế toán Malaysia cụ thể là FRS 140 - Bất động sản đầu tư, FRS 32 - Trình bày Công cụ tài chính, FRS 39 - Ghi nhận và đo lường công cụ tài chính, FRS 3 - Hợp nhất kinh doanh và FRS 141 - Nông nghiệp. Giai đoạn này giá trị hợp lý còn được sử dụng rất hạn chế và có sự khác biệt với cách sử dụng giá trị hợp lý ở Mỹ hay Singapore, vấn đề nằm ở chỗ có sự khác nhau về việc hiểu và vận dụng giá trị hợp lý, vị trí địa lý, sự phát triển của nền kinh tế, định hướng, văn hóa.

Tháng 8/2008, MASB đã công bố kế hoạch hội tụ với IFRS vào năm 2012. Đây được xem là giai đoạn chuẩn bị quan trọng cho MASB và IASB.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2012, MASB đã lần lượt ban hành bộ chuẩn mực báo cáo tài chính Malaysia [MFRS] trên cơ sở hội tụ hoàn toàn với IFRS và được cập nhật liên tục đến thời điểm hiện tại. Đồng thời, việc vận dụng IFRS cũng được đưa vào Luật kế toán Malaysia 1997. Theo đó, tất cả các công ty trên thị trường chứng khoán Malaysia được yêu cầu sử dụng IFRS, bao gồm cả báo cáo tài chính hợp nhất. Các công ty không niêm yết được phép sử dụng MFRS hoặc sử dụng chuẩn mực BCTC riêng [PERS] do MASB ban hành.

3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Dựa trên kết quả nghiên cứu quá trình vận dụng giá trị hợp lý ở các quốc gia trên, tác giả đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cho việc vận dụng GTHL ở Việt Nam như sau:

Một là, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc áp dụng kế toán giá trị hợp lý tại các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các ngân hàng thương mại Việt Nam nói riêng. Muốn thế, cần xác định một lộ trình cho việc hội tụ với chuẩn mực kế toán quốc tế IAS/IFRS và xem đó là một hướng đi tất yếu. Trên cơ sở đó đề ra các bước đi cụ thể cho từng giai đoạn.

Hai là, lựa chọn thời điểm phù hợp để triển khai, khi đã có các yếu tố thời cơ như: sự đòi hỏi cấp thiết của nền kinh tế, sự thay đổi tư tưởng của các nhà lãnh đạo đất nước, áp lực của các cơ quan quốc tế, sự phát triển đến gần hoàn thiện của các chuẩn mực kế toán quốc tế, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật.

Ba là, quá trình tích lũy các yếu tố về môi trường kinh doanh, chính trị, văn hóa, nguồn nhân lực, phải song song với việc xây dựng một hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính mới trên cơ sở kế thừa những thành quả của hệ thống chuẩn mực hiện hành, phù hợp với các đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và hội tụ với chuẩn mực kế toán quốc tế.

Bốn là, bước đầu chỉ yêu cầu vận dụng đối với một nhóm hoặc toàn bộ các doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhằm đúc rút kinh nghiệm, các doanh nghiệp còn lại vẫn được vận dụng theo chuẩn mực kế toán hiện hành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tài chính, 2008. 26 Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (2001 - 2006), Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.

2. Hà Thị Ngọc Hà (2016), Cập nhật chuẩn mực kế toán Việt Nam phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế với việc góp phần tăng cường chất lượng báo cáo tài chính được kiểm toán.

3. Barlev, B., Haddad and J.R. (2003), ‘Fair value accounting and the management of the firm’, Critical Perspectives on Accounting, Vol. 14, No.4, pp. 383 - 415.

4. Danbolt, J., and W. Rees. (2008). An Experiment in Fair Value Accounting: UK Investment Vehicles. European Accounting Review, 17 (2), 271 - 303.

EXPERIENCES OF IMPLEMENTING FAIR VALUE

ACCOUNTING IN SOME COUNTRIES

AND LESSONS FOR VIETNAM

PhD. TRINH HONG HANH

Faculty of Banking, Banking Academy

ABSTRACT:

Fair value accounting has been used in many countries around the world via the application of International Financial Reporting Standards (IFRS) on fair value in different ways in order to promote its benefits for countries, regulators as well as investors. In Vietnam, the fair value accounting has been initially applied and for the first time, Law on Accounting (amended) passed by the National Assembly on November 20th, 2015 with provisions regulating the fair value accounting. It is important o study experiences of implementing fair value accounting from other countries in order to draw out valuable lessons in order to ensure the business and financial information of enterprises being provided in an honest, reasonable and transparent manner, increasing the effectiveness for information users.

Keywords: Fair value accounting, International Financial Reporting Standards.