Thất nghiệp lần đầu tiên trong đời
Dòng người chờ nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp kéo dài vòng quanh khu phố trong một khu dân cư cao cấp của thành phố Sydney, thủ phủ kinh tế của Australia và mọi người đứng cách xa nhau theo các quy tắc về giãn cách xã hội để phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Trong những người đang xếp hàng, có những nhân viên nhà hàng đeo khẩu trang y tế đã dành hàng chục năm làm việc trong các nhà hàng, một người nhập cư vốn đều đặn nhận được tiền lương và một người quản lý các địa điểm tổ chức sự kiện, đang đi đôi ủng trị giá 500 USD. Tất cả đều chưa bao giờ phải lo lắng về công việc kể từ những năm 1990 cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Australia.
Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, các hoạt động kinh tế tại Australia đã bị đình trệ khi nước này buộc phải đóng cửa biên giới, áp dụng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt và hạn chế di chuyển trong nội địa nước này nhằm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Cứ mỗi ngày lại có một sa thải nhân sự diện rộng diễn ra tại Australia. Flight Center, một hãng du lịch lớn, đã buộc phải cho 6.000 nhân sự nghỉ việc. Hai trong số các hãng bán lẻ lớn nhất của Australia cho biết việc phải đóng cửa các cửa hàng trong ít nhất 4 tuần khiến 15.000 nhân viên bị mất việc làm. Bên cạnh đó, hàng chục ngàn doanh nghiệp nhỏ tại Australia cũng buộc phải ngưng hoạt động vì đại dịch Covid-19. Rất nhiều người bị mất việc lần này tại Australia chưa bao giờ trải qua tình trạng thất nghiệp trong suốt sự nghiệp của mình.
“Trước đây tôi luôn cảm thấy rằng chỉ cần bạn làm việc chăm chỉ thì bạn sẽ có mọi thứ mình muốn. Nhưng bây giờ mọi thứ đều là điều không chắc chắn, mỗi ngày trôi qua, mọi việc đều trở nên tệ hơn”, bà Milena Molina, 45 tuổi, quản lý của một công ty luật – người lần đầu tiên trong sự nghiệp bị cho nghỉ việc, cho biết.
Website đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp của Australia đã bị sập khi có quá nhiều người đăng ký, trong khi băng thông của website được nâng lên gấp ba thì hàng trăm người đã xếp hàng từ đêm trước Centrelink – trung tâm điều phối các khoản trở cập của Chính phủ Australia.
Mạch tăng trưởng thần kỳ
Khi được hỏi liệu Australia đã rơi vào suy thoái kinh tế hay không, Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg chỉ trả lời ngắn gọn “Đúng” và cảnh báo đợt suy thoái này có thể sẽ rất tồi tệ.
Khủng hoảng kinh tế gần nhất mà Australia phải đối mặt diễn ra vào những năm 1990 – thời điểm những nền tảng trình duyệt Internet lần đầu tiên được phát hành ra công chúng. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã chấm dứt mạch tăng trưởng kinh tế kéo dài liên tục 29 năm của Australia – mạch tăng trưởng kinh tế dài nhất lịch sử của một nền kinh tế phát triển.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra tác động nghiêm trọng về kinh tế mà còn giáng một đòn tâm lý nặng nề lên người lao động Australia vốn chưa phải chứng kiến bất kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng nào trong suốt gần 3 thập kỷ trở lại đây. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Australia vốn được nâng đỡ nhờ gia tăng nhập cư, bùng nổ giao thương với Châu Á, đặc biệt là với Trung Quốc và chính sách tiền tệ thận trọng đã vượt qua các thử thách kinh tế nghiêm trọng của nền kinh tế toàn cầu trong suốt những năm vừa qua từ khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, bong bóng dotcom năm 2000 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Đại dịch Covid-19 đơn giản đã hạ gục tâm lý tự mãn của Australia và dội sự thật phũ phàng là mạch tăng trưởng thần kỳ của nước này đã chấm dứt. Các dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy tăng trưởng GDP quý 1/2020 của Australia đã giảm 0,3%, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo tăng trưởng GDP quý 2/2020 sẽ còn thấp hơn nhiều khi các tác động của đại dịch Covid-19 được phản ánh đầy đủ.
Ông Ben Udy, nhà kinh tế học về Australia và New Zealand tại hãng tư vấn kinh tế Capital Economics, nhận định GDP của Australia có thể “lao dốc” giảm đến 9% trong quý 2/2020.
Vận may không lặp lại
Trước khi đại dịch Covid-19 ập đến, chỉ có khoảng 700.000 người tại Australia phải dựa vào trợ cấp thất nghiệp nhưng số người thất nghiệp trong tháng 5/2020 được hãng nghiên cứu Roy Morgan ước tính đã đạt 2,09 triệu người, tương đương với tỷ lệ thất nghiệp 14,8%. Một số chuyên gia kinh tế lo ngại hệ thống phúc lợi của 30 triệu người dân Australia có thể không chống đỡ được với làn sóng thất nghiệp cao chưa từng có hiện nay.
Lần gần nhất đối mặt với các tác động nghiêm trọng kinh tế đến từ bên ngoài đối với Australia là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nhưng nền kinh tế nước này lại bất ngờ hưởng lợi từ việc Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế trị giá tới 4.000 tỷ Nhân dân tệ. Các biện pháp kích thích kinh tế trong đó tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng đã giúp hoạt động xuất khẩu than nhiệt lượng cao và quặng sắt của Australia phát triển nở rộ, tạo ra một giai đoạn bùng nổ đầu tư. Việc mở rộng quan hệ thương mại song phương đã dẫn đến thoả thuận thương mại giữa Trung Quốc và Australia vào năm 2015. Trung Quốc hiện là đối tác đầu tư lớn thứ hai của Australia
Tuy nhiên, vận may năm 2008 không lặp lại trong thời điểm hiện tại khi Trung Quốc không tung ra gói kích thích kinh tế nào nhằm đối phó các tác động của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đang rơi xuống mức thấp nhất sau khi Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt bò và áp thuế chống bán phá giá ở mức cao đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia nhằm “cảnh báo” việc Australia đòi mở điều tra quốc tế về đại dịch Covid-19 và trách nhiệm của Trung Quốc trong sự bùng phát của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc vốn đã đầu tư mạnh mẽ vào Australia trong suốt thời gian qua đang ngày càng nghi ngại hơn về việc kinh doanh tại đây sau khi Australia siết chặc các quy định về đầu tư, nhắm đến Trung Quốc nhằm kiểm soát các tác động do Trung Quốc gây ra khi đổ tiền vào các lĩnh vực trọng yếu của Australia.
Trong dòng người đứng chờ nhận trợ cấp tại khu dân cư phía Đông Sydney, ông Mattia Dicati, 34 tuổi, người từng làm việc cho một nhà hàng cao cấp, tỏ ra lo lắng tương lai sẽ khó có thể kiếm được các công việc có mức lương tốt như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Ông Damien Gibbons, 43 tuổi, quản lý một câu lạc bộ, cũng cho biết “Tôi chỉ biết sống qua ngày. Trong 27 năm làm việc vừa qua, tôi chưa từng cần nhận được sự giúp đỡ”.